Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Tuesday, 30/04/24

Sống nhiều để làm gì?

Câu nói “Tôi không muốn sống tốt hơn, tôi muốn sống nhiều hơn” từ lâu đã là phương châm sống của mình, nhưng “nhiều hơn” ở đây không phải là sống lâu hơn đâu.

Mình nghĩ rằng trong cuộc đời ai cũng phải trải qua những khoảnh khắc như bị cuộc sống “vả thật mạnh” vào mặt làm tỉnh cả ngủ. Mình thì đâu đó trong hơn 30 năm cuộc đời đã có khoảng 4-5 lần như vậy. Nhưng hôm nay mình sẽ chỉ kể lại với các bạn 2 lần trong số đó. Chúng liên quan đến mẹ và ba của mình. Hai câu chuyện rất cá nhân này cách nhau hàng chục năm, nhưng mỗi lần đều đã làm cuộc sống của mình rẽ sang một hướng hoàn toàn mới.

Bài viết hôm nay vì vậy sẽ là một chút lời tâm sự. Hy vọng nó để lại cho bạn một góc nhìn mới nào đó về cuộc sống, để đối diện mọi thứ nhẹ nhàng hơn.

Từ “tốt hơn” đến “nhiều hơn”

“Tốt hơn” ở đây mình đang định nghĩa là giàu có hơn, địa vị xã hội cao hơn, là sở hữu nhiều thứ hơn, những thứ mà chúng ta cho rằng nếu có thì cuộc sống của mình sẽ hạnh phúc hơn, tích cực hơn.

Nhưng với mình thì tích cực và tiêu cực là hai mặt cần phải có của một đồng xu, vì mỗi mặt sẽ đóng vai trò cân bằng lẫn nhau, bổ trợ cho nhau, và giúp tạo ra giá trị cho mặt còn lại. Nếu không có buồn sẽ không thấy quý trọng niềm vui. Nếu không có khổ cực sẽ không trân trọng những giây phút thoải mái.

Cũng giống như việc đi leo núi, nếu hành trình leo không đủ khó thì khi lên tới đỉnh núi mình sẽ không cảm thấy quá tự hào. Đỉnh núi lúc này cũng chỉ giống như một nơi đặt chân ngắm cảnh.

Nên phương châm sống của mình là chỉ cần được sống nhiều hơn, giàu hơn trong các trải nghiệm sống. Nghĩa là mình sẽ đón nhận hết tất cả mọi thứ. Nếu là sự tích cực, thoải mái, mình vui vẻ nhưng không quá sung sướng. Nếu là sự tiêu cực, khó chịu, mình sẽ cố gắng đón nhận trong thái độ bình tĩnh.

Điều này cũng có nghĩa là nếu việc tích cực xảy ra lặp đi lặp lại vì một lý do duy nhất nào đó, nó sẽ không làm mình giàu hơn. Lúc này mình sẽ cần đặt ra mục tiêu mới, thử thách mới.

Tương tự mình cũng không sống nhiều hơn nếu một việc tiêu cực cứ xuất hiện lại. Điều đó có nghĩa là mình đã bỏ sót bài học nào đó, vì vậy cần nghiêm túc học lại để không lặp lại sai lầm đó, và nhờ vậy có nhiều bài học hơn.

Nên là sống nhiều hơn, không phải là sống lâu hơn, mà chỉ đơn giản là giàu trải nghiệm hơn.

Để mình kể lại bạn nghe 2 sự kiện đã khiến mình hình thành phương châm sống như vậy.

“Tôi phải sống có ý thức hơn”

Mình bắt đầu chơi game online từ năm 15-16 tuổi, thời mà Việt Nam vừa có ADSL, với những game đời đầu như là Gunbound và MU.

Thời đó, mình mê chơi game lắm, rồi lại chịu khó cày cuốc nên tạo được nhân vật mạnh và kiếm được nhiều vật phẩm trong game. Nhưng mà thời đó, tiền vẫn còn phải xin mẹ, nên để có thể chơi game nhiều hơn, mình buộc phải tìm cách kiếm thêm tiền.

Ban đầu mình đem truyện đi bán ở những tiệm thu mua truyện cũ để lấy tiền. Nhưng rồi truyện cũng bán hết. Lúc này mình lại biết được rằng game nào cũng sẽ có một tệp người chơi không thể kiếm được đồ trong game nên sẽ bỏ tiền ra mua. Cho tới khi mình chơi tựa game “World of Warcraft” của nước ngoài thì tệp người chơi này giàu có hơn hẳn.

Hồi đó mình không tự giao dịch được với người nước ngoài nên phải nhờ thông qua một người anh khác. Anh đó chuyên đi làm trung gian thôi, vậy mà vẫn có thể mua được nhà, xe, thì bạn hiểu thị trường buôn bán vật phẩm trong game quy mô thế nào.

Thế nên lúc đó, tầm 19-20 tuổi, mình chỉ chơi game vui vẻ thôi mà một tháng đã kiếm được 20 triệu. Thậm chí hồi đó mình còn tự hào là kiếm được nhiều tiền hơn mẹ mình. Cộng với sự tôn trọng của những anh em chơi game cùng, mà mình sinh ra sự ngạo mạn, ngông cuồng. Mình coi thường việc học, tự thấy không cần đến ai cả mà vẫn có thể làm mọi thứ mình muốn.

Lúc đó mình chỉ có 2 vòng tròn quan hệ. Một là đông đảo những anh em chơi game cùng. Vòng tròn còn lại chỉ có một người, mà người đó lại xem mình là gánh nặng. Đó là mẹ mình.

Mẹ mình, từ khi vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, phải làm lụng rất cực. Quãng đường mẹ đi làm rất xa, nên ngày nào mẹ cũng đi từ sáng sớm, rồi về lúc tối khuya.

Lúc đó tối nào về, mở cửa ra là mẹ cũng sẽ thấy mình đang ngồi chơi game trước máy tính. Lần nào cũng vậy, cứ về là bà sẽ cằn nhằn những câu như “Sao mày cứ chơi hoài vậy, không thấy mày học lúc nào cả?”, rồi “Sao không dọn nhà cửa? Sao ăn uống không chịu rửa bát đi?”.

Những lúc đó mình chỉ im lặng thôi, không phải vì sợ mà vì mình chỉ tập trung vào chơi game. Mẹ đi làm về mệt cũng chỉ nói vài câu rồi bỏ lên gác ngủ.

Nhưng rồi có một đêm, mẹ mình về nhưng không trách móc câu nào. Dù nhận ra có gì đó kỳ lạ, nhưng vì đang tập trung vào đánh con boss khó trong game mà mình cũng không để ý.

Chỉ cho đến khi hơn 1 tiếng sau, mình đứng dậy đi lấy nước uống thì mới nhận ra mẹ đang ngồi ở trên chiếc phản mình thường nằm ngủ. Bà ngồi im ở đó, nhìn mình từ sau lưng. Nghĩa là mẹ đã ngồi ở đó hơn 1 tiếng mà mình không nhận ra. Và bên cạnh mẹ, là một chiếc nón bảo hiểm bị vỡ đôi.

Mình hỏi “Có chuyện gì vậy mẹ?” thì lúc đó mẹ mới bắt đầu kể.

Tối đó mẹ vừa mới làm từ cảng ra thì có một người ở bên lề đường nhảy ra, cầm một cái cây đập vô đầu mẹ. Đường từ cảng chỉ là đường đất, hai bên là đồng cỏ, không có đèn, và thường chỉ có xe container lớn đi lại. May mắn là chỉ có nón bảo hiểm bị vỡ, còn mẹ mình vẫn còn có thể rồ ga chạy về kịp. Rồi bà ngồi đó, run rẩy vì chưa thể hoàn hồn.

Lúc đó mình sốc toàn tập. Mình đã để mặc mẹ cả tiếng đồng hồ như vậy ngay sau khi bà vừa trải qua một sự việc có thể nghiêm trọng tới tính mạng. Nếu đêm đó cái nón bảo hiểm không đủ tốt, liệu mẹ có về với mình được nữa hay không.

Tối hôm đó, mình không thể nhớ mình và mẹ đã nói với nhau những gì nữa. Mình cũng không thể ngủ được cả đêm. Mình tự hỏi mình đang làm gì với cuộc đời của mình vậy? Người phụ nữ này cần phải hy sinh cho mình tới khi nào nữa?

Thế là, đêm đó mình đã quyết định “tôi phải sống có ý thức hơn”. Dù có tin rằng mình có thể làm được mọi thứ một mình, thì cũng phải nhận ra mình phải có trách nhiệm với người thân và gia đình.

Mình cũng đâu đó nhận ra sự khác biệt giữa công việc và sự nghiệp. Công việc là để kiếm tiền trong hiện tại, nó có vẻ ổn định nhưng lại không thể phát triển tiếp. Game chết thì phải chơi lại game mới. Nhà phát hành đóng cửa thì mình không thể kiếm được tiền, phải làm lại từ đầu. Còn sự nghiệp là những kỹ năng, những tri thức sẽ gắn bó cùng mình phát triển. Nó giúp mình tự do hơn trong công việc, và có thể kiếm được tiền một cách bền vững.

Và vì vậy mình đã bỏ game, để đi học trở lại và phát triển bản thân trong lĩnh vực phát triển ứng dụng.

Sự kiện này cũng là tiền đề để mình hình thành phương châm sống đã nói đến ở đầu bài, sau khi sự kiện thứ 2 xảy ra – đó là khi ba mình mất.

Nguồn Hoagraveng Nguyễn
Nguồn: Hoàng Nguyễn

“Tôi không muốn sống tốt hơn, tôi muốn sống nhiều hơn”

Từ nhỏ tới giờ mình đã ở với mẹ. Và mẹ thì hẳn phải ghét ba lắm mới vào Sài Gòn làm lại từ đầu. Mình thì chẳng có gì ghét ba, nhưng từ nhỏ mình đã lớn lên với rất nhiều định kiến từ mẹ về một hình ảnh không mấy tốt đẹp về ba.

Tuy nhiên mình vốn là một đứa trẻ tò mò, thành ra mình hoài nghi hết tất thảy những thông tin từ một phía. Mình tự đi hỏi han, tìm hiểu từ cô dì chú bác, và nhiều người thân khác để tự có cái nhìn riêng.

Và đã có một quan điểm rất lớn mà mình đã phải thay đổi. Đó là về cách sống của ba mình.

Ba mình, khi còn sống là một người rất nghệ sĩ. Hầu như bất cứ lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật nào ba mình cũng làm, như điêu khắc, viết thư pháp, vẽ tranh, làm đạo diễn, đóng phim, làm thơ, viết sách, làm nhà báo.

Hồi đó mình vừa trân trọng, lại vừa coi thường điều này. Trân trọng là ba mình làm được nhiều thứ, đa tài. Nhưng coi thường là vì ba làm nhiều thứ mà không có thứ nào tới nơi tới chốn. Nhất là giai đoạn mình 27-28 tuổi, khi mình đang bắt đầu có những thành tựu nhất định trong lĩnh vực mà mình tập trung, mình đã từng tin rằng con đường đúng đắn để phát triển sự nghiệp là tập trung thật chuyên sâu vào một loại công việc.

Ngoài ra, mình nhớ có lần ba khoe với mình ba được giao làm một bông sen lớn trên sông Hương cho một lễ hội văn hóa ở Huế. Người ta đặt cọc 200 triệu, nhưng sau đó trong tháng khởi công dự án thì ba đã đi nhậu với bạn bè đâu đó hết 400.

Lúc đó mình thấy ba là một người kiểu sống rất YOLO, không có kế hoạch. Đi chơi với bạn bè thì bao, ai thiếu tiền thì cho, không biết vun vén cho tương lai. Hồi đó mình còn nghĩ là hèn chi như vậy mẹ mình không chịu được bỏ đi là đúng rồi.

Có nhiều sự kiện tương tự như vậy, nhưng đối với mình thì đó là cách sống ba đã chọn, mình dùng nó để giải thích thêm các sự kiện đã xảy ra, chứ mình không phán xét. Mình không ghét ba, và đối với mình ba còn là một người bạn tri kỷ. Ba là người duy nhất mà mình có thể chia sẻ được nhiều điều trong cuộc sống.

Cho tới khi ba mình mất, những sự kiện xảy ra sau đó đã làm thay đổi hoàn toàn góc nhìn của mình về ông.

Mộ của ba mình ở tương đối xa thành phố. Đường xá cũng đang phải xây cao tốc đi qua nên khá bụi bặm và không được an toàn nếu phải đi xe máy. Nhưng mỗi lần về Huế ghé lên thăm thì gần như bao giờ cũng có bạn của ba ở trên đó. Nhìn cách ăn mặc thì cũng thấy họ có địa vị xã hội rất khác nhau, từ những người rất nghệ sĩ, bình thường, cho tới những người là sư trong chùa, những người làm vị trí lãnh đạo ở nhà nước.

Có những hôm mình đi lúc chập choạng tối, đường đang xây dựng vào mùa mưa nên khá bùn lầy, vậy mà vẫn có những chú đi xe máy lên đó, với 1 2 lon bia Huda, đốt lửa rồi ngồi ở đó, nói chuyện với ba.

“Phải sống như thế nào, để khi mất đi mà người ta vẫn quý trọng người như vậy”?

Và điều này đã một lần nữa làm thay đổi phương châm sống của mình. Tôi không muốn sống tốt hơn, tôi muốn sống nhiều hơn!

Nguồn Hoagraveng Nguyễn
Nguồn: Hoàng Nguyễn

Suy nghĩ cuối

Từ khi xác định phương châm sống này, thái độ của mình khi đối diện với những vấn đề trong cuộc sống cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Việc đưa ra quyết định cũng dễ dàng hơn. Miễn là nó mang lại cho mình trải nghiệm mới.

Đặc biệt mình trở nên rất thích thú với việc lắng nghe những người có trải nghiệm phong phú kể lại những chuyến đi, những câu chuyện họ đã trải qua. Thậm chí có những lúc mình còn bồi hồi xúc động như được sống phần nào trong những câu chuyện của họ. Điều này còn làm tăng thêm chất lượng cho những mối quan hệ xung quanh của mình. Tự nhiên mình thấy được sống là một điều tuyệt vời.

Tuy nhiên “sống nhiều hơn” không có nghĩa là sống hoàn toàn YOLO, làm những điều mạo hiểm mà không tính toán đến rủi ro và để xảy ra những hậu quả không thể vãn hồi. Khi chọn những loại trải nghiệm mới nhưng hậu quả có thể nghiêm trọng thì lúc đó mình sẽ tự làm ít đi cơ hội được sống để trải nghiệm thêm những điều mới.

Có thể trong tương lai, sẽ còn những sự kiện khác xảy ra để mình tiếp tục làm sắc bén hơn phương châm sống này, nhưng tạm thời thì đây sẽ là kim chỉ nam dẫn đường cho mình về mọi thứ trong cuộc sống. Mong sẽ có may mắn tiếp tục chia sẻ với bạn tới khi đó.

1

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

‘Đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, cơ bản là chưa đủ’
Để đáp ứng 10.000 kỹ sư ngành vi mạch lành nghề mỗi năm, theo GS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó…
PHENIKAA-X CHÀO ĐÓN CÁC BẠN SINH VIÊN NGÀNH ROBOT & AI THAM DỰ BUỔI TRAO ĐỔI, THAM QUAN VÀ TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ
Sáng ngày 24/04/2024, Phenikaa-X đã đón tiếp Giảng viên và các bạn sinh viên ngành Robot & AI Trường Đại…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa