- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Có lẽ ai cũng đã ít nhất một lần nghe qua câu nói “sống phải là chính mình,” hay “cần sống thật với bản thân.” Mình cũng là người quan tâm đến chủ đề này từ sớm, nhưng thú thật, đến tầm năm 25, 27 tuổi mình mới dần cảm nhận rõ hơn thế nào là “sống thật.” Thậm chí cả bây giờ, khi mình đã hiểu bản thân hơn, đã sống theo nhiều điều mình muốn, nhưng không phải lúc nào mình cũng có thể sống đúng với bản thân.
Vì sao sống đúng với chính mình lại khó đến thế?
Thời đi học trong lớp mình có cô bạn lớp trưởng, người mà khiến mình luôn phải thốt lên “wow” đầy ngưỡng mộ, và đồng thời cũng khiến mình thấy tự ti về bản thân.
Khi viết lưu bút hay các loại thiệp chúc mừng, bạn ấy vẫn hay viết những câu như “hãy luôn là chính mình nhé.” Bạn ấy luôn để lại ấn tượng rằng bạn biết rõ tương lai mình sẽ làm gì.
Trong lúc đó thì mình vẫn còn khá lơ ngơ. Mình chỉ có một đường hướng khá lờ mờ, chứ không thể nào rõ ràng được như bạn ấy, thế nên đã có lúc mình rất hoang mang. Khi đó, câu nói “hãy sống đúng với bản thân” lại vô tình tạo nên áp lực.
Nếu phải đưa ra lời khuyên cho chính mình lúc đó, mình sẽ trấn an “Chi cứ tìm ra bản thân mình là ai, trước khi (biết và) đi con đường đúng cho bản thân.”
Thế nhưng cũng có khi điều ngược lại xảy ra. Bạn hiểu ra bản thân là ai nhờ sống theo một định hướng lờ mờ – thứ duy nhất mà bạn đang có và tin rằng nó đúng tại thời điểm đó. Đó là khi bạn đi trong sương, chỉ thấy một chút ánh sáng le lói phía trước, nhưng vẫn chịu trải nghiệm để dấn thân về phía trước, để thấy rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng rạch ròi đen – trắng.
Cứ va vấp để kiểm chứng cái “đúng” mà mình có ban đầu, để điều chỉnh bản thân thành một phiên bản khiến chính mình hài lòng.
Để là chính mình, chúng ta cần người khác. Ta cần các trải nghiệm và sự va chạm với các quan điểm khác biệt để từ từ chọn lọc ra đâu là thứ phản ánh đúng con người mình nhất.
Nhưng đôi khi chúng ta bị lạc giữa những “khu rừng” quan điểm. Khi ai cũng muốn tạo ảnh hưởng đến người khác, và chúng ta chỉ tiếp thu những ảnh hưởng đó rồi thay đổi liên tục, thì đến một lúc nỗi băn khoăn “đâu mới là mình?” sẽ xuất hiện.
Chúng ta gần như không thể tránh được việc bị người khác tác động đến lối sống và cách suy nghĩ. Thế nên hãy hình thành tư duy phản biện – biết cách đặt câu hỏi về bản chất của các sự vật, sự việc.
Có thể bạn đã từng “phản biện” lại một lời chỉ dạy nào đó của ba mẹ, để rồi sau này nhận ra điều đó cũng không quá sai. Khi đó, việc bạn từng thắc mắc về tính đúng sai của những điều cha mẹ nói không phải là đã trở nên vô nghĩa. Chính việc bạn đã từng đặt câu hỏi sẽ giúp bạn tự tin hơn trong việc lựa chọn bản thể khiến mình hài lòng ở hiện tại.
Là con người, ai cũng có những lúc đố kỵ, ghen tị, những lúc cảm thấy mình yếu đuối. Nhưng không phải ai cũng có đủ dũng cảm để đối diện với sự thật đó.
Có lẽ là vì mỗi người đều có một phiên bản sự thật riêng. Nhiều người chọn phiên bản “bọc đường” để sống một cuộc đời mà với họ là dễ thở hơn.
Nhưng nếu chúng ta đã chọn sống đúng với bản thân, việc không thể tránh khỏi là cần phá vỡ những lớp vỏ bọc bên ngoài, chấp nhận sự phức tạp trong bản chất của con người và thế giới quanh mình.
Mình đã từng chia sẻ rất nhiều lần rằng: một trong những lý do mình bắt đầu viết blog hay làm podcast là vì mình muốn chia sẻ những suy nghĩ của bản thân với ai đó, vì mình hiểu cảm giác “hình như chỉ có một mình mình…” gây tiêu cực đến sức khỏe tinh thần đến thế nào.
Khi blog hoạt động được một thời gian, mình nhận ra không chỉ có vài người mà rất nhiều người có cùng suy nghĩ với mình. Cộng đồng The Present Writer cứ thế dần lớn lên và trở thành nơi an toàn cho nhiều bạn trẻ giãi bày những trăn trở của bản thân.
Với sự phát triển của internet, nếu thực sự tìm kiếm, mình tin bạn có thể thấy ít nhất một hội nhóm, hay chỉ là một người nào đó đã nói về vấn đề mà bạn đang quan tâm.
Trước đây khi gặp vấn đề về tâm lý, mình chưa có đủ tự tin để chia sẻ suy nghĩ cho người thân xung quanh nên đã tìm gặp một chuyên gia tham vấn. Mình nói với cô ấy về rất nhiều thứ, trong đó có việc mình cảm thấy mình khác người. Nghe mình nói vậy, cô hơi giật mình và nói với mình: Mình là người thứ 3 trong ngày nói điều này với cô ấy. Và tất nhiên không phải chỉ mỗi ngày hôm nay cô ấy mới nghe những điều như vậy.
Có thể mình thấy chuyện khác người là to tát nhưng với cô điều đó là bình thường. Ai cũng khác người cho tới khi họ đi tìm và tìm thấy cộng đồng của mình. Và một người có thể thuộc về nhiều cộng đồng khác nhau.
Nếu bạn chưa tìm thấy cộng đồng của mình hãy cứ thử nói chuyện với ai đó. Họ có thể kết nối bạn tới những người phù hợp để bạn cảm thấy tự tin sống đúng với bản thân hơn.
Khi ở trong bóng tối quá lâu, đôi mắt sẽ quên đi sự ấm áp của ánh sáng. Khi bạn chưa từng nếm qua niềm hạnh phúc của việc được là chính mình, bạn sẽ cảm thấy khó hiểu những người đang làm điều đó, và cũng khó để tìm được trạng thái giống họ.
Tuy nhiên, việc sống là chính mình không được bật lên giống như công tắc. Hôm nay mình được sống đúng với bản thân không có nghĩa từ nay về sau mình sẽ luôn như thế, bởi Trái Đất vẫn cứ quay, cuộc sống không ngừng thay đổi. Đâu đó bạn sẽ phải lại gặp những thử thách khiến bạn phải nhìn lại bản thân và tự hỏi “Đâu mới là thứ mình muốn?”.
Nhưng vì đã từng nếm được mùi vị của việc được sống là chính mình, bạn sẽ dễ dàng quay trở lại tìm kiếm nó hơn. Bạn sẽ không bị lạc quá lâu trong những con đường tăm tối, bởi bạn biết ánh sáng của sự tự do tuyệt vời thế nào!