- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
“Người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng là Neil Amstrong. Vậy người thứ hai là ai? Không ai biết và chẳng ai muốn biết. Nếu anh không đứng đầu thì chẳng có ý nghĩa gì cả.” – Virus
Đây là một câu nói trong bộ phim Ba Chàng Ngốc. Khi xem tới đây mình như bị cuốn vào màn hình vì thấy bản thân trong đó. Thật sự mình chưa từng biết hoặc có ý định tìm hiểu về các phi hành gia khác trên tàu Apollo 11.
Những năm 20 tuổi, mình đã nghĩ rằng cuộc sống là một cuộc tranh đua, nơi mình phải luôn ở vị trí hàng đầu để thành công, dù bằng cách nào đi nữa. Đó là cách mình chơi game, học ở trường đại học, và lựa chọn một công việc hoàn toàn mới để đi tiên phong.
Bước qua tuổi 30, chính niềm tin này lại khiến mình burn-out, làm mình sinh ra nhiều tính cách tiêu cực, để rồi nhận về những bài học đắt giá.
Mình kể điều này để bạn thấy rằng, có nhiều quan niệm được tạo ra thông qua những câu chuyện truyền cảm hứng, và sau đó hình thành vững chắc trong tâm lý của chúng ta. Tuy nhiên, tới một thời điểm nào đó, chúng có thể không còn phù hợp để giúp ta đạt được những kết quả mong muốn.
Đó là khi ta cần học cách “unlearn”, như phải đổ đi nước đầy đã cũ mới có thể rót thêm nước mới vào ly. Điều này cũng đúng ở cả khía cạnh kiến thức, thông tin trong thời đại mà chỉ vài ba năm thôi mọi thứ đã thay đổi rất nhiều.
Bài viết này xin chia sẻ những kinh nghiệm trong hành trình unlearn nhiều thứ…
Học – “Gỡ học” – Học lại là quá trình thu thập, áp dụng kiến thức, loại bỏ những thông tin lỗi thời và tiếp tục cập nhật lại mọi thứ.
Quá trình này liên tục lặp lại giúp chúng ta điều chỉnh và thích nghi với sự thay đổi của hoàn cảnh. Chẳng hạn, khi chuyển từ cấp 3 lên đại học, chúng ta phải từ bỏ cách học dưới sự hỗ trợ và giám sát chặt chẽ từ giáo viên và phụ huynh, để học lại cách tự quản lý việc học tập có độ độc lập cao hơn.
Hay như khi chuyển từ Huế đến Sài Gòn, mình phải từ bỏ giọng địa phương để học lại giọng mới, với mong muốn hòa mình vào môi trường mới và giao tiếp tốt hơn.
Về mặt sinh học, quá trình này vẫn đang diễn ra mỗi khi môi trường sống của chúng ta thay đổi.
Mình nghĩ rằng, nếu chúng ta có thể kiểm soát quá trình này, chúng ta có thể kiểm soát được cuộc sống của mình và điều chỉnh theo hướng mà chúng ta mong muốn.
Bài viết này sẽ tập trung vào unlearn, vì mình tin rằng bạn đã có rất nhiều kiến thức về việc học.
Bạn hãy thử tham khảo những dấu hiệu này trong cuộc sống lẫn công việc, để có thêm thông tin quyết định khi nào nên bắt đầu unlearn điều gì đó.
1. Khi ngữ cảnh hoặc môi trường thay đổi. Dự án bạn đang phụ trách có sự điều chỉnh về yêu cầu? Lúc này, chúng ta cần xem xét lại ảnh hưởng của sự thay đổi này đối với kết quả dự kiến và độ chi tiết của nó, từ đó tìm ra cách tiếp cận mới phù hợp hơn. Niềm tin rằng “phương pháp cũ vẫn sẽ hiệu quả” là điều cần unlearn.
2. Khi có bằng chứng mâu thuẫn. Đây là một sự thật mới xuất hiện và nó mâu thuẫn với những gì bạn từng tin tưởng. Ví dụ, xã hội từng cho rằng những người xấu thường có nhiều hình xăm trên người, nhưng khi bạn tiếp xúc với nhiều người khác nhau, bạn nhận ra không phải ai cũng như vậy.
3. Khi kết quả không như mong đợi. Mặc dù phương pháp và kỹ thuật đó đã được người đi trước uy tín hướng dẫn, nhưng khi áp dụng lại không thành công. Lúc này, ta cần hiểu rằng phương pháp đó có thể không sai, chỉ là nó không phù hợp với ngữ cảnh hiện tại. Ta cần unlearn để thử nghiệm các phương pháp khác.
4. Khi thông tin đã trở nên lỗi thời. Hoặc khi kiến thức hoặc kỹ năng của bạn trở nên lỗi thời hoặc không phù hợp với thực tế hiện tại. Ngày xưa mình từng học Corel (một công cụ để vẽ vector tương tự Adobe Illustration) nhưng bây giờ nó đã không còn hữu dụng.
5. Khi bạn nhận được phản hồi từ người khác. Phản hồi từ những người xung quanh, như đồng nghiệp, bạn bè hoặc cấp trên, cho thấy kiến thức hoặc phương pháp hiện tại của bạn cần được đánh giá lại hoặc thay đổi.
Trước đây mình hay nói chuyện cao giọng ở cuối câu. Nhận được nhiều góp ý rằng điều đó có thể khiến cho người nghe cảm giác bị phê phán, khinh thường, và mình thì không muốn bị hiểu lầm, nên bản thân đã unlearn thói quen cao giọng này.
6. Khi tiếp nhận quan điểm mới, và được thuyết phục. Đọc sách nhiều, đi xa nhiều hơn giúp mình thường xuyên được Unlearn theo cách này. Gần đây nhất một trong các niềm tin lớn bị thay đổi chuyển từ “nhân chi sơ, tính bản ác” sang “nhân chi sơ, tính bản thiện” nhờ cuốn sách Nhân loại – Một lịch sử tràn đầy hy vọng của tác giả Rutger Bregman.
Bản thân mình luôn tin vào việc bắt đầu với tư duy trước, còn các phương pháp thì chắc rằng các bạn google sẽ có nhiều thông tin hơn.
Đây là những tư duy mà mình nghĩ nó rất hữu ích khi cần unlearn điều gì đó:
1. Khiêm tốn trong việc nhận thức. Đây còn được gọi là “tư duy của người mới học” (beginner’s mindset). Hãy luôn coi mình như một người mới học, chưa hoàn toàn hiểu biết về mọi thứ. Người có tư duy này không ngại thất bại và chấp nhận việc gặp khó khăn và mắc lỗi là một phần tự nhiên của quá trình học và phát triển.
2. Dũng cảm trong việc nhận thức. Đây là sự sẵn lòng thách thức những quan điểm hiện tại, luôn sẵn lòng chấp nhận rằng những quan niệm đó có thể không đúng và mở lòng đón nhận thông tin mới, dù có thể trái ngược hoàn toàn với quan điểm hiện tại.
Việc xây dựng tư duy này có thể gây khó khăn cho bạn, vì chúng ta thường mắc phải thiên kiến xác nhận (confirmation bias), luôn muốn tìm kiếm những thông tin xác nhận quan điểm hiện tại của mình.
3. Đặt mục tiêu rõ ràng. Bạn cần xác định mục tiêu cụ thể để biết điều gì cần được unlearn để đạt được mục tiêu đó. Việc có mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn kiên nhẫn và đối mặt với những thách thức trong quá trình unlearn.
Danh sách này tập hợp những thứ mà khi unlearn, những điều mà khi thay đổi đã giúp mình có được sự phát triển bền vững trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, xin chia sẻ để bạn đọc tham khảo.
Danh sách này còn có thể dài hơn nữa, nhưng mình sẽ dừng lại ở đây. Quan trọng nhất là luôn sẵn lòng unlearn, và mình hy vọng rằng bạn cũng sẽ làm như vậy.
You learn who you are by unlearning who they taught you to be. – Nikki Rowe
Tạm dịch: Bạn biết được mình là ai qua việc học để quên đi những gì bạn được dạy mình phải là.
Mình rất ấn tượng với hình ảnh minh họa quá trình trưởng thành từ lúc sơ sinh của một con người. Đó là quá trình đắp lên cái “tôi” của chúng ta những lớp vỏ bọc của định kiến, kinh nghiệm, ký ức… Và quá trình thực sự sống bắt đầu khi chúng ta tiến hành bóc từng lớp vỏ bên ngoài ra, khám phá và tìm về bản chất thật sự bên trong.
Có những người ví von quá trình này như bóc một củ hành, càng bóc sâu vào, càng gặp nhiều khó khăn và cảm xúc mạnh mẽ hơn.
Mình lại nhìn nhận nó như việc bóc một quả bưởi. Phải vượt qua lớp vỏ thô ráp, đôi khi khó khăn và mất thời gian, mới có thể thưởng thức hương vị ngọt ngào bên trong.