Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Tuesday, 30/04/24

Tập khoan dung nhờ kể chuyện và lắng nghe

Với những độc giả và khán giả của Vietcetera, PGS.TS. Nguyễn Phương Mai là gương mặt quen thuộc. Chị là khách mời thân quen của host Thùy Minh trong chương trình Have A Sip, đã có nhiều bài viết phân tích và phản biện xã hội trên Vietcetera cũng như nhiều kênh truyền thông khác.

Trở lại với Have A Sip lần này, chị Phương Mai đã xuất hiện tại chương trình tới lần thứ ba. Tuy vậy, cuộc trò chuyện của chị với host Thùy Minh không lặp lại một cách nhàm chán, mà luôn tươi mới và đầy những câu chuyện thú vị.

Tiếp nối mạch trò chuyện trong Have A Sip #115 về áp lực và hạnh phúc, PGS.TS Nguyễn Phương Mai cùng host Thùy Minh đã đưa ra những góc nhìn về hành động kể chuyện (story-telling) trong bối cảnh truyền thông hiện đại, cũng như cách mà kể chuyện và lắng nghe có thể hóa giải những nỗi đau liên thế hệ vẫn tồn tại trong nhiều cộng đồng.

Hành vi kể chuyện có vai trò quan trọng với sự tiến hóa của loài người

Theo chị Phương Mai, kể chuyện đóng vai trò tối quan trọng trong quá trình tiến hóa của loài người, bởi nó là hình thức trao đổi và tích lũy kiến thức thông qua câu chuyện hay kinh nghiệm của những cá nhân khác.

Đây chính là yếu tố khiến con người trở thành sinh vật mạnh mẽ nhất trên hành tinh, bởi nhờ quá trình tích lũy kiến thức ấy, con người có thể làm những điều mà đặc thù sinh học không cho phép. Ví dụ, ta không có cánh, nhưng nhờ tích lũy kiến thức mà có thể làm ra máy bay. Ta cũng không có vây hay mang, nhưng vẫn có tàu thủy hay tàu ngầm để di chuyển trên hay dưới nước.

04apr2024hasphuongmaibob10jpg
Cuộc trò chuyện của host Thùy Minh và khách mời Nguyễn Phương Mai. | Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Qua hành vi kể chuyện, loài người giao tiếp với nhau tốt hơn và hiệu quả hơn. Đây là điều mà chị Phương Mai đã đúc kết không chỉ từ quá trình học tập và nghiên cứu về giao tiếp, quản trị đa văn hóa và kiến thức thần kinh não bộ, mà còn từ kinh nghiệm viết báo và thực hiện những bài phóng sự trong quá khứ.

Theo chị, từ viết báo tới làm khoa học đều là làm người kể chuyện. Cả hai đều đang cố lôi kéo sự chú ý của người đọc thông qua việc trần thuật lại một tự sự nào đó. Việc viết báo hay làm khoa học mà thiếu đi yếu tố tự sự, chỉ có những thông tin thuần túy hay những gạch đầu dòng khô khan chính là đang giết chết sự lắng nghe.

Khi chia sẻ thông tin đơn thuần bằng con số và dữ liệu, bộ phận não liên quan tới ngôn ngữ sẽ được kích hoạt. Nhưng nếu ta chia sẻ thông tin bằng một câu chuyện, toàn thể não bộ sẽ sáng bừng. Hành vi kể chuyện khiến người lắng nghe như được sống trong câu chuyện, có những neuron thần kinh hay hormone được tiết ra như khi đang thực hiện hành động trong chuyện.

Chú tâm giữa muôn vàn dữ liệu

Những suy luận về vai trò của việc kể chuyện và chia sẻ thông tin chính là nền tảng để chị Phương Mai đưa ra kết luận: “Người kể chuyện là người khiến cho câu chuyện của mình trở thành câu chuyện của người khác trong não bộ của người lắng nghe.”

Nhận định này đúng nhưng chưa đủ, bởi nó mới chỉ giải quyết được một nửa vấn đề. Ta có thể lôi kéo người khác dành thời gian nghe câu chuyện của mình, nhưng ta còn cần phải khiến cho họ chú tâm. Việc nghe một câu chuyện và chú tâm vào câu chuyện là hai hành động khác nhau.

04apr2024hasphuongmaibob5jpg
Chú tâm lắng nghe người khác. | Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Chính vì thế, người kể chuyện giỏi là người dẫn dắt được sự chú tâm của người khác. Nhưng trong thời đại của nội dung ngắn và tin tức cập nhật liên tục, rất khó để ta có thể thực sự chú tâm vào một điều gì đó. Tệ hơn, ta có thể dành sự chú ý của mình vào những luồng dữ kiện thiếu chính xác, dẫn tới những góc nhìn hay những kết luận sai lệch.

Theo chị Phương Mai, chúng ta luôn muốn nhìn thấy những chi tiết hợp với niềm tin của mình, hay còn gọi là thiên kiến xác nhận. Mặt khác, bản năng của não bộ là tự tạo ra những motif có ý nghĩa, tự kết nối những chi tiết rơi rụng, lẻ tẻ để tạo thành một hình khối cụ thể, giúp ta đơn giản hóa thế giới phức tạp.

Do đó, lời giải thích của ta về vũ trụ, về thế giới chưa chắc đã là thực tế, mà chỉ là não ta đang nối các điểm, liên kết thông tin lại với nhau. Để có thể tự sàng lọc thiên kiến của bản thân, ta cần phải xem xét lại những cảm xúc, kinh nghiệm đã có sẵn, chất vấn quá trình bồi đắp kiến thức của mình để tìm ra mẫu số chung giữa thế giới và cách hiểu của ta về thế giới.

Kể chuyện như một phương thức đối thoại và hòa giải

Khi đã nhìn sâu vào bên trong mình, vào những cảm xúc, những kinh nghiệm và ký ức đã có, ta có thể nhìn thấy dấu ấn của những nỗi đau từ các thế hệ trước. Đó là những cuộc chiến từ bao giờ, là những nhát súng từ quá khứ vẫn đang bắn vào hiện tại.

Theo chị Phương Mai, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trải nghiệm đau thương mà một cộng đồng trải qua trong thế hệ này sẽ để lại dấu ấn sinh học trong cách mà bộ gen hoạt động tới những thế hệ sau.

Ví dụ, khi nhìn vào cách bộ gen của con cháu những người từng chịu nạn đói hay phải chịu chế độ nô lệ, nhà nghiên cứu nhận ra rằng bộ gen của họ vẫn đang hoạt động như phải chống chọi với thế giới.

04apr2024hasphuongmaibob22jpg
Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Theo chị Phương Mai, đây có thể là một trong nhiều lí do khiến con người nói chung và người Việt Nam nói riêng cảm thấy lo âu, cảm thấy phải đấu tranh, phải vẽ kẻ khác trong hình hài ác quỷ và vẽ bản thân trong hình nạn nhân.

Để có thể giải quyết tâm lý này, ta phải nhìn vào chính nỗi đau của mình lẫn của người khác. Ta phải lắng nghe lẫn nhau để hiểu câu chuyện của ta và của người tạo thành bức tranh lớn như thế nào. Chỉ khi đó, ta mới có thể khoan dung và kết nối được với người khác.

Chị Phương Mai chỉ đưa ra một ví dụ duy nhất, đó là dự án hòa giải dân tộc tại Rwanda – đất nước từng có nạn diệt chủng khủng khiếp nhất lịch sử loài người, nơi mà những mâu thuẫn sắc tộc đã biến người có thể là hàng xóm của bạn thành kẻ sát nhân. Trong khoảng 100 ngày, gần 1 triệu người đã chết theo những phương pháp rất man rợ.

Vậy làm thế nào để đi qua sự đau thương đó? Họ đã thuyết phục hai bên ngồi lại và kể câu chuyện của mình. Từ đó, họ lần theo sợi dây của những tổn thương di truyền. Đó là lịch sử bị thống trị bởi người Bỉ, lịch sử chia cắt cộng đồng, gieo rắc hận thù.

Khi cả nạn nhân lẫn kẻ tội đồ cùng lên tiếng, ta thấy rằng câu chuyện của mỗi bên đã đánh thức phần người trong bên còn lại, giúp họ giải quyết vấn đề theo những cách nhân văn hơn. Từ đó, họ chấp nhận và tha thứ cho quá khứ, cũng như tha thứ cho nhau. Đó cũng chính là cách mà cộng đồng ấy kể những câu chuyện chung, những câu chuyện mới thay thế cho các tự sự đơn lẻ để tạo nên cộng đồng.

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

‘Đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, cơ bản là chưa đủ’
Để đáp ứng 10.000 kỹ sư ngành vi mạch lành nghề mỗi năm, theo GS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó…
PHENIKAA-X CHÀO ĐÓN CÁC BẠN SINH VIÊN NGÀNH ROBOT & AI THAM DỰ BUỔI TRAO ĐỔI, THAM QUAN VÀ TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ
Sáng ngày 24/04/2024, Phenikaa-X đã đón tiếp Giảng viên và các bạn sinh viên ngành Robot & AI Trường Đại…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa