- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Thành công có thể được đo bằng vô vàn cách khác nhau. Cho dù bạn đánh đồng thành công với hạnh phúc, sự giàu có, hoặc các thành tích cá nhân nổi trội thế nhưng vẫn chưa có một định nghĩa nào cụ thể về thành công. Tuy nhiên, đối với những người thành công nhất trên thế giới, bất kể mục tiêu của họ trong cuộc sống là gì thì họ đều có những điểm chung.
Trong khi số ít người thành công do khả năng thiên bẩm, đại đa số những người còn lại có được thành công nhờ quá trình học hỏi và rèn luyện.
Mặc dù đại dịch gây ra nhiều khó khăn cũng như cản trở sự phát triển trong tất cả các lĩnh vực nhưng đầu năm mới luôn là thời điểm hoàn hảo để tập trung thăng tiến trong nghề nghiệp. Ảnh: CNBC
Là một nhà tương lai học và chiến lược gia kinh doanh, người đã đào tạo hàng ngàn giám đốc điều hành để điều hướng các thị trường đang bùng nổ, Scott Steinberg đã xác định 5 kỹ năng có thể giúp bạn bước gần hơn đến cánh cửa thành công và trở thành người được săn đón nhất trong năm 2022.
5 kỹ năng cần thiết để có được thành công, hay thăng tiến trong sự nghiệp
1. Giải quyết vấn đề
Giải quyết vấn đề (Problem solving) là khả năng xử lý và đưa ra quyết định khi gặp những tình huống bất ngờ ngoài ý muốn. Đây là kỹ năng cực kỳ quan trọng có ứng dụng trực tiếp vào cuộc sống hàng ngày của bạn.
Cuộc sống luôn có sự thay đổi và các tình huống có thể phát sinh theo rất nhiều chiều hướng khác nhau đòi hỏi bạn phải linh hoạt. Vậy nên bạn phải liên tục trau dồi những kỹ năng sống. Trong đó kỹ năng giải quyết vấn đề là kỹ năng vô cùng quan trọng và nên được rèn luyện.
Trong các buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng luôn kiểm tra ứng viên qua những câu hỏi đánh giá kỹ năng giải quyết vấn đề. Bởi một người có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt sẽ có trí óc nhanh nhạy, thông minh và sự hiểu biết cao. Do đó, những người sở hữu kỹ năng này luôn được các nhà tuyển dụng “săn lùng” và mời chào đầu quân cho công ty mình.
Người biết cách giải quyết vấn đề tốt sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn tạo ra cơ hội làm việc thành công hơn (Ảnh: Internet)
Vậy kỹ năng giải quyết vấn đề được thực hành như thế nào?
– Hãy nghĩ ra càng nhiều giải pháp càng tốt cho mọi vấn đề bạn đang gặp phải. Nhận phản hồi từ những người xung quanh có những quan điểm, suy nghĩ khác để có tầm nhìn rộng hơn, từ đó, chọn ra một giải pháp.
– Luyện tập, hình dung trước và giải quyết vấn đề trước khi chúng phát sinh. Ví như, trên đường đi làm, bỗng nhiên xe của bạn bị hỏng thì bạn sẽ làm gì. Bạn có thể nghĩ ra bao nhiêu giải pháp. Đâu là giải pháp tối ưu? Đâu là giải pháp mà có khả năng bạn lựa chọn.
– Mỗi ngày hãy nghĩ ra một số giải pháp cho một vấn đề tưởng tượng.
– Luôn luôn nghĩ rằng, các vấn đề thường có hơn một giải pháp. Chúng ta càng có sẵn nhiều công cụ thì chúng ta sẽ ngày càng trở thành người giải quyết vấn đề giỏi hơn.
– Tự thưởng cho mình khi bạn tìm ra được một giải pháp tuyệt vời cho vấn đề nào đó. Điều đó giúp bạn có thêm động lực để tìm ra các giải pháp cho các vấn đề tiếp theo.
2. Hoạch định chiến lược
Steve Jobs có một câu nói ưa thích trích từ cầu thủ khúc côn cầu nổi tiếng: “Tôi luôn lao đến những nơi quả bóng sắp sửa đến, không phải nơi nó vừa ở đó”.
Quá khứ thì luôn ở sau lưng, hiện tại là thời điểm tức thời, và mục tiêu trước mắt là tương lai. Hãy luôn biết cách điều khiển tương lai hơn là chăm chú vào quá khứ. Với một nhà quản trị, luôn phải đặt ra mọi tình huống, mọi trường hợp rồi phán đoán tìm ra phương án tối ưu để vận hành “đoàn tàu” của mình. Trong các tình huống ấy, phải đặt được cả những tình huống khả quan và tình huống bất lợi.
Lợi thế của việc đặt tính huống và trả lời “Nếu… thì…” này có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ tiến trình hoạt động của doanh nghiệp.
Khi tình huống khả quan là sự thật, thì doanh nghiệp lúc này sẽ không chỉ “bay trên mây” mà còn “bay cao, bay xa hơn”. Tránh trường hợp, khi doanh nghiệp đạt được một chút thành tích gì đó rồi tự mãn với những gì đã đạt được quên đi trách nhiệm và nghĩa vụ tiếp theo. Khi đó, doanh nghiệp sẽ và mãi “giậm chân tại chỗ” thậm chí là “tụt hậu”.
Khi sử dụng câu giả định “nếu… thì…” chúng ta có thể xác định hướng chiến lược để thực hiện và vạch ra các chiến lược thay thế trong trường hợp có bước ngoặt đột ngột, bất ngờ trong tương lai (Ảnh:Iqparners)
Các bước trong quy trình hoạch định chiến lược
– Xác định triết lý kinh doanh, sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp;
– Phân tích, dự báo môi trường bên trong và bên ngoài;
– Hình thành các mục tiêu chung.
– Tạo lập và chọn lựa các chiến lược.
– Phân bổ các nguồn lực để tạo mục tiêu.
3. Giao tiếp
Những người thành công là những người biết cách giao tiếp với người khác, nói cách khác họ là những nhà truyền thông đại tài. Đó cũng là một trong những kỹ năng mà những sinh viên vừa tốt nghiệp hay thậm chí những nhân viên ở nhiều ngành nghề khác nhau đang còn thiếu.
Với khóa học giao tiếp, bạn không chỉ được tìm hiểu phương pháp để giao tiếp tốt hơn, mà còn làm thế để có được tư duy phản biện tốt, hay xây dựng đội ngũ một cách nhanh chóng và hiệu quả, thậm chí sử dụng kỹ năng giao tiếp của mình để cải thiện hiệu suất.
4. Lắng nghe
Lắng nghe tưởng chừng rất đơn giản nhưng có không ít người bỏ lỡ thành công vì không chịu lắng nghe người khác (Ảnh: Internet)
Nghe là một quá trình thụ động chỉ việc chúng ta tiếp nhận mọi loại âm thanh. Còn lắng nghe là một quá trình chủ động, tập trung và mong muốn thấu hiểu nội dung của người nói. Phân tích những gì họ nói rồi đưa ra lời đối đáp ý nghĩa hoặc chia sẻ, cho lời khuyên với người đối diện.
Mặc dù nghe là một phản xạ của con người, nhưng lắng nghe là một kỹ năng cần phải rèn luyện trong thời gian dài mới có thể thành thạo. Kỹ năng lắng nghe không chỉ áp dụng vào môi trường làm việc mà còn áp dụng vào đời sống gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Và kỹ năng lắng nghe cũng là điều cơ bản mà một doanh nghiệp, công ty đòi hỏi ở nhân viên của họ.
5. Kiểm soát căng thẳng
Đối với những người phấn đấu để thành công, căng thẳng là một phần tất yếu của cuộc sống. Để không bị áp lực đánh gục, bạn cần tìm cách để đối phó với nó. Hãy chăm sóc tốt bản thân, dành thời gian cho những nhiệm vụ ưu tiên và suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn xóa tan căng thẳng và cải thiện hiệu suất công việc.
Tóm lại: Hãy nhớ rằng sẽ chẳng bao giờ là quá trễ để thay đổi cuộc sống và những lí do như tuổi tác, thời gian hay thậm chí là kinh nghiệm cũng không cản trở bạn khao khát theo đuổi những giấc mơ, những kế hoạch và sống khác đi. Chính vì thế, hãy hành động ngay từ bây giờ!
Theo: CNBC