- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Sáng ngày (7/5), tại Trường Đại học Phenikaa, Câu lạc bộ Phần mềm Tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2025. PGS.TS Ngô Hồng Sơn – Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikaa được bầu vào vị trí Chủ tịch VFOSSA nhiệm kỳ IV (2022 -2025).
Tới tham dự đại hội có ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam; ông PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch VFOSSA. Cùng toàn thể thành viên trong Câu lạc bộ Phần mềm Tự do nguồn mở Việt Nam.
Ông Nguyễn Hồng Quang – Chủ tịch VFOSSA lần thứ III (nhiệm kỳ 2017 – 2021) báo cáo tổng kết của Ban chấp hành.
Báo cáo tổng kết hoạt động của Câu lạc bộ Phần mềm Tự do nguồn mở Việt Nam nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng nhiệm kỳ 2022-2025, ông Nguyễn Hồng Quang – Chủ tịch VFOSSA cho biết: Nhiệm kỳ vừa qua, VFOSSA luôn nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Ban Lãnh đạo Hội Tin Học Việt Nam, cũng như sự phối hợp mật thiết của Ban chấp hành lần thứ III. VFOSSA đã hoàn thành tốt toàn bộ các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ trước đề ra.
VFOSSA luôn phối hợp với lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam để định hướng tổ chức các hoạt động của hội, góp phần thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT-TT tại Việt Nam theo đúng đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Thời gian qua, VFOSSA đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng trong hoạt động.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa phát biểu tại đại hội.
Hiện nay, VFOSSA đã có 53 hội viên tập thể, 15 hội viên cá nhân (trong đó có 9 hội viên là khoa, viện, trường, cộng đồng nguồn mở và 44 hội viện doanh nghiệp). Trong nhiệm kỳ vừa qua đã phát triển thêm 12 hội viên tập thể và 2 hội viên cá nhân có quy mô hoạt động Quốc gia – Liên tỉnh.
Với bộ máy tổ chức và lực lượng nhân sự hội viên đông đảo, các hoạt động của VFOSSA trong những năm qua đã đạt nhiều kết quả khả quan; có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển CNTT-TT của đất nước như: Tư vấn, phản biện cho các chủ chương chính sách của Đảng và Chính phủ, phối hợp với các Vụ CNTT – Bộ TT&TT tổ chức phần mềm nguồn mở quốc gia thường niên; Ngày hội SFD hàng năm. Thẩm định và xây dựng các đề án, dự án ứng dụng CNTT-TT cho các Bộ, ngành, Tỉnh thành như: PMNM hỗ trợ hội họp, giảng dạy online; ứng dụng VACCOM hỗ trợ tổ chức và quản lý điểm tiêm chủng vắc xin cấp xã, phường; chủ trì khối thi Phần mềm nguồn mở của sự kiện OLP Tin học hàng năm của Hội Tin học Việt Nam…
Lãnh đạo CLB trao bằng khen cho cá nhân VFOSSA đạt thành tích xuất sắc.
Tại đại hội, các thành viên đã thảo luận, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của BCH nhiệm kỳ 2022-2025. Theo đó, mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ tới là tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Nguồn mở (NM) trong công cuộc phát triển kinh tế và xã hội đất nước, có đóng góp tích cực cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đem lại lợi ích và phồn vinh cho đất nước, trong đó có các thành viên của VFOSSA. Góp phần hình thành lực lượng lao động có kỹ năng cao về NM, có hiểu biết về tư duy, phương pháp luận và hệ sinh thái NM, và lực lượng doanh nghiệp có đủ năng lực, có khả năng tham gia thực hiện các dự án chuyển đổi số trong nước và đóng góp trở lại cho cộng đồng NM thế giới. Đẩy mạnh truyền bá tư tưởng “nguồn mở” (Open Source), không chỉ bó hẹp ở PMNM, vào cuộc sống, đến từng người dân để khơi nguồn “sáng tạo mở” (Open Innovation) trong cộng đồng, đặc biệt trong đối tượng học sinh, sinh viên, tạo tiền đề cho những bước phát triển đột phá về sáng tạo mở của Việt Nam trong tương lai.
Trao bằng khen của VAIP cho tập thể xuất sắc nhiệm kỳ III.
Phát biểu tại đại hội, ông Nguyễn Long – Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tích của VFOSSA đã đạt được trong nhiệm kỳ qua và nhấn mạnh: “Quan điểm về hoạt động xã hội nghề nghiệp của Hội Tin học Việt Nam là tập trung đẩy mạnh hoạt động theo chuyên môn “sâu” là thế mạnh của hội, trong 10 năm qua sau VFOSSA các cộng đồng theo chuyên môn đã được thành lập như FISU, VLSP, VNOI và sắp tới là ExIO đã chứng tỏ hiệu quả trong hoạt động của mình. Vì thế trong nhiệm kỳ tới, VFOSSA cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nêu cao vai trò lãnh đạo toàn diện của BCH khóa mới lấy “lõi” với thế mạnh là phần mềm nguồn mở, công nghệ mở, dữ liệu mở… để triển khai hoạt động nhất là trong khối nghiên cứu – giáo dục đào tạo, các cộng đồng nguồn mở đang hoạt động tại Việt nam và thế giới…”.
Ông Nguyễn Long mong muốn Ban Lãnh đạo mới nhiệm kỳ IV sẽ tiếp tục kế. thừa thành quả các nhiệm kỳ trước duy trì và phát triển VFOSSA lên một tầm cao và vị thế mới.
Hướng về chặng đường phía trước, với tinh thần tiên phong dẫn đầu trong Phần mềm tự do nguồn mở, Đại hội VFOSSSA lần thứ IV đã đặt ra những mục tiêu mới, cũng như có những thay đổi về cơ cấu, nhân sự và chiến lược hoạt động. Ban chấp hành và Ban lãnh đạo VFOSSA đã có sự đổi mới và trẻ hóa, với sự tham gia của nhiều thành viên mới. Ngay sau đại hội, BCH nhiệm kỳ IV đã họp nhanh để bầu Chủ tịch VFOSSA và các thường vụ. Kết quả là PGS.TS Ngô Hồng Sơn đã được bầu làm chủ tịch của nhiệm kỳ mới.
Ban lãnh đạo mới của VINASA nhiệm kỳ IV (2022-2025) đã được bầu và chính thức ra mắt với Chủ tịch, 09 Uỷ viên Ban Thường vụ và 27 Ủy viên Ban Chấp hành.