Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Wednesday, 30/10/24

Những cuốn sách hay viết về ngày Quốc khánh năm 1945

Ngày 2/9/1945 trở thành niềm cảm hứng bất tận cho những trang viết về sự kiện chuyển mình trọng đại trong lịch sử dân tộc. Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh ngày 2/9/1945 là đề tài được nhiều tác giả quan tâm tìm hiểu và đa dạng thể tài, từ hồi ký, ghi chép cho đến nghiên cứu, chuyên khảo.

Chặt xiềng

Không tập trung đi sâu vào sự kiện ngày 2/9/1945, Chặt xiềng vẫn có một giá trị riêng khác so với những tác phẩm về chủ đề ngày Quốc khánh đầu tiên của dân tộc.

Tác phẩm là tài liệu lịch sử quan trọng ra đời một năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, có ý nghĩa phản bác những luận điệu xuyên tạc của thực dân Pháp về tính chất cuộc cách mạng thay đổi vận mệnh dân tộc.

Nội dung của Chặt xiềng đi sâu vào những thông tin lịch sử dẫn tới thành công của sự kiện năm 1945, từ Cao trào kháng Nhật, thành lập chính quyền địa phương cho tới tổng khởi nghĩa dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam.

Những văn kiện quan trọng như Nghị quyết của Quốc dân đại hội, Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, nội dung Tiến quân ca… có giá trị mang tính tư liệu lịch sử cho các nhà nghiên cứu.

Tác phẩm Chặt xiềng, bản in lần hai năm 1955 do NXB Sự thật Việt Nam thực hiện. Ảnh: Đình Ba.

Saigon Septembre 45

Đây là ghi chép của nhà báo Trần Tấn Quốc (1914-1987). Tác giả với vai trò là một nhà báo, trực tiếp chứng kiến sự đổi thay lịch sử của những ngày tháng 9/1945, ghi chép lại trong Saigon Septembre 45 để tác phẩm trở thành “một cuốn phim lịch sử”, như lời Nam Quốc Cang nhận định trong phần “Thay lời tựa”.

Tác phẩm Saigon Septembre 45. Ảnh: TL.

Là ký giả tận mắt chứng kiến thời cuộc những ngày tháng tám và tháng chín lịch sử nơi đất Sài Gòn, Trần Tấn Quốc đã ghi chép lại những gì mình biết và những tài liệu được tiếp cận.

Tác phẩm đáng chú ý còn ở chỗ, tập trung vào đất Sài Gòn những ngày cách mạng, nhân dân đứng lên giành chính quyền, cũng như khẳng định quyết tâm gìn giữ nền độc lập tự do vừa giành được, điều mà hiện nay chưa nhiều tác phẩm chú ý khai thác.

Qua Saigon Septembre 45, độc giả được chứng kiến ngày Độc lập 2/9/1945 tại Sài Gòn với sự tường thuật sống động, chân thực và chi tiết của ký giả.

Từ đó, độc giả biết thêm về không khí ngày vui của dân tộc ở vùng đất cực Nam Tổ quốc. Tác phẩm được xuất bản năm 1947 tại Sài Gòn và xếp vào loại sách tài liệu.

Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ

Cuốn sách của Jean Sainteny do NXB Công an Nhân dân phát hành, là tài liệu đáng chú ý để biết không chỉ về ngày 2/9/1945 ở Việt Nam, mà còn về những gì đã diễn ra trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám.

Là thiếu tá tình báo của Pháp, đầu năm 1946, Sainteny được cử làm đại diện Chính phủ Pháp trong đàm phán Pháp – Việt và cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút ký Hiệp định sơ bộ. Những ghi chép của Jean Sainteny giúp độc giả biết thêm về lịch sử Việt Nam ở góc nhìn của người trong cuộc từ phía bên kia.

Nhiều ghi chép của Sainteny phản ánh được một phần nào đó diện mạo lịch sử. Riêng với sự kiện ngày 2/9/1945, Sainteny xem đây là “điểm chủ chốt trong hàng loạt sự kiện tiếp theo” về sau.

Tác giả đánh giá tầm quan trọng đặc biệt của sự kiện 2/9/1945, cũng như những tường thuật dù ngắn gọn, nhưng thể hiện sự coi trọng công tác thực hiện quy củ của ta đối với lễ Độc lập, trong đó có đoạn: “Trật tự trong buổi diễu hành, và nhất là không thấy có những tiếng hò hét phản loạn, thù địch”… “Chúng tôi không thấy có một cử chỉ thù địch nào hướng về chúng tôi”.

Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ được chuyển ngữ bởi Lê Kim, NXB Công an Nhân dân ấn hành năm 2003. Ảnh: Đình Ba.

Cách mạng tháng Tám – Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX

Tác phẩm Cách mạng tháng Tám 1945 – Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX của GS.TS.NGND Trịnh Nhu và PGS.TS Trần Trọng Thơ do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Qua 6 chương sách, độc giả được lần mở bức tranh tổng quan về Cách mạng Tháng Tám khởi đầu khi Thế chiến hai nổ ra, đặt dân tộc ta trong tình thế mới với ách thống trị Pháp – Nhật cho đến khi cách mạng thành công, Tuyên ngôn độc lập vang trên Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Với những tư liệu sống động, Cách mạng Tháng Tám 1945 – Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX đã phục dựng bức tranh lịch sử, đúc rút ý nghĩa, nguyên nhân thành công của cách mạng để giúp ta ghi nhớ, tự hào về sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc.

Tác phẩm nghiên cứu Cách mạng Tháng Tám 1945 – Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Ảnh: Đình Ba.

Những năm tháng không thể nào quên

Tác phẩm là hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do Hữu Mai thể hiện, nhằm “ghi lại một số hình ảnh của Bác trong những năm tháng không thể nào quên của thời kỳ đầu mới giành được chính quyền, khi vận mệnh của Tổ quốc đã có lúc như “nghìn cân treo sợi tóc”.

Hồi ức Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TL.

Trong Những năm tháng không thể nào quên, không khí của ngày lễ Độc lập 2/9/1945 được Đại tướng nhớ lại, tường thuật chi tiết, sống động; chân dung, giọng nói, tác phong vị lãnh tụ trước toàn thể quốc dân trong ngày lễ trọng đại.

Trong đó, những chi tiết thực sự gần gũi giữa vị lãnh tụ với toàn thể quốc dân:

“Đọc bản Tuyên ngôn độc lập đến nửa chừng, Bác dừng lại và bỗng dưng hỏi: Tôi nói, đồng bào nghe rõ không? Một triệu con người cùng đáp, tiếng dậy vang như sấm: Có! Từ giây phút đó, Bác cùng với cả biển người đã hòa làm một”.

Từ Cách mạng Tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến – Tư liệu và Suy nghĩ

Bộ sách gồm hai tập được Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh tuyển chọn, chỉnh lý và giới thiệu.

Tác giả đã gia công sưu tầm tư liệu từ báo chí như Cứu quốc, Quốc hội, Độc lập… và tài liệu lưu trữ, sắp xếp, phân loại và trình bày tư liệu theo tiến trình thời gian từ Cách mạng tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946.

Xem Từ Cách mạng Tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến – Tư liệu và Suy nghĩ, những tài liệu liên quan ngày lễ Độc lập được đề cập dù không nhiều và chưa đầy đủ, cũng góp phần cung cấp thông tin quan trọng về ngày 2/9/1945, trong đó có toàn văn Tuyên ngôn độc lập, “Lời thề của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”…

Bộ sách Từ Cách mạng Tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến – Tư liệu và Suy nghĩ . Ảnh: Đình Ba.

Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập

Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập của tác giả Kiều Mai Sơn là tác phẩm mới được NXB Kim Đồng ấn hành nhân kỷ niệm 76 năm ngày Quốc khánh của dân tộc.

Dù dung lượng trang không nhiều, cuốn sách đã tập trung đi sâu tìm hiểu về văn kiện quan trọng khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một mốc son chói ngời của độc lập, tự do trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Tác phẩm Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập được NXB Kim Đồng ấn hành. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Qua những tư liệu thu thập, tác giả đã cung cấp tương đối đầy đủ thông tin về việc ra đời bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ việc Người tiếp cận Tuyên ngôn độc lập của Mỹ tại chiến khu Việt Bắc, cho đến lấy ý kiến tập thể góp ý cho tuyên ngôn và thời điểm lịch sử bản Tuyên ngôn độc lập vang lên trên Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Nguồn: https://zingnews.vn

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị mạng lưới các khoa đào tạo ngôn ngữ Pháp thuộc trường đại học khu vực Châu Á-Thái Bình Dương
Hội nghị các Trưởng khoa đào tạo tiếng Pháp thuộc các trường đại học khu vực châu Á – Thái…
Trường Đại học Phenikaa chung tay giải bài toán về thách thức môi trường cùng đối tác quốc tế
Ngày 23/10/2024, Trường Đại học Phenikaa đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia đến từ các trường đại…
Sinh viên Phenikaa vươn ra thế giới với chuỗi học bổng trao đổi quốc tế
Năm học 2023-2024, đánh dấu bước ngoặt ấn tượng của sinh viên Khoa tiếng Anh – Trường Đại học Phenikaa…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa