Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Friday, 26/04/24

Nghiên cứu khoa học – Nhiệm vụ trọng yếu trong quá trình hình thành và phát triển bền vững tại Vicostone

Trích kỉ yếu 15 năm Vicostone 
Ngày nay, khoa học – kĩ thuật với sự phát triển như vũ bão đã có tác động trực tiếp và tức thì tới nền kinh tế toàn cầu. Các kết quả nghiên cứu hay các thành tựu của khoa học được áp dụng vào sản xuất cũng như đời sống hàng ngày một cách nhanh chóng giúp quá trình sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường góp phần thúc đẩy kinh tế có những bước tiến vượt bậc.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam, hoạt động “nghiên cứu khoa học” còn khá mới mẻ và tương đối xa xỉ, các công ty ít dám đầu tư vào nghiên cứu khoa học một cách thực sự bài bản. Nhưng ở Vicostone, hoạt động này đã có từ rất sớm và được xác định là nhiệm vụ trọng yếu trong quá trình phát triển bền vững của công ty.

Thành lập Trung tâm R&D: Định hướng đầu tư chiến lược

Vicostone – tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Tổng công ty Vinaconex được thành lập từ năm 2002 với dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ mới nhập khẩu từ hãng Breton – Ý. Tuy nhiên, giai đoạn những năm đầu, công ty đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc nắm bắt và làm chủ công nghệ để vận hành dây chuyền và sản xuất. Công tác nghiên cứu lúc này là tập trung vào tìm hiểu dây chuyền, làm chủ công nghệ, tìm các giải pháp, đánh giá và xử lí các yếu tố tác động trong quá trình sản xuất như: nguyên vật liệu, điều kiện môi trường…. nhằm nâng cao năng suất, đạt chất lượng và phát triển sản phẩm mới để khai thác hết ưu thế của dây chuyền.
Ngay sau khi nhà máy đi vào sản xuất liên tục, đội ngũ nhân sự của Vicostone đã nắm bắt và làm chủ được dây chuyền công nghệ, Ban lãnh đạo công ty nhận thấy rằng: Để ổn định và phát triển bền vững; công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, trong đó hoạt động nghiên cứu khoa học cần phải được đầu tư bài bản, có định hướng chiến lược lâu dài. Từ những năm 2007, Ban lãnh đạo công ty đã bổ sung nhân sự cho đội ngũ R&D, nhiều kĩ sư trẻ chuyên ngành công nghệ vật liệu compozit được tuyển dụng và định biên vào phòng công nghệ. Chức năng “nghiên cứu khoa học” cũng được xác lập cho đơn vị và nhiều đề tài khoa học được đề xướng và bắt đầu nghiên cứu.
Tháng 07 năm 2009, hoạt động nghiên cứu khoa học chính thức được xác định là nhiệm vụ trọng yếu của Vicostone  bằng chứng là Ban lãnh đạo của công ty đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới (Trung tâm R&D) với đội ngũ nhân sự gồm 20 người, bên cạnh những việc nghiên cứu phát triển sản phẩm thì công tác nghiên cứu khoa học, định hướng ứng dụng vào phục vụ hoạt động sản xuất tại công ty được quy định trong chức năng – nhiệm vụ của Trung tâm. Đây được coi là dấu mốc quan trọng thể hiện chiến lược, tầm nhìn của Ban lãnh đạo về một doanh nghiệp công nghệ cao, lấy nghiên cứu khoa học làm nền tảng để phát triển bền vững.

Những thành quả đầu tiên của hoạt động nghiên cứu khoa học

Sau khi được thành lập, Trung tâm đã bổ sung nhân sự có trình độ chuyên môn sâu, chuyên trách làm công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời công ty cũng đầu tư rất lớn vào hạ tầng, cơ sở vật chất. Nhiều thiết bị nghiên cứu được đầu tư, bên cạnh đó là việc hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, các giáo sư uy tín đầu ngành đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện kĩ thuật nhiệt đới, Viện Hóa học, Viện Khoa học vật liệu….nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được xúc tiến và triển khai bài bản. T
hành tích đầu tiên của hoạt động nghiên cứu khoa học phải kể đến là đề tài: “Nghiên cứu sản xuất chất chống dính khuôn cao su sử dụng trong công nghệ sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh” dưới sự đồng chủ trì của Tổng giám đốc TS.Hồ Xuân Năng và Giám đốc Trung tâm R&D Phạm Anh Tuấn lúc bấy giờ. Đề tài được bắt đầu từ năm 2009, đến tháng 10 năm 2010, đã cho kết quả tuyệt vời. Chất chống dính do nhóm nghiên cứu của Trung tâm R&D chế tạo ra đáp ứng đầy đủ các yêu cầu công nghệ, hoàn toàn tương đương với loại chất chống dính nhập khẩu từ hãng Breton – hãng độc quyền cung cấp cho tất cả các nhà sản xuất đá nhân tạo trên thế giới, nhưng với giá thành chỉ bằng 25% giá nhập khẩu. Thành công của đề tài không chỉ góp phần quan trọng vào hiệu quả của công ty khi mỗi năm tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, chủ động hoàn toàn về nguồn cung, mà nó còn ý nghĩa to lớn, động viên khích lệ tinh thần của đội ngũ nghiên cứu khoa học, tạo động lực và khơi nguồn sáng rạo cho đội ngũ R&D vững vàng, tự tin trên con đường nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh những đề tài gắn với việc tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, đem lại giá trị về kinh tế, các hoạt động nghiên cứu khoa học còn gắn với tầm nhìn chiến lược là “sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường”, nhiều đề tài nghiên cứu những vấn đề nóng bỏng, mang tính thời sự, đòi hỏi chuyên môn và hiểu biết sâu rộng, điển hình như đề tài: “Nghiên cứu sản xuất đá thạch anh nhân tạo sinh thái sử dụng chất dính là dầu lanh epoxy hóa”. Đây là đề tài thực sự rất phức tạp, bởi trên thế giới, tất cả các nhà sản xuất đá nhân tạo đang sử dụng chất kết dính là “nhựa polyester – resin” – loại nhựa có nguồn gốc từ dầu, mỏ có sử dụng dung môi styren. Trong khi đó nhu cầu và xu hướng tất yếu của thị trường sẽ hướng đến những dòng sản phẩm sinh thái, sử dụng nguồn nguyên liệu tái sinh, tái chế hoặc có khả năng tái tạo như dầu lanh epoxy hóa – loại nhựa đi từ dầu của hạt cây lanh.
Sau 4 năm với nhiều nghiên cứu và thử nghiệm trên dây chuyền, Vicostone đã có thể sản xuất ra loại đá nhân tạo sinh thái, sử dụng 100% chất kết dính từ dầu lanh, trở thành nhà sản xuất đá nhân tạo đầu tiên trên thế giới có khả năng sản xuất loại vật liệu sinh thái này. Kết quả của đề tài không chỉ có ý nghĩa về mặt thực tiễn nói riêng mà còn có nhiều đóng góp mới cho ngành khoa học và công nghệ vật liệu compozit Việt Nam nói chung. Nhóm tác giả đề tài đã từng được mời tham gia báo cáo kết quả tại các Hội nghị chuyên ngành với sự có mặt của nhiều nhà khoa học uy tín hàng đầu trong nước và khu vực như: Hội nghị Hóa học toàn quốc về vật liệu compozit (2015), Hội nghị Vật liệu xanh – vật liệu tiên tiến khu vực châu Á – Thái Bình Dương (2015), Hội nghị Vật liệu compozit toàn quốc (2016)…và có nhiều bài báo khoa học liên quan đến đề tài được đăng trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu trong nước và khu vực.

Những hoạt động Nghiên cứu khoa học nâng cao tính năng sản phẩm và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất đá “Xanh – Sạch – Bảo vệ môi trường”

Đá nhân tạo vốn có những tính năng ưu việt hơn đá tự nhiên như: độ bền cơ – lí, hóa vượt trội, màu sắc ổn định…tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định, đặc biệt là khả năng ứng dụng ngoài trời. Với tham vọng trở thành nhà sản xuất đá nhân tạo đầu tiên trên thế giới, có thể sản xuất ra các loại đá ứng dụng cho các công trình ngoài trời, đội ngũ R&D đã tiến hành đề tài: “Nghiên cứu, sử dụng phụ gia chống tia UV cho hệ nhựa nền trong sản xuất đá nhân tạo nhằm mở rộng phạm vi ứng dụng sản phẩm cho các công trình ngoài trời”. Để thực hiện đề tài này đòi hỏi đội ngũ nghiên cứu khoa học phải có kiến thức tổng hợp về ngành sản xuất đá nhân tạo và ngành sản xuất sơn, vật liệu màng phủ…
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã được triển khai vào thực tế sản xuất và đem lại nhiều dấu hiệu khả quan. Kết quả đề tài cũng được công bố bằng hai bài báo khoa học trên tạp chí Hóa học – tạp chí chuyên ngành hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực vật liệu polyme – compozit.
Ngoài ra, còn nhiều đề tài nghiên cứu khác như: “Nghiên cứu tái sử dụng bột đá thải từ quá trình sản xuất đá nhân tạo để sản xuất các loại vật liệu thân thiện môi trường” hay đề tài “Nghiên xứu sản xuất hệ keo dán đá ứng dụng trong gia công chế tạo đá nhân tạo gốc thạch anh”. Đây là các đề tài tập trung nghiên cứu xử lí bùn thải từ quá trình sản xuất đá nhân tạo thành các loại vật liệu mới như: vật liệu không nung, keo dán đá, keo chít mạch…vừa góp phần xử lý môi trường, hạn chế phát thải từ quá trình sản xuất, vừa phát triển ra nhiều loại vật liệu mới, ứng dụng trong các công trình xây dựng và dân dụng. Điều này có ý nghĩa rất lớn về mặt môi trường đồng thời hiện thực hóa cam kết về “phát triển công ty gắn liền với bảo vệ môi trường bền vững” mà công ty đã tuyên bố.
Lịch sử hình thành Vicostone đã trải qua những tháng năm phát triển rực rỡ trong đó hoạt động nghiên cứu khoa học đã đồng hành cùng sự phát triển của công ty. Hiện nay, đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu khoa học ở Vicostone đã phát triển mạnh mẽ, với gần 30 nhân sự có trình độ chuyên sâu (bao gồm 01 Giáo sư, 01 Phó giáo sư, 02 Tiến sĩ, 05 Thạc sĩ và 20 kĩ sư), trong đó có những chuyên gia đầu ngành Việt Nam về lĩnh vực polymer, compozit và những kĩ sư trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết đang ngày đêm say mê với những dự án, những đề tài nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề của thực tiễn sản xuất cũng như vấn đề quan trọng mà khoa học và xã hội đang quan tâm.
Là một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, Vicostone hiện nay dành hơn 1% doanh thu tổng doanh thu cho hoạt động R&D, trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học. Sự đầu tư bài bản và mang tính chiến lược lâu dài là cần thiết bởi chúng tôi xác định nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng yếu trong quá trình phát triển bền vững của Vicostone.
Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

‘Đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, cơ bản là chưa đủ’
Để đáp ứng 10.000 kỹ sư ngành vi mạch lành nghề mỗi năm, theo GS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó…
PHENIKAA-X CHÀO ĐÓN CÁC BẠN SINH VIÊN NGÀNH ROBOT & AI THAM DỰ BUỔI TRAO ĐỔI, THAM QUAN VÀ TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ
Sáng ngày 24/04/2024, Phenikaa-X đã đón tiếp Giảng viên và các bạn sinh viên ngành Robot & AI Trường Đại…
Những câu chuyện giáo dục cho trẻ em của Vlad và Niki
Chỉ là những cậu bé nhưng thông tin mà hai bé mang lại thực sự thú vị và các bố…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa