- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Tôi đến Trần Long vào một chiều tháng sáu trong tiết trời “nóng như rang” của khí hậu vùng Đông Nam Bộ. Chuyến công tác đầu tiên của tôi tại Trần Long giúp tôi hiểu rất nhiều điều – hiểu về ý chí kiên cường và khát vọng cháy bỏng, tinh thần nhiệt huyết và dấn thân, nỗ lực và sáng tạo của những “người mở đường” cho lĩnh vực chế tác đá thạch anh VICOSTONE® tại thị trường phía Nam.
Thành lập năm 2017 tại Khu công nghệ cao Nhơn Trạch 3 – Đồng Nai, Trần Long mang một sứ mệnh là một trong những Công ty đầu tiên của Tập đoàn tại miền Nam. So với những Công ty khác trong Tập đoàn, Trần Long phải đối mặt với thách thức về nhân sự bởi những khó khăn trong công tác tuyển dụng. Chính vì vậy, Ban Lãnh đạo Công ty luôn nỗ lực và “dám làm” những điều mới để tạo sự gắn kết và cống hiến của người lao động, đặc biệt trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. 30 khóa đào tạo nội bộ, 10 khóa đào tạo bên ngoài với 200 lượt người tham gia và 3.000 giờ đào tạo tính từ đầu năm 2020 đến nay là minh chứng của tinh thần học hỏi không ngừng để sẵn sàng dấn thân trong mọi thử thách của những người Phenikaa tại Trần Long.
Câu chuyện nhân sự – Cái “khó” của những người mở đường
Trò chuyện với anh Vũ Mạnh Tuấn – Giám đốc Công ty Trần Long, tôi cảm nhận được những giá trị cốt lõi của người Phenikaa được hội tụ đủ ở những “người lính” tiên phong nơi đây. Họ có đủ Niềm tin để tạo động lực chuyển đổi và bước tiếp trước những thử thách. Họ có đủ Nỗ lực để vượt qua những khó khăn và yêu cầu mới. Họ đủ Sáng tạo, Đổi mới để vượt qua chính mình và tạo dấu ấn. Họ đủ Trách nhiệm để cống hiến nhiều hơn và cho đi nhiều hơn.
Kể với tôi về Trần Long, hồi ức của những ngày đầu thành lập như mạch ngầm, len lỏi vào câu chuyện của anh. Chữ duyên đã đưa anh gắn bó với Trần Long từ những ngày đầu thành lập. Anh Tuấn chia sẻ: “Bắt đầu một hành trình mới, quả thật không dễ. Tìm nhân viên đã khó, đào tạo nhân viên còn khó hơn. Những người công nhân ở vùng Nhơn Trạch, Đồng Nai đa số đều chưa quen với lĩnh vực gia công chế tác nên phải rất khó khăn mới đào tạo được một thợ lành nghề”. Vận hành một nhà máy mới, đòi hỏi những người tham gia không chỉ cần kinh nghiệm, mà cần biết truyền cảm hứng, chuyển giao kinh nghiệm cho những nhân sự mới để họ tạo ra giá trị trong công việc ngay sau đào tạo.
Nếu các nhà máy sản xuất đá tấm thạch anh VICOSTONE® ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc có thể dễ dàng trao đổi nhân sự, thì Trần Long lại khác. Những nhân sự dày dặn kinh nghiệm từ Công ty Cổ phần Chế tác đá Việt Nam (STV) tại Hà Nội được cử vào có hạn về số lượng và thời gian hỗ trợ. Đội ngũ nhân sự mới đều chưa có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chế tác đá. Nhân sự giữ vai trò giảng viên đào tạo từ thực tế thiếu, đòi hỏi mỗi người lao động phải chủ động tích lũy kiến thức mới, kỹ năng mới từ những trải nghiệm trong công việc.
Giai đoạn nhà máy bắt đầu vận hành, các đơn hàng yêu cầu gấp về tiến độ, đòi hỏi kỹ thuật và độ chính xác cao, lực lượng làm việc chính vẫn là đội ngũ công nhân kinh nghiệm của STV. Phương pháp đào tạo được áp dụng cho nhân sự mới là quan sát và không trực tiếp vận hành máy. Tuy nhiên, phương pháp này đã không đạt hiệu quả, khi những công nhân mới sau một tháng đào tạo chưa thực hành thành thạo các thiết bị của Công ty. Ngoài việc đối mặt với vấn đề chất lượng nhân sự không đảm bảo, Trần Long cũng gặp khó khăn khi nhiều nhân sự mới chấm dứt hợp đồng lao động do không theo kịp yêu cầu đào tạo, hoặc áp lực công việc lớn. Câu chuyện nhân sự nghỉ việc đã đặt ra bài toán “Làm thế nào để kết nối những người công nhân mới từ nhiều vùng miền hợp tác cùng nhau làm việc?”.
Trước những yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm và dịch vụ, anh Tuấn hiểu rằng, để tạo sự gắn kết của người lao động với nhà máy và sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ, cách hiệu quả nhất chính là phải nâng cao trình độ bằng việc áp dụng đa dạng các phương pháp đào tạo.
Học tập không ngừng vì khát vọng vươn xa
Hiểu được đặc điểm và yêu cầu đặt ra cho từng nhóm nhân sự, Công ty Trần Long hướng đến xây dựng chương trình phù hợp với từng nhóm đối tượng. Năm 2020, Công ty đã áp dụng “Quy chế đào tạo và phát triển” của Tập đoàn Phenikaa; cập nhật và áp dụng linh hoạt trong chính sách đào tạo; khuyến khích người lao động đề xuất các chương trình nâng cao chuyên môn, kỹ năng và áp dụng các kiến thức đã học phục vụ công việc. Trần Long cũng chú trọng tới việc nâng cao năng lực cho nhân sự chủ chốt, đội ngũ nhân sự kế cận và những vị trí công việc quan trọng tạo giá trị cốt lõi cho Công ty. Các khóa học tại Trần Long được chia thành 4 mảng chính: Nâng cao trình độ chuyên môn sâu; Phát triển các kỹ năng mềm, ngoại ngữ; Chương trình đào tạo nhân viên mới; Kỹ năng quản lý, lãnh đạo.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty đã tổ chức 30 khóa đào tạo nội bộ, 10 khóa đào tạo bên ngoài với mức chi phí hơn 500 triệu đồng cho 200 lượt người tham gia và hơn 3.000 giờ đào tạo. Điểm sáng trong công tác đào tạo năm 2020 là việc đào tạo nâng cao trình độ Tiếng Anh đối với 20 nhân sự thuộc nhóm kỹ sư, cử nhân dưới sự hướng dẫn của giáo viên người nước ngoài. Sau khóa đào tạo, những nhân sự thường xuyên làm việc với khách hàng quốc tế đã tự tin giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài. Bên cạnh việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, Công ty đã tổ chức khóa “Kỹ năng quản lý giám sát và sản xuất” cho đội ngũ tổ trưởng, kỹ sư và trưởng đơn vị với tổng kinh phí 330 triệu đồng. Chương trình đào tạo giúp người lao động có những thay đổi tích cực trong suy nghĩ, hành vi, biết cách lắng nghe, phản hồi thông tin trong công việc. Đây là những kỹ năng cần thiết đối với mỗi người lao động để tạo nên khối nhân sự chất lượng, gắn bó và bền vững.
Ngoài các khóa đào tạo thuê ngoài, Trần Long thường xuyên tổ chức các chương trình chia sẻ nội bộ cho CBCNV, trong đó tập trung vào các nội dung đào tạo về vận hành thiết bị, nắm bắt và cải tiến công nghệ sản xuất, an toàn vệ sinh lao động, an toàn vận hành máy móc thiết thiết bị, đào tạo nhắc lại về việc tuân thủ các quy trình…, giúp người lao động ý thức tuân thủ và tự giác đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
Văn hóa học tập, chia sẻ giúp những người lao động đến từ nhiều vùng miền khác nhau thấu hiểu hơn về đồng nghiệp, về công ty để họ tiếp tục gắn bó, cống hiến và nỗ lực hơn mỗi ngày. Đầu tư cho con người, phát huy văn hóa học tập chính là cách để Trần Long chủ động tạo nên những bước chuyển đổi nhanh và tạo lợi thế cạnh tranh. 5 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ nghỉ việc tại Trần Long chỉ dừng lại ở con số 4% trong khi tỉ lệ này trung bình những năm trước là 10 – 15%. Người Trần Long vốn mộc mạc, chân thành như chính trong gia đình họ. Họ âm thầm với những công việc của mình để góp phần tạo giá trị cho những công trình, những dự án trong nước và quốc tế.
Rời Trần Long trở về với Hà Nội, trong tôi vẫn cảm thấy ấm lòng vì sự ấm áp như anh em một nhà của những con người Trần Long – Những người bình dị nhưng cũng đầy năng lượng và khát vọng. Họ như những cánh chim không mỏi đón nguồn năng lượng của ánh mặt trời để cùng nhau vươn cao, vươn xa trên hành trình chinh phục những tầm cao mới.