- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Năng lực bạn cần để cạnh tranh ở thế kỷ này đó là quản lý… nhưng không phải quản lý tài sản, con người hay thời gian, mà là quản lý sự tập trung của bạn.
Bởi vì chúng ta đang sống trong thời cực thịnh của nền kinh tế chú ý. Theo các nhà khoa học, trung bình mỗi ngày não bộ phải xử lý tới 74GB thông tin. Con số này tương đương với việc xem 16 bộ phim chỉ trong 24 giờ ngắn ngủi.
Trong bối cảnh đó, khả năng quản lý sự tập trung không còn chỉ là yếu tố quyết định thành công cá nhân mà còn là chìa khóa để vượt qua một thế giới đầy cám dỗ và sự phân tâm.
Sự chú ý từ lâu vốn đã là một tài sản quý giá. Nó là thứ khiến một nhà lãnh đạo xây dựng nên tầm ảnh hưởng, một thương nhân bán được hàng, hay một nghệ sĩ trở nên nổi tiếng. Nhưng đặt trong bối cảnh thế kỷ 21, nó càng trở thành một nguồn tài nguyên khan hiếm bởi hai lý do.
Đầu tiên, như nhà kinh tế học Herbert Simon đã chỉ ra: “Trong một thế giới thừa thãi (thông tin), điều khan hiếm duy nhất là sự chú ý của con người.” Chúng ta bị bao vây bởi vô vàn nguồn thông tin, hay cũng có thể nói là vô vàn sự phân tâm: từ mạng xã hội, quảng cáo, đến email công việc…
Nghiêm trọng hơn là sự xuất hiện ồ ạt của nội dung ngắn, làm suy giảm khả năng duy trì sự chú ý (attention span) một cách trầm trọng. Loại nội dung này đặc biệt gây nghiện, vì chúng giúp não bộ dễ dàng tiết ra dopamine – một loại hóc môn khoái cảm cài đặt sẵn bên trong cơ chế sinh học.
Đây là nguồn gốc dẫn tới vấn đề lớn hơn: khi não bộ liên tục tìm kiếm sự thỏa mãn tức thì từ các kích thích ngắn hạn, nó hình thành thói quen ưu tiên và đòi hỏi những điều dễ dàng, nhanh chóng nhiều hơn. Điều này khiến chúng ta vô thức tìm đến các nguồn giải trí nhanh bất cứ khi nào rảnh tay, tạo nên một vòng lặp khó thoát.
Điều này dẫn tới lý do thứ hai, khi ai cũng dễ bị tác động bởi “hiệu ứng lờn dopamine” như vậy, khả năng quản lý sự tập trung của bạn sẽ tỏa sáng. Bởi nếu bạn có thể giảm mức độ lệ thuộc vào dopamine tức thời, bạn sẽ dần có lại niềm vui từ việc đọc sách, sáng tạo, tập thể dục… Tuy không mang lại khoái cảm tức thì, nhưng chúng chính là nền tảng giúp bạn đạt được các mục tiêu dài hạn và phát triển bản thân một cách bền vững.
Hãy hình dung sự khác biệt giữa một dòng suối chảy xiết và một vũng nước tù đọng. Dòng suối chảy liên tục sẽ giúp nước luôn trong lành, tạo thành vòng tuần hoàn không dứt. Trong khi vũng nước đứng yên dần trở nên đục ngầu, thậm chí bốc mùi, rồi sớm bay hơi biến mất. Tâm trí bạn cũng vậy: nếu sa vào vòng xoáy phiền nhiễu từ mạng xã hội hay các video ngắn, năng lượng tinh thần của bạn sẽ dần cạn kiệt như vũng nước tù.
Ngược lại, khi được quản lý và duy trì đúng cách, sự tập trung sẽ trở thành dòng chảy mạnh mẽ đưa bạn đến gần hơn với mục tiêu. Đây chính là điểm cốt lõi trong lý thuyết dòng chảy (flow) mà Mihaly Csikszentmihalyi từng nhấn mạnh. Trong trạng thái này, bạn đạt đến mức tập trung cao độ, hoàn toàn hòa mình vào công việc, từ đó tạo ra năng suất và chất lượng vượt trội.
Và khi có dòng chảy tập tập trung rồi thì cần thêm sự kiên nhẫn để “nước chảy đá mòn.” Việc quản lý sự tập trung không chỉ tính theo giờ hay ngày, mà cần được đo lường qua tháng, năm. Thành công vượt bậc mà bạn nhìn thấy thường chỉ là bề nổi của tảng băng. Phần chìm bên dưới là những giờ làm việc kiên định cùng sự tập trung cao độ để khó khăn mòn dần còn kỹ năng được bồi đắp thêm qua thời gian.
Sự nhất quán, âm thầm qua thời gian, chính là chìa khóa tạo nên thành công bền vững – thứ mà người ngoài nhìn vào thường lầm tưởng là kết quả tức thì.
Thế kỷ 21 không chỉ là cuộc chiến về ý tưởng mà còn là cuộc chiến bảo vệ sự tập trung. Trong một thời đại đầy rẫy thông tin, công nghệ và trí tuệ nhân tạo, ý tưởng – thứ tưởng chừng như là yếu tố phân biệt con người với nhau lại trở nên dễ dàng tiếp cận hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chính sự dư thừa đó cũng âm thầm đánh cắp sự tập trung của chúng ta, làm mờ đi ranh giới giữa hiệu suất và phân tâm vô nghĩa.
Như Steve Jobs đã từng nói: “Focus is about saying no.” Chỉ khi bạn biết cách nói “không” với những yếu tố gây phân tâm thì bạn mới có thể nói “có” với những gì thực sự quan trọng và chinh phục đích đến bạn mong muốn.
Nguồn: https://vietcetera.com/onboardy/nang-luc-ban-can-de-canh-tranh-o-the-ky-nay