Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Thursday, 25/04/24

Nhà khoa học trẻ tài năng Đỗ Vân Khanh – hành trình đi để trở về

Tiến sĩ Đỗ Vân Khanh (33 tuổi) từng là một trong 30 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ với các nghiên cứu về công cụ chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer đã quyết định trở về Việt Nam giảng dạy và nghiên cứu. 

Tiến sĩ Đỗ Vân Khanh được chọn là một trong 30 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ ngành khoa học về thần kinh (Neuroscience) do Viện Sức khỏe Hoa Kỳ (National Institute of Health, NIH) xét duyệt năm 2020. Đặc biệt, cô là người duy nhất không có quốc tịch Mỹ đạt giải thưởng này.

Năm 2020, giải thưởng nhà khoa học trẻ được NIH tổ chức theo hình thức đề cử từ các trường/viện/trung tâm nghiên cứu khoa học và sức khỏe trên 50 tiểu bang toàn nước Mỹ.

Giải thưởng xét duyệt dựa trên tầm quan trọng và các đóng góp của ứng viên trong khoa học. Theo đó, 30 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ chuyên ngành khoa học về thần kinh được lựa chọn và có cơ hội thuyết minh công trình nghiên cứu của mình cho các chuyên gia hàng đầu của NIH. Công trình nghiên cứu TS Đỗ Vân Khanh đã trình bày có nội dung: “The Lipidomics in Neurodegeneration” – tạm dịch: “Vai trò của nghiên cứu khoa học về chất béo đối với các bệnh lý suy giảm chức năng thần kinh”.

Trước đó, Đỗ Vân Khanh là sinh viên khoa công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Cô nhận học bổng toàn phần từ Quỹ Giáo dục VN (VEF) năm 2013 để sang Mỹ học sau ĐH. Hướng nghiên cứu chính của TS Khanh là, Sinh học Phân tử Khoa học Thần kinh tại Trung tâm khoa học sức khỏe – Đại học bang Louisiana, New Orleans, Hoa Kỳ.

Năm 2021, Tiến sĩ Đỗ Vân Khanh đã quyết định trở về Việt Nam làm giảng viên, Trưởng nhóm nghiên cứu, chuyên ngành Khoa học Y sinh Biomedical Science, trường Đại học Phenikaa.

Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trò chuyện với nữ tiến sĩ Đỗ Vân Khanh về hướng nghiên cứu mới, về giảng dạy cho sinh viên và những trăn trở với nghề.

Tiến sĩ Đỗ Vân Khanh, giảng viên trường ĐH Phenikaa

Mong muốn chia sẻ kiến thức khoa học hiện đại

Từng là một trong top 30 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ vì sao chị lại quyết định trở về Việt Nam làm giảng viên và nghiên cứu?

– Từ khi còn ngồi ở giảng đường đại học, tôi đã mong muốn nghiên cứu về các bệnh suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ tại Hoa Kỳ. Tôi đã nỗ lực, quyết tâm nộp và nhận được học bổng của Qũy Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation – VEF) để có thể học tập và nghiên cứu ở quốc gia tôi từng mơ ước.

Với những kết quả đạt được như phát triển các công cụ chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer và các bệnh thoái hóa thần kinh dựa vào những thay đổi bất thường ở mắt, tôi đã được chọn là một trong 30 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ, lĩnh vực khoa học thần kinh (Neuroscience) vào năm 2020.

Trở về Việt Nam vào giữa năm 2021 là một quyết định khó khăn giữa đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tôi tin rằng đây là một trong những quyết định đúng đắn nhất của cuộc đời mình.

Thứ nhất, tôi hy vọng có thể tiếp tục phát triển các nghiên cứu của mình ở Việt Nam, đặc biệt để tìm ra những khác biệt của bệnh nhân Việt Nam so với thế giới để có thể đưa ra các hướng tiếp cận khác nhau.

Thứ hai, tôi mong muốn được về Việt Nam để chia sẻ, truyền đạt các kiến thức Y khoa hiện đại mà tôi đã học tập, tích lũy trong khoảng thời gian này đến thế hệ trẻ. Tôi mong muốn truyền cảm hứng, tinh thần học tập và đam mê nghiên cứu cho các bạn học sinh, sinh viên, đặc biệt là các bạn nữ sinh để các em có thể tự tin hơn, chủ động tham gia nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Đỗ Vân Khanh: “Làm việc nhóm và quản lý thời gian là hai kỹ năng cần thiết để các bạn sinh viên áp dụng về sau trên con đường Y khoa”

Vậy hướng nghiên cứu mới nhất của chị hiện nay như thế nào?

– Khi về Việt Nam, tôi nhận ra rằng ở Việt Nam, số lượng bệnh nhân qua đời mỗi năm vì ung thư và tim mạch ngày càng cao nên tôi càng mong muốn có thể sớm phát triển và ứng dụng công cụ chẩn đoán sớm cho hai căn bệnh nan y này. Ở Hoa Kỳ, tôi từng tham gia các hội nghị khác nhau về lipid, và thấy thực tế cũng đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng như vậy.

Với tư thế là người tiên phong, tôi hy vọng có thể liên kết được các nhà nghiên cứu ung thư, tim mạch hàng đầu tại Hoa Kỳ, các nhà khoa học người Việt Nam trong nước và đang ở nước ngoài để hỗ trợ, cùng hợp tác nghiên cứu trong những dự án sắp tới của tôi ở Việt Nam.

Ngoài ra, việc phát triển các mô hình dự đoán nguy cơ bệnh, hỗ trợ chẩn đoán sớm các bệnh này bằng cách liên kết các yếu tố không thay đổi (di truyền – genomics) và các yếu tố thời điểm (lipidomisc) để tối ưu hóa và tăng tính chính xác của mô hình cũng được tôi và cộng sự tập trung nghiên cứu.

Các phương pháp phân tích truyền thống như sinh hóa, huyết học và chẩn đoán hình ảnh cũng sẽ được lồng ghép để đánh giá mô hình dự đoán bệnh này. Ngoài ra, tôi còn liên kết với các Bệnh viện, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước, kết hợp nhiều nhà khoa học và bác sĩ đầu ngành để hỗ trợ thực hiện nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Các nghiên cứu tiến cứu (Prospective study) và dài hạn (longitudinal study) cũng sẽ được tiến hành, với sự kết hợp thu mẫu ở nhiều bệnh viện khác nhau (Mô hình Multi-centers Study) nhằm đem lại kết quả theo dõi chính xác và can thiệp kịp thời cho bệnh nhân có các kiểu gen nguy cơ cao.

Hy vọng thành lập được nhóm nghiên cứu riêng tại Việt Nam về lipidomics và các ứng dụng của lipidomics hiện nay của chị đã thực hiện ra sao?

– Với triết lý, người Việt Nam hỗ trợ phát triển chất xám cho người Việt Nam và với sự đầu tư mạnh mẽ từ Tập đoàn Phenikaa, Trường ĐH Phenikaa đã có sự chuyển mình ấn tượng trong những năm gần đây, trong đó nổi bật với những chính sách thu hút nhân tài, xây dựng môi trường học thuật chuyên nghiệp, phát triển nhóm nghiên cứu mạnh và tiềm năng, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong một thời gian rất ngắn, với sự hỗ trợ của Ban Giám Hiệu Trường ĐH Phenikaa, Phòng KHCN và các đồng nghiệp, đề án xây dựng Phòng thí nghiệm của tôi đã trở thành hiện thực trong thời gian ngắn với tên gọi Phòng thí nghiệm (PTN) “Ứng dụng Khoa học Y sinh và Sinh học Phân tử trong Y học”.

PTN này chính là tiền đề để tôi phát triển các hợp tác trong và ngoài nước, đẩy mạnh các nghiên cứu có thể ứng dụng cho việc chẩn đoán sớm các bệnh cho người Việt mình.

Ngoài ra, PTN chính là nơi ươm mầm cho các bạn sinh viên có đam mê nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp trong thời đại 4.0. Trong thời gian sắp tới, tôi sẽ triển khai các hợp tác quốc tế và trao đổi sinh viên nghiên cứu với các viện, các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Các bạn sinh viên, nghiên cứu viên Việt Nam sẽ có cơ hội giao lưu học hỏi cũng như mang bản sắc văn hóa Việt Nam giới thiệu đến thế giới.

TS. Vân Khanh đang hướng dẫn sinh viên trong PTN Ứng dụng Khoa học Y sinh và Sinh học Phân tử trong Y học

Việt Nam sẽ có phòng thí nghiệm không thua nước ngoài

Sau gần 10 năm sinh sống và làm việc ở Mỹ. Vậy điều kiện nơi làm việc ở Việt Nam có làm thay đổi cách suy nghĩ của chị?

– Những ngày đầu bỡ ngỡ đặt chân vào những PTN ở Hoa Kỳ, tôi vô cùng kinh ngạc trước sự hiện đại và khang trang của họ. Tôi giành thời gian một năm đầu tiên vừa tham gia các lớp Lý thuyết vừa học tập sử dụng thành thạo các thiết bị máy móc của Trung tâm Khoa học thần kinh, Viện Khoa học sức khỏe ở Thành phố New Orleans.

Tôi mong muốn trở về Việt Nam và xây dựng được một PTN hiện đại cho các bạn sinh viên Việt Nam có thể phát triển các kỹ năng PTN để sau này khi có cơ hội học tập ở nước ngoài, các bạn sẽ không phải bỡ ngỡ như tôi.

Về Việt Nam và từng tham quan một số PTN của các trường đại học, tôi ngạc nhiên khi thấy sự chuyển mình rõ rệt trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Các PTN đã được đầu tư một số thiết bị hiện đại như các máy giải trình tự gen thế hệ mới, các máy phân tích khối phổ và các máy móc khác.

Tuy vẫn có sự khác biệt nhưng tôi tin rằng trong 5 – 10 năm nữa, Việt Nam sẽ có các PTN trung tâm, không thua gì nước ngoài. Vì vậy, tôi luôn lạc quan và nhận thấy rằng trở về Việt Nam và công tác ở trường ĐH Phenikaa là một quyết định đúng đắn.

Với người giảng viên thì việc truyền cảm hứng tới các sinh viên về bài giảng, về đam mê nghề, về nghiên cứu khoa học khoa học, với chị điều này thực hiện như thế nào?

– Với gần 10 năm học tập, hướng dẫn và giảng dạy ở Hoa Kỳ, những phương pháp giảng dạy tích cực luôn được các thầy cô áp dụng trong các lớp học. Các môn học tôi phụ trách đều có hướng tiếp cận như khoa học dựa vào bằng chứng, giúp người học chủ động học tập trên lớp học.

Các bạn sinh viên được cá nhân hóa để tìm ra các phương pháp giảng dạy và hỗ trợ cho từng bạn để đảm bảo lượng kiến thức tiếp thu như nhau cho tất cả các bạn.

Ngoài ra các kỹ năng làm việc nhóm và quản lý thời gian cũng được phát triển cho các bạn ngay từ năm nhất. Vì đây chính là hai kỹ năng cần thiết để các bạn áp dụng cho những năm về sau trên con đường Y khoa này.

Với nghiên cứu khoa học, tôi và các thầy cô đã xây dựng chương trình cho các em có phần thực hành PTN ngay từ năm nhất, đặc biệt về các kỹ thuật sinh học phân tử ứng dụng trong Y học.

Ví dụ như các bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu các nguyên lý của PCR (Polymerase chain reaction – Phản ứng chuỗi polymerase) và thực hành thao tác trên PTN, đây là kỹ thuật được sử dụng nhiều nhất trong giai đoạn Covid-19 trên toàn thế giới.

Như vậy, từ năm thứ 2 trở đi, các bạn có thể tham gia vào nhóm nghiên cứu của tôi cũng như các nhóm nghiên cứu khác. Ngoài ra, các em sinh viên luôn được hỗ trợ từ nhà trường với các ý tưởng nghiên cứu và khởi nghiệp ý nghĩa.

TS. Vân Khanh và nhóm nghiên cứu gồm các sinh viên và nghiên cứu viên của trường ĐH Phenikaa

Khoa Y của Trường Đại học Phenikaa tuy được thành lập hơn một năm nhưng đã có sự tham gia xây dựng của các Giáo sư, Bác sĩ đầu ngành của Việt Nam. Trong năm đầu tiên tuyển sinh có rất nhiều hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa.

Tuần đầu tiên nhập học, nhìn những ánh mắt bỡ ngỡ của tân sinh viên Y khoa, những giọt nước mắt của người mẹ, những cái ôm và vỗ vai động viên của người cha dành cho các bạn, tôi và các thầy cô không khỏi xúc động và tự nhủ với lòng sẽ luôn giảng dạy hết mình để đáp lại sự tin tưởng của phụ huynh dành cho nhà trường.

Từng trải qua các cảm xúc như các bạn, tôi muốn nhắn nhủ với các tân sinh viên, đặc biệt các tân sinh viên Y khoa rằng hãy luôn lạc quan và tự tin với quyết định của các bạn.

Tôi mong các bạn luôn tự tin vững bước trên con đường dài phía trước, vì phía sau các bạn luôn có chúng tôi, những thầy cô tâm huyết và luôn chung tay dìu dắt các bạn để trở thành những thế hệ tiếp nối cho ngành Y của Việt Nam. Và hãy lạc quan lên nhé, vì có vấp ngã, có va chạm thì các bạn mới cứng cáp hơn để trở thành những người thầy thuốc bản lĩnh và giàu kinh nghiệm.

Là nữ nghiên cứu khoa học, hiện nay chị có trăn trở điều gì?

– Là một nhà nghiên cứu tiên phong về lĩnh vực Y sinh và Lipidomics ở Việt Nam, điều trăn trở lớn nhất với tôi là tìm được các đồng đội trong cùng lĩnh vực, đặc biệt là các nữ đồng đội.

Theo thống kê thì số lượng nữ tiến sĩ tiếp tục con đường học thuật ngày càng ít đi, đặc biệt với tốc độ công nghiệp hóa hiện nay, phần lớn các nữ tiến sĩ sẽ vào làm ở các công ty với mức lương hấp dẫn hơn so với môi trường học thuật này.

Vì vậy, tôi mong muốn sẽ có thể kết nối với các nhà khoa học nữ Việt Nam hiện đang công tác trong và ngoài nước để phát triển các nghiên cứu ở Việt Nam và tạo động lực, truyền cảm hứng cho các bạn nữ sinh tự tin tiếp bước chúng tôi vào một ngày không xa.

Xin trân trọng cám ơn tiến sĩ!

Giải thưởng Nghiên cứu Khoa học của Tiến sĩ Đỗ Văn Khanh:

– 2011: Giải nhất Sinh viên Nghiên cứu Khoa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp Hồ Chí Minh.

– 2012: Giải nhất Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka Tp Hồ Chí Minh

– 2013: Học bổng Tiến sĩ toàn phần từ Qũy giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation – VEF) tại Hoa Kỳ.

– 2016 – 2019: Học bổng từ Qũy Schlumberger – Schlumberger Foundation, Faculty for the Future Fellowship.

– 2020: Top 30 nhà Khoa học trẻ hàng đầu Hoa Kỳ ngành Khoa học thần kinh (Neuroscience) do Viện Khoa học Sức Khỏe Hoa Kỳ (NIH) xét duyệt.

– 13 bài báo công bố ISI/Scopus

Nguồn: daibieunhandan.vn

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

‘Đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, cơ bản là chưa đủ’
Để đáp ứng 10.000 kỹ sư ngành vi mạch lành nghề mỗi năm, theo GS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó…
PHENIKAA-X CHÀO ĐÓN CÁC BẠN SINH VIÊN NGÀNH ROBOT & AI THAM DỰ BUỔI TRAO ĐỔI, THAM QUAN VÀ TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ
Sáng ngày 24/04/2024, Phenikaa-X đã đón tiếp Giảng viên và các bạn sinh viên ngành Robot & AI Trường Đại…
Những câu chuyện giáo dục cho trẻ em của Vlad và Niki
Chỉ là những cậu bé nhưng thông tin mà hai bé mang lại thực sự thú vị và các bố…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa