Đặt vài món đồ cá nhân lên bàn làm việc, anh Ninh Khắc Lợi nhanh chân rảo bước về phía nhà máy để kiểm tra hệ thống máy rung ép và lò dưỡng hộ sản xuất đá VICOSTONE®. Là người làm trong lĩnh vực kĩ thuật đã hơn nhiều năm, đối với anh, hệ thống máy móc, thiết bị như một phần của cuộc sống, như người bạn tri kỉ cùng anh trải qua những thăng trầm. Dường như, chỉ khi được làm việc với máy móc, dây chuyền anh mới thực sự được thỏa mãn đam mê, thỏa sức sáng tạo.
TỪ CHỮ “DUYÊN” VỚI NGHỀ KĨ THUẬT…
Anh Ninh Khắc Lợi chia sẻ: Ngay từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường anh may mắn được làm việc với PGS.TS. Nguyễn Nhật Chiêu, là người thầy đáng mến, người đã truyền cảm hứng và đam mê thiết bị cơ khí cho anh. Anh đã được làm việc trực tiếp với các dự án của thầy, trong đó có nhiều dự án được đánh giá cao như: Dự án “Thiết kế, chế tạo tay gỗ tự động cho xe kéo nâng” được nghiệm thu dự án cấp Bộ, Dự án “Máy chữa cháy bằng gió và khí” được nghiệm thu dự án cấp Nhà nước. Những thành công ban đầu giúp anh tự tin vào lựa chọn nghề nghiệp của mình, đồng thời nhen lên trong anh ngọn lửa đam mê với ngành cơ khí thiết bị.
Tháng 04/2009, CTCP Style Stone vừa lắp đặt xong dây chuyền máy móc thiết bị, chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia người Ý, cũng là thời điểm anh Lợi chính thức về làm việc tại Công ty. Thời điểm đó, dây chuyền sản xuất của Công ty được mua độc quyền từ hãng Breton – Ý, là dây chuyền có công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất trong ngành sản xuất đá thạch anh. Đối với một kỹ sư trẻ như anh, đây vừa là một cơ hội để khai phá năng lực bản thân, nhưng cũng đầy thử thách phía trước.
Sau 3 tháng vận hành, dây chuyền rung ép bị lỗi và phải dừng sản xuất do máy bơm hóa chất gặp vấn đề, các chuyên gia nước ngoài dù đã cố gắng nhưng không thể tìm được giải pháp tháo thiết bị ra để sửa chữa. Lúc đó, anh Lợi tuy chỉ là một kĩ sư sản xuất, nhưng đã mạnh dạn đề xuất được xem bản vẽ nhằm tìm giải pháp xử lí. Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, anh cùng các đồng nghiệp đã tháo được máy bơm ra khỏi dây chuyền và hỗ trợ chuyên gia nước ngoài xử lí lỗi kịp thời, giúp dây chuyền nhanh chóng hoạt động trở lại. Ngay sau đó vị chuyên gia nước ngoài đã đề xuất với Ban Lãnh đạo Style Stone chuyển anh sang bộ phận kĩ thuật chuyên về thiết bị. Cái “duyên” với nghề kĩ thuật của anh bắt đầu từ đó.
Để có thể tiếp cận nhanh với công nghệ và hệ thống máy móc thiết bị hiện đại của nhà máy, anh đã từ bỏ cuộc sống nhộn nhịp ở trung tâm thủ đô, và lựa chọn thuê nhà trọ ở ngay gần Công ty để tiện cho công việc.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, từ 04/2009 đến đầu năm 2010 là giai đoạn vô cùng khó khăn và thử thách đối với một kĩ sư trẻ như anh. Thời gian làm việc liên tục từ 7h00 sáng đến 8h00 tối, thậm chí có những ngày các anh phải làm việc thâu đêm, làm việc cả ngày nghỉ để khắc phục những vấn đề phát sinh. Trước áp lực công việc, đôi khi, anh cảm thấy kiệt sức, muốn từ bỏ, nhưng hình ảnh các anh lãnh đạo ướt đẫm mồ hôi vẫn say sưa trao đổi và kiên trì thử nghiệm để tìm giải pháp là động lực để anh tiếp tục cống hiến. Và, chính điều kiện khắc nghiệt đó đã giúp anh tôi luyện bản thân trở thành con người trách nhiệm, luôn nỗ lực vươn lên và cải thiện khó khăn để mang lại nhiều hơn giá trị cho Công ty….
ĐẾN ĐAM MÊ VÀ SÁNG TẠO
Là một người gắn bó với dây chuyền, máy móc hàng ngày, anh chia sẻ: “Đối với anh, dây chuyền sản xuất giống như một thực thể có sức sống. Khi dây chuyền gặp sự cố, những người làm kĩ thuật như anh thường coi thiết bị như “người bệnh” để nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục, giúp máy móc hoạt động “khỏe mạnh” và liên tục”. Có lẽ, giờ đây tiếng dây chuyền thiết bị chạy như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh, như không khí để thở, như nhịp đập của tim. Trong suốt mười năm qua, tinh thần và ngọn lửa đam mê đó vẫn cháy trong anh để mỗi ngày, anh vẫn luôn trăn trở làm thế nào để cải tiến tốt hơn, để mang lại nhiều giá trị hơn cho công ty.
Từ năm 2009 đến nay, anh Lợi đã đưa ra rất nhiều cải tiến, giúp nâng cao năng suất lao động hoặc sản xuất ra dòng sản phẩm mới được khách hàng yêu thích, như: sáng tạo hệ thống áp dụng chạy thực tế cho sản phẩm thương mại BQ9418 đạt tỷ lệ sản phẩm A1 ban đầu lên tới 95%; Thiết kế máy nối băng tải giúp công ty không phải thuê ngoài, tiết kiệm chi phí; Các dự án khắc phục lỗi trong quá trình sản xuất, giúp nâng cao năng suất dây chuyền, tăng hiệu suất lao động… Các dự án anh Lợi làm chủ đề tài và những dự án anh tham gia cùng Lãnh đạo, cùng các đồng nghiệp được ghi nhận và đánh giá cao, mang lại hiệu quả về kinh tế, bảo vệ môi trường, là nền tảng để công ty sáng tạo ra các sản phẩm mới có giá trị và được khách hàng tin dùng.
May mắn được ngồi nghe anh kể về những kỉ niệm gắn bó với Công ty, ăn ngủ cùng dây chuyền và những dự định nghiên cứu, cải tiến máy móc trong tương lai với khuôn mặt rạng rỡ, đầy đam mê và nhiệt huyết, tôi tin rằng anh sẽ là người truyền lửa, truyền động lực cho các thế hệ kĩ sư trẻ tiếp tục sáng tạo, nỗ lực học hỏi và nghiên cứu để khẳng định bản thân và đóng góp cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn.