- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Bởi vì lòng đố kỵ bắt đầu với những gì nhìn thấy, nên họ bị phạt nhắm nghiền đôi mắt không thấy gì nữa. Để tránh bị ngã, họ phải nâng đỡ nhau, điều mà họ chưa từng làm trong đời.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy lòng đố kỵ – khao khát phẫn uất đối với những gì người khác sở hữu – có thể hành hạ bạn như rơi vào địa ngục hoặc giam hãm trong nhà tù. Tất cả chúng ta đều biết cảm giác của sự đố kỵ, nó làm chai sạn tình yêu và khô khan tâm hồn. Nó làm xuất hiện những ảo ảnh xấu xí, cay độc bên trong chúng ta, những kẻ vui thú trên sự đau khổ của người khác không vì lý do gì khác hơn là họ may mắn hơn ta. Như nhà văn Joseph Epstein đã viết: “Trong bảy tội lỗi chết người, chỉ có lòng đố kỵ là không vui chút nào”.
Có thể dễ dàng hình dung về nguồn gốc tiến hóa tự nhiên của lòng đố kỵ. So sánh xã hội là cách chúng ta đánh giá vị trí tương đối của mình trong xã hội, từ đó ta biết cách phải phấn đấu để duy trì khả năng cạnh tranh của mình. Một khi thấy mình tụt hậu so với người khác, nỗi đau bên trong thúc đẩy ta phải xây dựng bản thân hoặc khiến người khác phải gục ngã. Nếu trong thời kỳ đồ đá, tất cả điều này có thể tương đương với sự sống và cái chết. Nhưng thời nay nó vẫn có thể là một cơn đau buốt.
Cách mọi người hành động trước nỗi đau này được các học giả phân chia thành đố kỵ ôn hòa và đố kỵ ác ý.
Sự đố kỵ ôn hòa có mong muốn hoàn thiện bản thân và thi đua với người khác. Ngược lại sự đố kỵ ác ý dẫn đến những hành động phá hoại, chẳng hạn những suy nghĩ và hành vi thù địch nhằm làm hại người kia. Những người đố kỵ ôn hòa tin rằng sự ngưỡng mộ dành cho người kia là xứng đáng; sự đố kỵ ác ý bùng phát khi bạn tin rằng không phải vậy. Đây là lý do tại sao bạn có thể ghen tị với một anh hùng chiến tranh nổi tiếng nhưng không mong anh bệnh tật, trong khi vui mừng trước tin cuộc hôn nhân thứ chín của nam diễn viên điển trai Hollywood vừa thất bại.
Đố kỵ – đặc biệt là khi độc hại – là điều khủng khiếp đối với bạn. Đầu tiên, nỗi đau là có thật. Các nhà khoa học thần kinh nhận thấy rằng ghen tị với người khác sẽ kích thích vỏ não trước, phần não bộ có liên quan đến nỗi đau thể chất và tinh thần. Nó cũng có thể phá hủy tương lai bạn. Một nghiên cứu trên tạp chí Khoa học Xã hội & Y học năm 2018 đã phỏng vấn ngẫu nhiên 18.000 cá nhân và phát hiện trải nghiệm ghen tị là một yếu tố dự báo mạnh mẽ về sức khỏe tâm thần tồi tệ và hạnh phúc thấp trong tương lai. Thông thường, tâm lý con người sẽ khỏe mạnh hơn khi già đi nhưng sự ghen tị có thể làm thui chột xu hướng này.
Những người khác nhau đố kỵ với những thứ khác nhau. Ví dụ bạn có thể nhìn thấy những người có du thuyền, xe sang mà chẳng để tâm. Nhưng thử đặt bạn bên cạnh một người bằng tuổi và có thành tích cao hơn, bạn có dám chắc mình không có chút ghen tỵ nào?
Các học giả cũng lưu ý một số khuôn mẫu chung trong sự đố kỵ. Ví dụ, một số nghiên cứu cho rằng những gì mọi người đố kỵ có xu hướng thay đổi theo độ tuổi. Người trẻ tuổi có thể đố kỵ hơn người lớn tuổi về thành công trong giáo dục và xã hội, ngoại hình đẹp và tài sản. Người lớn tuổi thường nhún vai trước những điều này, nhưng có xu hướng ghen tị với những người có tiền. Đàn ông và phụ nữ có xu hướng ghen tị với những phẩm chất khác nhau. Theo một số nghiên cứu, đàn ông ghen tị nhất với địa vị xã hội và uy tín. Còn phụ nữ, đó là sự hấp dẫn về thể chất. Và đối với cả hai giới, nguồn ghen tị lớn thứ hai là khả năng thu hút bạn tình.
Cảm giác đố kỵ thường xuất hiện khi bạn tiếp xúc với người có vẻ may mắn hơn mình. Nhưng điều kiện bùng nổ sự tính xấu này là khi chúng ta tiếp xúc với những người đang có cuộc sống hạnh phúc, thành công và quyến rũ. Điều này thấy rõ trên các kênh truyền thông xã hội. Trong các thí nghiệm, các học giả đã chỉ ra việc sử dụng Facebook làm giảm đáng kể hạnh phúc vì nó làm tăng sự đố kỵ.
Chắc hẳn nếu búng tay mà loại bỏ được sự đố kỵ, nhiều người sẽ làm ngay. Nhưng nó là tự nhiên và việc loại bỏ là điều không thể với tất cả chúng ta.
Chính khách người Italy Cosimo de’ Medici, thế kỷ 15, đã dạy chúng ta một cách khả thi. Ông so sánh lòng đố kỵ với một loài cỏ dại độc hại, tự nhiên. Công việc của chúng ta không phải là cố gắng loại bỏ nó, mà là đừng tưới nó.
3 cách ngăn chặn lòng đố kỵ độc hại:
1. Nhìn vào những phần bình thường trong cuộc sống của người khác
Cách chính mà chúng ta tưới nước cho loài cỏ độc đó là sự chú ý. Chúng ta tập trung chăm chú vào những phẩm chất mà mình muốn nhưng thiếu. Ví dụ: bạn có thể ghen tị với danh tiếng và sự giàu có của một nghệ sĩ giải trí và tưởng tượng những phẩm chất đó sẽ khiến cuộc sống của mình sống động. Nhưng hãy nghĩ sâu hơn một chút. Bạn có thực sự tin rằng cuộc sống của nghệ sĩ này tuyệt vời như vậy không? Liệu tiền bạc và danh vọng của họ có mang lại một cuộc hôn nhân lành mạnh? Nó có loại bỏ được nỗi buồn và sự tức giận của cô ấy không? Chắc chắn là không, thậm chí còn ngược lại.
Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng bạn có thể sử dụng sự quan sát này để giảm bớt sự đố kỵ trong mình. Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu một nhóm suy nghĩ về những người giống nhau về mặt nhân khẩu học mà họ cho là có cuộc sống tốt hơn mình. Kết quả cho thấy việc chỉ tập trung vào những thứ này dẫn đến sự so sánh, đố kỵ. Nhưng khi người tham gia được hướng dẫn suy nghĩ về những thăng trầm hàng ngày mà những người này chắc chắn cũng trải qua, sự đố kỵ đã giảm bớt.
2. Tắt máy đố kỵ
Phương tiện truyền thông xã hội làm tăng sự đố kỵ vì làm được ba điều: Nó cho bạn thấy cuộc sống của những người may mắn hơn bạn; dễ dàng hơn bao giờ hết cho bất cứ ai để phô trương tài sản; nó đưa bạn vào cùng một cộng đồng ảo, khiến bạn so sánh mình với họ.
Bài đăng của những người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng là một nguồn đố kỵ đặc biệt mạnh mẽ và không cần thiết. Giải pháp là hủy theo dõi những người bạn không biết và những người bạn chỉ xem bài đăng của họ vì họ có những gì bạn muốn. Sử dụng mạng xã hội để giao lưu với những người bạn thực sự, tìm hiểu những điều thú vị và tiếp thêm sức mạnh, vui vẻ. Trong nhóm bạn với nhau đã có đủ sự đố kỵ, đừng mở rộng ra cả thế giới.
3. Trân trọng những gì mình có
Trong khi bạn đang cố gắng hạn chế sự đố kỵ, đừng biến mình thành người bị đố kỵ. Ai cũng muốn phô bày ưu điểm và che giấu khuyết điểm của mình trước người lạ. Điều này có thể làm bạn thấy tốt, nhưng lại là một sai lầm. Che khuất sự thật đối với bản thân và người khác là một con đường dẫn đến lo lắng và bất hạnh.
Một nghiên cứu năm 2019 của Alison Wood Brooks và các cộng sự trên Tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm, đã cho thấy khi những người tham gia trung thực không chỉ về những gì họ đã làm đúng mà còn về cách họ thất bại, những người quan sát cảm thấy ít ác ý hơn. Nhưng hãy cẩn thận: Những thất bại của bạn phải được xác thực. Sự khiêm tốn giả tạo có thể khiến bạn trở nên đáng ghét trong mắt người khác.
Năm 1807, nhà thơ người Anh Mary Lamb đã viết một vài khổ thơ về nỗi đau khổ của lòng đố kỵ, trong đó bà tưởng tượng ra một bụi hoa hồng không thể nhìn thấu vẻ đẹp của mình vì luôn lo lắng về việc không phải là violet hoặc hoa loa kèn. Để rồi Mary kết luận đó là một sự mù quáng, ngu ngốc.
Có lẽ là liều thuốc giải độc tốt nhất cho đố kỵ chính là lòng biết ơn và sự trân trọng đối với những món quà của chính bạn, bất kể chúng có thể là gì. Nhiều nghiên cứu cho thấy lòng biết ơn sẽ dập tắt sự đố kỵ. Vì vậy, hãy sử dụng kiến thức này một cách hiệu quả: Lần tới khi con quỷ đố kỵ bùng lên bên trong bạn, hãy tiêu diệt nó bằng cách nghĩ về những người yêu thương bạn, những điều bạn thích, vận may mà bạn có.