- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Sức Mạnh Của Toàn Tâm Toàn Ý được viết bởi hai tác giả Jim Loehs và Tony Schwartz.
Jim Loehs là một tiến sĩ giáo dục, đồng thời là chủ tịch kiêm CEO của LEG Performance Systems. Ông cũng là tác giả của 12 cuốn sách, trong đó không thể bỏ qua 2 cái tên best seller là Nỗ lực để thành công và Rèn luyện sức mạnh trong thể thao. Ông thường xuyên làm việc với những vận động viên nổi tiếng, cảnh sát đặc nhiệm SWAT và FBI.
Tony Schwarts là nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc công ty Dự án Năng lượng và là tác giả của nhiều đầu sách best seller. Ông là đồng tác giả cuốn sách Nghệ thuật kinh doanh, viết cùng Donald Trump và tác phẩm Điều thực sự quan trọng. Ngoài viết sách, ông còn được biết đến với vai trò nhà báo của tờ New York Times.
Đây là quyển sách mình mới đọc gần đây và thấy rất thích. Thích bởi vì đồng thanh thì tương ứng, vì nó hợp.
Hồi còn dẫn sinh viên làm Robocon ở trường cũ, mình hay nói chuyện với các bạn ý về con cá, con cá nó bơi. Chuyện là mình thích nuôi cá cảnh. Khi nhìn bọn cá ấy, mình thấy cứ khi nào mà cá bơi lên trên, đớp nước, nửa trên nửa dưới là sắp tèo, còn cá mà cứ đắm đuối thung thăng ở dưới tận đáy bể nước là cá khỏe.
Mình nói chuyện đấy để mong các bạn ý KHỎE khi làm robocon, vì làm robocon nó rất mệt. Nhưng cái mệt vì làm robocon nhiều khi nó không mệt bằng cái mình làm linh tinh, loạt xạ, do các bạn ý thiếu cái đắm đuối như con cá kia. Làm tập trung thì nó mới khỏe được, trước nhất là để khỏe cho chính bản thân mình.
Hồi đi học, thầy giáo dạy triết của mình mới hỏi bọn mình: các em biết khi đi trên đường cái gì là quan trọng nhất để ít gây tai nạn không? Nhiều người nghĩ là vận tốc, là đi nhanh. Nhưng quan trọng hơn là sự PHÁN ĐOÁN và TẬP TRUNG.
Sau này khi làm robot mình cũng phải thử nghiệm, nghĩ cách mà xây dựng thuật toán dẫn đường cho các cái máy đấy, thể nên phải phóng xe ra đường mà đi lại nhiều để mà ngẫm nghĩ. Sau này cũng áp dụng cái PHÁN ĐOÁN ấy cho việc điều chỉnh hành vi của con robot, rồi người ta còn có cả MPC một phương pháp điều khiển cho cái PHÁN ĐOÁN này. Còn cái sự gọi là TẬP TRUNG kia nó cũng như TẦN SỐ điều khiển vậy. Lái xe mà không tập trung khác gì điều khiển với tần số thấp, cứ lơ đãng như cái máy tính ở chế độ sleep thì chạy làm sao được với tốc độ cao, chạy làm sao được chính xác. Dĩ nhiên TẬP TRUNG là mất nhiều năng lượng là tính toán nhiều, cần hiệu năng cao… nhưng vẫn như con cá kia, nhiều khi thiếu tập trung lại mất nhiều năng lượng hơn sự TẬP TRUNG ấy.
Sau này hay đi uống trà. Có một quán trà mình khá thích, ở đó mọi người không nói to, nó cũng chẳng có wifi. Lúc ngồi uống trà là chỉ biết uống trà, có bạn trà nương pha trà và mọi người uống trà thì TẬP TRUNG theo từng động tác của bạn ấy. Đến lúc cầm chén trà lên thì cũng hít hà thưởng thức từ hương cho đến vị, từ đầu lưỡi cho đến cuống họng, thì cái ban đầu cho đến cái chép miệng hậu ngọt. Thế là sau buổi TẬP TRUNG uống trà ấy lại thấy nhẹ nhõm, khoan khoái hơn rất nhiều.
Sau đọc sách của ngài Thích Nhất Hạnh có cái khái niệm là Đài NST – Non Stop Thinking cái khiến cho con người ta mệt mỏi, tâm hồn bay bay khắp nơi không tụ vào được một chỗ.
Thế nên làm việc hay rộng hơn là SỐNG thì nên TẬP TRUNG như khi mình đi thưởng trà, như khi mình quan sát hơi thở của mình ấy. Để làm gì? Trước là để cho mình khỏe cái đã, để thưởng thức những gì mình đang làm.
Sức Mạnh Của Toàn Tâm Toàn Ý là một cuốn sách bổ ích, giúp bạn thay đổi cả tư duy, tầm nhìn cho đến phương pháp hành động. Sách sẽ hướng bạn đến những mục đích cao đẹp và bền vững để có thêm động cơ hành động.
“Mục đích trở thành nguồn năng lượng mạnh mẽ và lâu bền khi nó chuyển từ tiêu cực sang tích cực, hướng ngoại thành nội tại và cá nhân sang cộng đồng.”
Review: Khổng Minh – PhenikaaX