Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Saturday, 18/05/24

Review Sách “Không Gia Đình”: Hồi Ức Của Sự Trưởng Thành

Đã bao giờ bạn đi vào một khu rừng mà con đường phía trước đã bị chặn lối? Đã bao giờ bạn cảm thấy những áp lực cuộc sống như đang đè nặng lên đôi vai của mình khiến bạn không thể bước tiếp trên con đường thực hiện ước mơ? Đôi cánh bạn đã quá mệt mỏi, đôi chân cũng không muốn lê bước, bạn tuyệt vọng, mặc cho quãng đời còn lại cứ thế trôi đi như “bóng chim câu qua cửa sổ”… Con người chúng ta thường bỏ cuộc quá sớm như vậy, ngay cả khi sắp chạm tới đỉnh cao của vinh quang, chiến thắng, họ cũng không chịu tiếp tục bởi có lẽ, họ đâu nhận ra rằng: “Hôm nay khó khăn, ngày mai còn khó khăn hơn nhưng ngày kia sẽ là ngày tuyệt vời” (Jack Ma). Lời khẳng định trên của chủ tịch tập đoàn Alibaba Group – người trở thành tỉ phú giàu nhất Trung Quốc nhờ hai bàn tay trắng chợt khiến tôi nhớ tới cuốn sách mà bản thân rất tâm đắc – “Không gia đình” – của nhà văn Hector Malot.

Không gia đình được xem là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Hector Malot; không chỉ được giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp mà còn được thiếu nhi nước Pháp cũng như thiếu nhi trên toàn thế giới yêu thích trong suốt hơn một thế kỉ qua.

Tựa đề tiểu thuyết Không gia đình gợi lên trong lòng người đọc sự buồn bã, cô đơn. Nhưng trong suốt cuộc phiêu lưu của Rémi, ta ít thấy những giây phút cậu đau khổ vì không có bạn. Trái lại, trong mọi hoàn cảnh, bên cạnh Rémi luôn là những người tốt giúp đỡ cậu, cùng cậu vững bước trên con đường phía trước lắm chông gai và đầy nghiệt ngã của số phận. Và có lẽ, cái tên “Không gia đình” không chỉ nói lên hoàn cảnh mồ côi của cậu bé Rémi mà còn giúp ta nhận ra rằng Rémi có biết bao gia đình khác ngoài gia đình đã sinh cậu bé ra, rất nhiều những người đã thân thiết với cậu như anh em dù không cùng huyết thống hay họ hàng, máu mủ.

Câu chuyện kể về một cuộc phiêu bạt của Rémi – một cậu bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích sống với mẹ nuôi tại một vùng quê hẻo lánh. Rémi được chăm sóc trong vòng tay yêu thương của mẹ Barberin. Cho đến một ngày, người chồng làm việc tại Pari của bà trở về sau một vụ tai nạn với đôi chân tàn phế, ông nhất quyết đem Rémi đi theo gánh xiếc của cụ Vitalis – một cụ già từng trải và đức độ, đi chu du và lưu diễn khắp mọi miền nước Pháp. Gánh xiếc của cụ gồm ba chú chó tinh khôn: Capi, Zerbino, Dolce và “đại tướng” khỉ láulinhr Joli – Coeu. Kể từ khi bắt đầu cuộc hành trình cùng cụ Vitalis và những “người bạn” của cụ, Rêmi đã trải qua biết bao sóng gió cuộc đời, lúc thăng lúc trầm, khi buồn đau nhưng cuối cùng cũng có thể mỉm cười hạnh phúc.

Sự chững chạc của một đứa trẻ

Rémi là một cậu bé ngoan, từ nhỏ em chỉ biết có mà Barberin mà thôi, thế rồi năm lên 8 tuổi, nhiều chuyện không vui đột ngột đến làm thay đổi cuộc sống của em. “Người cha” mà em không biết mình có đột ngột xuất hiện, không chỉ trở thành nỗi ám ảnh của em mà còn hé lộ sự thật rằng họ – những người đã nuôi Rêmi lớn lên không phải cha mẹ ruột của em.

Bởi lẽ, em là “một đứa trẻ người ta nhặt được.”

Tôi là một đứa trẻ người ta nhặt được.

Tuy vậy, cho đến năm lên tám, tôi vẫn tưởng tôi có mẹ cũng như mọi đứa trẻ khác, vì mỗi khi tôi khóc thì luôn luôn có một người đàn bà dịu dàng ôm tôi vào lòng, âu yếm ru tôi, khiến cho nước mắt tôi ngừng chảy.

Ngày rời xa “mẹ”

Cậu bé Rêmi từ cuộc sống chỉ cần có má Barberin là điểm tựa, là niềm vui tuổi ấu thơ, giờ đây đã phải rời xa má, bị tống ra ngoài đời bươn chải cùng một ông lão làm nghề gánh xiếc tên là Vitalis.

Ngày rời đi, Rêmi thậm chí không được nói với má một lời nào. Đôi mắt cậu bé đẫm lệ, cố van xin cụ Vitalis và ông Barberin chờ cho tới khi má Barberin trở về nhưng vô vọng, “cả hai người đều ngoảnh lại.”

Con đường chúng tôi đi là con đường dốc chữ chi dọc theo sườn núi. Cứ đến mỗi chỗ ngoặt, tôi lại nhìn thấy ngôi nhà của má Barberin bé dần, bé dần đi. Tôi đã đi con đường này nhiều lần rồi. Tôi biết rằng khi đến chỗ ngoặt cuối cùng, tôi sẽ trông thấy ngôi nhà một lần chót, rồi lên đường đi vài bước nữa thì chẳng còn trông thấy gì nữa. Trước mặt tôi sẽ là quê xa xứ lạ. Đằng sau tôi là ngôi nhà mà tôi đã sống thật sung sướng từ bé tới nay và có lẽ rồi đây không bao giờ tôi còn được thấy lại nữa.

Thật đáng thương làm sao cho số phận của một đứa trẻ! Niềm mong mỏi được gặp lại má vẫn không thể trở thành hiện thực, để lại bao nỗi lòng nhớ nhung, thương tiếc cho chính Rémi trong suốt chặng đường về sau.

Cuộc hành trình mới chính thức bắt đầu!

Bạn nghĩ đây là cuộc hành trình như thế nào? Cậu bé Rémi sẽ ra sao trong suốt quãng thời gian ấy? Bỏ cuộc trước sóng gió, bão táp của cuộc đời hay đứng lên để dành lại sự sống và công lí cho bản thân?

Sau khi biến cố đầu tiên trong cuộc đời Rémi xảy ra, cậu bé tiếp tục đối mặt với một chuỗi những bất hạnh nối tiếp nhau, mà bất hạnh sau bao giờ cũng cay nhiệt hơn bất hạnh trước. Mọi thứ đều bất ngờ tới mức không thể lường trước được.

Đó là những ngày cả đoàn phải chia nhau một mẩu bánh mì trong vài ngày liên tiếp. Cũng có lúc họ phải đi trong trời đông giá rét, dưới cơn bão tuyểt, không có đồ ăn để chống chọi với cơn ốm lạnh. Rồi cụ Vitalis mất, chỉ còn Rémi và chú cho Capi trung thành. Từ đây, em học dần cách sống tự lập, và không những phải lo cho chính mình, em còn cưu mang chú bé Matchia vào gánh hát rong. Matchia và Rémi đã trở thành đôi bạn thân cùng nhau phiêu bạt, cùng trải qua mọi khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. Đã có lúc em bị kẹt dưới hầm mỏ lụt đến mười bốn ngày đêm; mọi người tưởng em và những người khác dưới mỏ đã chết nhưng chỉ còn Matchia là vẫn không nguôi hi vọng rằng Rémi vẫn còn sống. Hay có lúc khác, em sống cùng nhà với một tên vô lại vì nghĩ đó là cha đẻ của mình. Rồi em lại chịu cảnh ngồi tù vì bị người ta nghi oan…

Cảnh vắng lặng ấy khiến cho tôi đâm sợ. Sợ gì? Tôi không biết. Một nỗi sợ hãi mơ hồ lẫn với một nỗi buồn vô hạn làm cho nước mắt tôi chảy giàn giụa. Tôi cảm thấy hình như tôi sắp chết tại chỗ này…

Những khó khăn, sự khắc nghiệt của cuộc sống cứ bấu víu lấy cậu bé Rémi nhỏ bé như để thử thách nhân cách và ý chí, nghị lực của em. Nhưng dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, em vẫn noi theo nếp sống của cụ Vitalis: Không gì có thể đánh đổi được nhân cách và tâm hồn; giữ gìn nhân phẩm, luôn làm người có ích cho xã hội mới giúp chúng ta không phải hối hận vì đã sống một cuộc đời vô nghĩa trước lúc nhắm mắt xuôi tay.

Cuối cùng, Rémi đã tìm lại được gia đình của mình và sống hạnh phúc bên những người thân yêu.

Hạnh phúc không phải bao giờ cũng đến với người tốt

Cuộc đời của cụ Vitalis là một tấm bi kịch.

Cụ vốn là một người đức cao trọng vọng, từng đứng trên bậc cao nhất của nấc thang xã hội đương thời; nhưng sau này bị rơi xuống tận đáy xã hội, phải làm nghề xiếc chó rong sống qua ngày. Cụ đã gắng hết sức, chịu không biết bao nhiêu khổ cực, chịu cái đói, cái nghèo. Sức lực cậu bị hao mòn dần bởi cuộc sống đâỳ rẫy những bộn bề, khắc nghiệt. Để rồi đến một ngày, cụ đã chết bên đường, chết trong cái đói, cái nghèo trong khi chỉ cần với tay ra gõ cửa thôi, người ta sẵn sàng cứu cụ. Thật đáng thương làm sao!

Cuối truyện, khi đã có được cuộc sống hạnh phúc, Rémi vẫn không nguôi nhớ về cụ Vitalis với tấm lòng kính yêu vô bờ bến:

Cụ chủ thân yêu của cháu ơi! Giá được phụng dưỡng tuổi già của cụ thì cháu sung sướng biết ngần nào! Nếu thế, hẳn cụ phải bỏ cái ống tiêu, tấm da cừu và chiếc áo nhung của cụ ra, cụ đã không lặp đi lặp lại cái câu: “Nào ta tiến lên, các con!”. Được trọng vọng trong tuổi già, hẳn cụ có thể hẳn cụ có thể ngẩng cao cáu đầu bạc rất đẹp và lấy lại tên tuổi của cụ ngày xưa. Ông già Vitalis vô gia cư sẽ trở lại làm nhà danh ca Carlo Balzani. Không làm được gì đối với cụ thì cái chết tàn nhẫn đã cướp cụ đi, thì cháu cũng cố vớt vát ít nhiều đối với vong linh của cụ. Thể theo yêu cầu của cháu, mẹ chúa đã xây cho cụ một ngôi mộ trong nghĩa địa Montparnasse ở Paris, và cháu đã cho khắc tên Carlo Balzani lên bia mộ.

“Không gia đình” – một cuốn sách chứa đựng những giá trị nhân đạo và tinh thần nhân văn sâu sắc 

Nhờ ngòi bút tài hoa, tinh tế với những kiến thức sâu sắc và một trái tim nhân hậu, Hector Malot đã tạo nên một kiệt tác.

Cuốn tiểu thuyết không chỉ phản ánh cuộc sống lao động của nhân dân và công nhân trong chế độ tư sản mà còn ca ngợi sự lao động bền bỉ, tinh thần tự lập, chịu đựng gian khổ, khích lệ tình bạn chân chính và lòng nhân ái, ý chí vượt lên không ngững trong cuộc sống. Nó mang đến cho mỗi chúng ta những bài học quý giá về tình yêu thương giữa người với người, về tính tự lập trên hành trình vạn dặm của cuộc đời. Để rồi từ đó, ta biết trân trọng hơn những gì ta đang có, sẻ chia nhiều hơn với những mảnh đời bất hạnh, khổ đau.

Kết

“Cuộc sống vốn không công bằng. Hãy tập quen dần với điều đó.” (Bill Gates). Cuộc đời vốn là một trường đua khắc nghiệt có người thắng, kẻ thua. Kiên nhẫn hành động, chống chọi với mọi bão táp phong ba nhưng vẫn giữ được nét đẹp trong tâm hồn là yếu tố quan trọng của thành công, là nẻo đường để thực hiện những ước mơ cao đẹp.

Vậy nên, hãy đọc “Không gia đình” để trân trọng, để nghiền ngẫm và để cho những ước mơ cao đẹp sắp ra đời.

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

CÔNG ĐOÀN TẬP ĐOÀN PHENIKAA TỔ CHỨC LỄ PHÁT ĐỘNG THÁNG CÔNG NHÂN VÀ THÁNG HÀNH ĐỘNG VỀ AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG NĂM 2024
Sáng nay, ngày 17/5, tại Công ty Cổ phần Vicostone, Công đoàn Tập đoàn Phenikaa đã tổ chức thành công…
[REVIEW SÁCH] TÂM LÝ HỌC HÀI HƯỚC – RICHARD WISEMAN
“Tâm Lý Học Hài Hước” của tác giả Richard Wiseman là những nhận định và phân tích về hành vi,…
Kết lại bộ phim – một bài hát “vừa đủ”
Khi câu chuyện hoàn toàn đã kết thúc là khi các cảnh ấn tượng, behind the scene, giới thiệu đoàn…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa