Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Friday, 19/04/24

Vicostone – Thời thanh xuân

Bài viết được chia sẻ bởi anh Nguyễn Hữu Chương – Phó tổng Giám đốc Phenikaa
Trích Kỉ yếu 15 năm Vicostone: Xoay chuyển nghịch cảnh
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, kí ức của tuổi trẻ không khiến người ta phải nhớ, nhưng không hiểu sao, nó cứ ngấm vào người như không cần biết đến sự tồn tại của cái gọi là trí nhớ, không khiến người ta phải lục lọi trong bộn bề của cuộc sống để tìm, mà mỗi khi ngồi lắng mình, nghe gió, nghe mưa, nó lại từ trong sâu thẳm tâm hồn, ùa về như những cơn gió mát lành, như hơi thở của thanh xuân. Hình ảnh của những người đồng chí, người bạn một thời thân thiết cứ tự được lưu giữ như họ vẫn trẻ trung, bồng bột ngày nào, như những sợi dây gắn kết tâm trí của nhau không thể rời xa. Ấm áp, thân quen…
Nhà máy đá…
Cái tên nghe lạ mà quen quá đỗi. Từ cái thời mà tiếng kêu kèn kẹt vui tai của những cái đĩa mềm Floppy vuông vuông xinh xắn, với những khoảng thời gian coffee dài dài đợi download được một megabyte phần mềm, thương hiệu dường như còn là một khái niệm mà khi đọc đến, người ta còn không hiểu hình thù nó ra sao. Nó cũng giống như một khái niệm mà khi nghe đến người ta có cảm giác nó phải ở một nơi nào đó rất xa xôi và mù mịt: Thương hiệu Nhà máy đá.
Anh em chúng tôi ngày đó không mấy khi nói đến từ Vicostone, mà cứ mỗi khi ai hỏi nơi làm việc thì chỉ độc một từ gọn gàng: Nhà máy đá. Nó như là một thương hiệu vậy, không cần giải thích, không cần mô tả thêm, không cần vẽ ra hình ảnh, đó là một phản ứng không có điều kiện, từ khi nào chẳng rõ, chỉ biết là nó không thể thay thế bằng một từ nào khác đúng hơn, chỉ đơn giản vậy.
Con đường và những giấc mơ
Các bác cao niên ở Nhà máy đá ngày ấy hay nhắc nhở đám thanh niên bồng bột chúng tôi rằng, con đường đi đến thành công không trải hoa hồng. Còn với đám kĩ sư mới ra trường như chúng tôi thường đùa rằng, hình như con đường đi đến thành công được phủ đầy bởi bụi đường và những ổ gà thì có lẽ đúng hơn. Mấy ai đi mà không nhớ, thủ đô Hà Nội và Nhà máy đá ngày đó là hai vùng trong não bộ không hề liên quan gì đến nhau cả, một vùng là đô thị nhộn nhịp tưng bừng, một vùng là núi và ruộng đồng, được nối với nhau bởi một con đường chênh vênh mịt mờ bụi bặm.
Mỗi sáng tinh mơ, khi mà các con đường phố thị còn thưa thớt người qua lại thì những con người của Nhà máy đá đã phải vội vã lên đường tây tiến. Người nắm xôi, người cái bánh mì, túi túi, nắm nắm, người thì chỉ có cái bụng rỗng, vội vã lên xe, vội vã tìm cho mình cái ghế trống, rồi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ còn dở dang. Chiếc xe Ban, tên gọi cố hữu của chiếc xe ca, có lẽ là sinh ra từ hồi còn làm dự án, và nó vẫn mang cái tên cúng cơm đó đến tận bây giờ, ì ạch bò trên con đường nửa nạc nửa mỡ, nửa atphan, nửa đất với vô số ổ bò ổ voi, sau nó là một đám mây bụi màu đỏ gụ mịt mù. Trái ngược với không khí bên ngoài, mọi người trong xe vẫn im lìm trong giấc ngủ, thi thoảng cả xe nhảy dựng lên rồi lại chìm dần xuống, những cái đầu ngoặt ngoẹo đung đưa. Một chàng công tử bột – có lẽ là theo lệnh bố lên trên này thử thách – ngủ ngoặt trên hàng ghế đầu, nơi ô kính bên phải, cậu chàng luôn để lại một lớp mờ mờ keo tóc như đánh dấu lãnh địa của mình, chẳng thế mà vị trí ghế ấy luôn là của cậu.
Con đường đó, mùa mưa cũng như mùa nắng, chẳng lúc nào bình yên. Người ta bảo sắp có đường mới rồi, ờ thì sắp có, đến bao giờ thì chẳng ai rõ, người ta bảo đã có kế hoạch. Chỉ biết rằng với ngày nắng thì mỗi ngày đi là một ngày như chơi trò xúc xắc, xóc tận tóc, còn với ngày mưa thì số xe lao xuống ruộng có thể đếm từng ngày. Trên lộ trình gian nan ấy thấp thoáng hình ảnh một con đường với sáu làn xe chạy, êm đềm như ru, thỉnh thoảng chập choạng chợt đến trong những giấc mơ ngắn ngủi như mang lại niềm an vui nho nhỏ về một tương lai tươi sáng.

Một ngày chiều muộn. Mặt trời đã lặn từ lâu, rặng núi phía xa chỉ còn là một màu tối sẫm, nền trời bắt đầu chuyển thành nâu sậm, cảnh vật xung quanh đang hòa dần vào bóng tối. Chiếc xe Ban đứng im lìm bên cạnh cây đa già. Hai cây lộc vừng trước nhà điều hành buông rủ những nhành hoa ly ty đỏ sậm như mong ngóng điều gì. Thời gian như dừng lại, đâu đó tiếng lá xào xạc trong gió hòa lẫn tiếng dế kêu rinh rích. Cả xe im lặng chờ đợi. Máy đang không chạy. Sản phẩm đang không ra lò. Không thấy tiếng rung rầm rập của trái tim mà bình thường vẫn dội lên từ dưới nhà xưởng. Mọi người không ai bảo ai, biết rằng chờ đợi là trách nhiệm.

Họ đang chờ các kĩ sư sửa máy, những người sẽ mang nhịp rung trở lại cho dây chuyền. Mỗi khi không nghe thấy tiếng rung ầm ầm ấy, hay cả tiếng gầm của nó nữa, mọi người lại thấy hình như thiếu một cái gì đó như là thiếu không khí để thở… Cả công ty có một cái xe Ban, không ai về trước và cũng không ai về sau… Thỉnh thoảng lại vọng xuống tiếng lầm bầm của bác tài xế: đứa nào gọi chúng nó xem mấy giờ xong đấy… Chẳng ai đáp lại… Bởi câu hỏi đó đã quá quen như người ta rót thêm chén nước chè trong lúc chờ đợi, và cũng quá quen với những gì vẫn diễn ra mà không cần có câu trả lời. Họ vẫn đợi một tín hiệu… Một vài anh ngồi chán rồi lại xuống xe đi lại, rồi ngồi bệt xuống vỉa hè bên gốc đa già, trò chuyện. Những câu chuyện ấy luôn bắt đầu bằng những cái mà đến mấy nhân viên văn phòng cũng biết nó là cái gì, nào là bơm bùn, nào là động cơ rung ép, động cơ di ngang, rồi lại cái gioăng cao su, cái attomat, những cái mà trong cái Chat room của Nhà máy đá ngày đó là những cái tên hot, ai cũng biết, ai cũng có thể nói về nó, bất cứ đâu, bất cứ khi nào, bởi lẽ chúng luôn hot thật… những âm thanh không rõ ràng lúc thì thầm, lúc lại rì rầm, làm cho không gian như bớt phần tĩnh mịch… Bất chợt, như một đợt sóng ngầm từ dưới sâu lòng đất, như tiếng gầm gừ từ xa vọng đến, tăng dần, nhanh dần, lớn dần. Mọi người như một phản xạ tự nhiên đứng phắt dậy, mọi câu chuyện dừng đột ngột mà không cần quan tâm đến lời kết. “Đã xong rồi”, ai đó lầm bầm. Máy đã chạy. Mọi người lập cập bước lên xe. Vài giây sau đó là ba cái bóng chạy ào từ cửa xưởng ra, balo trên vai, còn mặc nguyên quần áo bảo hộ, vừa chạy vừa nói cười oang oang. Ba cái bóng ào lên xe như một cơn lốc, mang theo mùi dầu mỡ pha lẫn mùi mồ hôi chua chua, quện cùng cái mùi đặc trưng ngai ngái của nhựa, miệng ríu rít “xin lỗi, xin lỗi”. Vài người tích cực đáp lại: “Ổn chưa?” “ Ngồi đi” “Còn ai không”,… Và xe bắt đầu lăn bánh, sau một lúc nhao nhao thì chỉ còn lại tiếng cửa kính cành cạch và tiếng bánh xe bật bồm bộp như chơi trò bắn bi với những hòn sỏi trên đường. Ai đó lầm bầm “Ước gì có tuyến xe buýt cho anh em đỡ vất vả”… Chẳng ai nói gì thêm, ai cũng thấy hình ảnh giấc mơ của mình trong đó, nhưng dường như một ước mơ nhỏ như vậy cũng thấy như xa thăm thẳm. Có lẽ thi thoảng người ta vẫn phải có những ước mơ nhỏ như vậy để nuôi dưỡng những ước mơ lớn hơn, để mỗi ngày qua là một ngày thêm hy vọng.
Một vùng sông nước mênh mông mùa lũ, mọi người vẫn đùa gọi nơi đó là Lương Sơn Bạc. Con đường từ đường cái đi vào vùng đất khởi nghĩa ấy cũng nhiều thi vị lắm. Chỉ có những ai mỗi tối lại phi xe máy từ Hà Nội lên nhà máy mới hiểu được cái vị ấy. Đi vào con đường đó là thấy tối hun hút, đi chẳng nhìn thấy gì ngoài những gốc tre già um tùm, những bụi cây gai đan chằng chịt hai bên đường, những khóm tre nặng trĩu như bổ xuống đầu, xung quanh lạnh và vắng, tối mịt mùng. Một mình cứ đi, mặc cho gai ốc trên da cứ tự nổi lên. Thoảng hoặc lắm mới nhận ra lờ mờ một bóng người phía trước, chẳng biết cảm giác mừng hay sợ, chỉ thấy tim cứ đập bình bịch như nói rằng còn có nó ở bên, chẳng nghĩ, chẳng nói, chỉ biết có một nơi phải đến…
Không gian chợt như bừng sáng lên cuối đường hầm, một vùng trời rực rỡ như mở ra trước mắt, như một lâu đài tráng lệ hiện ra trong câu chuyện cổ tích. Cảm giác như được về đến nhà. Có lẽ Nhà máy đá như một vùng trời riêng mà chỉ có những ai yêu đất này, yêu con người nơi đây, mới cảm nhận sâu sắc lý do mình ở lại và gắn bó. Chẳng phải ai sắp đặt, những con người trẻ tuổi cứ lần lượt hội ngộ về đây, như những cánh chim kéo về rừng xây tổ. Anh từ Nam Định lên, anh từ Thái Nguyên xuống, anh từ Đồng Tháp về, người từ Bắc Giang lên, cậu từ Tuyên Quang xuống… ai cũng đi qua con đường đó, cứ đến như quây quần, hội ngộ nơi Nhà máy đá này.
Trạm bùn và những câu chuyện một thời khó quên
Nhắc đến Nhà máy đá không thể không nhắc đến Trạm bùn. “Ai chưa qua trạm nước thì chưa trưởng thành”. Câu ngạn ngữ ấy như một tuyên ngôn của cư dân trạm nước ngày ấy. Ngày xưa chưa có khái niệm “Bột đá” như bây giờ. “Bùn” là từ người ta nhắc đến nhiều nhất trong những tin được gọi là giật gân trong Nhà máy. Bể bùn, bơm bùn, xúc bùn, vét bùn và hằng hà sa số những từ gắn với chữ bùn. Nó như là cơn ác mộng với những ai đã từng trải qua nơi này. Với dân kĩ thuật không ai không từng đau đầu, mất ăn mất ngủ vì nó, các bác lãnh đạo cũng đứng ngồi không yên. Những đêm đông rét buốt khi cái Tết đã đến rất gần, vậy mà anh em vẫn bì bõm xúc bùn, nạo vét bùn, xô xô chậu chậu như một công trường đào đãi vàng vậy. Kể cũng lạ, không biết tại sao ngày ấy cứ chọn những thời điểm lạnh nhất, những thời khắc cận Tết nhất, thì anh em rủ nhau xuống tát bể múc bùn. Những khuôn mặt dính đầy bùn trắng, quần áo như không còn chỗ cho màu gì khác, chỉ có một màu trắng nhờ pha lẫn màu xám của bùn, ướt lạnh cầm cập. Vậy mà vẫn nói cười rôm rả nhưng không biết đến cái lạnh thấu xương cắt thịt. Vui như đi hội.
Cái xe gạt bùn ngày ấy mới tội làm sao. Mỗi khi cái xe đó hoạt động, người ta lại liên tưởng đến một cụ ông bước đi lụ khụ với cây gậy chống, khật khưỡng và lật đật. Làm việc lạch cạch suốt ngày không hết việc, ấy vậy mà thi thoảng răng rụng lúc nào không hay, chỉ tội cho anh em trạm nước lại phải chuẩn bị kế hoạch tát bể vét bùn để lôi cái răng đó lên. Đặc điểm nhận dạng không thể lẫn vào đâu với những người dính dáng đến cái trạm này là một cái mùi khum khủm đặc trưng và vết giầy bùn trắng đánh dấu từng bước đi, nhiều khi lôi dấu ấn ấy lên cả phòng họp.
Tình yêu với trái tim lớn
Dù xa xôi mù mịt là thế nhưng cái vùng đất này cứ như một bà mối mát tay vậy, chúng nó cứ về làm việc tại Nhà máy là chúng nó yêu nhau, hay là chúng nó có cùng một tình yêu với Nhà máy chẳng biết nữa. Người ta cứ thấy từng đôi từng đôi một cưới, chẳng biết chúng nó thân nhau khi nào, nói chuyện với nhau lúc nào, chỉ biết đùng một cái có giấy mời cưới. Ai cũng hồ hởi phấn khởi. Vui nhất có lẽ là mấy bác lãnh đạo, thế là yên tâm, chúng nó gắn bó với nhau là gắn bó với Nhà máy rồi, quý lắm…
Nhưng có lẽ có một trái tim lớn mà khi nhắc đến ai cũng cảm thấy cuốn hút, hơn cả trái tim mình, mà mỗi khi nó rung lên từng nhịp, từng nhịp, thì lòng người như thấy rạo rực hân hoan. Trái tim nhà máy đá. Tình yêu dành cho Nhà máy đá cũng chính là tình yêu dành cho trái tim lớn: trái tim Vicostone. Mỗi buổi sáng bước chân đến nhà máy, cái âm thanh đầu tiên mà trong vô thức mỗi người nơi đây, từ anh nhân viên văn phòng đến chàng kĩ sư trẻ, từ cô văn thư đến chú bảo vệ, đều muốn nghe thấy, như một điều không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Tiếng rung của nó như báo hiệu một ngày tươi mới, một sự sống đang hiện hữu, như một luồng sinh khí như lan tỏa trong không gian, mà từ xa hàng kilomet người ta vẫn cảm nhận được nó.
Những người cán bộ cốt cán ở đây có một thói quen, hình thành khi nào chẳng rõ, như đã thành một tính cách, một văn hóa: bước chân đầu tiên vào Nhà máy là đến Máy rung ép, việc làm đầu tiên trong ngày là kiểm tra hoạt động của Máy rung ép, báo cáo đầu tiên đọc là quyển nhật ký Máy rung ép, và cả âm thanh đầu tiên muốn nghe cũng là tiếng Máy rung ép. Như một tình yêu không lời dành cho Trái tim lớn. Và thật lạ hơn cả là, khi chưa biết tình hình hoạt động của Trái tim lớn thì cũng chưa thể yên tâm mà kết thúc ngày làm việc, không thể yên tâm mà ngủ ngon được. Đi đâu, làm gì, ai ai cũng nói đến máy rung ép, đến cả khách hàng đến thăm Nhà máy cũng phải dẫn xuống tận nơi Máy rung ép để giới thiệu, để nghe tiếng rung, để tự hào rằng nơi đây có một trái tim lớn đang đập, đang có một sức sống mãnh liệt luôn tràn đầy năng lượng được truyền vào từng con người, từng sản phẩm nơi đây.
Với những chàng trai, dân kĩ thuật chính hiệu Bách khoa, thì nói về máy rung ép như một cái gì đam mê lắm, từ con ốc, cái gioăng, đến cái nẹp của nó cũng có thể trở thành đề tài mà nói hoài không kết thúc. Ai cũng có thể say sưa nói về nó như một chuyên gia đầu ngành, kinh nghiệm về trái tim lớn mỗi người là một kho riêng có mà với người khác lại là những điều thật mới mẻ, lôi cuốn.Vậy nên những cải tiến mới chưa bao giờ dừng lại.Trái tim ấy cũng có khi đỏng đảnh. Những chàng kĩ sư luôn chăm sóc cho trái tim ấy cũng bị bất ngờ với sự đỏng đảnh ấy. Lần đó, nó nằm im không buồn cựa quậy, cả nhà máy xôn xao, áp lực hiện rõ trên từng khuôn mặt, từng bước đi vội vã của các cán bộ. Các kĩ sư khuôn mặt đầy suy nghĩ, mồ hôi ướt lưng áo, sơ đồ điện, tài liệu máy, với tô vít, cờ lê, cứ như lục tung mọi thứ lên để xem xét, để chẩn đoán, để tìm ra lý do. Đến như mấy chàng cử nhân kế toán suốt ngày chỉ ngồi phòng giấy mà khi nghe nói máy rung ép có vấn đề cũng kéo nhau xuống xem, rồi bàn tán, rồi trò chuyện râm ran như khi người ta đến thăm bệnh nhân họ hàng thân thuộc vậy. Nhiều đêm thức trắng, tiếng máy rung không hiện hữu mỗi buổi sáng, không ì ầm mỗi buổi tan giờ, các bác lãnh đạo lòng như lửa đốt, các cán bộ, kĩ sư được tập hợp, bàn bạc, phân tích, người bảo được, kẻ bảo không, cứ như một hội đồng giáo sư chuẩn đoán bệnh nan y. Trái tim lớn bệnh thì chẳng ai ngồi yên được. Những cái đầu chụm lại, quyết tâm không lùi bước, gấp gấp từng giờtừng phút, ba ngày áo chẳng kịp thay, nửa đêm bưng bát mỳ úp tạm mà đầu vẫn nghĩ, đến lúc người như nhập vào máy lúc nào chẳng hay, nhìn thấu từ trong, cảm nhận như cùng cơ thể, thông thạo từng huyết mạch, biết mình đau chỗ nào, biết phải chữa ra sao. Để rồi cuối cùng niềm hân hoan trào dâng khi nhiệm vụ được hoàn thành, cảm nhận thấy thật rõ ràng trái tim mình đang đập nhanh hơn khi lại nghe tiếng máy rung trở lại, trái tim lớn đã thức giấc… Cái cảm giác nhẹ nhàng như lão nông vừa cày xong thửa ruộng, ngả người trên palet ngủ ngon lành. Bình minh dần ló rạng với tiếng búa skip gõ cành cạch, với tiếng máy rung rầm rập thân quen.
Trưởng thành
Mười mấy năm qua đi với những tháng ngày miệt mài công việc. Những con đường lớn đã hình thành, cao tốc với sáu làn xe nối liền thủ đô với vùng công nghiệp như giấc mơ thấp thoáng ngày nào nay đã thành hiện thực, không còn những gập ghềnh và khói bụi. Chiếc xe Ban nhỏ bé ngày nào nay cũng đã lên lão và trở thành viện bảo tàng, thay cho nó là ba chiếc xe lớn êm ái với điều hòa mát lạnh. Những chuyến xe nay đã trở nên thú vị hơn nhiều.
Bây giờ thì chắc không ai còn nhận ra những con đường ngày ấy, thế hệ mới ngày nay càng không tưởng tượng được những chuyến xe Ban ngày ấy. Nhà máy đá giờ đây cũng không còn được gọi tên nữa. Thế giới ngày càng mở ra và rộng lớn hơn. Nhà máy đá ngày ấy bây giờ đã trở nên nhỏ bé. Thời gian trôi đi như chưa bao giờ biết đợi, và con người nơi đây cũng chưa bao giờ biết đợi thời gian. Những dây chuyền, nhà máy mới liên tiếp ra đời, mở ra thành một vùng sản xuất công nghiệp rộng lớn và hiện đại, là nhà máy Stylestone, nhà máy Phenikaa, là Stone Việt Nam và sẽ còn nhiều nhà máy nữa sẽ mở ra trên các miền đất nước. Khái niệm Tập đoàn đã thay thế cho những khái niệm xưa cũ, thương hiệu mới với hình ảnh mới, một cơ thể mới rộng lớn hơn với tầm nhìn toàn cầu.
Ước mơ nhỏ bé ngày nào nay đã thành hiện thực, hiện thực giống như một giấc mơ với những con người đang làm việc và cống hiến nơi đây. Chàng trai ngồi ghế trước trên chiếc xe Ban ngày nào nay đã là một thành viên của Tập đoàn trên đất Mỹ, những chàng trai kĩ sư ngày nào lăn lộn trắng đêm với trạm bùn, với máy rung ép nay đã thành những trụ cột chuyên môn tại các công ty, nhà máy. Dường như nơi trái tim lớn xưa kia đã hình thành nên những người con ưu tú của vùng đất này. Họ có cùng một lịch sử, cùng chung một trái tim lớn, dù ở cách nhau bao nhiêu, dù thời gian có trôi đi xa nữa, trong họ vẫn vẹn nguyên tình cảm như thủa ban sơ, không chút suy nghĩ, không chút hoài nghi, như cội rễ đã bám sâu vào lòng đất, không cách nào bứt ra được. Họ đang cùng nhau tạo nên một giấc mơ mới, giấc mơ vươn tới một mạng lưới toàn cầu, một thế giới kết nối không giới hạn. Những chàng trai ngày ấy luôn sẵn sàng niềm tin để hiện thực hóa những giấc mơ, như một cam kết thay cho lời cảm ơn cuộc đời đã cho họ gặp nhau nơi vùng đất này

Phenikaa – Một ngày tháng 10 năm 2017

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

‘Trách nhiệm độc hại’ là gì? Cách để ngưng ôm việc vì cả nể
“Ổn không em để chị giao người khác?” “Dạ em làm được! Chị yên tâm.” Và đó cũng là lần…
Giáo dục mà bắt buộc thì mục đích là gì?
Chúng ta cùng đến với một clip có chủ đề rất được nhiều người quan tâm này của Spiderum nhé!
[REVIEW SÁCH] VƯƠN LÊN HOẶC BỊ ĐÁNH BẠI- LÝ THƯỢNG LONG- CUỐN SÁCH CỦA NHỮNG NGƯỜI TRẺ MUỐN VƯƠN LÊN
“Vươn lên hoặc bị đánh bại” là một cuốn sách hay giành cho giới trẻ của tác giả trẻ Lý…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa