Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Friday, 26/04/24

Tinh hoa gốm Việt nhìn từ bộ sưu tập An Biên

Đến với trưng bày, du khách có cơ hội được thưởng lãm gần 70 hiện vật gốm men đặc sắc, với các loại hình, dòng men đa dạng, phong phú (có niên đại từ những thế kỷ đầu Công nguyên đến thế kỷ 19)…

Chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Sưu tập An Biên tổ chức trưng bày chuyên đề “Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt – Nhìn từ sưu tập An Biên”. Trưng bày vừa khai mạc sáng 19/11/2021 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.

Đến với trưng bày, du khách có cơ hội được thưởng lãm gần 70 hiện vật gốm men đặc sắc, được tuyển chọn từ bộ sưu tập cổ vật An Biên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng (Hải Phòng) và một số hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Trưng bày gồm 4 chủ đề trải dài theo từng giai đoạn lịch sử phát triển của Gốm Việt từ 10 thế kỷ đầu công nguyên đến thế kỷ XVIII – XIX.

Ở chủ đề Gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu công nguyên, cách ngày nay trên 2.000 năm, trên nền tảng truyền thống gốm Đông Sơn, người Việt đã tiếp thu kỹ thuật làm gốm men tiên tiến đương thời của Trung Hoa (làm khuôn, gắn chắp các thành phần sau đổ khuôn, tráng men và nung với nhiệt độ cao trong lò), phát triển quy mô, tổ chức sản xuất, tạo ra dòng gốm mang sắc thái riêng và đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có nghề sản xuất đồ gốm men ra đời sớm và phát triển liên tục. Đây là những cơ sở, nền tảng để hình thành nên các dòng gốm men phát triển ở các thời kỳ sau đó, đặc biệt là từ thời Lý – Trần.

Từ thế kỷ XI – XIV, đồ gốm Việt Nam thời Lý – Trần đã phát triển mang tính độc lập, khám phá những đề tài trang trí mang đậm tính bản địa của người Việt, tạo nên một trong những trang sử rực rỡ nhất của truyền thống sản xuất gốm sứ Việt Nam với loại hình phổ biến là: liễn, ấm, đài sen, âu, bát, đĩa…. được sản xuất phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng từ cung đình đến dân gian. Đặc biệt, thời kỳ này đã hình thành và phát triển các dòng gốm men phong phú, đa dạng như: gốm men trắng, gốm men ngọc, gốm men xanh lục, gốm men nâu, gốm hoa nâu và cuối thế kỷ 14 xuất hiện gốm hoa lam.

Thế kỷ XV – XVII là thời kỳ phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giao lưu thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đồ gốm trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng, được sản xuất nhiều chủng loại có trình độ kỹ thuật cao với các loại hình chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ (bát, đĩa, ấm, ang, hộp lư hương, tượng nghê, chân đèn…), dòng men tiêu biểu là hoa lam, nhiều màu, lam xám, với đề tài trang trí chủ yếu là rồng, phượng, mây, nghê… Một số trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng thời kỳ này: Thăng Long, Bát Tràng (Hà Nội), Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương)…

Những biến động của lịch sử khiến các trung tâm sản xuất gốm dần lụi tàn từ thế kỷ XVIII. Đậm tính truyền thống và riêng biệt, trung tâm sản xuất gốm Bát Tràng đã trải qua những giai đoạn lịch sử khó khăn để tồn tại và phát triển cho đến tận ngày nay, trở thành một bảo tàng sống động về gốm sứ Việt Nam. Tiêu biểu của gốm Bát Tràng là các dòng men: men rạn, rạn lam… và chủ yếu là loại hình: đồ dùng sinh hoạt, đồ thờ, đồ trang trí, đồ đặt hàng phù hợp thị hiếu người dùng đương thời như: lư hương, ấm, bình vôi, tượng nghê…

Có lịch sử lâu đời, hội tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc, đồ gốm trở thành đối tượng được các nhà nghiên cứu, sưu tập cổ vật say mê, dành nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu, sưu tầm và hình thành những bộ sưu tập giá trị. Thông qua trưng bày, công chúng trong và ngoài nước được thưởng lãm một bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị mỹ thuật cao trải dài trên 2000 năm phát triển của đồ gốm Việt Nam, từ đó trân trọng hơn những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.

Chia sẻ tại buổi khai mạc, PGS-TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết nhóm hiện vật gốm men trắng thời Lý chính là sưu tập quý nhất trong bộ sưu tập An Biên.

Bên cạnh đó, nhiều hiện vật khác trong bộ sưu tập An Biên cũng rất xuất sắc. Ví dụ như lư hương thời Mạc của ông Đặng Huyền Thông. Lư được trang trí rất đẹp, thể hiện sự phóng khoáng, cởi mở của thợ thủ công trên đồ gốm đặc biệt…

Theo PGS-TS Phạm Quốc Quân, mỗi quốc gia dù giàu có đến đâu thì cũng không thể không bảo tồn di sản. Định hướng hiện nay phản ánh đúng sự phát triển theo xu thế thế giới. Nhiều năm nay, sự quan tâm của Đảng và nhà nước giúp việc bảo tồn di sản văn hóa được quan tâm rất lớn, tạo động lực phát triển cho nhiều địa phương…

Trưng bày “Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt – Nhìn từ sưu tập An Biên” được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến trên fanpage Bảo tàng đến hết tháng 12/2021.

Nguồn: Nguyễn Hằng

 

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

Nỗi lo vũ trụ ảo Metaverse chi phối thế giới thực loài người
Metaverse không chỉ khiến con người đắm chìm trong thế giới ảo mà có thể còn khiến những tác hại…
Lý do đặc biệt giúp Thùy Tiên đăng quang Hoa hậu Hòa bình thế giới
Ông Nawat – Chủ tịch cuộc thi Miss Grand International và bà Phạm Kim Dung, Chủ tịch Miss Grand Vietnam…
Bàn về thú chơi hoa kiểng ngày Tết
Người Việt Nam luôn hướng về ngày Tết với ý nghĩa thiêng liêng, trang trọng. Bên cạnh việc ăn Tết,…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa