- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Theo bảng xếp hạng RePEc Việt Nam được công bố vào cuối tháng 3/2019, Trường Đại học PHENIKAA đứng thứ 5 toàn quốc về đóng góp trong nghiên cứu kinh tế – xã hội.
Dẫn đầu các tổ chức nghiên cứu kinh tế – xã hội ở Việt Nam là Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI). Bốn đơn vị tiếp theo lần lượt là Trường Đại học Ngoại thương, Viện Chính sách công và Quản lý (IPPM) của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Khoa Kinh doanh và Quản trị thuộc Trường Đại học RMIT Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành – ISR thuộc Trường Đại học PHENIKAA.
Để có mặt trong top trên của bảng xếp hạng này, các đơn vị phải cạnh tranh trên các tiêu chí định lượng như số lượng bài báo khoa học/nghiên cứu, số lần được các bài báo và tạp chí khoa học khác trích dẫn, mức độ ảnh hưởng…
Được thành lập vào năm 2017, sau hơn 2 năm hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành – ISR, Trường Đại học PHENIKAA đã đạt được nhiều thành tựu với gần 40 nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín cùng nhiều tác phẩm nghiên cứu xã hội và nhân văn có đóng góp quan trọng cho KHXH&NV Việt Nam.
Vị trí thứ 5 toàn quốc về đóng góp nghiên cứu kinh tế – xã hội phản ánh những nỗ lực không ngừng của Trung tâm ISR trong thời gian qua. Đặc biệt thứ hạng này còn xếp trên một số trường đại học kinh tế thuộc các đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế.
RePEc (Research Papers in Economics) là cơ sở dữ liệu ngành kinh tế – quản trị có lịch sử thuộc loại sớm nhất thế giới (ra đời năm 1993 với tên gọi NetEc và chính thức mang tên RePEc từ năm 1997). RePEc được Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) St. Louis (tức là Ngân hàng trung ương Mỹ) bảo trợ và vận hành. Ngoài việc công bố xếp hạng theo đơn vị nghiên cứu, hàng tháng RePEc còn công bố các xếp hạng tác giả. Về phạm vi xếp hạng, ngoài bảng xếp hạng tổng thể toàn thế giới, RePEc còn có các xếp hạng theo khu vực, quốc gia, giới tính, độ tuổi…