Để sử dụng, người dùng tải ứng dụng BusMap trên iOS hoặc Android. Khi chọn khu vực Hà Nội, ứng dụng đề xuất tải về dữ liệu bản đồ của khu vực này. Trong bản mới nhất, dữ liệu có thêm lựa chọn di chuyển bằng tàu điện Metro 2A: Cát Linh – Hà Đông.
Khi nhập điểm đến và điểm đi, ứng dụng đưa ra một số phương án di chuyển để người dùng so sánh. Nếu có lộ trình phù hợp với việc đi bằng đường sắt trên cao, BusMap sẽ đề xuất sử dụng phương tiện này, cùng với thời gian và chi phí dự kiến
Người dùng có thêm lựa chọn di chuyển bằng Metro khi tìm đường trên BusMap
Do các phương tiện công cộng như tàu điện, xe buýt có điểm dừng đỗ cố định và có thể không gần điểm đi/đến của người dùng, ứng dụng cũng gợi ý cả cách di chuyển ra các điểm này, như đi bộ, đi xe buýt nối tuyến, hoặc gọi dịch vụ đặt xe.
Ví dụ, nếu có nhu cầu đi từ Duy Tân (Cầu Giấy) ra Yên Nghĩa (Hà Đông) bằng tàu điện, ứng dụng sẽ hướng dẫn như sau: đi bộ 400 mét ra trạm dừng xe buýt gần nhất, từ đó đi xe buýt số 05 đến ga Vành đai 3 để lên tàu điện và di chuyển đến ga Yên Nghĩa. Tại ga Yên Nghĩa, người dùng có thể đặt Grab để tới nơi cần đến.
Mỗi lộ trình đều được hiển thị trực quan trên bản đồ, kèm theo các thông tin về quãng đường, trạm dừng, thời gian và chi phí ước tính. Ngoài ra, ứng dụng cũng đưa ra các phương án khác, như xe buýt hoặc buýt nhanh BRT nếu muốn giảm thời gian hoặc quãng đường đi bộ.
Ứng dụng hiển thị thời gian, chi phí và các trạm dừng
Theo ông Lê Anh Sơn, đơn vị phát triển BusMap, một trong những khó khăn ban đầu của người dùng khi đi tàu điện nói riêng và phương tiện công cộng nói chung là không biết phải di chuyển như thế nào, xuống ga nào để đến đúng nơi mong muốn với thời gian và chi phí tối ưu. “App sẽ giúp tính toán các yếu tố này và đưa ra các lựa chọn một cách nhanh chóng”, ông Sơn nói.
Theo nhà phát triển, lộ trình của BusMap dựa trên ba yếu tố là sự tiện lợi khi sử dụng phương tiện, tối ưu hoá về mặt thời gian và khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện công cộng. Vì vậy, các gợi ý thường xoay quanh các phương tiện như tàu điện, xe buýt, buýt nhanh.
Ông Sơn cũng cho biết thời gian tới, ứng dụng sẽ bổ sung lựa chọn di chuyển kết hợp với phương tiện cá nhân, để người dùng có thể đi xe và gửi ở ga (nếu có chỗ gửi), sau đó di chuyển tiếp bằng tàu điện.
BusMap được phát hành từ năm 2014, được coi là giải pháp phương tiện công cộng thông minh tại các thành phố Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Trên Play Store, ứng dụng ghi nhận hơn một triệu lượt tải. Nhà phát triển BusMap là Phenikaa Mass cũng từng là đơn vị cung cấp miễn phí bản đồ Covid-19 cho nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Ngoài BusMap, ứng dụng khác là Google Maps cũng hỗ trợ người dùng trong việc đưa ra các phương án di chuyển với phương tiện phương tiện công cộng, như xe buýt, buýt nhanh. Tuy nhiên, hệ thống của Google chưa có lựa chọn đi bằng tàu điện trên cao tại Việt Nam.
(Theo vnexpress)