- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Có hơn 70 công trình công bố quốc tế, nhà khoa học 47 tuổi muốn kết nối để các nghiên cứu trẻ “tự do sáng tạo” trong môi trường giáo dục.
Là người làm nghiên cứu về vật liệu bán dẫn, vật liệu và linh kiện quang điện tử, vật liệu nano carbon, PGS. Phạm Thành Huy được giới khoa học đánh giá cao không chỉ ở số lượng công trình công bố quốc tế mà cả những phát triển ứng dụng, đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường.
Từng giữ vị trí Viện trưởng Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ (AIST) ở Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. Phạm Thành Huy được đồng nghiệp nhắc nhiều từ “thương vụ” bén duyên với doanh nghiệp cách đây hơn 10 năm.
Khi đó với suy nghĩ không để sản phẩm nghiên cứu “đút ngăn kéo” ông cùng cộng sự đã chủ động tiếp cận, tìm hiểu doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề gì về kỹ thuật, công nghệ để hợp tác triển khai. Ông nhận được đặt hàng nghiên cứu công nghệ chế tạo bột huỳnh quang ba phổ pha tạp đất hiếm, bột điện tử có kích thước micro, nanomét giúp tiết kiệm điện năng, nâng cao tuổi thọ của đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact.
Giải bài toán này PGS. Phạm Thành Huy và nhóm nghiên cứu đã xác định được thành phần và định lượng các nguyên tố hóa học có trong vật liệu, nghiên cứu tính chất quang của vật liệu…để chế tạo ra nhiều loại bột huỳnh quang có hiệu suất cao, tuổi thọ dài và các loại bột huỳnh quang chuyên dụng cho sản xuất đèn chiếu sáng trong nông nghiệp.
Các bóng đèn ứng dụng bột huỳnh quang này có thời gian chiếu sáng 20.000 – 22.000 giờ, chất lượng ánh sáng tốt hơn và độ sáng cao hơn 30% trong khi trước kia tuổi thọ trung bình của đèn chỉ là 10.000 – 12.000 giờ. Các loại đèn chuyên dụng cho nông nghiệp cũng được sử dụng rộng rãi trong nuôi cấy mô, điều khiển quá trình ra hoa cây hoa cúc và kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Chỉ tính trong năm 2010, riêng công nghệ thu hồi, tinh chế tái sử dụng bột huỳnh quang pha tạp đất hiếm cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm gần 10 tỷ đồng do không phải mua của nước ngoài. Công nghệ này giúp việc sản xuất và ứng dụng đèn chuyên dụng chiếu sáng trong nông nghiệp công nghệ cao không còn là hàng hiếm hay quá xa xỉ với người Việt.
AIST được đánh giá là thành công khi chỉ trong thời gian ngắn gây dựng, PGS. Phạm Thành Huy và cộng sự đã có được hệ thống phòng thí nghiệm quy mô với nhiều thiết bị chế tạo vật liệu, phân tích quang học, các máy đo tính chất quang, từ, điện của vật liệu, phòng sạch với nhiều thiết bị chế tạo màng mỏng đơn lớp nguyên tử, màng đa lớp đa thành phần, kính hiển vi điện tử có độ phân giải đến 0.18 nano mét.
Dù không thể so sánh với quốc tế nhưng hệ thống cơ sở vật chất này đã cho phép các nhà khoa học của AIST có thể thực hiện được những nghiên cứu từ cơ bản đến chuyên sâu của vật liệu và có sản phẩm hợp tác với doanh nghiệp thành công. Quan trọng hơn, một môi trường nghiên cứu thúc đẩy tự do sáng tạo cũng được xây dựng tại đây. Bằng chứng là 90% các nhà nghiên cứu trẻ của AIST “giỏi về chuyên môn và rất cá tính, có người vô cùng đặc biệt” từ nước ngoài trở về đây làm việc.
“Tài sản” của nhà khoa học này không dừng ở con số thu hút được nhà khoa học trẻ tài năng về làm việc mà còn ở số lượng công bố quốc tế. Chỉ riêng năm 2018, AIST có 32 công trình đăng trên tạp chí danh tiếng của quốc tế, trong đó ông là tác giả chính của 3 bài.
Sở trường tạo dựng cơ sở ban đầu
Không chỉ được biết đến là một nhà khoa học yêu nghề và tâm huyết với nền khoa học nước nhà, PGS. Phạm Thành Huy thường được cán bộ trẻ trong viện AIST gọi là thầy bởi nhiều công trình nghiên cứu của họ ông là người gợi mở, cố vấn và hướng dẫn.
Đam mê khoa học, được trải nghiệm nhiều mô hình nghiên cứu tiên tiến trên thế giới, kết nối nhà khoa học trẻ tài năng Việt khắp năm châu, PGS. Phạm Thành Huy luôn trăn trở để xây dựng môi trường học thuật hiện đại đẳng cấp quốc tế bằng nội lực và trí tuệ Việt ngay tại Việt Nam. Đây sẽ là “địa chỉ đỏ” cho các nhà khoa học Việt tự do sáng tạo và cống hiến bằng những thành tựu thực tế.
Ước mơ của PGS. Huy có cơ hội thành hiện thực khi ông trùng quan điểm với lãnh đạo Tập đoàn PHENIKAA bởi chủ tịch tập đoàn này vốn là một nhà giáo, một nhà khoa học đang tìm kiếm cộng sự tâm huyết để xây dựng một trường đại học nghiên cứu chất lượng cao. Đồng cảm về định hướng và tầm nhìn, PGS. Phạm Thành Huy nhận lời mời và đảm nhận vai trò Hiệu trưởng Trường Đại học PHENIKAA từ ngày 10/01/2019.
“Sự kỳ vọng của hội đồng quản trị cũng là mong ước của tôi nên tôi quyết định thử sức”, PGS. Phạm Thành Huy nói về quyết định thay đổi và cho rằng thách thức không nhỏ đang chờ đợi.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm khoa học và nắm giữ cương vị quản lý Viện Quốc tế Đào tạo về Khoa học Vật liệu, AIST, PGS. Phạm Thành Huy chủ trương xây dựng môi trường làm việc với tinh thần “tự do sáng tạo” để các nhà khoa học thấy thoải mái phát triển kinh nghiệm, các hướng nghiên cứu họ đã có. Tư duy này khiến chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn 40 nhà nghiên cứu nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài cam kết về làm việc tại Trường. Đây là đội ngũ hạt nhân vừa nghiên cứu và giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giải những bài toán thực tiễn của xã hội.
PGS. Phạm Thành Huy chia sẻ về quan điểm thu hút người tài xuất phát từ con người khoa học của ông: “Chúng tôi là nhà khoa học nên hiểu thu nhập chưa phải yếu tố duy nhất để quyết định cống hiến và gắn bó. Cái họ cần nhất là môi trường làm việc thuận lợi, có điều kiện để họ được làm điều họ muốn làm, mọi kinh nghiệm và năng lực của họ được phát huy tối đa. Có nhiều nhà khoa học được về nước làm việc là hạnh phúc”.
PGS.TS. Phạm Thành Huy sinh năm 1972. Ông bảo vệ luận án tiến sỹ tại Viện nghiên cứu Vật lý thực nghiệm Van der Waals-Zeeman, Khoa Khoa học, Đại học Amsterdam, Hà Lan năm 2001. Ông từng kinh qua các vị trí Phó Viện trưởng Viện Quốc tế Đào tạo về Khoa học Vật liệu (ITIMS); Viện trưởng Viện Tiên Tiến Khoa học và Công nghệ (AIST), Đại học Bách khoa Hà Nội; Phó chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam; hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học PHENIKAA. Ông và các cộng sự đã công bố 73 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế (trong đó có các công trình trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao như Advanced Materials (IF: 21.95), Advanced Functional Materials (IF: 13.235), Acta Materialia (IF: 6.03), Physical Review B (IF: 3.8). |