Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Wednesday, 04/12/24

“Mạch ngầm” của Tết

Cách nửa vòng trái đất, có một mạch ngầm trong dòng chảy cuộc sống bận rộn nhắc người Việt về cái Tết truyền thống đang hối hả về, và thật đáng quý khi ở đó người ta vẫn bận rộn với những nghi lễ giao thừa tươm tất.

Chiều 29 Tết. Ngoài trời là 2oC và dòng xe tan tầm trên xa lộ cắn đuôi nhích từng đoạn. Không biết trong đông đúc này có bao người như tôi, nghĩ miên man về năm mới đang chỉ còn cách hơn 20 tiếng đồng hồ và giật mình đếm năm tháng xa Tết quê hương.

Cứ tới những ngày cuối năm, nhịp sống xung quanh vẫn trôi đều đều mà lòng người xa xứ lại có những cảm xúc đặc biệt. Ký ức tuổi thơ về Tết cứ đợi đúng dịp này mà tràn về… Nhớ tiết trời se lạnh, hương trầm trên bàn thờ và hương mùi già lan tỏa từ nồi nước tắm tất niên. Nhớ màu hồng hoa đào, màu vàng hoa mai hoa cúc, màu tím violet và đỏ thắm lay ơn. Nhớ từ mâm cơm cúng long trọng trên bàn thờ tổ tiên đến bữa cơm sum họp tất niên với người thân và gia đình, những lời mừng thọ bậc cao niên và những phong bao đỏ mừng tuổi cho trẻ con. Từ những lời chúc tốt lành cho tới những hiềm khích được xoá bỏ, và niềm tin rằng vận hạn sẽ đi vào quá khứ cùng cựu niên.

Tất cả những điều tưởng chừng riêng lẻ đó lại được tóm chung lại trong một từ “Tết”. Phải là người Việt mới hiểu được tại sao một từ ngắn ngủi đó lại gợi nên những cảm xúc thân thương rõ nét như vậy. Cũng hệt như Lễ Tạ Ơn của dân Mỹ là ngày lễ gia đình khi người người cố gắng về ăn bữa tối có món gà tây với người nhà, Tết Nguyên Đán là ngày lễ của gia đình, của cộng đồng và những giá trị văn hoá truyền thống Việt.

Nhìn qua lăng kính của các nhà nghiên cứu nhân chủng học xã hội thì một khái niệm văn hóa là một tổng thể các thành tố gắn liền uyển chuyển. Các thành tố này đã từng được nhà nghiên cứu người Hà Lan Geert Hofstede phân định rõ ràng thành bốn tầng lớp lần lượt từ sâu nhất cho tới bề mặt trong mô hình “củ hành”: giá trị (values), lễ nghi (rituals), nhân vật đại diện (heroes) và vật tượng trưng (symbols). Những nét đặc trưng này ngấm vào những người lớn lên trong môi trường văn hóa nhất định và dường như được “lập trình” trong trí óc và cảm xúc họ.

Tết, với tất cả những đặc điểm và tính chất của nó, dường như cũng không đi ra ngoài quỹ đạo này.

Từ tín ngưỡng dân gian, Tết Nguyên Đán là khởi đầu một năm mới, là dịp để tưởng nhớ tổ tiên và các vị thần linh đã che chở cho con người trong suốt năm qua. Về mặt tinh thần thì đây là dịp để các gia đình sum họp, để những người con đi xa hẹn nhau “về quê ăn Tết”. Việc tu sửa nhà cửa đình chùa, cúng bái thần linh tổ tiên là những nghi lễ nhất định không thể thiếu, cũng như đã thành truyền thống, gia đình họ hàng bạn bè mang những đồ vật quà tặng quý cho nhau như một lời cảm ơn và bày tỏ tình cảm. Người ta mua sắm, trang hoàng và nấu nướng rộn ràng, để tới Giao thừa có được một nếp nhà sạch sẽ tinh tươm, có hoa có trái nở rộ tô điểm và có mâm cơm cúng tươm tất bày lên bàn thờ. Rồi đúng thời khắc thiêng liêng chuyển tiếp năm cũ và năm mới, cả gia đình cùng chắp tay trước bàn thờ tổ tiên trong mùi hương trầm lan tỏa.

Sống xa Hà Nội đã lâu, cộng lại có lẽ cũng nửa đời người, chúng tôi luôn bận vào đúng dịp Tết. Tôi không có nhiều chuyến trở về bên mẹ và có một cái Tết đúng nghĩa như ký ức tuổi thơ vẫn nhắc. Nhưng ở đây, có một mạch ngầm trong dòng chảy cuộc sống bận rộn nhắc người Việt xa quê, về cái Tết truyền thống đang hối hả ở bên kia bờ đại dương.

Như được “lập trình”, người Việt xa xứ dù có vừa được nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm Mới dương lịch kéo dài cả tuần vẫn cứ ngóng Tết. Mặc dù những ai đi làm sẽ khó có được thêm một kỳ nghỉ Tết đúng nghĩa. Mà ẩn sau chữ “nghỉ” là chữ “lo toan”… để thấy mình mới thực là mình, không hoà tan vào với cuộc sống Mỹ đang tấp nập diễn ra xung quanh. Để chiều 30 Tết, chính chúng tôi cũng sẽ bận rộn với măng bóng miến gà, với xôi, với hoa trái, với mâm thắp hương giao thừa. Những chậu hoa cúc vàng chói và hoa lan phớt hồng làm cho căn nhà nhỏ bừng lên màu Tết. Đúng 12 giờ đêm theo giờ Việt Nam, mùi hương trầm trang trọng cũng sẽ lan tỏa, cả nhà gọi điện về chúc Tết ông bà nội ngoại và họ hàng hai bên. Đúng 13 tiếng sau theo giờ Mỹ, chúng tôi cúng giao thừa thêm một lần nữa. Sáng đầu tiên của năm mới, chúng tôi đi làm từ rất sớm, chuẩn bị mâm ngũ quả, cặp bánh chưng, rượu nến… để thắp hương dâng lên tổ tiên và thần linh. Trụ sở công ty bỗng trở nên ấm cúng và quen thuộc hơn bởi Tết. Để chúng tôi, những người con xa xứ được sống trong những ngày đúng theo nếp Việt.

Với gia đình tôi, đó là Tết, tuy chưa đầy đủ như ở quê nhưng vẫn mang phong vị truyền thống mà tôi muốn con gái tôi sẽ ghi nhớ mãi.

Yêu thương, gửi từ VICOSTONE USA, Dallas, Hoa Kỳ

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

[REVIEW SÁCH] LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT – FUMIO SASAKI – TỐI GIẢN ĐỂ HẠNH PHÚC HƠN
Cuộc sống xã hội bon chen và vội vã khiến chúng ta rơi vào vòng xoáy và căng thẳng cho…
Vì sao gen Z Việt ngày càng chi mạnh tay cho các trải nghiệm?
1. Chuyện gì đang xảy ra? Mới đây ngân hàng UOB và công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG)…
3 Bài học để thoát khỏi khủng hoảng trong công việc
Bạn chưa mình biết mình muốn gì và sẽ xây dựng sự nghiệp trong tương lai như thế nào? Hoặc…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa