Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Thursday, 21/11/24

Hồn quê trên mâm cỗ Tết

Hà Nội đang ở trong những ngày chớm đông, dịu dàng đến say đắm. Từng cơn gió mùa khe khẽ thổi, tiết trời se lạnh khiến con người ta không khỏi bồi hồi. Mùa đông đến, người ta dễ dàng bắt gặp một Hà Nội ngập tràn hình ảnh của những gánh hàng rong, những chiếc xe chở đầy cúc họa mi trắng rong ruổi trên những con phố đầy thơ mộng. Hòa mình vào trong không khí đông ấy là hình ảnh các vườn đào đang bắt đầu được tuốt lá, chuẩn bị cho công đoạn nuôi mắt, cho đào ra nụ để sẵn sàng đón dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Tết Nguyên đán, mỗi dân tộc trên mảnh đất hình chữ S có những nét đẹp văn hoá riêng. Dù các phong tục đón Tết của các dân tộc có khác nhau nhưng đều hướng tới một ý nghĩa tốt đẹp chung nhất là cầu mong năm mới được ấm no, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn. Tết là dịp để mọi người quây quần bên gia đình, là khoảng thời gian mà mỗi đứa con xa quê đều ngóng trông. Dù cuộc sống có bao nhiêu thay đổi thì truyền thống ngày Tết vẫn luôn nguyên vẹn trong nếp sống của mỗi người Việt. Cũng chính vì vậy, những món ăn ngày Tết thường là những món ăn ngon nhất và mâm cỗ Tết là mâm cỗ đặc biệt nhất.

Mâm cỗ Tết miền Bắc

Trong 3 miền, mâm cỗ Tết của miền Bắc mang tính chuẩn mực và giữ được nét truyền thống nhiều hơn cả. Mâm cỗ Tết của người Bắc rất chú trọng hình thức, cầu kì trong cách chế biến các món ăn cổ truyền. Cuộc sống ngày càng hiện đại, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, vì vậy mâm cỗ ngày Tết sẽ có thêm nhiều món ăn lạ miệng hơn. Nhưng sau cùng, trên mâm cỗ vẫn không thể thiếu những món ăn truyền thống, những món ăn đậm hồn quê hương.Mâm cỗ Tết miền Bắc rất tinh tế, là sự phối hợp hài hòa của các món ăn, giữa món nước và món khô, giữa thịt và rau. Những món ăn quan trọng nhất trên mâm cỗ ngày Tết của miền Bắc phải nói tới là bánh chưng xanh. Người miền Bắc coi bánh chưng xanh là linh hồn của ngày Tết cổ truyền, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay khéo léo của con người. Không chỉ có bánh chưng xanh, mâm cỗ Tết miền Bắc còn rất nhiều món ăn truyền thống khác như : Canh mọc với nấm hoặc canh giò nấu măng, thịt gà luộc, nem rán,… mỗi món ăn là một nét truyền thống riêng biệt, làm nên hồn quê trên mâm cỗ Tết.

Mâm cỗ Tết miền Bắc với bánh chưng và dưa hành

Không chỉ độc đáo về số lượng món ăn trên mâm cỗ, mỗi vùng quê miền Bắc đều có những món ăn đặc biệt, ở quê tôi cũng vậy. Người dân Cổ Loa – Đông Anh quê tôi có một món ăn truyền thống rất ngon dịp Tết đó là bún xào rau cần. Khác với những loại bún sợi nhỏ, trắng tinh, bún Mạch Tràng, Cổ Loa sợi to và màu trắng ngà. Món này thường được ăn vào dịp Tết, đó cũng là thời điểm rau cần ngon nhất. Sợi bún sau khi xào to lửa trên chảo sâu lòng thì trở nên mềm và dai, rau cần giòn thơm, ăn rất “vào” và là món chống ngán. Bún xào cần thường không có thịt, cứ xào chay thôi là ăn đã ngon lắm rồi. Tuy nhiên, một số gia đình, sau khi được thưởng thức món bún truyền thống của đất Mạch Tràng thì sáng tác thêm bằng cách cho thêm thịt bò vào ăn cũng rất ngon và hấp dẫn.

Mâm cỗ Tết miền Trung

Mỗi khi viết một điều gì đó về khúc ruột Miền Trung lòng tôi lại nặng trĩu. Với tôi miền Trung là mảnh đất quanh năm khí hậu khắc nghiệt, lúc nắng nóng đến hạn hán, lúc mưa đến ngập nhà. Chỉ mỗi dịp Tết đến xuân về, khí hậu của miền Trung mới trở lên nhẹ nhàng, êm đềm hơn…

Mâm cỗ Tết miền Trung đơn giản nhưng chân thành

Người dân miền Trung quanh năm làm lụng vất vả, oằn mình chống chịu với sự khắc nghiệt của thời tiết, chính vì vậy mâm cỗ Tết miền Trung thường đơn giản hơn và thể hiện tinh thần tiết kiệm, sẻ chia hơn. Các món ăn thường thấy trong mâm cỗ của miền Trung gồm các món như: Món nóng có nem lụi, bò nướng sả ớt… Món chính ăn kèm với cơm thì có món heo, gà quay, rán, bò nấu thưng, củ cải kho nạc heo, thịt nạc rim, hon… Món tráng miệng có mứt, bánh tổ, bánh in, bánh thuẩn, bánh bột sắn, bánh ít,… và đặc biệt trong số các món ăn đó là dưa món. Cô bạn đồng nghiệp quê Hà Tĩnh chia sẻ với tôi: “Năm ngoái đi lấy chồng ở miền Bắc, ăn Tết với gia đình nhà chồng, nhìn mâm cơm không thấy món dưa món…. thèm và nhớ nhà kinh khủng”.

Dưa món là món ăn dân giã của người dân miền Trung, giống với dưa hành của người miền Bắc. Món dưa món của miền trung cũng rất đa dạng về nguyên vật liệu, có thể làm riêng một loại nguyên liệu, tuy nhiên để món dưa món ngày tết được hấp dẫn và ngon hơn thì nhiều gia đình miền Trung sẽ kết hợp nhiều nguyên vật liệu lại để tạo ra một loại món ăn ngày tết vừa ngon vừa lành. Thông thường, dưa món ở miền Trung sẽ được kết hợp từ các loại nguyên liệu sau đây:  đu đủ, hành khô, cà rốt, củ cải…Tuy nhiên cùng với sự giao thoa của ẩm thực miền Nam thì dưa món còn được chế biến từ củ kiệu nữa để tạo sự phong phú và hấp dẫn hơn cho món ăn này. Dưa món miền Trung sẽ có vị hơi mặn đúng như khẩu vị của con người miền Trung và được dung hòa bởi vị chua chua, cay cay sẽ làm người ăn luôn ghiền món này. Và dưa món, chính là hồn quê trên mâm cỗ Tết của người miền Trung, đi đâu và làm gì cũng thấy nhớ.

Mâm cỗ Tết miền Nam

Trái ngược với thời tiết giá rét của miền Bắc, miền Nam đón Tết với tiết vẫn còn vương chút nắng chút nóng. Thêm nữa, miền Nam có nhiều sản vật phong phú, xưa kia lại là vùng đất của dân di cư, nên cỗ Tết của phương Nam có phần phong phú và ít nặng về nghi thức như miền Bắc. Mâm cơm ngày Tết của người miền Nam có sự phong phú, đa dạng. Nếu bánh chưng là linh hồn của Tết miền Bắc thì bánh tét lại là thức quà không thể thiếu trên mâm cỗ của miền Nam.

Bánh tét miền Nam rất đa dạng về cả hương vị lẫn màu sắc. Mỗi một loại bánh tét lại có cách kết hợp nguyên liệu, tạo hình và màu sắc khác nhau. Đó có thể là đòn bánh tét có phần nếp bên ngoài trộn lẫn với dừa nạo, đậu đen, lá cẩm, lá dứa… để cho ra đời những mẻ bánh có màu sắc bắt mắt. Các loại nhân bên trong đòn bánh tét cũng vô cùng phong phú, từ nhân đậu xanh với mỡ truyền thống, đến nhân chuối, nhân thập cẩm, nhân đậu xanh trứng muối… Ngoài ra, Tết ở miền Nam không thể thiếu nồi thịt kho tàu. Thịt phải là miếng ba rọi kho với trứng vịt và nước dừa xiêm. Món ăn “đạt chuẩn” thì miếng thịt phải mềm mà không nát, ăn kèm với dưa giá cải chua. Với người miền Nam, thịt kho tàu chính là hồn quê trên mâm cỗ Tết của người dân nơi đây.

Mâm cỗ Tết miền Nam với món thịt kho tàu và canh khổ qua

Không chỉ có bánh tét, thịt kho tàu, trên mâm cỗ Tết khổ qua hầm thịt cũng là món đặc trưng ngày Tết của người miền Nam. Người ta ăn khổ qua với mong ước năm mới Tết đến mọi sự khổ cực đều qua đi, mang lại niềm may mắn cho cuộc sống.

Ngày nay, dẫu cuộc sống đã hiện đại hơn, những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm cho nếp sống của chúng ta có nhiều thay đổi hơn nhưng trong tâm thức của người Việt Nam, ai cũng đều háo hức mong chờ ngày Tết để được sum họp với gia đình, được thăm lại quê hương trong không khí linh thiêng của ngày Tết. Vì thế, dù ở nơi đâu, bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt là ở đấy người ta vẫn tổ chức đón Tết. Và đó là dịp để mọi người trò chuyện, cùng nhau nấu những món ăn ngày Tết và những món ăn đậm chất quê hương – đó là sợi dây kết nối mọi người nhớ về quê hương, nhớ về dân tộc Việt Nam.

 

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

Trường Đại học Phenikaa tri ân người dẫn lối
Hòa trong không khí trang nghiêm của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trường Đại học Phenikaa đã long trọng…
Bùng nổ sắc màu nghệ thuật tại Hội diễn văn nghệ Trường Đại học Phenikaa
Hội diễn văn nghệ Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Kỷ…
Phenikaa “hành động xanh” hướng tới “tương lai xanh”
Với mục tiêu phát triển bền vững trong giáo dục, Trường Đại học Phenikaa không ngừng nỗ lực để duy…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa