Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Saturday, 20/04/24

Học sinh có ý định chuyển đổi môn học lựa chọn ở lớp 10 cần lưu ý gì?

Sau một học kỳ học theo chương trình mới với tổ hợp các môn lựa chọn, nhiều em học sinh lớp 10 muốn thay đổi tổ hợp do cảm thấy không còn phù hợp. Việc chuyển đổi là điều các thầy cô không khuyến khích, bởi điều đó có thể ảnh hưởng cả lộ trình học và ôn thi vào đại học.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên học sinh lớp 10 trên cả nước học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các em phải học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Cùng với đó, mỗi học sinh phải chọn 3 trong số 9 môn tự chọn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc. Trong khi năm lớp 9 học sinh thường học 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để thi tuyển sinh vào lớp 10, nhiều em vẫn chưa có ý thức định hướng nghề nghiệp nên gặp nhiều bối rối trong lựa chọn tổ hợp môn theo khối thi đại học. Tương tự, học sinh có nhu cầu chuyển trường cũng gặp khó khăn khi trường mới không có tổ hợp trùng với tổ hợp môn đã lựa chọn.

Tại Trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội), thầy Trịnh Hùng Sơn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Kết thúc học kỳ 1 có khoảng 10-15% học sinh của trường muốn thay đổi tổ hợp môn. Dù nhà trường đã lường trước nhưng con số này vẫn khá lớn do năm nay chia tổ hợp có nhiều sự khác biệt. Hơn nữa, phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 vẫn chưa được Bộ GD&ĐT công bố nên học sinh có nhiều băn khoăn, muốn chuyển tổ hợp môn là điều dễ hiểu. Việc chuyển đổi giữa các tổ hợp lựa chọn sẽ khiến học sinh rất vất vả bởi có những tổ hợp đòi hỏi phải có chiều sâu, nền tảng kiến thức từ trước”.

Học sinh lớp 10 có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó.

Việc lựa chọn môn học nhằm đáp ứng năng lực, sở trường của học sinh. Tuy nhiên, một bộ phận học sinh vì nhiều lý do mong muốn đổi là nguyện vọng chính đáng. Song việc đổi tổ hợp môn lựa chọn là điều các thầy, cô không khuyến khích, bởi một khi đã thay đổi, các em sẽ phải học lại từ đầu, đi chậm hơn những bạn đã theo học trước nên cần nhiều thời gian để học bù kiến thức thiếu hụt. Điều đó có thể ảnh hưởng cả lộ trình học và ôn thi vào đại học. Học sinh cần chủ động và chắc chắn trong các phương án lựa chọn, tránh những lựa chọn cảm tính và nhất thời.

Nhằm đáp ứng nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, Bộ GD&ĐT cho phép học sinh được chuyển môn học lựa chọn vào cuối năm học. Bộ GD&ĐT lý giải, việc chuyển môn học lựa chọn vào thời điểm này nhằm bảo đảm quy định về kiểm tra, đánh giá. Học sinh cần hoàn thành chương trình môn trong cả năm học mới đủ điều kiện để lên lớp. Bên cạnh đó, sau khi hoàn thành năm học, học sinh có thời gian bổ sung kiến thức, kỹ năng cho môn học mới trong thời gian nghỉ hè, từ đó sẽ học tốt môn học mới khi lên lớp học trên.

Bộ GD&ĐT lưu ý, quy định chuyển đổi môn học vào cuối năm học có nghĩa là vào thời điểm đó học sinh mới bắt đầu bù đắp kiến thức môn học mới (nếu muốn xin đổi). Việc chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng cho môn học mới cần được học sinh chủ động lên kế hoạch thực hiện ngay khi có ý định chuyển đổi.

Theo cô Đoàn Thu Hà – Phó hiệu trưởng Trường THCS, THPT Phenikaa (Hà Nội), quy định thời điểm chuyển môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập vào cuối năm học vừa có điểm thuận lợi, vừa có khó khăn. Thuận lợi vì học sinh có cả đợt hè để đẩy mạnh việc học và hoàn thành kiến thức môn lựa chọn. Nhưng khó khăn ở chỗ sau 1 năm không học, việc dồn tụ lượng kiến thức của môn học sẽ có khó khăn cho học sinh và giáo viên dạy sau này.

Cô Hà cho biết: “Rất may mắn Trường THCS – THPT Phenikaa chưa có học sinh nào có nguyện vọng đổi môn học, chuyên đề học tập nhưng nhà trường đã chuẩn bị mọi tình huống. Trường sẵn sàng tiếp nhận học sinh chuyển đến trên cơ sở học lực của các em, sự đồng hành của gia đình. Trường cũng sẽ cử giáo viên hỗ trợ về tài liệu, định hướng học tập, học trực tuyến một số buổi trong giai đoạn nghỉ hè”.

Học sinh phải viết cam kết

Trong nội dung hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, chuyên đề học tập cấp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa được Bộ GD&ĐT ban hành, học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ). Đây là điều kiện để học sinh đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Nhà trường phải có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới. Đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự học của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học. Yêu cầu này là để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Nguồn: phapluat.suckhoedoisong.vn

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

Những kiến thức trọng tâm phần hình học
Để làm tốt bài thi trong phần hình học ngoài nắm chắc lý thuyết, thí sinh cần làm nhiều bài…
Ba tiêu chí giúp học sinh tăng cảm hứng học tập
Khơi mở óc sáng tạo, tôn trọng cảm xúc, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, là cách thầy cô tăng…
PHENIKAA SCHOOL – MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC TRUYỀN CẢM HỨNG SÁNG TẠO HÀNG ĐẦU HÀ NỘI
Mang thông điệp “ngôi trường truyền cảm hứng”, Phenikaa School đã và đang đem đến môi trường học tập, chương…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa