Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Friday, 26/04/24

Vicostone & Hành trình xoay chuyển nghịch cảnh

Trích bài viết “Vicostone – Hành trình 15 năm xoay chuyển nghịch cảnh”
trong ấn phẩm kỉ yếu 15 năm – Vicostone của Chủ tịch Hồ Xuân Năng 
Ngày 22 tháng 08 năm 2001, Tổng công ty VINACONEX phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất và kinh doanh đá ốp lát nhân tạo cao cấp tại Khu công nghiệp Phú Cát, Tỉnh Hà Tây (nay là Khu công nghệ cao Hòa Lạc – Hà Nội).
Ngày 19 tháng 12 năm 2012, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VINACONEX) kí Quyết định số 1719/QĐ – TCLĐ thành lập Nhà máy Đá ốp lát cao cấp VINACONEX, tiền thân của Công ty cổ phần VICOSTONE (VICOSTONE).Tổng số vốn đầu tư Dự án khi quyết toán năm 2004 là gần 300 tỉ đồng (tương đương 20 triệu USD), một con số rất lớn tại thời điểm đó, tạo ra áp lực cao về bảo toàn vốn, trả lãi vay và khấu hao thiết bị với giá trị trên 75 tỉ đồng/năm. Thời điểm kí tiếp nhận tài sản với giá trị quyết toán rất lớn diễn ra sau hơn một năm khánh thành, tài sản quyết toán đã xuống cấp nghiêm trọng do không được vận hành và bảo dưỡng đúng cách, nguy cơ rất cao về việc không bảo toàn được vốn và tài sản. Để có được vị thế là một trong những công ty sản xuất đá thạch anh nhân tạo lớn nhất thế giới như ngày hôm nay, VICOSTONE đã trải qua chặng đường 15 năm với không ít thăng trầm và gian khó.
Chặng đường 15 năm không chỉ ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của Công ty mà còn là dấu ấn cho sự nỗ lực của tập thể Ban lãnh đạo và Cán bộ công nhân viên Công ty trong việc vượt khó từ những nghịch cảnh bằng những giải pháp tái cấu trúc kịp thời và phù hợp để tăng trưởng. Đưa Công ty từ tình thế đứng trên bờ vực phá sản trở thành doanh nghiệp có tốc độ phát triển mạnh mẽ và bền vững như ngày hôm nay. Dưới đây lược lại hành trình 15 năm lịch sử như một câu chuyện tái cấu trúc với tinh thần khởi nghiệp liên tục ở các giai đoạn khác nhau với những dấu ấn đầy thú vị cho từng thời kì.

1. Tái cơ cấu lần một (2004-2006): CẤU TRÚC LẠI CÔNG TY VÀ CHIẾN LƯỢC HOẠT ĐỘNG

1.1. Cấu trúc lại Công ty – câu chuyện cổ phần hóa và bài toán vốn điều lệ.
Tháng 09 năm 2003, Nhà máy chính thức khánh thành và đi vào sản xuất, tuy nhiên, dây chuyền thiết bị hiện đại đồng bộ nhập từ Ý đã không được vận hành và bảo dưỡng đúng cách nên không phát huy được công suất. Quãng thời gian từ năm 2003 đến tháng 07 năm 2004 là một khoảng thời gian hoạt động bế tắc của VICOSTONE khi mà công nghệ sản xuất chưa làm chủ được, nguồn vật liệu đầu vào chất lượng thấp đã dẫn đến chất lượng sản phẩm kém, tỷ lệ phế phẩm cao. Công tác bán hàng trong nước trì trệ, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Mặc dù liên tục có sự điều chỉnh về nhân sự lãnh đạo với 3 lần thay đổi Giám đốc Nhà máy, song các vấn đề nêu trên vẫn không được khắc phục, khả năng phá sản Nhà máy là cận kề.
Tháng 7 năm 2004, một lần nữa, Giám đốc mới của Nhà máy được bổ nhiệm để thay Giám đốc cũ và cùng với đó là quá trình tái cơ cấu toàn diện, một sự thay đổi bước ngoặt về mô hình hoạt động và chiến lược kinh doanh.
Về mô hình hoạt động, tiến hành cổ phần hoá Nhà máy. Phương án này lúc đó không ai dám nghĩ đến và không nằm trong kế hoạch. Trong bối cảnh rất khó khăn và đầy lo lắng của Tổng công ty chủ quản, ý tưởng về việc thay đổi mô hình hoạt động và hình thức công ty sang cổ phần là hướng đi hợp lí nhất nhằm thay đổi cơ chế trong quản trị và huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện tiền đề phục hồi công ty nhanh nhất. Đây cũng là thời điểm Chính phủ đang đẩy mạnh chủ trương cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước. Tổng tài sản Nhà máy lúc đó vào khoảng gần 300 tỉ và từ đây phát sinh hai vấn đề khá nan giải: ai sẽ mua cổ phần và vốn điều lệ là bao nhiêu để có thể bán hết cổ phần.
Sau khi tham khảo ý kiến Lãnh đạo chủ quản và cân nhắc các điều kiện, Giám đốc Nhà máy đã đề xuất phương án vốn điều lệ là 30 tỷ và VINACONEX góp 60% bằng giá trị một phần tài sản cố định đã đầu tư và khấu trừ vào nghĩa vụ trả nợ, 40% vốn điều lệ sẽ phát hành cho CBCNV và bên ngoài theo phương án đấu giá. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, cổ phần hoá là một việc mới, không có nhiều người quan tâm mua cổ phần, nhất là với một Nhà máy đang bên bờ phá sản. Việc bán hết 40% cổ phần của Nhà máy diễn ra hết sức khó khăn nhưng cuối cùng việc phát hành cũng hoàn tất.
Ngày 17 tháng 12 năm 2004, Bộ Xây dựng ban hành quyết định số 2015/QĐ-BXD về việc chuyển Nhà máy đá ốp lát cao cấp VINACONEX thuộc Tổng công ty xuất nhập khẩu Việt Nam thành Công ty cổ phần. Căn cứ vào đó, ngày 27 tháng 12 năm 2004, Công ty cổ phần đá ốp lát cao cấp VINACONEX đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất nhằm thông qua Điều lệ công ty, bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, bổ nhiệm Ban Giám đốc và thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty năm 2005, 2006 và 2007.

Tại cuộc họp, Đại hội đồng cổ đông đã thống nhất bầu Hội đồng quản trị có 05 thành viên, Ban kiểm soát có 03 thành viên. Hội đồng quản trị cũng đã bổ nhiệm ông Hồ Xuân Năng là Giám đốc Công ty.

Theo kết quả cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông, ông Hồ Xuân Năng đã chỉ đạo hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để vào ngày 02 tháng 06 năm 2005, Nhà máy chính thức đi vào hoạt động dưới hình thức Công ty cổ phần với tên doanh nghiệp là Công ty cổ phần đá ốp lát cao cấp Vinaconex (VICOSTONE), số vốn điều lệ là 30 tỉ đồng.

1.2. Điều chỉnh chiến lược kinh doanh – vươn ra biển lớn

Qua rà soát và đánh giá toàn diện về thực trạng hoạt động, thị trường trong nước và quốc tế, Ban lãnh đạo mới của VICOSTONE đã nhìn ra sai lầm về mặt chiến lược của Nhà máy trước đây và ngay lập tức đưa ra một loạt các điều chỉnh mang tính chiến lược, cụ thể:
Tầm nhìn: Tiên phong áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới thân thiện với môi trường để sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, có lợi thế cạnh tranh dài hạn, đảm bảo môi trường bền vững.
Sứ mệnh: Trở thành công ty sản xuất kinh doanh quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực đá nhân tạo và vật liệu cao cấp, tăng trưởng nhanh, bền vững kinh doanh hiệu quả, tối đa hoá lợi ích của cổ đông, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, tham gia tích cực vào công tác xã hội, từ thiện.
Chiến lược thị trường: Vươn ra biển lớn, xuất khẩu làchủ đạoViệc lựa chọn thị trường mục tiêu là thị trường trong nước lúc bấy giờ không phù hợp. Nguyên nhân do giá thành sản phẩm lại quá cao so với các sản phẩm thay thế hiện đang được sử dụng phổ biến trong nước, làm cho giá thành xây dựng tăng lên, thu nhập của người dân Việt Nam tại thời điểm đó thấp, khách hàng Việt Nam chưa quen với sản phẩm đá thạch anh… dẫn đến nhu cầu thị trường rất thấp.
Do vậy, Công ty đã định hướng tới thị trường xuất khẩu. Úc, ở thời điểm đó là thị trường mà người tiêu dùng đã quen với sản phẩm đá thạch anh, tỉ lệ thị phần đá thạch anh so với các sản phẩm bề mặt chiếm tới 35%, nhu cầu thị trường cao. Mặt khác, giá thành sản phẩm sản xuất tại công ty rất cạnh tranh so với các đối thủ cùng công nghệ sản xuất ở các nước khác. Việc xuất khẩu thành công vào thị trường Úc sẽ là bước đệm cho VICOSTONE khi tiến vào các thị trường khó tính khác trên thế giới như Mỹ hay Châu Âu. Việc điều chỉnh này yêu cầu sự thay đổi tiếp theo về chiến lược nguyên vật liệu đầu vào và chiến lược sản phẩm, chiến lược R& D phù hợp.
Chiến lược sản phẩm: Phân khúc từ bình dân đến trung cao cấp tiêu chuẩn xuất khẩu, sản phẩm sinh thái, thân thiện môi trường
Việc cạnh tranh sẽ dựa trên chiến lược hỗn hợp giữa giá (cho phân khúc bình dân) và khác biệt sản phẩm (cho phân khúc cao cấp)
Chiến lược nguyên vật liệu đầu vào: Nhập khẩu nguyên liệu chất lượng cao để sản xuất xuất khẩu.Theo kế hoạch trước khi tái cấu trúc, nguyên vật liệu được sử dụng để phục vụ sản xuất lúc bấy giờ là các nguyên vật liệu có sẵn trong nước, trữ lượng dồi dào, chất lượng đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, những nguyên vật liệu trong nước này chỉ có thể sử dụng để sản xuất sản phẩm có chất lượng thấp và giá thành rẻ, quy mô khai thác và trình độ chế biến không đảm bảo chất lượng và số lượng cho các sản phẩm xuất khẩu.
Trước tình hình đó, Công ty đã quyết định thay vì sử dụng nguyên vật liệu trong nước giá rẻ, chất lượng thấp như trước đây, chuyển sang nhập khẩu nguyên vật liệu chất lượng cao từ nước ngoài mà cụ thể tại thời điểm này, đa số nguồn nguyên liệu chính là Quartz được nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ.
Chiến lược về tuyển dụng đào tạo nhân sự và hệ thống quản trị:
Khó khăn lớn nhất lúc ban đầu của VICOSTONE thời điểm bấy giờ là đội ngũ nhân sự còn non trẻ, chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm để làm chủ bí quyết công nghệ sản xuất. VICOSTONE là công ty đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á đầu tư công nghệ Breton nên nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong lĩnh vực này gần như là con số không. Nhân lực quản lí cũng là một trở ngại lớn đối với một nhà máy ở xa trung tâm, điều kiện đi lại xa và khó khăn, không đảm bảo tính hấp dẫn đối với nguồn lực này.
Nhận thức được vấn đề này, Công ty đã hoạch định chiến lược tự đào tạo và phát triển nguồn lực tại chỗ đồng thời xây dựng và áp dụng hệ thống quản trị nhân lực hiện đại vào các quy trình nhân sự tại Công ty.
Triển khai các khóa đào tạo cấp tốc về công nghệ sản xuất để nâng cao trình độ, kiến thức và kinh nghiệm của đội ngũ kỹ sư, công nhân trẻ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực để vận hành dây chuyền, nắm bắt và làm chủ công nghệ sản xuất. Thời điểm này, các khóa đào tạo liên tục được tổ chức, không chỉ đội ngũ kĩ sư, công nhân mà cả đội ngũ Cán bộ quản lý và Ban Lãnh đạo cũng đều phải tham gia đào tạo để nắm bắt công nghệ sản xuất, học hỏi về quản trị và điều hành, VICOSTONE sục sôi không khí lao động và học tập hăng say. Cũng qua các khóa đào tạo này, không ít kỹ sư, cán bộ trẻ đã nhanh chóng nắm bắt kiến thức, học hỏi và trưởng thành, phát triển được năng lực của bản thân và được Ban lãnh đạo Công ty ghi nhận.
Phương thức quản lý tại VICOSTONE cũng được thay đổi, trao quyền mạnh mẽ cho những cá nhân có trình độ và năng lực thực sự, chấm dứt việc quản trị nhân sự theo thâm niên, “sống lâu lên lão làng” trước đây mà thay vào đó, những người trẻ tuổi, có năng lực và đam mê với công việc có thêm động lực và cơ hội thể hiện bản thân để cống hiến nhiều hơn nữa cho Công ty.
Lĩnh hội know-how, làm chủ và cải tiến nó, biến thành know-how của riêng mình, coi R&D là hoạt động chìa khoá trong việc thực hiện thành công chiến lược cạnh tranh khác biệt
Tại thời điểm năm 2004, VICOSTONE là công ty non trẻ trên thế giới sử dụng công nghệ sản xuất đá thạch anh nhân tạo của hãng Breton (Ý). Sau khi đã điều chỉnh chiến lược về thị trường và nguyên vật liệu, bài toán đặt ra với VICOSTONE là phải làm chủ được công nghệ sản xuất, cải tiến và biến công nghệ đó thành của riêng mình.
Vào giữa năm 2004, sau 01 năm vận hành thiếu sự chăm sóc, bảo dưỡng, đội ngũ vận hành không làm chủ được công nghệ đã khiến cho dây chuyền sản xuất của VICOSTONE xuống cấp rất nhiều. Không có đủ chủng loại và số lượng vật tư dự phòng, kinh nghiệm của đội ngũ kỹ sư non trẻ và công nhân mới lần đầu tiếp xúc với dây chuyền không đủ để khai thác hết các tính năng của dây chuyền và không lĩnh hội được công nghệ sản xuất. Đứng trước tình hình đó, Giám đốc Công ty đã quyết định tiếp tục tuyển dụng một loạt kỹ sư trẻ, có chuyên ngành được đào tạo về cơ khí, điện tử, tự động hoá, vật liệu xây dựng và đặc biệt là Công nghệ và Vật liệu Polymer. Các chuyên gia từ Ý, Tây Ban Nha, Isarael …có am hiểu về công nghệ Breton đã được mời về để tiến hành đào tạo, hướng dẫn đội ngũ kỹ sư và công nhân, giúp họ dần nắm bắt được công nghệ sản xuất.
Sau khi lĩnh hội được những kiến thức từ chuyên gia nước ngoài, đội ngũ Lãnh đạo và kỹ sư đã không quản ngại vất vả ngày đêm bám dây chuyền, hăng say tìm hiểu công nghệ và từng bước cải tiến công nghệ Breton để nắm bắt và làm chủ hệ thống công nghệ hiện đại này.
Mỗi ngày đi qua, đội ngũ kĩ sư VICOSTONE dần trưởng thành, từ xuất phát điểm là con số không, không thể làm ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu kĩ thuật và chất lượng, sản phẩm còn tồn tại rất nhiều lỗi, VICOSTONE đã dần chế ngự được các yếu điểm, làm chủ công nghệ, thiết lập nguyên tắc trong xây dựng và điều chỉnh công thức phối liệu để tạo được sản phẩm đáp ứng chất lượng, nắm rõ bộ thông số vận hành giúp ổn định và đảm bảo chất lượng, sự đồng nhất về quy cách và chất lượng sản phẩm, hạn chế và khắc phục được những vấn đề ảnh hưởng của thiết bị sản xuất đến chất lượng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu khắt khe nhất của thị trường.
Với những điều chỉnh chiến lược mang tính bước ngoặt như trên, cùng với các giải pháp đồng bộ về nhân sự, hệ thống sản xuất… Ngày 01 tháng 9 năm 2004, những công-ten-nơ đầu tiên của Nhà máy được đưa xuống tàu sang Úc, đánh dấu thời điểm bắt đầu vươn ra biển lớn, bước đầu tạo nên sự phấn khích và động lực cho toàn bộ Lãnh đạo và CBCNV Công ty. Việc chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Công ty chưa hề có kinh nghiệm về marketing và bán hàng là ý tưởng hết sức táo bạo, thể hiện việc dám đương đầu với mạo hiểm và rủi ro của VICOSTONE.
Ngay sau khi đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, riêng 6 tháng cuối năm 2005 của năm tài chính 2005 đã có lãi, tuy cả năm 2005 luỹ kế vẫn lỗ.
Năm 2006 là năm tài chính đầu tiên có lãi sau thuế 5,6 tỉ đồng, con số khá lớn so với các công ty thành viên của Tổng công ty chủ quản VINACONEX lúc bấy giờ, chứng tỏ hiệu quả của việc tái cơ cấu lần đầu.

2. Tái cấu trúc lần hai (2007 -2010): CƠ CẤU VỐN VÀ QUY MÔ HOẠT ĐỘNG

2.1 Tăng vốn điều lệ, đa dạng hoá cơ cấu sở hữu, huy động các nguồn vốn khác

Với vốn điều lệ 30 tỉ đồng, tỉ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nợ là rất lớn (trên 90%), thiếu vốn lưu động trầm trọng, chi phí tài chính quá lớn, hiệu quả kinh doanh khó có thể cao. Bài toán vốn cho hoạt động và cải thiện đòn bẩy tài chính được đặt ra trước yêu cầu của tăng trưởng bền vững, đặc biệt là khi mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì vậy yêu cầu phải tiếp tục đa dạng hoá cơ cấu sở hữu, tăng vốn chủ sở hữu, huy động thêm vốn từ các kênh khác nhau. Phát huy hiệu ứng tích cực của việc cổ phần hoá, niêm yết công ty trên thị trường chứng khoán là cách tốt nhất để huy động vốn và nâng cao tính minh bạch, cải thiện chất lượng quản trị từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động.
Những tháng cuối năm 2007, kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 100 tỉ đồng được Đại hội cổ đông thông qua và ngay lập tức, số cổ phần phát hành thêm đã được bán hết, trong đó có 1 triệu cổ phiếu được phát hành cho 02 cổ đông chiến lược là Quỹ Việt Nam Holding và Công ty cổ phần đầu tư IPA, chứng tỏ sự hấp dẫn của cổ phiếu Công ty và của thị trường chứng khoán. Số tiền thu được từ việc phát hành tăng vốn điều lệ giúp giảm phần nào áp lực từ việc thiếu vốn lưu động.
Ngày 30/10/2007, thực hiện nội dung Nghị quyết số 307A QĐ/VCS – ĐHĐCĐ ngày 14/03/2007 của Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty cổ phần Đá ốp lát cao cấp VINACONEX, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã chỉ đạo các cá nhân và đơn vị có liên quan thực hiện thủ tục niêm yết 10.000.000 cổ phiếu của Công ty cổ phần Đá ốp lát cao cấp VINACONEX tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội).
Ngày 17 tháng 12 năm 2007, toàn bộ 10.000.000 cổ phiếu của VICOSTONE bước vào phiên giao dịch đầu tiên trên Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của VICOSTONE.
Tháng 5 năm 2008, VICOSTONE hoàn tất việc phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho quỹ đầu tư Beira Limited để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Tiếp đó vào tháng 12 năm 2009, VICOSTONE tiếp tục phát hành 165 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho quỹ đầu tư Red River Holding và Công ty cổ phần quản lý quỹ FPT.
Việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi đã thể hiện bước đi chiến lược trong việc huy động vốn đầu tư của Ban lãnh đạo VICOSTONE để giải quyết tình hình tài chính khó khăn của VICOSTONE lúc bấy giờ, đồng thời minh chứng cho việc VICOSTONE đã có được sự đánh giá và thừa nhận của các đối tác là các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Giai đoạn từ năm 2007 đến cuối năm 2010 là giai đoạn đánh dấu bước chuyển dịch cơ cấu vốn của VICOSTONE, từ cơ cấu vốn với 60% vốn góp Nhà nước năm 2007, qua các năm, tỷ lệ vốn góp Nhà nước tại VICOSTONE giảm dần xuống còn 5% cuối năm 2010. Thay vào đó, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của cổ đông nước ngoài tại VICOSTONE cũng tăng lên, trong đó có hai quỹ đầu tư nước ngoài là Red River Holding và Beira Limited là 2 cổ đông lớn với tổng tỷ lệ sở hữu chiếm trên 30% vốn điều lệ của VICOSTONE.
Việc tăng vốn điều lệ để huy động vốn và tăng tỉ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài giúp giải quyết tình hình tài chính khó khăn của VICOSTONE, đòn bẩy tài chính Công ty được cải thiện tốt hơn nhiều, đảm bảo chủ động về dòng tiền hoạt động, nâng tầm Công ty khi nhận được sự thừa nhận của cổ đông nước ngoài. Không chỉ vậy, việc có sự tham gia của cổ đông nước ngoài phần nào tạo động lực nâng cao năng lực quản trị của đội ngũ Ban lãnh đạo doanh nghiệp, thúc đẩy sự minh bạch trong hoạt động quản trị doanh nghiệp của VICOSTONE, đưa công tác quản trị và điều hành của VICOSTONE đáp ứng chuẩn mực quản trị quốc tế.

2.2 Mở rộng quy mô hoạt động

Theo dự báo nhu cầu thị trường, mặc dù kinh tế thế giới bắt đầu rơi vào chu kỳ khủng hoảng từ 2007 nhưng nhu cầu đá thạch anh mới đang bắt đầu chu kỳ tăng trưởng. Ngày 10 tháng 03 năm 2008, Hội đồng quản trị VICOSTONE đã quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án mở rộng nhà máy đá ốp lát cao cấp VINACONEX với tổng mức đầu tư và được quyết toán lên đến 877 tỉ đồng với nhiều hạng mục bổ sung để đảm bảo đồng bộ cho hai dây chuyền hiện có và một dây chuyền mới của VICOSTONE hoạt động hết công suất. Dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối 2010, nâng tổng công suất lên 1,5 triệu m2/năm.
Cùng thời gian đó, ngày 17 tháng 10 năm 2007, VICOSTONE cùng với Công ty TNHH W.K.Marble & Granite (WK, Úc) thành lập Công ty liên doanh Style Stone (nay là Công ty cổ phần Style Stone). Việc liên doanh với WK– khách hàng đầu tiên của VICOSTONE đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của VICOSTONE về quy mô sản xuất, nâng tầm vị thế của VICOSTONE lúc bấy giờ, trở thành Công ty mang tầm quốc tế.
Như vậy, sau khi tái cấu trúc vốn và mở rộng sản xuất kinh doanh, đến cuối 2010, Công ty đã nâng công suất tổng thể từ hai dây chuyền lên bốn dây chuyền sản xuất (bao gồm liên doanh Style Stone), tổng công suất xấp xỉ 2 triệu triệu mét vuông/năm, trở thành một trong những công ty thuộc nhóm có công suất hàng đầu thế giới về đá tấm lớn thạch anh.

3.Tái cấu trúc lần 3 (2010-2013): TẠO SỰ KHÁC BIỆT

3.1 Điều chỉnh tầm nhìn chiến lược, cạnh tranh bằng sự khác biệt.
Sau khi tái cấu trúc lần 2 kết thúc vào cuối 2010, VICOSTONE đã có được vị thế cao hơn nhiều trên thị trường đá thạch anh tấm lớn cả về quy mô sản xuất và đẳng cấp về sản phẩm. Bí quyết công nghệ đã được lĩnh hội và cải tiến với nhiều yếu tố độc đáo. Với thế và lực đã mạnh hơn, Lãnh đạo Công ty thấy cần và hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mang đặc trưng VICOSTONE, bằng chính những know-how độc đáo của riêng mình. Và một cuộc tái cấu trúc mới lại bắt đầu từ việc điều chỉnh tầm nhìn, sứ mệnh và do đó chiến lược cạnh tranh cũng thay đổi theo phù hợp với định vị mới của sản phẩm cốt lõi.
Tầm nhìn: Trở thành thương hiệu đá thạch anh hàng đầu bằng việc không ngừng phát triển và áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới để tạo ra các tác phẩm đá thạch anh khác biệt về tính nghệ thuật và truyền cảm hứng cho mọi đối tượng

Sứ mệnh: Hiện thực hoá mọi cam kết, luôn sáng tạo và mang đến giá trị nghệ thuật độc đáo, dẫn đầu xu hướng với chất lượng hàng đầu, thoả mãn tốt nhất yêu cầu của mọi đối tượng khách hàng.

Giai đoạn những năm 2004 đến năm 2008 là thời điểm VICOSTONE hoàn thiện công nghệ sản xuất, chưa hoàn toàn làm chủ được công nghệ, do vậy các sản phẩm do VICOSTONE sản xuất là theo các đơn hàng mẫu của khách hàng nước ngoài và phát triển trên ý tưởng từ những mẫu mã có sẵn (chiến lược ăn theo). Thời điểm này, VICOSTONE hoàn toàn chưa có danh tiếng trên thị trường đá nhân tạo thế giới mà chỉ được biết đến như một đơn vị “gia công” có lợi thế giá thành rẻ và giao hàng nhanh.
Để đưa Công ty lên tầm cao mới với thương hiệu quốc tế thực sự của nhà sản xuất hàng đầu đá thạch anh, sau khi nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, các phân khúc sản phẩm về giá, mẫu mã, đánh giá các thế mạnh và giá trị cốt lõi của Công ty và tiềm năng của công nghệ mà Công ty đang có, Công ty đã quyết định thay đổi chiến lược cạnh tranh của VICOSTONE. Theo đó, VICOSTONE phải tạo ra các dòng sản phẩm mới, độc đáo, khác biệt và mang thương hiệu riêng của VICOSTONE, tập trung cho phân khúc trung cao cấp. Khó khăn đặt ra lúc này là sản phẩm mang phong cách riêng của VICOSTONE nhưng thỏa mãn được yêu cầu của khách hàng. Trong khi VICOSTONE là công ty mới sử dụng công nghệ Breton, các nhà sản xuất đá nhân tạo khác trên thế giới đã có nhiều chục năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất này, khẳng định được thương hiệu và phong cách riêng trên thị trường thế giới.
Sau quá trình tìm tòi, dưới sự chủ trì của Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty, đội ngũ R&D, phòng Kỹ thuật và một số bộ phận liên quan đã say mê nghiên cứu không ngừng nghỉ, và rồi một hướng đi đã được hình thành và các ý tưởng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. VICOSTONE đã chọn được hướng phát triển sản phẩm mới của riêng mình: lấy cảm hứng từ thiên nhiên, phát triển mẫu mã mới từ những mẫu đá đẹp và hiếm có, đang dần khan hiếm trong tự nhiên, lúc đầu là gắn liền với ý tưởng “From nature to reality”, tiếp theo là “Thổi hồn vào đá”. Với hướng phát triển này, VICOSTONE tham vọng sẽ đưa ra được những sản phẩm đá nhân tạo vừa mang tính nghệ thuật và vẻ đẹp của đá tự nhiên nhưng lại có cả những đặc tính cơ lý vượt trội, thân thiện với môi trường, làm từ cốt liệu thạch anh.
Năm 2011 tại triển lãm Marmomacc (Ý), sản phẩm BQ8270 Calacatta của VICOSTONE đã tạo được tiếng vang lớn trên thị trường đá nhân tạo thế giới khi lần đầu tiên trên thị trường đá nhân tạo xuất hiện sản phẩm đá nhân tạo mô phỏng thiết kế của đá tự nhiên Calacatta – loại đá được mệnh danh là nữ hoàng của các loại đá trang trí tự nhiên. Đây là điểm khởi nguồn cho phong trào phát triển sản phẩm Calacatta rộng khắp thế giới, mang lại sức phát triển mạnh mẽ cho ngành đá Quartz nhân tạo.
Từ đó tới nay, VICOSTONE đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm mang phong cách riêng, khẳng định thương hiệu VICOSTONE Quartz Surfaces trên thị trường đá nhân tạo thế giới. Các bộ sưu tập sản phẩm như “Marble effect”, “Granite looking”, “Exotic collection”, các sản phẩm Fusion, Vein-cut… thể hiện thiết kế độc đáo, tinh tế mà chỉ riêng Công ty có được. VICOSTONE không chỉ trở thành một trong số 04 nhà sản xuất đá thạch anh tấm lớn lớn nhất trên thế giới mà còn là thương hiệu dẫn đầu trong việc sản xuất các sản phẩm độc đáo, khác biệt và có tính dẫn dắt, định hướng thị trường. Các đối thủ cạnh tranh đã làm theo các sản phẩm của VICOSTONE nhưng khó có thể bắt chước được những điểm cốt lõi của mẫu đá và càng không thể nhanh chóng sao chép do bí quyết riêng của mỗi sản phẩm.

3.2 Cách mạng về các công cụ quản trị để chuyên nghiệp và hiệu quả hơn (sử dụng công cụ ERP – Enterprise Resource Planning)

ERP-SAP là một trong những công cụ quản trị tiên tiến, hàng đầu trên thế giới, giúp cho doanh nghiệp hoạch định tối ưu các nguồn lực, quản trị tốt tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc khai thác hiệu quả ERP cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được với tiêu chuẩn quản trị tiên tiến của quốc tế, nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu.
Tuy nhiên ERP-SAP cũng mang đến thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp khi mà chi phí đầu tư cho ERP-SAP khá lớn, gấp nhiều lần các phương thức quản trị đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Quan trọng là để sử dụng được ERP, đòi hỏi người sử dụng phải được đào tạo bài bản, quy trình phải đầy đủ và bài bản, tác nghiệp phải đồng bộ và kịp thời, chi tiết và chuẩn mực với sự cẩn trọng cao nhất. Thêm vào đó, quy trình sản xuất hiện tại của VICOSTONE qua rất nhiều công đoạn, khối lượng dữ liệu lớn và phức tạp cũng là trở ngại cho việc vận hành hệ thống.
Để có thể đưa ERP-SAP đi vào vận hành, ngoài các nhân viên tư vấn trong nước, Công ty còn mời đội ngũ chuyên gia đến từ Ấn Độ để tham gia tìm hiểu quy trình, thiết kế hệ thống, chuyển đổi dữ liệu và đào tạo cho toàn bộ đội ngũ nhân sự có liên quan đến việc vận hành hệ thống.
Ngày 01/05/2011, sau một năm triển khai với quyết tâm cao từ Ban lãnh đạo Công ty xuống đến đội ngũ Cán bộ công nhân viên, VICOSTONE chính thức vận hành hệ thống, cho phép tích hợp nghiệp vụ của nhiều bộ phận khác nhau: Kế toán tài chính, kế toán quản trị, mua hàng, bán hàng, quản lý vật tư, quản lý chất lượng, sản xuất và bảo trì… để tạo ra mối liên kết chặt chẽ và khoa học giữa các yếu tố của hệ thống kinh doanh, nhanh chóng đưa ra kết quả hoạt động và giúp kiểm soát hiệu quả các quá trình hoạt động.
Vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu tiên,ERP-SAP đã thể hiện những ưu điểm nổi bật so với các phần mềm khác, hỗ trợ đắc lực trong công tác điều hành của Ban lãnh đạo, hỗ trợ hiệu quả công tác lập kế hoạch, công tác truy xuất báo cáo nhanh và đảm bảo tính chính xác, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc và quan trọng nhất là tăng tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân sự VICOSTONE.
3.3 Tái cấu trúc hệ thống phân phối, bước đầu xây dựng hệ thống bán hàng trực tiếp tại các thị trường chủ yếu
Từ năm 2004 đến năm 2010, VICOSTONE chỉ bán hàng thông qua kênh bán hàng duy nhất là các công ty, đại lí nước ngoài, các công ty này nhập hàng của VICOSTONE và bán dưới thương hiệu của các công ty đó tại các đại lí do họ mở ở thị trường quốc tế. Việc bán hàng thông qua hệ thống đại lý và kênh phân phối khiến cho VICOSTONE phần nào bị lệ thuộc vào đại lý, mất tính chủ động của doanh nghiệp và thương hiệu VICOSTONE QUARTZ SURFACES cũng khó được nhận biết bởi người tiêu dùng cuối cùng. Điều này là một thách thức và rủi ro rất lớn cho việc phát triển thương hiệu VICOSTONE và sự phát triển không chắc chắn.
Nhận thức được vấn đề trên, Ban lãnh đạo VICOSTONE đã đưa ra quyết định táo bạo mà vào thời điểm bấy giờ, ít có công ty kinh doanh xuất khẩu nào tại Việt Nam dám làm: Năm 2010, thông qua công ty con là Style Stone, VICOSTONE đã đầu tư thành lập Công ty Stylen Quaza (VICOSTONE US) tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ để phân phối trực tiếp sản phẩm VICOSTONE QUARTZ SURFACES tại thị trường Mỹ dưới thương hiệu VICOSTONE. Việc thành lập cơ sở bán hàng đầu tiên tại Dallas đã đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược bán hàng của VICOSTONE, đưa VICOSTONE từ vị thế phải phụ thuộc vào các nhà phân phối lên vị thế trực tiếp bán các sản phẩm do VICOSTONE làm ra.
Từ năm 2010 đến nay, tại Mỹ, VICOSTONE US đã mở thêm 01 kho hàng tại Chicago vào năm 2014 và 02 kho hàng tại Atlanta và Houston vào năm 2015. Doanh số bán hàng của VICOSTONE US có tốc độ tăng trưởng rất tốt trong thời gian trở lại đây góp phần giúp cho thị trường Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của VICOSTONE.
Không chỉ dừng lại tại thị trường Mỹ, cuối năm 2015, hệ thống bán hàng trực tiếp sản phẩm dưới thương hiệu VICOSTONE tiếp tục được mở rộng sau khi công ty mẹ PHENIKAA thành lập công ty VICOSTONE CANADA đồng thời mở và đưa vào vận hành 01 kho hàng tại Toronto Canada từ tháng 3/2016, và tiếp tục mở thêm cơ sở bán hàng tại Montreal trong tháng 7 năm 2017, nâng tổng số kho hàng tại Bắc Mỹ lên con số sáu (6).
Không chỉ làm tăng doanh thu, việc mở các cơ sở bán hàng trực tiếp tại thị trường quốc tế còn góp một phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của VICOSTONE, giúp VICOSTONE chủ động về hệ thống thông tin thị trường được thu thập từ chính nhân sự của VICOSTONE tại các thị trường, giúp lãnh đạo Công ty kịp thời đưa ra các quyết sách kinh doanh, đưa thương hiệu VICOSTONE đến gần hơn với người tiêu dùng và quan trọng nhất là đào tạo đội ngũ nhân sự VICOSTONE có đủ năng lực, kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp để trực tiếp bán hàng tại những thị trường khó tính nhất trên thế giới.

4. Tái cơ cấu lần bốn (2014 – nay): TẬP TRUNG VÀO KINH DOANH CỐT LÕI, TRỞ THÀNH CÔNG TY CON CỦA TẬP ĐOÀN PHƯỢNG HOÀNG XANH ĐỂ TĂNG TRƯỞNGBỀN VỮNG.

4.1 Mâu thuẫn giữa các cổ đông nội bộ và các cổ đông chiến lược -Nhà đầu tư tài chính
Không thể không ghi nhận những đóng góp của các cổ đông lớn, cổ đông chiến lược đối với sự phát triển của VICOSTONE, việc góp vốn của các cổ đông nước ngoài đã tháo gỡ các khó khăn về tài chính của VICOSTONE và sự có mặt của cổ đông nước ngoài trong cơ cấu cổ đông đã thúc đẩy VICOSTONE nâng cao sự minh bạch trong quản trị công ty. Mặc dù vậy, các cổ đông nước ngoài này là các nhà đầu tư tài chính và điều mà các nhà đầu tư tài chính hướng đến chính là hoạt động đầu tư ngắn hạn và trung hạn tạo ra lợi nhuận càng lớn càng tốt. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến việc có sự mâu thuẫn giữa tham vọng của cổ đông nước ngoài và chiến lược phát triển dài hạn của Công ty.
Tại thời điểm đầu năm 2012, VICOSTONE được đánh giá là một trong những công ty tiêu biểu trên Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, với hệ thống quản trị doanh nghiệp minh bạch, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt qua từng năm, duy trì mức cổ tức khá lớn hằng năm để đảm bảo quyền lợi cổ đông.
Tuy nhiên, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) các nội dung mà Hội đồng quản trị Công ty trình lên ĐHĐCĐ bao gồm Báo cáo của HĐQT, Ban Tổng giám đốc về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2011 và kế hoạch kinh doanh năm 2012; Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2011 và lựa chọn đơn vị thực hiện việc kiểm toán tài chính năm 2012; Phân phối lợi nhuận 2011 và kế hoạch phân phối lợi nhuận 2012; Kế hoạch tăng vốn; Thù lao cho Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát … đều đã không được thông qua.
Điều này không những gây ra thiệt hại không nhỏ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, sự đình trệ đối với các hoạt động tín dụng và huy động vốn từ các ngân hàng (do không có Kế hoạch sản xuất kinh doanh được ĐHĐCĐ thông qua), tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh vươn lên mà còn phủ nhận toàn bộ những cố gắng và nỗ lực của đội ngũ Ban lãnh đạo và người lao động VICOSTONE trong thời gian dài.
4.2 Trở thành công ty con của Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng bền vững.
Từ những kinh nghiệm VICOSTONE có được khi cơ cấu cổ đông có cổ đông lớn là cổ đông nước ngoài và những bài học rút ra từ các công ty trên thị trường chứng khoán, Ban lãnh đạo công ty nhận thức được vai trò quan trọng của Cơ cấu cổ đông đối với định hướng phát triển của Công ty, cơ cấu cổ đông tốt sẽ là nền tảng vững chắc để công ty phát triển tốt.
Ngày 12 tháng 08 năm 2014 đánh dấu cột mốc tái cơ cấu quan trọng: VICOSTONE chính thức trở thành Công ty con của Công ty cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (PHENIKAA).
Trước thời điểm tái cơ cấu lần 4, VICOSTONE gặp nhiều khó khăn do bị đe dọa về mặt thị phần, kết quả hoạt động và tăng trưởng chững lại khi gặp phải sự cạnh tranh gay gắt khi các đối thủ lớn của VICOSTONE liên tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Lúc này, PHENIKAA được đánh giá là một công ty có tiềm lực rất mạnh về tài chính, cũng đã kí hợp đồng độc quyền nhập khẩu dây chuyền sản xuất đá thạch anh tấm lớn theo công nghệ tiên tiến nhất với Breton và nắm giữ độc quyền trong vòng 06 năm, đồng nghĩa với việc VICOSTONE không còn quyền đầu tư thiết bị trong thời gian 06 năm tiếp theo.
Hơn nữa, PHENIKAA cũng đặt nhà máy sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, điều này đã tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với VICOSTONE và nếu VICOSTONE không có quyết sách phù hợp thì có thể sẽ không đủ năng lực cạnh tranh và phát triển, việc tái cơ cấu VICOSTONE trở thành yêu cầu tất yếu để Công ty có thể tiếp tục tồn tại và phát triển.
Việc tái cơ cấu, trở thành công ty con của PHENIKAA đã giúp VICOSTONE giảm rủi ro cạnh tranh, phát triển nguồn lực để tăng thị phần, nâng cấp hệ thống và trình độ quản lý. Với đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực kinh doanh đá ốp lát nhân tạo cao cấp, VICOSTONE được Tập đoàn PHENIKAA tin tưởng lựa chọn là đầu mối kinh doanh của cả tập đoàn, VICOSTONE vừa là đầu mối xuất khẩu, điều phối khách hàng, vừa là đầu mối điều phối nguyên vật liệu đầu vào để đảm bảo tính đồng nhất trong tiêu chuẩn chất lượng, tiết kiệm chi phí cho Toàn tập đoàn. Tầm nhìn và định hướng của Công ty mẹ PHENIKAA đã tạo cho VICOSTONE có được vị thế vững vàng, hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại doanh thu và lợi nhuận cao, đảm bảo hoàn thành kế hoạch tăng trưởng kép trên 25% về doanh thu và lợi nhuận từ năm 2014 đến nay, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao uy tín thương hiệu VICOSTONE QUARTZ SURFACES trên thị trường quốc tế.

5. VICOSTONE hôm nay và chặng đường phía trước

Mười lăm năm qua là một quãng đường không dài nhưng giúp cho VICOSTONE trưởng thành, củng cố vững chắc năng lực tài chính, quản trị, tích luỹ kinh nghiệm thương trường, và từ đó vị thế của thương hiệu VICOSTONE trên thị trường quốc tế được nâng cao, trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới về đá thạch anh cao cấp.Sau mỗi lần tái cấu trúc, Công ty lại phát triển lên một mức cao hơn và kết quả đạt được khá ấn tượng. Nếu so sánh các con số năm 2016 với năm 2006, doanh thu tăng 16 lần, lợi nhuận trước thuế tăng 145 lần, lợi nhuận sau thuế tăng120 lần, tài sản tăng 7 lần, vốn chủ sở hữu tăng 41 lần.
Những con số về kết quả hoạt động chứng minh cho tính đúng đắn và hiệu quả của quá trình tái cơ cấu và điều chỉnh chiến lược một cách linh hoạt và kịp thời của VICOSTONE trong 15 năm qua. Nhiều người trong số Lãnh đạo Công ty nay đã ngoại ngũ tuần, tóc đã bạc đi phần nhiều nhưng những gì họ đã lao động và cống hiến cho đến ngày hôm nay cũng đã được đền đáp bằng sự phát triển ấn tượng của Công ty, cuộc sống người lao động tốt hơn rất nhiều. Phía trước vẫn là những thử thách khắc nghiệt của quy luật cạnh tranh trên thương trường, nhưng những người VICOSTONE nay đã trưởng thành hơn, tự tin hơn và có đủ bản lĩnh để tiếp tục con đường chinh phục những mốc cao hơn, phấn đấu vì một thương hiệu VICOSTONE uy tín toàn cầu trong lĩnh vực đá thạch anh, vì Tập đoàn PHENIKAA lớn mạnh, vững bền về mọi mặt, với một văn hoá kinh doanh chuyên nghiệp, đầy tính nhân văn và phát triển bền vững.
Ngày 12 tháng 09 năm 2017, giá cổ phiếu của VICOSTONE đã vượt mốc 200.000 đồng/cp với giá đóng cửa là 205.000 đồng/CP, đánh dấu thời điểm lịch sử về giá trị công ty với trên 700 triệu USD. Điều đó chứng minh uy tín của Công ty trong hoạt động SXKD và sự tin tưởng của nhà đầu tư vào cổ phiếu VCS. Chỉ tiêu chiến lược năm năm 2014-2019 đã được hoàn thành vào năm 2016 với yêu cầu tăng trưởng kép 20%/năm về doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Phát triển bền vững và hiệu quả là một trong những yêu cầu chiến lược của Công ty nói riêng và của cả Tập đoàn nói chung.
Tương lai của VICOSOTNE vẫn sẽ phát triển theo đúng tầm nhìn, sứ mệnh và định hướng chiến lược như đã vạch ra với yêu cầu tăng trưởng kép ít nhất 20% đến 2020 và tầm nhìn đến 2025:
Tầm nhìn: Trở thành thương hiệu đá thạch anh hàng đầu bằng việc không ngừng phát triển và áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới để tạo ra các tác phẩm đá thạch anh khác biệt về tính nghệ thuật và truyền cảm hứng cho mọi đối tượng
Sứ mệnh: Hiện thực hoá mọi cam kết, luôn sáng tạo và mang đến giá trị nghệ thuật độc đáo, dẫn đầu xu hướng với chất lượng hàng đầu, thoả mãn tốt nhất yêu cầu của mọi đối tượng khách hàng.Những gì chúng ta đã xây dựng, đã làm được và đã chuẩn bị sẽ là động lực và tiền để cho việc tiến lên phía trước với nỗ lực không ngừng để hoàn thành được mục tiêu đề ra, và “Hiện thực hoá mọi cam kết” và tiếp tục hy vọng về một tương lai thịnh vượng hơn.
Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

‘Đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, cơ bản là chưa đủ’
Để đáp ứng 10.000 kỹ sư ngành vi mạch lành nghề mỗi năm, theo GS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó…
PHENIKAA-X CHÀO ĐÓN CÁC BẠN SINH VIÊN NGÀNH ROBOT & AI THAM DỰ BUỔI TRAO ĐỔI, THAM QUAN VÀ TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ
Sáng ngày 24/04/2024, Phenikaa-X đã đón tiếp Giảng viên và các bạn sinh viên ngành Robot & AI Trường Đại…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa