- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Sáng ngày 15/03/2025, tại Tọa đàm “Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Xung lực từ Nghị quyết 57” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa đã có nhiều chia sẻ quan trọng về vai trò của các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Không gian buổi Tọa đàm “Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Xung lực từ Nghị quyết 57”
Tọa đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia, lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như: TS. Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội; PGS.TS Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông; TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT; ông Nguyễn Thế Hùng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (Vinades).
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xác định là “kim chỉ nam” cho đào tạo, tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao.
Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xác định là “kim chỉ nam” cho đào tạo
Tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh chia sẻ, Nghị quyết 57 đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trường Đại học Phenikaa xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khuyến khích các nhà khoa học, sinh viên học tập, đào tạo và nghiên cứu. Theo đó, Nhà trường đã áp dụng mô hình “3 nhà” trong môi trường đào tạo, bao gồm: nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và nhà kinh doanh. Mô hình này tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ và khuyến khích các nhà khoa học, sinh viên học tập, đào tạo và nghiên cứu.
“Nhà giáo dục là những nhà giáo đang tham gia giảng dạy, nhà nghiên cứu là nơi tập trung các thầy cô giáo có chuyên môn giỏi, còn nhà kinh doanh là các nhà máy, các bệnh viện,” PGS.TS. Khánh giải thích. Với yếu tố “công nghệ dẫn dắt” là một lợi thế, hiện tại, Trường Đại học Phenikaa đang có 6 đơn vị khởi nghiệp (start-up) với sự tham gia của cả 3 nhà, tạo ra môi trường trải nghiệm phong phú cho sinh viên và các nhà nghiên cứu.
PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh chia sẻ, Nghị quyết 57 đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trường Đại học Phenikaa xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khuyến khích các nhà khoa học, sinh viên học tập, đào tạo và nghiên cứu.
PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối giữa Nhà trường với doanh nghiệp trong việc ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu vào thực tiễn. Điều này không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà còn tạo ra thu nhập và cảm hứng cho các giảng viên tham gia nghiên cứu. “Nghị quyết 57 đã khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ startup để Nhà trường có thể nuôi dưỡng được quá trình nghiên cứu, tạo được đầu ra,” PGS.TS. Khánh chia sẻ.
Một điểm đáng chú ý trong chia sẻ của PGS.TS. Khánh là chiến lược đào tạo sớm để giúp học sinh có ý thức về sử dụng công nghệ ngay từ khi còn đang đi học. Trường Đại học Phenikaa đã phát triển các đội ngũ tiếp cận tới các trường trung học cơ sở, trường phổ thông để học sinh có thể tiếp cận AI từ sớm và được hỗ trợ trong quá trình học tập, làm việc trong tương lai.
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, Thầy Phó Hiệu trưởng đã đưa ra một số kiến nghị về chính sách hỗ trợ cho các trường tư thục, cụ thể: cần có chính sách rõ nét hơn về việc nhà nước đầu tư và đồng hành với khối giáo dục tư thục; nhà nước nên có nhiều chính sách để khơi dậy sự sáng tạo trong sinh viên và đầu tư hệ thống máy chủ, hỗ trợ cho các trường đại học; giao quyền tự chủ cho các đơn vị tư nhân để khuyến khích sự tham gia vào các đề tài khoa học; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sử dụng sản phẩm Việt Nam để tăng cường tiềm lực và đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu.
Với mong muốn làm rõ ý nghĩa, tác động của Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết 193/2025/QH15 đối với việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, tọa đàm đã tạo diễn đàn quan trọng để các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trao đổi và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao trong thời gian tới.