- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Will Smith từng nói, “những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống nằm ở phía bên kia nỗi sợ hãi của bạn”. Nỗi sợ càng lớn, thì niềm vui đang chờ bạn khi vượt qua được nó cũng càng nhiều.
Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng cho bạn và bất kỳ nỗi sợ nào mà bạn đang vật lộn: Làm sao để biến nó thành niềm vui? Bởi khi bạn vui được với thứ từng làm mình chết khiếp, bạn sẽ dần gỡ bỏ những mối liên tưởng đã ám ảnh bạn từ trước đến nay.
Bạn sợ hẹn hò, vậy làm thế nào để nó vui? Bạn có thể biến nó thành trò chơi nho nhỏ gì đó không? Thử “hẹn hò” trước với một người bạn thấy thoải mái chẳng hạn?
Bạn bất an về ngoại hình và không muốn đi tập, vậy làm sao để nó vui hơn? Hay bạn thử đánh cược với chính mình xem bạn nâng được tạ nặng bao nhiêu? Chọn một bài tập mà bạn thấy ít ức chế hơn, hay “buông xõa” tất cả và thử một lớp múa cột? Bạn cứ lựa chọn tùy theo mức độ thoải mái của mình.
Đến bước này, chúng ta đã đi vào chiến lược sâu sắc nhất để chế ngự nỗi sợ hãi: xây dựng bản sắc đi ngược lại với nó.
Như tôi đã nói ở bài trước, tâm trí con người vốn là một cỗ máy liên tưởng. Khi cộng gộp tất cả những mối liên tưởng đó, bạn sẽ có được hình ảnh về bản sắc của chính mình (hay một người khác). Những câu khẳng định như “tôi là nhà văn”, “tôi thích leo núi” hay “tôi sợ lái xe” đều dựa trên những liên tưởng ấy.
Thứ gì khiến bạn có liên tưởng tích cực, bạn sẽ lặp lại chúng nhiều lần. Ngược lại, với thứ gì tạo ra liên tưởng tiêu cực trong tâm trí, bạn sẽ tìm mọi cách tránh né chúng. Những gì được lặp lại (hay tránh né) nhiều lần này sẽ trở thành bản dạng của bạn.
Trước khi gặp tôi, một phần danh tính của 2 bạn độc giả trên được “gói gọn” trong nỗi sợ lái xe của họ. Thế nên tôi cho họ một trải nghiệm giúp họ định hình lại quan điểm này. Tôi thuê cho họ một chiếc Lamborghini để lái dọc con đường Las Vegas Strip nổi tiếng.
Khi họ lái xe, người đi đường hai bên đều vẫy tay và chụp ảnh chúng tôi. Vậy là thứ đã làm họ kinh hãi cả đời giờ lại mang về cho họ sự khen thưởng và công nhận từ những người xung quanh. Họ không bao giờ có thể nói “tôi không thích lái xe” hay “tôi chưa từng có ký ức đẹp với cái ô tô” nữa, vì rõ ràng họ đã tận hưởng khoảnh khắc này.
Họ cũng không bao giờ có thể nói “tôi chưa từng lái xe đường dài”, vì tôi chỉ mua vé một chiều cho chúng tôi bay từ Los Angeles tới Las Vegas. Họ buộc phải lái xe mới có thể về nhà. Và họ đã làm được.
Hai người phụ nữ lái một mạch quãng đường gần 500km từ Las Vegas Strip tới bãi biển Santa Monica, băng qua sa mạc, núi đồi, các thị trấn, cao tốc và trải nghiệm cả “đặc sản” kẹt xe khét tiếng ở Los Angeles. Họ thay phiên nhau lái, thi thoảng vào trạm nghỉ, và tôi thề là tôi không chạm vào vô lăng một chút nào.
Bất kỳ nỗi sợ nào cũng có thể vượt qua. Vấn đề nằm ở sự lựa chọn, sự kiên trì và một chút chiến lược. Nhưng chiến lược quan trọng nhất là…
Đúng vậy. Chiến lược quan trọng nhất để vượt qua nỗi sợ chính là tình bạn.
Hai độc giả của tôi luôn ở bên nhau, động viên lẫn nhau, giữ cho nhau tỉnh táo và bình tĩnh – trong khi tôi giữ cho cả hai tỉnh táo và bình tĩnh.
Tài sản lớn nhất trong hành trình chinh phục nỗi sợ là một người đồng minh. Đó là người có thể giúp bạn hạ gục những con quỷ xấu xí nhất trong mình, có thể vực bạn dậy khi vấp ngã, có thể tiếp thêm động lực khi bạn thực sự cần nó.
Một yếu tố khác cũng ít được để ý, là sự cam kết xuất phát từ việc vượt qua nỗi sợ cùng một người bạn. Hai độc giả của tôi cam kết không ai bỏ cuộc, vì vậy mà họ đã cùng nhau đi tới cuối con đường. Đây là điều bạn không thể làm nửa vời – để vượt qua nỗi sợ, bạn phải dốc toàn lực.
Bạn cần đặt ra mục tiêu cho bản thân, kèm theo hình phạt, rồi tìm ra các đồng minh hoặc xây dựng mạng lưới hỗ trợ (support network) giúp bạn chịu trách nhiệm với nó.
Từ đây, bạn tăng dần mức độ tiếp xúc. Thử tự “huấn luyện độ cao” cho bản thân mình một chút, và tự thưởng cho mình sau mỗi chiến thắng nhỏ.
Cuối tuần của tôi và hai độc giả ở Las Vegas là một chiến thắng lớn, không phải vì họ đã tự lái được về Los Angeles thành công, mà vì chúng tôi đã cùng nhau làm điều đó. Chúng tôi đã cùng nhau vẽ nên kỷ niệm đẹp, và cho nhau thấy những gì là có thể.
Đây chính là điều quan trọng nhất: Tạo ra những mối liên tưởng tích cực, những kỷ niệm đẹp chúng tôi sẽ nhớ mãi, và biến những điều từ không thể thành có thể.
Nguồn: https://vietcetera.com/vn/dieu-gi-quan-trong-nhat-khi-vuot-qua-noi-so