Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Saturday, 20/04/24

Quy đổi điểm IELTS sang giải thưởng học sinh giỏi là không tương đồng

Nhiều người băn khoăn việc đặc cách HSG cho các em đạt điểm cao IELTS có dẫn đến sự không công bằng trong kỳ thi HSG và tuyển sinh ĐH về sau hay không?

Kì thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 năm học 2022 – 2023 ở Hà Tĩnh diễn ra vào ngày 13/12 vừa qua với tổng số 913 thí sinh tham gia ở 10 bộ môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Văn, Sử, Địa, Anh, Pháp.

Ngoài số thí sinh tham gia dự thi đạt giải, năm nay, toàn tỉnh còn có 91 thí sinh được đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh theo Quyết định số 1472/QĐ-SGDĐT về việc đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh năm học 2022 – 2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh.

Việc Hà Tĩnh quyết định đặc cách công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh cho 91 em đạt IELTS từ 7.0 trở lên đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các trường học, chuyên gia giáo dục và phụ huynh, học sinh.

Chia sẻ quan điểm về việc đặc cách này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu giáo dục Ngô Huy Tâm hiện đang công tác tại Trường phổ thông liên cấp Phenikaa cho biết:

“Tôi hoàn toàn ủng hộ những việc làm đổi mới giáo dục phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển của đất nước ta hiện nay. Nhưng theo tôi, việc đổi mới phải mang tính đồng bộ và xuyên suốt nếu không sẽ mang lại những hệ lụy khó lường”.

Chuyên gia nghiên cứu giáo dục Ngô Huy Tâm. (Ảnh: NVCC)

Theo thầy Tâm, mục đích của kỳ thi học sinh giỏi là để động viên, khuyến khích cả người dạy và người học để góp phần nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện cũng như phát hiện người học có năng lực để bồi dưỡng và đào tạo nhân tài cho đất nước.

Nhìn nhận về mặt giáo dục thì cả kỳ thi học sinh giỏi và kỳ thi IELTS đều có thể đạt mục tiêu và yêu cầu này.

Tuy nhiên, kì thi học sinh giỏi môn tiếng Anh do các cấp quản lý giáo dục Việt Nam điều phối tổ chức có sự khác biệt lớn với một kỳ thi chuẩn hóa ngôn ngữ Anh như IELTS, bởi IELTS được xây dựng với một triết lý khác, mục đích, quy trình khác và được điều hành bởi tổ chức nước ngoài.

Do đó, thầy Tâm cho rằng, cho dù học sinh đạt điểm cao với IELTS hay kỳ thì học sinh giỏi môn tiếng Anh đều là những bạn trẻ tài năng, nhưng việc quy đổi IELTS sang giải thưởng học sinh giỏi như vậy là chưa tương đồng.

“Về bản chất, các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế được sử dụng, công nhận và phổ biến rộng rãi trên thế giới như IELTS, TOEFL, PTE đều có ma trận quy đổi tương đương, nhưng việc này cũng chỉ là tham chiếu không tuyệt đối, bởi các kì thi đều khác nhau về triết lí, cấu trúc, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, tư duy, thời gian, phương thức tổ chức thi.

Nếu như kì thi IELTS đánh giá năng lực của học sinh ở cả 4 kĩ năng ngôn ngữ, thì các kì thi học sinh giỏi truyền thống thiên về đánh giá kĩ năng đọc-viết và phân tích ngữ pháp chuyên sâu.

Vậy nên, việc đặc cách danh hiệu học sinh giỏi cho các học sinh đạt điểm cao IELTS có sự vênh khi gộp chung 2 “tệp” đối tượng học sinh được đánh giá theo 2 phương thức khác nhau”, thầy Tâm nói thêm.

Việc mỗi tỉnh thành tùy thuộc vào điều kiện đặc thù và mặt bằng học sinh chung của từng địa phương có những sáng kiến, linh hoạt là điều đáng ủng hộ.

Tuy nhiên, theo thầy Tâm, để đảm bảo tính công bằng, tránh sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, nên có hướng dẫn và quản lý chặt chẽ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như được tuyên truyền rõ ràng tới cộng đồng học sinh, phụ huynh, giáo viên, những nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu giáo dục.

Hơn nữa, khi quyết định quy đổi một kỳ thi nào đặc biệt cần phải xem xét mức độ phổ biến, cơ hội tiếp cận công bằng của học sinh với kì thi đó mới phù hợp triển khai trên quy mô rộng.

Cụ thể, thầy Ngô Huy Tâm cho rằng, IELTS không thể thay thế được kỳ thi học sinh giỏi. Bởi kỳ thi học sinh giỏi được phân bổ kinh phí bồi dưỡng, thi cử từ ngân sách nhà nước, trong khi đó, IELTS mang tính xã hội hóa với chi phí tương đối cao sẽ đặt ra gánh nặng về kinh tế cho học sinh và phụ huynh.

Việc đặc cách này còn có thể dẫn đến hệ lụy tâm lý khiến cho phụ huynh hướng con học IELTS quá sớm, không phù hợp độ tuổi, tạo áp lực không đáng có.

Do vậy, chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc định hướng thi đua danh hiệu học sinh giỏi giữa các tỉnh cần mang tính đồng bộ, có kế hoạch, lộ trình và có sự phản biện từ nhiều chuyên gia, nhằm xây dựng chính sách bền vững, giúp tìm và đào tạo ra được nhiều nhân tài cho đất nước.

Cũng bàn về vấn đề trên, Thạc sĩ Trần Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) chia sẻ:

“Tôi đánh giá cao trình độ tiếng Anh của các em đạt được điểm cao IELTS, tuy nhiên, theo tôi, không nên lấy kết quả đó để quy đổi tương đương thành tích học sinh giỏi cấp tỉnh cho các em.

Mặt khác, nếu chúng ta chỉ sử dụng kết quả IELTS đó để khuyến khích thêm tinh thần chăm chỉ học tiếng Anh cho các em như các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả của IELTS để xét tuyển đầu vào hoặc bằng các hình thức khen thưởng khác thì sẽ hợp lý hơn”.

Nguồn: giaoduc.net.vn
Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

‘Trách nhiệm độc hại’ là gì? Cách để ngưng ôm việc vì cả nể
“Ổn không em để chị giao người khác?” “Dạ em làm được! Chị yên tâm.” Và đó cũng là lần…
Giáo dục mà bắt buộc thì mục đích là gì?
Chúng ta cùng đến với một clip có chủ đề rất được nhiều người quan tâm này của Spiderum nhé!
[REVIEW SÁCH] VƯƠN LÊN HOẶC BỊ ĐÁNH BẠI- LÝ THƯỢNG LONG- CUỐN SÁCH CỦA NHỮNG NGƯỜI TRẺ MUỐN VƯƠN LÊN
“Vươn lên hoặc bị đánh bại” là một cuốn sách hay giành cho giới trẻ của tác giả trẻ Lý…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa