- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam vừa trao giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2020 cho TS. Phan Đức Anh, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Tiên tiến Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa. Đây là giải thưởng thường niên của Hội dành cho các nhà nghiên cứu trẻ tuổi có thành tích nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực Vật lý lý thuyết và các lĩnh vực khác có liên quan.
TS. Phan Đức Anh tốt nghiệp hệ cử nhân tài năng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2009. Sau hơn một năm công tác tại Viện Vật lý, anh sang Mỹ tiếp tục học sau đại học. Anh tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Vật lý ứng dụng tại Trường Đại học Nam Florida năm 2013 và nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign năm 2018.
Ngay sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, TS. Phan Đức Anh về nước và bắt đầu công tác tại Trường Đại học Phenikaa từ tháng 11/2018. Lĩnh vực nghiên cứu của anh bao gồm: Tính chất của vật liệu thấp chiều và các cấu trúc nano, khai thác năng lượng mặt trời, quá trình tái cấu trúc của polymer và các vật liệu vô định hình, ứng dụng trong nghiên cứu sự ổn định và độ hòa tan của các loại thuốc. Mặc dù sử dụng học máy (Machine Learning) và xây dựng mô hình lý thuyết, nhưng các nghiên cứu của anh chủ yếu tập trung vào các ứng dụng thực tế.
Đón nhận giải thưởng nghiên cứu trẻ của Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam, TS. Phan Đức Anh chia sẻ: “Đây là giải thưởng thực sự ý nghĩa để khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ say mê nghiên cứu khoa học, cũng như ghi nhận những thành quả trong quá trình phát triển nghiên cứu Vật lý lý thuyết và các lĩnh vực liên quan trên toàn quốc”.
Nói về công trình nghiên cứu, TS Phan Đức Anh cho biết: Nguồn gốc và bản chất về chuyển động phân tử của chất vô định hình (polymers, gel, thủy tinh, thuốc vô định hình…) là một trong những vấn đề bí ẩn mặc dù chúng ta vẫn sử dụng vật liệu này hàng ngày. Cấu trúc phân tử của chất vô định hình khá giống với chất lỏng nên mang nhiều tính chất vật lý của chất lỏng (đặc biệt ở nhiệt độ cao) nhưng lại có nhiều tính chất giống tinh thể vật rắn (đặc biệt ở nhiệt độ thấp). Các tính chất vật lý này cũng phụ thuộc vào quá trình chế tạo, hình dạng thiết kế, cũng như điều kiện lưu trữ và sử dụng. Chính sự phức tạp này khiến cho lý thuyết chưa thể miêu tả thống nhất các tính chất vật lý của vật liệu vô định hình một cách toàn diện mà chỉ dừng lại ở miền nghiên cứu khá nhỏ”.
Trước thực tế đó, từ năm 2015, TS. Phan Đức Anh cùng GS Kenneth S. Schweizer, Trường Đại học Illinois ở Urbana-Champaign (UIUC) đã xây dựng và phát triển lý thuyết ECNLE (The elastically collective nonlinear Langevin equation theory) để nghiên cứu động học phân tử trong vật liệu vô định hình ở kích thước lớn và màng mỏng trong các điều kiện chế tạo khác nhau. Lý thuyết này cho phép các nhà nghiên cứu có một cách nhìn mang tính hệ thống về tính chất và phân loại các thiết kế vật liệu. Đặc biệt, nó cũng tạo ra sợi dây kết nối, thống nhất được cách nhìn giữa thực nghiệm và lý thuyết.
Ngay khi về công tác tại Trường Đại học Phenikaa, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu mô hình lý thuyết theo hướng cơ bản, TS. Phan Đức Anh đã mở ra định hướng ứng dụng cho lý thuyết ECNLE trong việc đánh giá tính chất và chất lượng của thuốc vô đinh hình. Từ đó, có thể xây dựng những dự đoán cho khả năng hấp thụ và hòa tan của thuốc khi đưa vào trong cơ thể. Lý thuyết này cũng có thể ứng dụng trong nghiên cứu tính chất của màn hình cảm ứng, OLED…
Hiện nay, TS. Phan Đức Anh đang là đồng chủ nhiệm đề tài nghiên cứu (JSPS) được tài trợ bởi Chính phủ Nhật Bản và chủ nhiệm đề tài về nghiên cứu tính chất của thuốc vô định hình được Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia NAFOSTED tài trợ. Đến nay, TS. Phan Đức Anh đã công bố được 45 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín (ISI).