- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Sinh viên Khuất Thị Thư là thủ khoa đầu vào và đầu ra của Trường Đại học Phenikaa. Mới đây, Thư đã được trao tặng bằng khen tại Lễ tôn vinh thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện toàn thành phố Hà Nội.
Thủ khoa kép Trường Đại học Phenikaa Khuất Thị Thư trong Lễ tuyên dương Thủ khoa xuất sắc toàn thành phố Hà Nội
Chủ động tiếp cận với nghiên cứu khoa học từ sớm
Ở cấp 3, Khuất Thị Thư đã yêu thích những môn tự nhiên như Toán, Hoá, Sinh, Vật lý… Trong quá trình tìm hiểu ngành học phù hợp cùng định hướng của gia đình, Thư đã chọn Chuyên ngành Vật liệu điện tử nano, ngành Công nghệ vật liệu, Khoa khoa học kỹ thuật vật liệu, Trường Đại học Phenikaa.
Thay vì tới năm 4 mới làm nghiên cứu khoa học để bảo vệ đồ án, Khuất Thị Thư muốn sớm “nhúng” mình vào môi trường nghiên cứu, nên em đã tham gia các nhóm nghiên cứu ngay từ năm 2 đại học
Ngày từ năm 2 đại học Thư đã chủ động tìm tới các nhóm nghiên cứu khoa học (NCKH) để xin tham gia.
“Em cảm thấy may mắn vì nhà trường đã có nguồn lực từ các thầy cô hình thành sẵn các nhóm nghiên cứu. Ở những nhóm nghiên cứu này, thầy cô luôn nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ với sinh viên chúng em.” Nữ thủ khoa chia sẻ
Chia sẻ lý do vì sao lại tham gia NCKH sớm, Thư cho biết do đặc thù ngành học tới năm cuối sinh viên Khoa khoa học kỹ thuật vật liệu sẽ phải tham gia một nhóm nghiên cứu để làm đồ án tốt nghiệp. Em nghĩ rằng thay vì tới năm 4 mới tiếp cận NCKH thì mình nên sớm “nhúng” mình vào môi trường này.
Nữ thủ khoa cũng cho biết, việc tiếp cận NCKH sớm còn giúp em rất nhiều trong quá trình học tập ở trường.
“Có những môn học, vì được tiếp cận kiến thức và ví dụ thực tiễn từ trước trong các nhóm NCKH nên em có hình dung rõ ràng, hiểu rõ hơn lý thuyết.” Thư nhìn nhận.
Theo Thư, việc chuẩn bị nền tảng cho mỗi môn học ở đại học là rất quan trọng, dù những môn đó chưa được học nhưng khi trang bị sự hiểu biết nhất định với nó thì sinh viên sẽ chủ động hơn rất nhiều khi học. Tham gia các nhóm NCKH của khoa, trường đã hỗ trợ em rất nhiều trong việc củng cố, nâng cao kiến thức các môn cơ sở ngành và khả năng, kỹ năng mềm khác như thuyết trình, báo cáo, lên kế hoạch…
Nhớ về thời điểm mới bắt đầu tham gia NCKH, Khuất Thị Thư cảm thấy mình khá may mắn vì luôn có thầy cô động viên. Đã có nhiều lúc em cảm thấy mình không thể hoàn thành được công việc, nhưng lời động viên “em sẽ làm được” từ thầy hướng dẫn đã giúp Thư lấy lại động lực, giải quyết chỉn chu công việc.
Khuất Thị Thư cùng nhóm nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Phenikaa
Tiếp cận với NCKH, lần đầu tiên Thư được trải nghiệm làm những báo cáo để bảo vệ đề tài của mình, không chỉ ở cấp khoa mà còn là cấp trường và cấp Bộ. Thời gian đầu quả thật còn rất nhiều bỡ ngỡ và thiếu sót. Dù em đã làm được nhưng bản thân nữ sinh lại không bằng lòng với chính mình.
Đề tài NCKH thứ 2 của Thư được Khoa lựa chọn để cùng với các đề tài khác tham gia bảo vệ ở cấp trường.
“Em tự cảm nhận thấy dù đề tài của mình có sự độc đáo nhưng kiến thức, kinh nghiệm, sự chuẩn bị của mình vẫn chưa đúng như mong muốn. Em tự nhủ bản thân cần kỷ luật và cố gắng hơn nữa.” Thư cho biết.
Mang tâm thế không ngừng hoàn thiện mình, nữ sinh Khuất Thị Thư đã nỗ lực không ngừng nghỉ. Để rồi đề tài thứ 2 của em được hội đồng khoa học của Trường Đại học Phenikaa đánh giá cao nhất. Cũng từ đó Thư thấy bản thân mình có thể thay đổi và luôn sẵn sáng tiếp nhận những điều tốt hơn.
“Có lẽ đây là bước ngoặt để em yêu ngành, yêu nghề hơn, từ đó nỗ lực phát triển.” Thủ khoa kép Trường Đại học Phenikaa bộc bạch.
Những NCKH của nhóm Thư tham gia tại trường thiên về nghiên cứu thực nghiệm, từ kết quả thực nghiệm sẽ viết lên báo cáo cụ thể. Trong quá trình nghiên cứu, Khuất Thị Thư càng nhìn ra vẻ đẹp thú vị của NCKH. Qua những trải nghiệm của mình, em nhận thấy NCKH không chỉ đi theo một lộ trình vẽ sẵn, đôi khi biến số ngoài dự tính sẽ tạo ra kết quả hay hơn mà vẫn đạt hiệu quả.
Mục tiêu trở thành kỹ sư và nhà nghiên cứu trong ngành vật liệu điện tử
Quá trình học tập và nghiên cứu, Khuất Thị Thư đã tham gia vào nhiều đề tài khoa học có tính thực tiễn cao. Điển hình là các NCKH như Nghiên cứu chế tạo và khảo sát tính chất quang của vật liệu lai nano một chiều ZnS/MoS2;
Nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang phát xạ ánh sáng đỏ xa (700 – 740 nm) trên cơ sở vật liệu Y3Al5O12: Cr3+ ứng dụng cho đèn LED phát triển nông nghiệp;
Nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang phát xạ đỏ – đỏ xa trên cơ sở vật liệu Y3Al5O12: Cr3+ pha tạp/đồng pha tạp ion Cr3+ và Mn4+ nhằm ứng dụng trong đèn LED chiếu sáng cho cây trồng.
Thủ khoa Khuất Thị Thư cùng nhóm nghiên cứu làm việc trong phòng Lab
Những báo cáo tại các Hội nghị khoa học của Thư cũng được chuyên gia đánh giá rất tốt như báo cáo Ảnh hưởng của nhiệt độ và nồng độ pha tạp lên tính chất quang của vật liệu LaAlO3: Cr3+; Nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang phát xạ đỏ trên cơ sở vật liệu Gd3Al5O12 pha tạp ion Mn4+nhằm ứng dụng trong đèn LED chiếu sáng cho cây trồng
Sau khi trở thành thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Phenikaa, Khuất Thị Thư mong muốn tiếp tục học cao hơn và giữ vững vị thế của mình ở mảng NCKH.
Sau khi tốt nghiệp Thư vẫn làm trợ lý nghiên cứu cho nhóm “Quang điện tử và Quang tử”, điều này như nối tiếp con đường đại học của Thư với ngành học này.
“Em sẽ đăng ký học thạc sĩ tại trường, bên cạnh đó tiếp tục tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học theo đúng chuyên ngành vật liệu nano mình đang theo đuổi.” Thư chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thư cũng muốn có thể cải thiện kỹ năng khả năng về ngôn ngữ, chuyên môn, tìm cơ hội để tiếp cận hướng nghiên cứu của mình ở nước ngoài. Theo Thư, Trường Đại học Phenikaa có rất nhiều ký kết với các đơn vị đào tạo nước ngoài, điều này tạo điều kiện rất lớn cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh được học tập, trao đổi và mở ra cơ hội du học đúng chuyên ngành.
Hiện tại Thư đang nghiên cứu phát triển theo hướng vật liệu phát quang, định hướng chế tạo đèn led phục vụ trong nông nghiệp, mục tiêu làm sao để cải thiện ánh sáng đèn led có chất lượng gần nhất với ánh sáng tự nhiên. Nữ thủ khoa mong muốn tiếp tục củng cố khả năng của bản thân, khi có cơ hội sẽ đi du học hoặc tham gia các dự án làm việc với những nhà khoa học quốc tế đầu ngành về lĩnh vực quang học.
Theo Thư, Ngành học hiện tại phù hợp với hướng nghiên cứu lý thuyết, đa dạng trong lĩnh vực nghiên cứu. Việc nghiên cứu cũng cần vận dụng rất nhiều kiến thức liên ngành và kết nối với nhiều ngành liên quan khác. Nên càng được giao lưu, tiếp cận đa dạng thì việc nghiên cứu khoa học càng hiệu quả.
“Em mong muốn trở thành một nhà nghiên cứu. Đặc biệt đặt mục tiêu có thể mở rộng các nghiên cứu trong phòng lab của mình và nhóm nghiên cứu ra quy mô lớn hơn và có khả năng ứng dụng trong thực tế. Em xác định xây dựng bản thân vừa là nhà nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp vừa là kỹ sư tay nghề cao trong ngành mà em đang theo đuổi” Nữ thủ khoa đầu ra Trường Đại học Phenikaa Khuất Thị Thư khẳng định.
Nguồn: Theo báo Đại biểu Nhân dân