Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Tuesday, 10/09/24

Những câu chuyện về người Phenikaa

Có những con đường đi qua không nhớ nổi tên, nhưng có những hành trình không bao giờ phai nhạt trong cuộc đời mỗi người bởi trên hành trình đó có những người đồng hành, những người tri kỷ. Hơn ba năm làm việc tại Tập đoàn tôi có nhiều cơ hội để tiếp xúc với nhiều thành viên Phenikaa ở các lĩnh vực khác nhau. Mỗi người mỗi tính cách, mỗi phương pháp làm việc riêng, nhưng tựu chung lại họ đều mang trong mình những nét đặc trưng văn hóa Phenikaa – Văn hóa của một Tập đoàn kinh doanh có ý thức.

Trách nhiệm và Nỗ lực không ngừng để chinh phục thử thách

Tôi đã từng nghe kể và được chứng kiến những người kỹ sư Phenikaa đầy trách nhiệm, nỗ lực, dám nghĩ, dám làm để chinh phục thử thách. Đó là câu chuyện về chàng kỹ sư Hà Duyên Tuấn và Phan Thành Nam với cái “duyên” trong việc thiết kế, lắp đặt, vận hành lò dưỡng hộ Dự án giai đoạn 2 Nhà máy Phenikaa. Hai bạn đều chưa có kinh nghiệm trong việc vận hành cũng như thiết kế thiết bị tương tự tại Tập đoàn nhưng đều có chung bản lĩnh của tuổi trẻ: Nỗ lực không ngừng và dám nghĩa, dám làm. Khi giao nhiệm vụ này cho hai anh, Lãnh đạo Tập đoàn cũng rất lo lắng vì đây là hạng mục khó nhất, phức tạp nhất, từ trước đến nay chưa nhà máy nào trong Tập đoàn tự thiết kế, chế tạo.

Kỹ sư Hà Duyên Tuấn được giao nhiệm vụ thiết kế lò dưỡng hộ. Các anh em kỹ thuật Nhà máy vẫn thường nói với nhau rằng: “Cậu ấy rất bản lĩnh khi dám nhận nhiệm vụ đầy thách thức này”. Quá trình thiết kế mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn, đôi lúc có những chi tiết tưởng chừng như đã khá bế tắc nhưng bằng sự nỗ lực, nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng với sự đoàn kết của cả nhóm, Tuấn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Lò dưỡng hộ được thiết kế trên bản vẽ 3D, dễ dàng xem được chu trình hoạt động và chuyển sang bản vẽ thiết kế chế tạo. Mọi nghi ngờ, lo lắng đâu đó vẫn còn vì mới là phần đầu của dự án nhưng thực sự các thành viên trong nhóm dự án đều thầm cảm phục cậu ấy – một người trẻ dám đương đầu với thử thách. Mặc dù không theo dự án đến cùng do được điều động vào dự án nhà máy Huế, Tuấn vẫn là người góp công rất lớn trong việc thiết kế, tạo ra bước đầu thuận lợi cho cả dự án.

Tuy nhiên, để thiết bị hoạt động theo mong muốn, thiết bị cần có “phần hồn”, đó là thiết lập chương trình điều khiển cho thiết bị. Lần này, người được tham gia dự án quan trọng cũng là một kỹ sư rất trẻ của Phenikaa – anh Phan Thành Nam. Với mái tóc xoăn, cặp kính cận và gương mặt thông minh, Nam để lại ấn tượng về một con người làm việc chắc chắn, cẩn thận và rất hiểu biết về lĩnh vực của mình. Bất cứ ai khi chứng kiến Nam trong công việc đều nhận thấy ở Nam niềm say mê, tinh thần trách nhiệm để biến những “khối thép cục mịch” có thể hoạt động trơn tru theo chương trình đã được lập trình. Từ một kỹ sư chưa “biết gì” về lò dưỡng hộ hay dây chuyền, Nam đã chứng tỏ bản lĩnh của mình khi dần dần từng bước sửa những lỗi nhỏ nhất cũng như hiểu biết hết mọi ngóc ngách trong chương trình vận hành của lò dưỡng hộ mới, dễ dàng làm chủ thiết bị. Và cũng chính Nam là người đào tạo, chuyển giao việc vận hành lò dưỡng hộ cho các kỹ sư khác của Nhà máy.

Câu chuyện về hai kỹ sư Hà Duyên Tuấn và Phan Thành Nam là đại diện cho rất nhiều người trẻ khác tại Phenikaa đang nỗ lực không ngừng để chinh phục thử thách bằng sự tự tin, bản lĩnh và trí tuệ của mình. Họ chính là những người truyền cảm hứng, tạo động lực cho những thành viên khác trong đại gia đình Phenikaa.

Đổi mới sáng tạo để theo đuổi đam mê

Tôi được gặp Anh Lê Yên Thanh – Tổng Giám đốc Phenikaa MaaS tại Hội thảo quốc tế “Công nghệ tự hành và Giao thông thông minh” của Phenikaa và thực sự ấn tượng về một CEO với đôi mắt sáng cùng gương mặt dễ mến. Anh là một trong những gương mặt trẻ của Việt Nam đã khởi nghiệp thành công với giải pháp BusMap – Nền tảng ứng dụng miễn phí hỗ trợ cho người đi xe buýt tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Sau khi trở thành thành viên của Tập đoàn Phenikaa, với những điều kiện và động lực do Tập đoàn cung cấp, anh Thanh tiếp tục hành trình hiện thực khát vọng của mình nhằm mang tới những sản phẩm công nghệ phục vụ nhu cầu xã hội.

Giữa tháng 7 năm 2020, thành phố Đà Nẵng phải gồng mình chống chọi với đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Luôn trăn trở làm thế nào người dân có thể biết được mình đã đi vào vùng dịch, Anh Lê Yên Thanh đã cùng các nhân sự của Phenikaa MaaS – Đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Phenikaa triển khai bản đồ dịch tễ bệnh nhân Covid-19 (Covidmaps) trên nền tảng công nghệ lõi về bản đồ và di chuyển thông minh để giúp người dân theo dõi lịch sử di chuyển của các F0, F1… Tuy nhiên, các thông tin dịch tễ, lịch sử di chuyển của các ca bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng ngày càng nhiều. Với giải pháp công nghệ ban đầu được phát triển cấp bách để hỗ trợ khẩn cho vùng dịch, các dữ liệu được cập nhật đến người dân tuy cụ thể, thường xuyên nhưng vẫn rời rạc, vì vậy gây nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ và tìm kiếm các địa điểm. Với tinh thần sáng tạo, trách nhiệm vì cộng đồng và sự tận tụy, nỗ lực ngày đêm của anh Lê Yên Thanh cùng các anh em Phenikaa MaaS, Covidmaps đã được cập nhật chính xác và đầy đủ thông tin, tính năng cần thiết phục vụ người dân. Với những hiệu quả mang lại, bản đồ dịch tễ Covid-19 tiếp tục được sử dụng tại các “điểm nóng” như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… BusMap, Covidmaps hay các sản phẩm công nghệ mà anh Lê Yên Thanh cùng đội ngũ Phenikaa MaaS đã và đang sáng tạo và phát triển để phục vụ cộng đồng là những minh chứng về hình ảnh người Phenikaa luôn đổi mới sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận thử thách, đam mê và kiên định theo đuổi mục tiêu và khát vọng chinh phục đỉnh cao khoa học.

Cùng chung tinh thần sẵn sàng chấp nhận thách thức để hiện thực đam mê, Tiến sỹ Trần Quốc Quân –  Thành viên của Viện Nghiên cứu tiên tiến Phenikaa (PIAS) là một trong 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam năm 2020 được Tạp chí Forbes công bố. Đến nay, anh đã có “lưng vốn” đáng nể là hơn 30 bài báo quốc tế (trong đó 90% là tạp chí Q1). Quyết định chuyển về trường Đại học Phenikaa, anh mong muốn được hiện thực ước mơ xây dựng nhóm nghiên cứu độc lập để tiếp tục theo đuổi các hướng nghiên cứu liên quan đến vật liệu và kết cấu tiên tiến như vật liệu composite 3 pha, vật liệu auxetic, vật liệu FGM… Theo chia sẻ của Anh, dù là một môi trường mới được tạo dựng nhưng trường Đại học Phenikaa lại có nhiều cơ chế linh hoạt, cởi mở trong đầu tư và đánh giá nghiên cứu nên có thể khuyến khích được những người trẻ như anh thực hiện nghiên cứu độc lập cũng như điều kiện gây dựng nhóm nghiên cứu tiềm năng. Với những điều kiện này, TS. Trần Quốc Quân đã đặt ra mục tiêu công bố khoảng 5-6 bài mỗi năm – con số mà anh thừa nhận “không dễ để duy trì” với nguồn nhân lực bước đầu anh có trong tay. Để đạt mục tiêu đặt ra, anh không chỉ theo dõi các nghiên cứu của các nhà khoa học trong ngành mà còn phải quan tâm cả những ngành khác để biết đang có những vấn đề nào được quan tâm hay liên hệ với các công ty, viện nghiên cứu để hợp tác cùng nghiên cứu các bài toán của thực tế. TS. Trần Quốc Quân đã mở rộng hợp tác với các nhà khoa học khác cùng thực hiện nghiên cứu về pin năng lượng mặt trời với sự tài trợ của Quỹ NAFOSTED “Nghiên cứu ổn định tĩnh và đáp ứng động lực phi tuyến của các kết cấu pin mặt trời nanocomposite nhiều lớp thế hệ mới”, để “tìm ra vật liệu và kết cấu phù hợp nhất có thể nâng cao hiệu suất hoạt động của pin. Theo nhận định của anh: “Đây là một vấn đề thách thức nhưng rất thú vị”.

Những con người như anh Lê Yên Thanh và TS. Trần Quốc Quân mang trong mình “DNA” của người Phenikaa, luôn khát khao sáng tạo và khám phá, nghiên cứu phát triển và ứng dụng thành công các giải pháp công nghệ thông minh, chinh phục và sở hữu các công nghệ lõi mang trí tuệ Việt, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống, đem lại sự thuận tiện, an toàn cho cộng đồng và sự phát triển bền vững cho xã hội.

Luôn đong đầy tình người và lòng trắc ẩn

Rời khỏi guồng quay trong công việc, ẩn sâu nơi tâm hồn mỗi người Phenikaa là tình đời, tình người và lòng trắc ẩn. Ngày tôi mới bước chân vào Tập đoàn, khi đó Công đoàn phát động phát động chương trình ủng hộ cho anh công nhân đang công tác tại Tập đoàn mắc bệnh hiểm nghèo bị bệnh viện trả về. Anh bị khối u lớn chèn vào thùy não, tình hình rất nguy kịch. Gia đình đưa anh đi điều trị gần 2 tháng trong viện nhưng không có tiến triển tích cực. Các bác sỹ yêu cầu phải mổ não cho anh sớm mới có thể cứu được. Lo anh sức khỏe yếu không qua khỏi cơn phẫu thuật mà nếu mổ thì chi phí quá lớn nên gia đình xin cho anh được về nhà. Bằng tấm lòng nhân ái và đoàn kết, chỉ sau một tuần phát động, Ban chấp hành Công đoàn đã nhận được số tiền ủng hộ gần 100 triệu từ các thành viên Phenikaa, gần đủ cho anh có thể tiếp tục điều trị. Tôi thực sự cảm thấy vừa xúc động, vừa bất ngờ bởi tình đồng nghiệp nơi Phenikaa – Những con người không chung huyết thống nhưng đầy tình yêu thương.

Đến bây giờ, khi đã là thành viên của đại gia đình Phenikaa hơn 3 năm, tôi hiểu rằng lòng nhân ái là đặc trưng văn hóa của người Phenikaa đã được nuôi dưỡng trong suốt hành trình xây dựng và phát triển. Mỗi năm trôi qua, Phenikaa vẫn đang tiếp tục đóng góp vào các hoạt động thiện nguyện trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đó cũng chính là điều khiến tôi cảm thấy gắn bó hơn và yêu Phenikaa hơn. Từng chiếc chăn, từng chiếc áo ấm được lựa chọn cẩn thận chứa đựng tấm lòng của mỗi thành viên Phenikaa được trao đến cho những mảnh đời kém may mắn. Những phòng học khang trang được dựng lên giữa núi rừng Tây Bắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em học sinh vùng cao trên hành trình đi tìm con chữ. Những hành động thiết thực được xuất phát từ chính văn hóa nhân văn và trí tuệ của người Phenikaa trong công cuộc chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19… Tôi thấy mình thật may mắn khi được đồng hành trên những chặng đường cùng những thành viên mang trong mình thiện tâm và trái tim ấm áp của đại gia đình Phenikaa. Và… những câu chuyện mang đậm tính nhân văn sẽ luôn được viết tiếp bởi những người Phenikaa trên mọi hành trình.

Từng ngày, từng ngày, những câu chuyện, những con người mang đậm nét văn hóa Phenikaa sẽ là nguồn cảm hứng vô tận đối với mỗi người Phenikaa. Nguồn cảm hứng ấy chính là “lửa” – ngọn lửa của nhiệt huyết và tình yêu thương không điều kiện, được truyền từ người này sang người khác. Và mỗi người Phenikaa là một người truyền lửa, để rồi tất cả cùng nhau đoàn kết, gắn bó, coi Phenikaa như một mái ấm để đi về, như gia đình thứ hai của mình để sẵn sàng cống hiến và hiện thực khát vọng.

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

Công đoàn Tập đoàn Phenikaa trao tặng tiền ủng hộ hơn 180 triệu đồng cho gia đình anh Nguyễn Quang Huy – Nhà máy Hóa Chất Phenikaa
  Chiều nay, ngày 9/5/2023, ông Nguyễn Ngọc Vinh – Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn, Chị Hà Thu Hường…
Cuốn sách anh/chị yêu thích hoặc làm thay đổi nhận thức của anh/chị là cuốn sách nào?
Mỗi cuốn sách lại mở ra một trang mới với những điều kì diệu của cuộc sống. Dưới đây là…
Cô Nguyễn Thu Biên – Người dẫn đường truyền cảm hứng
Cô Nguyễn Thu Biên – Phó Giám đốc Phenikaa School, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phenikaa là nữ lãnh đạo…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa