- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
TS Đỗ Vân Khanh hướng dẫn sinh viên nghiên cứu tại phòng thí nghiệm – Ảnh: P.K.
TS Đỗ Vân Khanh hiện là trưởng nhóm nghiên cứu tiềm năng của Trường đại học Phenikaa. Ngoài công tác giảng dạy các môn sinh học, di truyền, sinh học phân tử cho sinh viên y khoa, chị còn có các nghiên cứu ứng dụng trong phát triển các công cụ chẩn đoán sớm cho người Việt.
Nữ giảng viên 34 tuổi này từng được chọn là một trong 30 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ ngành khoa học về thần kinh.
Sau khi nhận giải thưởng của Viện Sức khỏe Hoa Kỳ (National Institute of Health, NIH) năm 2020, Đỗ Vân Khanh được NIH mời về làm việc và nhận được hỗ trợ nghiên cứu từ quỹ phát triển của viện này.
Nhưng cô đã chọn trở về Việt Nam giảng dạy và nghiên cứu với hy vọng sẽ thành lập được nhóm nghiên cứu riêng tại Việt Nam về lipidomics và các ứng dụng của lipidomics.
Tuy nhiên, việc triển khai các hướng nghiên cứu của nữ tiến sĩ trẻ ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị thí nghiệm. Do vậy cô đã chủ động nộp các chương trình tài trợ trong và ngoài nước.
“Thời gian học tập và nghiên cứu tại Mỹ, tôi biết đến chương trình Seeding Labs. Chương trình này nhằm loại bỏ rào cản đối với nghiên cứu và giảng dạy thông qua việc cung cấp thiết bị phòng thí nghiệm cho các trường đại học ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tháng 10-2022, tôi đã thử nộp hồ sơ xin tài trợ từ chương trình ‘Instrumental Access Program’ của Tổ chức Seeding Labs”, chị chia sẻ.
Theo quy định của Tổ chức Seeding Labs, để được tài trợ này, các nhà khoa học phải chứng minh được nghiên cứu của mình là đặc biệt và có thể hỗ trợ nhu cầu phát triển khoa học kỹ thuật trong nước. Sau đó, từng hồ sơ sẽ được xét duyệt và chọn lọc bởi hội đồng khoa học do tổ chức này lựa chọn.
TS Vân Khanh nhận gói thiết bị thí nghiệm được vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam – Ảnh: P.K.
Quá trình nộp đơn bao gồm ba giai đoạn: Giai đoạn 1, nộp hồ sơ đăng ký. Hồ sơ đăng ký nộp online bằng tiếng Anh. Hồ sơ được xem xét đánh giá thông qua hội đồng nhằm đảm bảo cá nhân, viện/trường nhận tài trợ có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu của chương trình và sẵn sàng tận dụng tốt những gì quỹ có thể cung cấp.
Giai đoạn 2, phỏng vấn và đánh giá năng lực. Sau khi xem xét đơn đăng ký, những ứng viên đạt điểm cao nhất sẽ được mời vào vòng phỏng vấn để trình bày rõ hơn về mục tiêu, cơ sở hạ tầng và kiến thức chuyên môn hiện có cũng như nhu cầu thiết bị của họ.
Giai đoạn 3, xác nhận và tiến hành vận chuyển thiết bị. Sau khi lựa chọn thiết bị và thanh toán phí chương trình tài trợ, quỹ sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để vận chuyển (thường là 3-6 tháng).
Chia sẻ về kinh nghiệm thu hút thành công dự án tài trợ từ Seeding Labs, TS Vân Khanh cho hay ứng viên phải có lý lịch khoa học và giảng dạy tốt, định hướng phát triển rõ ràng, ghi rõ mục đích sử dụng cho từng thiết bị và gắn bó dài lâu vì ứng viên phải làm báo cáo hằng năm cho quỹ tài trợ Seeding Labs.
“Trong hồ sơ đăng ký, ngoài việc các mục tiêu nghiên cứu ngắn, trung và dài hạn phải được trình bày gãy gọn và cho thấy đúng với năng lực của ứng viên. Các cá nhân được chọn là ứng viên xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.
Vòng phỏng vấn, Seeding Labs ưu tiên các ứng viên có tiếng Anh lưu loát vì sẽ phải tham gia các hoạt động kết nối về sau. Sau khi nộp hồ sơ, tôi được mời sang Boston, Mỹ để trao đổi trực tiếp về gói thiết bị tài trợ này”, chị cho biết thêm.
Hơn 1,5 tấn máy móc thiết bị được xếp trong container và gửi về Việt Nam. Sau hơn hai tháng, các thiết bị này hiện đã về đến phòng thí nghiệm của TS Đỗ Vân Khanh ở Trường đại học Phenikaa. Các thiết bị này gồm các nhóm: dụng cụ phân tích, gene và protein, chuẩn bị và thao tác mẫu, thiết bị thí nghiệm cơ bản, thiết bị có chức năng kiểm soát nhiệt độ, tăng trưởng và xử lý tế bào, vật tư tiêu hao…
“Gói tài trợ hiện tại mà tôi nhận được bao gồm các nhóm như trên nhưng đa số là máy mới, có giá trị ước tính hơn 500.000 USD (khoảng hơn 11 tỉ đồng). Với các thiết bị hiện đại này, chúng tôi sẽ sử dụng, phục vụ nghiên cứu các đề tài và hỗ trợ các nhóm nghiên cứu khác của trường”, chị cho hay.
Được thành lập năm 2008, tính đến thời điểm này, Seeding Labs đã trao tặng hơn 134 gói trang thiết bị cho các trường đại học ở các nước đang phát triển trên toàn thế giới. TS Melissa P. Wu (CEO của Seeding Labs) cho hay trong quá trình xét chọn hồ sơ, bà và các thành viên trong hội đồng ấn tượng với các thành tích của nghiên cứu TS Vân Khanh. “Chúng tôi đánh giá cao và cảm thấy thú vị với sự quyết tâm trở về quê hương Việt Nam, tạm gác lại những cơ hội nghiên cứu ở Mỹ của TS Vân Khanh”, bà Wu nói. |
Nguồn: Báo Tuổi trẻ