Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Tuesday, 30/04/24

Tư duy tạo nên sự khác biệt giữa “học làng nhàng” và học hiệu quả

Có bao giờ bạn thấy hoang mang khi cùng tiếp nhận chung một bài toán, hoặc là một vấn đề trong dự án với đồng đội, nhưng có người lại nắm bắt và có phương án rất nhanh, trong khi bạn vẫn đang còn loay hoay hiểu đề bài?

Hay một trường hợp dễ thấy hơn là trong nấu ăn, cùng một công thức làm bánh, cùng những loại nguyên liệu phổ biến và các bước theo thứ tự rõ ràng, nhưng kết quả lại có người làm ngon, người dở.

Nếu chỉ kết luận là do mình “kém” thì quá chung chung, khiến chúng ta còn hoang mang hơn. Với mình, năng lực giữa người và người có sự phân cấp chủ yếu là do mức độ chất lượng trong suy nghĩ, tức là có được những tư duy đúng trước khi đi tìm phương pháp đúng.

Khi nói đến tư duy thì chắc hẳn bạn đã nghe tới những cái tên rất phổ biến như tư duy phát triển, tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, tư duy nguyên bản. Nhưng để nói riêng về tư duy khi tự học, thì mình sẽ nói về một tư duy giúp tiêu hóa kiến thức, biến chúng trở thành dinh dưỡng để phát triển loại năng lực mong muốn, đó là tư duy phân tích – đúc kết.

Tư duy phân tích – đúc kết là gì?

Như tên gọi của nó, tư duy này chia làm hai bước.

Đầu tiên là bước phân tích. Đây là quá trình tách lớp các thông tin ra thành các cụm riêng biệt, càng chi tiết càng tốt, và loại bỏ bớt những yếu tố thừa thãi, không cần thiết. Mục tiêu là để hiểu được cách các cụm thông tin này liên kết với nhau như thế nào, vận hành ra sao.

Bước thứ hai là đúc kết. Sau khi đã hiểu cần phải có bao nhiêu yếu tố quan trọng và chúng phải kết hợp với nhau như thế nào, thì lúc này người học có thể rút ra được những quy luật, nguyên tắc cốt lõi của kiến thức, nhờ thế mà có thể ứng dụng ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Các quy luật có thể hình thành dựa trên việc xác định các yếu tố: must – phải có, should – nên có, could – có thì tốt.

Cùng mình đi qua vài ví dụ để dễ hiểu hơn nhé.

Áp dụng tư duy này thế nào?

Ví dụ 1: Chơi lego

Hãy tưởng tượng trước mặt bạn đang có một thùng các khối lego đủ loại.

Đầu tiên bạn sẽ xếp hết các khối lego ra trước mặt và bắt đầu phân loại chúng theo kích thước, hình dạng, và màu sắc. Lúc này bạn bắt đầu xác định được chức năng cụ thể của từng khối. Chẳng hạn các khối vuông thì dùng làm nền móng, khối dài hơn cho trụ, và một vài khối đặc biệt như khối có bánh xe thì để dành cho phương tiện.

Bạn lắp thử vài khối theo những cách khác nhau để xem chúng có thể kết nối như thế nào, rồi từ đó đúc kết những quy tắc cơ bản. Chẳng hạn như làm thế nào để hai khối dính chặt được vào nhau, chúng có thể kết nối với nhau theo những chiều, phương hướng nào, v.v.

Bây giờ nếu bạn muốn xếp lego thành một ngôi nhà, hãy tiếp tục quá trình phân tích – đúc kết một lần nữa các yếu tố tạo ra ngôi nhà. Những yếu tố buộc phải có là nền móng, vách tường, cửa, mái nhà. Các yếu tố nên có là cửa sổ, và yếu tố có thì tốt thì là cây cối, đường xá,…

Từ đó, bạn chọn các khối có chức năng phù hợp, loại bỏ các khối không cần thiết như khối bánh xe. Trừ khi bạn muốn làm một ngôi nhà chạy băng băng như xe hơi thì cứ giữ lại cũng được.

Bây giờ thì bắt tay vào làm thôi.

Có thể bạn đang nghĩ, chơi lego thôi mà cần gì phải mệt đầu như vậy không? Mình đây hồi nhỏ khi chơi cũng suy nghĩ đơn giản, thường chỉ xếp ra mấy hình đơn giản như cây kiếm, khẩu súng, chứ không thể xếp ra được thứ gì phức tạp hơn. Nhưng lego là một bộ môn có nhiều mô hình cực kỳ cầu kỳ, mà để làm được như vậy người chơi phải nắm rất vững những nguyên tắc cơ bản để làm nền tảng cho sự sáng tạo của họ.

Nguồn Hong Lin Unsplash
Nguồn: Hong Lin/ Unsplash

Ví dụ 2: Pha chế cocktail

Đây là một sở thích cá nhân của mình, và mình đã áp dụng tư duy phân tích – đúc kết từ việc hiểu và ghi nhớ những thành phần tạo ra một ly cocktail gồm những gì, và cách chúng kết hợp như thế nào để tạo được mùi vị mong muốn.

Cụ thể, một ly cocktail là sự kết hợp của rượu nền, rượu mùi, syrup, bitter, hoặc có thêm nước ép trái cây tùy công thức.

Trong đó, rượu nền là thành phần quan trọng nhất, như whisky, vodka, gin, tequila,… Mỗi loại lại tạo ra một vị đặc trưng cho cocktail đó. Vì thành phần nguyên liệu và cách chưng cất khác nhau mà chúng chỉ có thể kết hợp tốt với những loại nguyên liệu phụ phù hợp. Như là vodka thì không mùi, không vị thích hợp để tôn lên mùi vị của trái cây, hay gin là từ thảo mộc, rất hợp với nguyên liệu hoa cỏ, thảo mộc như hoa lài, gừng,…

Cứ tiếp tục phân tích chi tiết hơn từng thành phần như vậy, rồi đúc kết được công thức thành công của cocktail là sự cân bằng giữa rượu, nước ép, và gia vị. Cũng như những cách phối hợp, gia giảm như thế nào nếu chẳng may ly cocktail ngọt quá, hoặc chua quá,…

Chưa dừng lại ở đó, pha chế cocktail còn cần thêm các kỹ năng khác như shake là kỹ thuật lắc hỗn hợp rượu với đá, giúp toàn bộ thành phần hòa quyện và đậm đà hơn. Hoặc stir là kỹ thuật khuấy đều rượu trong ly đá để làm lạnh mà không làm tan đá quá nhanh, ảnh hưởng trực tiếp lên màu và vị của rượu.

Nhờ tư duy phân tích đúc kết, mà mình đã nhanh chóng nắm được các nguyên tắc nền tảng, mà mình đã sớm tự tạo ra được những công thức cocktail mới theo phong cách cá nhân của mình. Nếu bạn quan tâm thì trên Facebook, ở page hoangthoughts mình có 1 series chia sẻ các công thức này.

Cocircng thức một ly The Kamikaze Nguồn Hoagraveng Nguyễn
Công thức một ly The Kamikaze. | Nguồn: Hoàng Nguyễn

Mình tự học pha chế cocktail là vì sở thích, nên cũng chỉ vừa đủ để đáp ứng được nhu cầu cá nhân. Còn để học chuyên môn, để kiếm tiền thì đương nhiên quá trình tư duy phân tích đúc kết sẽ phức tạp hơn nhiều.

Ví dụ 3: Thiết kế website

Khi bắt đầu chân ướt chân ráo tự học thiết kế web vì trong trường đại học không dạy, mình đã bắt đầu bằng việc sao chép các website có sẵn ở trên mạng.

Trong quá trình sao chép này, mình phân tích và ghi chú lại thành các mục nhỏ. Chẳng hạn, các yếu tố quan trọng của một website gồm:

  • Phần trên cùng là header phải có: logo, menu, nút call to action, hero banner.
  • Phần giữa là các nội dung cần trình bày.
  • Phần cuối cùng là footer thì phải có: sub menu, thông tin liên lạc, các liên kết mạng xã hội, đăng ký email và thông tin bản quyền.

Mình lại tiếp tục ghi chú lại các yếu tố về thiết kế như: màu sắc và kích cỡ thường dùng cho header, màu sắc và kích cỡ thường dùng cho tiêu đề, nội dung,… Chi tiết hơn nữa là khoảng cách giữa các yếu tố thường là bao nhiêu pixel, nội dung thường được chia thành bao nhiêu cột,…

Ngoài ra, mình cũng tìm đọc thêm các nguyên tắc thiết kế được chia sẻ ở trên mạng hoặc từ sách, kết hợp với ghi chú để đúc kết ra các nguyên tắc cá nhân, rồi áp dụng chúng vào thiết kế của mình.

Rất nhiều những nguyên tắc này mình đã chia sẻ ở blog cá nhân. Nếu bạn tò mò, thì bình luận cho mình biết, mình sẽ dành thời gian tổng hợp lại các link sau nhé.

Bạn càng thực hành tư duy phân tích đúc kết này nhiều, bạn càng dễ áp dụng chúng cho nhiều thứ hơn trong cuộc sống. Từ nhỏ nhất là trong cuộc trò chuyện để hiểu được những gì đối phương đang nói, tới lớn hơn là hiểu được những kiến thức chuyên môn phức tạp.

Kết

Hy vọng thông qua 3 ví dụ vừa rồi đã giúp bạn hình dung được cách chúng ta áp dụng tư duy phân tích – đúc kết để quá trình tự học hiệu quả hơn.

Bên cạnh tư duy này, mình cũng đặc biệt quan tâm đến tư duy “critical thinking”, hay còn thường được gọi là tư duy phản biện. Cá nhân mình thì định nghĩa nó là tư duy đa chiều. Có thể trong thời gian tới mình sẽ nói sâu hơn.

Trong hành trình tự học, mình thường xuyên kết hợp 2 loại tư duy này khi học thêm kiến thức mới, và chúng đã thật sự mài sắc được tư duy của mình hơn rất nhiều.

Xin kết thúc tập này bằng câu nói của một trong những cá nhân kiệt xuất nhất của nhân loại, Leonardo da Vinci:

All our knowledge has its origins in our perceptions.

Tạm dịch: Tất cả kiến thức chúng ta có đều bắt nguồn từ nhận thức của chúng ta.

Tuy nói là series tự học kết thúc ở đây, nhưng hành trình tự học kéo dài cả đời người. Bất cứ khi nào bạn cần, hãy mở lại các bài viết này hoặc nghe lại các tập podcast trên kênh YouTube @hoangthoughts nhé.

Nguồn: Vietcetera

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

‘Đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, cơ bản là chưa đủ’
Để đáp ứng 10.000 kỹ sư ngành vi mạch lành nghề mỗi năm, theo GS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó…
PHENIKAA-X CHÀO ĐÓN CÁC BẠN SINH VIÊN NGÀNH ROBOT & AI THAM DỰ BUỔI TRAO ĐỔI, THAM QUAN VÀ TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ
Sáng ngày 24/04/2024, Phenikaa-X đã đón tiếp Giảng viên và các bạn sinh viên ngành Robot & AI Trường Đại…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa