Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Sunday, 24/11/24

Những cuốn sách hay nhất dành tặng thầy cô giáo nhân ngày 20/11

Sách là một món quà vô cùng ý nghĩa để dành tặng các thầy cô nhân ngày 20/11. Hãy cùng xem những gợi ý dưới đây nhé.

1- Người thầy – Frank McCourt

Một cuốn tự truyện với lối viết hóm hỉnh, văn đối thoại rành mạch, rõ ràng. Frank McCourt, một nhà văn đồng thời cũng là một thầy giáo dạy văn tại các trường trung học ở New York đã một lần nữa vẽ lại câu chuyện của đời mình – câu chuyện của một nhà giáo Mỹ. Có những khó khăn, có những gian truân vất vả trong con đường tìm kiếm một phương pháp giảng dạy tốt nhất và cũng có cả những bất ngờ, những thành tựu được đền bù xứng đáng từ những “gai góc bền chí” mà ông đã bỏ ra. Cứ thế câu chuyện lớn của cuộc đời “người thầy” với kinh nghiệm giảng dạy 30 năm hiện lên chân thật nhất trong mắt người đọc. Đó là một người thầy mà tất cả chúng ta đều mong ước có được, với tâm huyết và nhiệt thành với nghề, luôn tâm lý và giành được sự yêu thương, quý trọng từ những học trò năng động và cả nghịch ngợm ở lứa tuổi mới lớn.

“Từ những con phố Ireland nghèo khổ đến những lớp trung học của thành phố New York, Frank McCount đã đổi khu vườn gian khó này lấy khu vườn gian khó khác, nhưng luôn luôn là con mắt hài hước, trái tim biết cảm thông và cái tài của một người kể chuyện bậc thầy. Người Thầy chính là một tiếng kêu từ trong cơ man chướng ngại vật của giáo dục công, là tài liệu cần phải đọc không chỉ cho tất cả các thầy cô giáo mà cho bất kỳ ai từng đặt chân vào một trường trung học. Thật may, sẽ không có bài kiểm tra nào hết.

Đây ắt hẳn là một tác phẩm mà tự bản thân mỗi người nên tự chiêm nghiệm để hiểu và thấm thía thêm về nghề giáo. Một quyển sách và một câu chuyện liên can tới tất cả chúng ta. Một hành trình cần được khám phá bởi chính tất cả mọi người.

2- Giáo sư và công thức toán – Yoko Ogawa

Một ngày, một phụ nữ làm nghề giúp việc được giới thiệu đến làm việc tại nhà một vị giáo sư già. Nhưng, vốn trí nhớ chỉ duy trì được tám mươi phút, đối với giáo sư, đây luôn là cô giúp việc “mới tinh”, và lần nào ông cũng chào cô bằng những câu hỏi về ngày sinh và cỡ giày. Những quy trình giới thiệu-làm quen cứ thế tiếp diễn hết ngày này sang ngày khác, cho tới khi cô giúp việc dẫn cậu con trai mười tuổi của mình đến chơi với vị giáo sư. Niềm vui, đam mê toán học, sự ân cần, lòng kiên nhẫn, tình yêu và niềm tin… đã hòa trộn trong mối quan hệ kỳ lạ giữa ba con người, để rồi vĩnh viễn đổi thay cuộc đời của họ…Bằng văn phong giản dị thấm đẫm chất thơ và sự kỳ công trong việc lồng ghép những công thức toán tưởng chừng khô khan, để mỗi con số đều chứa chan cảm xúc, đều trở nên sống động và rất người, Yoko Ogawa – nhà văn đoạt giải Akutagawa, một trong những tiểu thuyết gia đương đại lớn nhất Nhật Bản – đã kể về một kỳ tích thấm đẫm tình người, về câu chuyện xúc động và nồng ấm tới mức có thể lay động bất cứ con tim nào.

“Giáo sư và công thức toán” đã được nhận giải thưởng văn học Yomiuri và mới đây là giải thưởng của Hiệp hội Toán học vì đã giúp người đọc thấy được vẻ đẹp của môn khoa học này.

3- Totto-chan bên cửa sổ – Kuroyanagl Tetsuko

Totto Chan là một cô bé hiếu động không thể ngồi yên trong lớp. Chính vì vậy mẹ cô bé đã quyết định chuyển cô đến trường Tomoe, nơi bà nghĩ là cô bé có thể bộc lộ hết khả năng của mình.Dưới mái trường Tomoe, học sinh được chọn môn học theo ý thích của mình, được thay đổi chỗ ngồi mỗi ngày, khi học xong bài còn được cô giáo cho đi dạo. Thầy hiệu trưởng Kobayashi luôn khuyến khích các em nói lên điều mình muốn, ông luôn sẵn sàng lắng nghe những ý nghĩ đó. Totto Chan đã thu nhận được rất nhiều bài học quý báu từ môi trường tuyệt vời này.

“Totto Chan bên cửa sổ” là cuốn tự truyện ca ngợi nên giáo dục tiên tiến, hình tượng người thầy luôn trân trọng những tâm hồn trẻ thơ trong sáng, đáng yêu.

4- Tôi học đại học – Nguyễn Ngọc Ký

“Tôi học đại học” là cuốn tự truyện của nhà văn – Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, người thầy được rất nhiều người kính trọng bởi nghị lực phi thường. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay từ năm 4 tuổi nhưng với tinh thần ham học, chú bé Nguyễn Ngọc Ký đã tập viết bằng chân.Nguyễn Ngọc Ký đã hai lần được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích vượt khó học giỏi. Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa ngữ văn năm 1970. Sau đó trở thành Nhà giáo ưu tú năm 1992 và cũng là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân. Từ nhiều năm nay, hình ảnh thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành tấm gương hiếu học cho nhiều thế hệ. Cuộc sống và nghị lực của thầy đã được đưa vào sách giáo khoa như cuốn Em Ký Đi Học (sách tập đọc lớp 3 từ 1964-1983,) Anh Ký Đi Học (sách Kể chuyện lớp 4 từ 1983-2000), Bàn Chân Kỳ Diệu (sách Tiếng Việt lớp 4 từ 2000 đến nay). Trong cuốn Tôi Học Đại Học bạn đọc sẽ hiểu được những khó khăn mà thầy Nguyễn Ngọc Ký gặp trong những năm tháng trên giảng đường đại học, khi phải rời xa quê hương, tới học ở những lớp học sơ tán về những tỉnh miền núi.

“Tôi học đại học” được thầy Nguyễn Ngọc Ký ấp ủ và viết trong suốt 43 năm, được hoàn thành trong khoảng thời gian sức khỏe của thầy không được tốt, thầy phải chạy thận 3 lần 1 tuần. Biết được hoàn cảnh ra đời cuốn sách để hiểu hơn về nghị lực phi thường của một thầy giáo. Các tác phẩm của thầy luôn thấm đẫm tư tưởng nhân văn và giáo dục sâu sắc. Song cách thể hiện lại rất giản dị, hồn nhiên, dí dỏm, tinh tế, giàu hình ảnh, nhạc điệu và cảm xúc, “Tôi học đại học” cũng là một tác phẩm như thế.

Đọc “Tôi học đại học” để thấy những khó khăn mà bạn gặp phải trong cuộc sống hàng ngày trở nên nhỏ bé. “Tôi học đại học” là lời cảm ơn rất chân thực, đầy tâm huyết với Người với Đời. Song nó toát lên sự trăn trở của nỗi lòng biết ơn không bao giờ trả đủ…

5- 3 người tầy vĩ đại – Robin Sharma

“Tôi đã nếm trải nhiều thất bại trong hành trình đi qua những tháng ngày của mình. Thế nhưng, mỗi chướng ngại cuối cùng đều lại chính là một bàn đạp đưa tôi gần hơn nữa tới chân lý trong tâm khảm và cuộc đời tốt đẹp nhất của mình.Cho dù tôi có thu thập được bao nhiêu tài sản vật chất đi chăng nữa thì cái thằng người mà tôi nhìn thấy trong tấm gương phòng tắm mỗi buổi sáng vẫn y nguyên – tôi không hề hạnh phúc hơn và không hề cảm thấy tốt hơn tí nào. Suy ngẫm nhiều hơn về thực trạng cuộc sống của mình, tôi bắt đầu nhận thức được sự trống rỗng ngay trong tim mình. Tôi bắt đầu chú ý đến những tiếng thầm thì lặng lẽ của con tim, những điều chỉ dẫn tôi rời bỏ nghề nghiệp mình đã chọn và bắt đầu quá trình tìm kiếm tâm hồn một cách nghiêm túc. Tôi bắt đầu suy nghĩ về lý do tại sao tôi lại ở đây, trên hành tinh này, và nhiệm vụ cụ thể của tôi là gì. Tôi tự hỏi tại sao cuộc đời mình lại không có tác dụng và cần phải thực hiện những thay đổi sâu sắc nào để giúp mình đi đúng hướng. Tôi xem xét những niềm tin cốt lõi, những giả định, và những lăng kính mà mình nhìn ra thế giới, và tôi tự cam kết làm sạch những lăng kính không lành mạnh.”

“Cuốn sách này là một tác phẩm hư cấu. Đây là câu chuyện về một người đàn ông có tên Jack Valentine mà đường đời có nhiều điểm giống với tôi. Có cảm nhận rất không đầy đủ với tư cách một con người, anh ấy lên kế hoạch tìm kiếm tri thức để sống một cuộc sống hạnh phúc hơn, khoẻ khoắn hơn và đẹp hơn.”

Những “Câu hỏi cuối cùng” là một điều kì lạ mà Jack nghe được từ người bệnh nhân già nằm cùng phòng với anh – ông Cal. Chỉ sau một buổi tối trò chuyện cùng ông, Jack đã nhận thấy những sự thay đổi đang diễn ra trong mình. Và từ đây, chuyến hành trình đến Rome, Hawaii và New York cùng những khám phá mới mẻ mà anh học được từ ba người thầy vĩ đại trong cuộc đời đã giúp anh trả lời được ba câu hỏi mà cha anh – Cal Valentine đã nói trước khi ông qua đời:

– Ta đã SỐNG một cách KHÔN NGOAN chưa?
– Ta đã YÊU THƯƠNG chưa?
– Ta đã CỐNG HIẾN thật nhiều chưa?’

Cuốn sổ mà cha Mike – người thầy đầu tiên ở Rome đưa cho Jack đã đúc kết 10 điều mà anh đã học được trong suốt cuộc hành trình:

1. Công việc chính của mọi con người là công việc nội tâm.
2. Hãy xem cuộc sống của mình như một trường học dạy cách trưởng thành.
3. Hãy thành thật với chính mình – cuộc sống tốt đẹp nhất là cuộc sống chân thật.
4. Hãy nhớ rằng chúng ta thu nhận những gì chúng ta phát ra.

5. Chúng ta nhìn nhận thế giới không như chính nó mà như chúng ta nghĩ.
6. Hãy sống bằng trái tim của ban – tri thức của nó không bao giờ nói dối.
7. Hãy đắm mình trong sự tò mò của cuộc đời bạn.
8. Hãy chăm lo cho chính bạn.
9. Hãy xây dựng những kết nối của con người.
10. Hãy để lại một di sản.

6- Viết lên hy vọng – Erin Gruwell

Vào năm 1994, Erin Gruwell – một giáo viên Ngữ văn mới 23 tuổi và tràn đầy lý tưởng – về dạy tại trường Trung học Wilson, Long Beach, California. Như nhiều giáo viên mới ra trường khác, cô phải đương đầu với một lớp học toàn những học sinh cá biệt, những thành phần “hết thuốc chữa” và vô cùng “nguy hiểm”. Ban đầu, gần như cả lớp đều tỏ thái độ chống đối cô bằng những trò quậy phá, đánh nhau trong lớp, trốn tiết… nhưng cô vẫn không đầu hàng. Cô có niềm tin mạnh mẽ rằng giáo dục có thể chiến thắng cả những nghịch cảnh tồi tệ nhất và cô hạ quyết tâm các học sinh “hết thuốc chữa” của mình phải có được cơ hội giáo dục bình đẳng như tất cả mọi người.

7- Trên bục giảng – Brad Cohen cùng Lisa Wysocky

Cuốn sách là tự truyện của Brad Cohen về cuộc đời đầy thử thách, chông gai của mình. Anh mắc hội chứng loạn thần kinh tên là Tourette. Từ nhỏ anh đã thường xuyên bị co giật và phát ra những âm thanh ồn ào, có khi nghe như tiếng chó sủa, ngoài mong muốn và không thể nào kiểm soát được. Anh bị những người xung quanh chế nhạo, kì thị và xua đuổi vì họ nghĩ anh bị ma ám. Anh bị cấm bén mảng đến rạp chiếu phim, rạp hát, nhà hàng… chung quy là tất cả những nơi đông người. Tệ hơn cả, những người thầy, người cô mà anh hết lòng tin tưởng cũng nhiều lần đuổi anh ra khỏi lớp. Nhưng vượt lên tất cả anh đã quyết tâm trở thành một người thầy biết động viên và cảm thông với học trò – người thầy mà chính anh chưa bao giờ có được.Cuộc hành trình đó hiển nhiên nhiều thử thách, chông gai nhưng điều quan trọng nhất là anh đã vượt qua được sự mặc cảm của chính bản thân mình để chứng tỏ anh là một người đầy nghị lực và luôn khát khao cháy bỏng được mọi người thừa nhận…

8- Từ bục giảng đến văn đàn – Trần Hữu Tả
25 “chân dung” các giáo sư thuộc “thế hệ vàng” trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX được tác giả miêu tả trong tập sách với tấm lòng kính phục đạo đức và tâm huyết trong công việc giảng dạy, nghiên cứu và sáng tác, và cả công phu tự học của các thầy. Ngoại trừ hai giáo sư Trương Vĩnh Ký và Dương Quảng Hàm là tác giả học hỏi qua các công trình để lại, 23 giáo sư còn lại đều là người thầy trực tiếp hoặc đồng nghiệp của tác giả, do vậy ngoài giới thiệu một cách khái quát những cống hiến xuất sắc của mỗi người trong lĩnh vực sáng tác hoặc nghiên cứu, hoặc cả hai, tác giả còn chọn lọc kể lại một số kỷ niệm riêng, chủ yếu để độc giả hiểu được nhân phẩm, tính cách cao đẹp và cũng rất đời thường của các thầy.
Trước hiện trạng xã hội đang kỳ vọng vào sự thay đổi của giáo dục nước nhà, tập sách như một điểm sáng để thế hệ hậu sinh nhìn lại những tấm gương người thầy thế hệ trước, những người đã làm rạng danh chữ “Thầy” trong nền giáo dục của đất nước ở giai đoạn khó khăn, từ đó góp phần “tạo nền, chấn hưng giáo dục nước nhà” như lời tác giả đã gửi gắm ở đầu sách.
9- Bụi phấn – Hạt giống tâm hồn

Lúc còn ấu thơ, chắc ai cũng ngỡ rằng chỉ có cha mẹ là cho ta tình cảm nhiều nhất. Nhưng không! Thời gian cứ trôi lặng lẽ và từ khi được cắp sách tới trường thì chúng ta mới nhận ra được rằng tình cảm của thầy cô dành cho mình cũng như tình cảm của cha mẹ dành cho mình vậy. Cô như người mẹ, thầy như người cha đã dìu dắt chúng ta trên con đường nuôi dưỡng ước mơ, bồi dưỡng tâm hồn.“Bụi phấn” những hạt bụi vô hình ấy đã chắp cánh đưa người học trò bước tới tương lai, tới những bài học tri thức lẫn bài học cuộc sống vô cùng quý giá. Người thầy ấy chẳng quan tâm tới mái tóc mình đang ngày một bạc thêm, còn những người học trò cũng chẳng ai có thể đếm được có bao nhiêu hạt bụi đậu vào mái tóc thầy trong từng tiết học. Đọng lại trong đó là một nỗi niềm ưu tư về cuộc sống, về tương lai của những thế hệ học trò.

Chẳng ai nhận ra được sự thay đổi cho tới khi trưởng thành. Đến một lúc nào đó nhìn lại mới chợt thấy mọi thứ đã khác biệt theo thời gian. Màu trắng của những hạt bụi phấn năm xưa giờ đã trở thành màu tóc của người giáo viên. Tâm hồn của cô cậu học trò đã lớn lên từ những hạt bụi phấn, chất chứa biết bao sự ân cần, trìu mến với những bài học tuôn chảy theo từng ngày. Năm tháng rồi sẽ qua đi, mọi đứa trẻ đều sẽ lớn lên, chúng ta cũng sẽ già, chỉ có những bài học được truyền dạy với trái tim hiền từ và tấm lòng tận tụy là còn sống mãi. Mỗi năm một lần, chúng ta dành ra một ngày để tôn vinh nghề giáo, nhưng ảnh hưởng của người thầy lên cuộc đời mỗi người vẫn hiển hiện từng ngày, từng giờ, từng phút, qua cách chúng ta sống, lao động và thương yêu.

“Bụi Phấn” là tuyển tập những câu chuyện Hạt giống tâm hồn hay nhất về tình Thầy Trò, được thiết kế rất đẹp và công phu, để mỗi người con, những thế hệ học trò bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đến với những Thầy, Cô giáo.

“Bụi Phấn” với những câu chuyện ý nghĩa, giản dị, sâu sắc lay động lòng người về tấm lòng tận tụy và trái tim yêu thương không ngừng nghỉ của người thầy. Trong những trang sách này, bạn sẽ tìm thấy vẻ đẹp của trái tim và tâm hồn người thầy lại một lần nữa được sống dậy trong vinh quang của lòng biết ơn và sự trân trọng. Cùng những ký ức về tuổi thơ thân thương bên mái trường với ghế đá, lớp học, chỗ ngồi thân quen, những tiết học, những bài kiểm tra…đều ghi dấu trong miền ký ức mỗi người. Và hơn tất cả, lung linh, tươi đẹp tỏa sáng là tình cảm thầy trò được kết lại, bện chặt bởi những sợi dây vô hình.

Hơn 100 trang sách chưa thể nói hết tình cảm chân thành của những người học trò đối với thầy cô, nhưng mỗi câu chuyện trong “Bụi Phấn” sẽ thay lời muốn nói đến với những người thầy, cô yêu mến của mình.

10- Thầy là tất cả – Earl V. Pullias & James D. Young

“Thầy là tất cả” là cuốn sách phân tích bản chất của việc dạy học, những trở ngại thường gặp trong việc dạy học, các khía cạnh khác nhau của vai trò người thầy như người hướng dẫn, canh tân, tấm gương, người tìm tòi, tạo hứng khởi, cố vấn, người đương đầu với thực tại…Qua kinh nghiệm của chính bản thân tác giả, sự quan sát và phân tích tinh tế cuốn sách giúp người đọc hiểu hơn về nghề giáo, về những nỗ lực để vươn tới sự xuất sắc ở nhiều mặt khác nhau của người thầy.

11- Người gieo hy vọng – Erin Gruwell và Những nhà văn tự do
Cuốn sách Teaching Hope – “Người gieo hi vọng” tập hợp những câu chuyện kể của Erin Grunwell và các giáo viên thuộc tổ chức Freedom Writers Foundation. Họ làm công việc thường ngày như chúng ta vẫn hình dung, đó là giáo dục. Nhưng giáo dục là thế nào? Và ai là người được họ giáo dục? Các giáo viên thuộc Freedom Writers (FW) hàng ngày tiếp xúc với các em học sinh, trong số đó có không ít những em cảm thấy mình bị đối xử bất công hoặc thất vọng với mọi người xung quanh,… trở thành những học sinh cá biệt. Triết lý giáo dục của FW là phát huy giá trị và thúc đẩy việc chấp nhận tính đa dạng, lòng nhân hậu, sự khoan dung và tinh thần giao tiếp giữa thầy trò, và trong quá trình đó, các giáo viên khiến cuộc sống của những học sinh thuộc nhóm tiêu cực kia thay đổi. Và bản thân cuộc sống của các giáo viên ấy cũng thay đổi nhờ tinh thần giáo dục hết lòng vì học trò đó.
12- Chiến binh cầu vồng – Andrea Hirata

Trong ngày khai giảng, nhờ sự xuất hiện vào phút chót của cậu bé thiểu năng trí tuệ Harun, trường Muhammadiyah may mắn thoát khỏi nguy cơ đóng cửa.Nhưng ước mơ dạy và học trong ngôi trường Hồi giáo ấy liệu sẽ đi về đâu, khi ngôi trường xập xệ dường như sẵn sàng sụp xuống bất cứ lúc nào, khi lời đe dọa đóng cửa từ viên thanh tra giáo dục luôn lơ lửng trên đầu, khi những cỗ máy xúc hung dữ đang chực chờ xới tung ngôi trường để dò mạch thiếc…? Và liệu niềm đam mê học tập của những Chiến binh Cầu vồng đó có đủ sức chinh phục quãng đường ngày ngày đạp xe bốn mươi cây số, rồi đầm cá sấu lúc nhúc bọn ăn thịt người, chưa kể sự mê hoặc từ những chuyến phiêu lưu chết người theo tiếng gọi của ngài pháp sư bí ẩn trên đảo Hải Tặc, cùng sức cám dỗ khôn cưỡng từ những đồng tiền còm kiếm được nhờ công việc cu li toàn thời gian …?

“Chiến binh Cầu vồng” có cả tình yêu trong sáng tuổi học trò lẫn những trò đùa tinh quái, cả nước mắt lẫn tiếng cười – một bức tranh chân thực về hố sâu ngăn cách giàu nghèo, một tác phẩm văn học cảm động truyền tải sâu sắc nhất ý nghĩa đích thực của việc làm thầy, việc làm trò và việc học.

13- Những tấm lòng cao cả – Edmode De Amicis

Những tấm lòng cao cả là một cuốn tiểu thuyết trẻ em của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis. Lấy bối cảnh trong lúc nước Ý đang thống nhất cũng như nói về đề tài yêu nước.Xuyên suốt tiểu thuyết là những vấn đề xã hội như sự nghèo đói, “Những tấm lòng cao cả” được yêu chuộng vì văn phong giản dị và ý nghĩa giáo dục về tình nhân ái. “Những tấm lòng cao cả” được viết theo hình thức nhật ký của Enrico Bottini, một cậu học trò 10 tuổi học tiểu học ở Ý. Gia đình cậu thuộc tầng lớp thượng lưu trong khi nhiều bạn cùng lớp lại xuất thân từ tầng lớp lao động. Cốt truyện diễn ra theo thứ tự thời gian xuyên suốt năm lớp 3 của Enrico. Ở đó Enrico đã được tiếp xúc với những cậu bé đủ mọi tính cách…

Xen kẽ vào cuốn nhật kí của cậu bé Enrico là các truyện đọc hàng tháng (thầy giáo yêu cầu học sinh chép để đọc cho cả lớp), đây là những câu chuyện kể về tấm gương những thiếu niên dũng cảm của nước Ý, có những người hi sinh vì Tổ quốc như cậu bé trinh sát ở Lombardia, có người chết để cứu những người thân thiết như cậu bé ở Roma hay cậu bé người Sicilia, và cả những người có nhiều nghĩa cử cao đẹp.

14- Lời hứa về một cây bút chì – Adam braun

Hành trình từ 25 đô-la đến 250 trường học dành cho trẻ em trên toàn cầu và câu chuyện phi thường của một CEO nuôi chí thay đổi thế giới bằng giáo dục.Adam Braun bắt đầu làm việc hè tại các quỹ đầu tư khi anh mới mười sáu tuổi nhằm mục tiêu có được một sự nghiệp thành công ở phố Wall. Nhưng trong một chuyến du lịch, anh đã gặp một cậu bé ăn xin trên đường phố của Ấn Độ. Anh hỏi cậu muốn điều gì nhất trên đời này, thì nhận được câu trả lời đơn giản: “Một cây bút chì.” Chính mong ước nhỏ nhoi này đã thôi thúc Adam làm vô số điều đáng kinh ngạc trước khi thành lập ra tổ chức PoP (Bút chì hứa hẹn), một tổ chức mà Braun bắt đầu chỉ vẻn vẹn với 25 đô-la và sau đó xây dựng được hơn 250 trường học trên khắp thế giới.

Lời hứa về một cây bút chì tái hiện lại cuộc hành trình của Adam Braun. Mỗi chương giải thích một bước rõ ràng mà mỗi người có thể làm để biến những tham vọng lớn nhất của họ thành hiện thực. Nếu bạn cảm thấy náo nức và sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi, nếu bạn đang tìm kiếm định hướng và mục tiêu cuộc đời, cuốn sách này là dành cho bạn. Được dẫn dắt bởi những câu chuyện và các chia sẻ đầy cảm hứng, cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn những công cụ để tạo nên một câu chuyện đáng kể trong cuộc sống của chính bạn.

 

Nguồn: Rico

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

[REVIEW SÁCH]GÓC KHUẤT CỦA YÊU THƯƠNG – CHOI KWANGHUYN
Trên đời này, điều khiến chúng ta hạnh phúc nhất chính là tình yêu, nhưng cũng chính tình yêu mới…
Trường Đại học Phenikaa tri ân người dẫn lối
Hòa trong không khí trang nghiêm của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trường Đại học Phenikaa đã long trọng…
Bùng nổ sắc màu nghệ thuật tại Hội diễn văn nghệ Trường Đại học Phenikaa
Hội diễn văn nghệ Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Kỷ…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa