- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
“Thanh thuỷ xuất phù dung, thiên nhiên khứ điêu sức” (Lý Bạch – Luận thi).
Hoa sen mọc lên từ nước trong, thiên nhiên không cần phải bài trí, gia công. Thơ của Lý Bạch chứa đựng ý nghĩa thâm thúy.
Có nhiều người chỉ cần xuất hiện, khí chất tự nhiên ngập tràn. Người sở hữu khí chất thường cho người khác ấn tượng sâu sắc. Họ không chỉ thu hút ánh nhìn, mà tỏa ra sức hấp dẫn đặc biệt không thể chối từ.
Vậy tại sao có nhiều người lại “bẩm sinh” sở hữu khí chất như vậy?
Nhà văn người Anh, Oscar Wilde đã viết trong cuốn “Bức họa Dorian Gray” rằng: “Vẻ đẹp là trạng thái tâm linh được thể hiện trong thế giới thực”.
Câu này thể hiện đủ đầy mối liên hệ mật thiết giữa nội tại và ngoại tại. Trên thực tế, khí chất của một người là sự phản ánh trạng thái bên trong. Nội tâm bình lặng, tự tin và lương thiện có thể ảnh hưởng đến vẻ ngoài, toát ra sức hấp dẫn ai cũng yêu thích.
Napoleon là nhân vật quan trọng trong lịch sử nước Pháp và là nhà lãnh đạo quân sự xuất chúng. Khí chất của ông có liên quan đến tài năng trong quân sự. Mẹ của ông từng nói ông đã là người lãnh đạo bẩm sinh từ nhỏ. Ở đây, khí chất chính là năng lực làm chủ đội nhóm và dần được thể hiện trong quá trình trưởng thành.
Đồng thời, khí chất không chỉ có ở tài năng, nó còn có thể được cải thiện thông qua rèn luyện và trau dồi.
“Luận ngữ” của Khổng Tử có viết: “Xảo ngôn lệnh sắc, tiên hỷ nhân”. Ý nói: ““Những người cố tình nói ra những lời ngọt ngào dễ nghe thì hiếm khi có trái tim nhân hậu”.
Câu này cho chúng ta biết rằng khí chất thực sự không chỉ phụ thuộc vào vẻ đẹp bên ngoài mà còn là sự lương thiện và chân thành bên trong. Nếu một người có thể tu dưỡng nội tâm, tu thân tích đức, thì khí chất chắc chắn sẽ được cải thiện theo.
Ví dụ như đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jacqueline Kennedy, bà được cả thế giới biết đến nhờ vẻ ngoài sang trọng, duyên dáng và cách cư xử cực kỳ thông minh. Tuy nhiên, khí chất của bà không phải bẩm sinh có được, mà bồi dưỡng thông qua ảnh hưởng văn hóa và sự trau dồi bản thân khi còn trẻ. Tình yêu dành cho âm nhạc cổ điển, văn học và nghệ thuật đã giúp bà có sở hữu sự giáo dục đặc biệt và khí chất nhã nhặn.
Cổ nhân có câu: “Y quan bất chính, hà dĩ mộ văn”. Câu này nhấn mạnh vai trò của hình ảnh bên ngoài trong việc hình thành khí chất. Cách ăn mặc, vẻ ngoài và cách cư xử của một người phản ánh tầm quan trọng của người đó đối với hình ảnh của chính mình. Ăn mặc đẹp, gọn gàng, sạch sẽ không chỉ tạo ấn tượng tốt ban đầu mà còn truyền tải hình ảnh tự tin và chuyên nghiệp.
Điều đáng nói là khí chất không liên quan đến tướng mạo, sự giàu có hay địa vị. Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates từng nói: “Vẻ đẹp thuộc về thể xác, trí tuệ thuộc về tâm hồn”. Câu này nhắc nhở chúng ta đừng theo đuổi vẻ bề ngoài hào nhoáng quá mức mà hãy tập trung vào việc trau dồi nội tâm và tích lũy trí tuệ. Khí chất của một người phải chân thật và lâu dài, không giả tạo và hời hợt.
Dù là tinh anh trong giới kinh doanh, nghệ thuật gia, nhà chính trị, họ đều biết cách rèn luyện khí chất của mình. Họ cải thiện khí chất bằng cách đọc sách, học tập, du lịch, thực hành nghệ thuật, học phép xã giao…
Sự hình thành khí chất không chỉ liên quan đến trạng thái nội tâm mà còn tác động qua lại với những nét tính cách, sự tu dưỡng có được và hình ảnh bên ngoài. Bằng cách trau dồi nội tâm, chú trọng cách đối nhân xử thế và hình ảnh bên ngoài, mọi người đều có thể phát triển một khí chất riêng. Như nhà văn Pháp Victor Hugo đã nói: “Khí chất là ánh sáng nội tâm soi rọi cả đời người”.