Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Wednesday, 04/12/24

Làm gì khi “lệch pha” năng lượng với đồng đội?

Bạn vừa gia nhập một startup, và thấy choáng ngợp khi mọi người luôn trong trạng thái hừng hực lửa với các mục tiêu tham vọng.

Bạn kêu gọi tinh thần xung phong cho dự án mới, nhưng nhìn quanh chỉ thấy ánh mắt e dè vì “thêm việc để làm”.

Tình huống này nghe có quen quen? Đôi khi điều làm chúng ta kiệt sức không phải là khối lượng công việc, mà là sự lệch pha năng lượng với đồng đội. Khi tình trạng kéo dài, trong đầu bạn sẽ bắt đầu âm vọng tiếng gọi thôi thúc này: Thôi, tìm người mới. Thôi, đổi công ty.

Đó có thể là giải pháp nhanh nhất. Hoặc không. Vì ai dám chắc vấn đề cũ sẽ không lặp lại với người mới, môi trường mới?

Điều cốt lõi là khả năng chúng ta hiểu và điều chỉnh lửa năng lượng cho phù hợp. Vì dù ở đâu thì sự khác biệt cũng sẽ luôn tồn tại.

Trước khi bàn đến việc nên-làm-gì khi lệch pha năng lượng, hãy cùng thử xem năng lượng của bạn, hoặc đồng đội đang thuộc vào nhóm nào nhé.

Lửa năng lượng của bạn đến từ đâu?

Khi nhìn ai đó hào hứng với công việc, chúng ta thường nghĩ hẳn là họ phải có đam mê cao mới làm được vậy. Nhưng Bruch và Ghoshal, 2 tác giả của cuốn Bias for Actions có góc nhìn khác.

Trong một nghiên cứu của mình, họ nhận thấy rằng năng lượng của một người chịu tác động lớn bởi 2 yếu tố: mức độ tập trung và sự cam kết.

Trong đó, sự cam kết liên quan đến động lực nội tại, thông qua tìm kiếm ý nghĩa và mục đích. Mức độ tập trung liên quan đến tình trạng thể chất và tinh thần, có biên độ dao động cao hơn.

Chẳng hạn, 9h sáng bạn đến công ty, uống một ly cafe ngon và hào hứng vào việc, nhưng 2 tiếng sau, một cuộc họp căng thẳng kéo dài hút cạn tinh thần của bạn.

Cơ thể dường như cũng muốn đình công, bạn lê bước về phía chiếc ghế sofa ở góc phòng làm việc, định bụng nghỉ ngơi vài phút. Nhưng một đồng nghiệp tiến tới chỗ bạn và muốn trao đổi một ý tưởng mới.

Lúc này sự lệch pha năng lượng thấy rõ. Trong khi họ thao thao bất tuyệt thì não của bạn đang đòi đi chơi ở một nơi khác. Những câu trả lời ngắn gọn khiến đồng nghiệp của bạn hiểu lầm rằng bạn không hào hứng. Nhưng thực tế sự yêu thích và cam kết cho công việc của bạn vẫn ở đó như than hồng âm ỉ, chỉ là lửa năng lượng đang ở vùng “sao nhãng”.

alt
Ma trận Tập trung – Cam kết, điều chỉnh từ ma trận Focus – Energy Matrix.

Để dễ hình dung, có thể tưởng tượng năng lượng giống như một ngọn lửa khi mạnh khi yếu.

  • Ngọn lửa Lụi Tàn (trì trệ – tập trung thấp, cam kết thấp): Bạn thiếu nhiệt huyết và không có động lực để duy trì.
  • Ngọn lửa Lang Thang (sao nhãng – tập trung thấp, cam kết cao): Bạn hăng hái nhưng đang không tập trung.
  • Ngọn lửa Hờ hững (mất kết nối – tập trung cao, cam kết thấp): Bạn có thể làm việc hiệu quả với tâm trí sắc bén, nhưng thiếu sự gắn bó.
  • Ngọn lửa Rực Rỡ (tận tâm – tập trung cao, cam kết cao): Đây là trạng thái lý tưởng, nơi đam mê và sự tập trung hòa quyện tạo nên kết quả mạnh mẽ.

Một người có thể nhảy từ trạng thái năng lượng này sang trạng thái khác trong một thời gian ngắn. Và trong một nhóm, không phải ai cũng “cháy” cùng một kiểu, cùng một lúc với nhau.

Vậy làm gì khi năng lượng lệch pha?

Với yếu tố tập trung, việc “bắt nhịp” thường đơn giản hơn – như dành thời gian nghỉ ngơi, tự theo dõi và cho đồng đội của bạn biết đâu là khoảng thời gian bạn làm việc hiệu quả nhất trong ngày, trong tuần. Tuy nhiên, để hiểu về mức độ cam kết của nhau lại đòi hỏi sự giao tiếp và quan sát sâu sắc hơn.

Theo một nghiên cứu vào năm 2022 về nhiệt huyết của các tình nguyện viên, các nhà khoa học thấy rằng sự cam kết của một người chịu ảnh hưởng bởi 3 yếu tố chính:

  • Động lực nội tại (intrinsic motivation): Khi một nhiệm vụ liên quan đến giá trị cá nhân hoặc mục tiêu dài hạn, con người sẽ dễ cảm thấy hứng khởi.
  • Bầu không khí làm việc nhóm (teamwork climate): Một môi trường làm việc tích cực, với sự hỗ trợ và mối quan hệ tốt giữa các thành viên, là nền tảng để duy trì nhiệt huyết.
  • Vai trò rõ ràng (role clarity): Nếu vai trò hoặc nhiệm vụ không rõ ràng, các cá nhân dễ mất định hướng và giảm năng lượng.

Dựa vào các yếu tố này, bên dưới là một vài gợi ý hành động dành cho bạn.

alt
Thứ được gọi là đam mê bản chất chính là “cam kết cao”, khi nhiệt huyết đi qua, họ vẫn duy trì được ngọn than hồng.

1. Khi năng lượng của bạn cháy rực hơn đồng đội

Bạn bắt lửa nhanh, cháy mạnh mẽ, nhưng hụt hẫng khi thấy đồng đội không bắt nhịp. Điều này cũng có thể khiến bạn nhanh chóng kiệt sức.

Đừng cố đốt cháy “củi ướt”

Củi ướt cần thời gian để khô. Củi khô cũng cần thời gian để bắt lửa.

Trong cuốn sách Radical Candor, Kim Scott kể lại một câu chuyện khi bà làm quản lý tại Google. Kim rất đam mê công việc và luôn muốn đội của mình có cùng nhiệt huyết. Trong một dự án quan trọng, bà không ngừng khuyến khích một thành viên trong nhóm lên tiếng nhiều hơn, tham gia nhiều hơn.

Kim nghĩ rằng mình đang “truyền lửa”, nhưng thực tế, người đó chỉ cảm thấy áp lực và dần trở nên xa cách. Một thời gian sau, Kim mới phát hiện ra cấp dưới của mình đang gặp khó khăn – mẹ anh vừa trải qua một ca phẫu thuật nghiêm trọng, và anh đang phải cố gắng cân bằng giữa công việc và chăm sóc gia đình.

Lúc này Kim nhận ra áp đặt nhiệt huyết lên người khác (nhất là khi họ đang mất kết nối) chỉ làm hao tổn năng lượng cho cả 2.

Truyền lửa bằng cách “cá nhân hoá” động lực

Đôi khi, sự thờ ơ không phải do thiếu năng lượng, mà vì họ chưa nhìn thấy giá trị của công việc. Bạn có thể giúp “củi ướt” khô nhanh hơn bằng cách chia sẻ câu chuyện hoặc ý nghĩa thực tế.

Ví dụ, thay vì nói: “Dự án này rất quan trọng!”, bạn có thể hỏi thành viên trong team: “Em thấy mình có thể đóng góp tốt nhất cho phần nào của dự án này?” để giúp họ tìm thấy ý nghĩa cá nhân trong công việc.

Vặn nhỏ ngọn lửa của chính bạn

Không phải lúc nào bạn cũng cần cháy hết mình. Khi đã cố hong khô củi ướt, chính bạn cũng phải tự đảm bảo được ngọn lửa của mình có thể cháy đủ lâu. Hãy giữ lại một phần năng lượng để tránh kiệt sức. Giống như một ngọn lửa muốn cháy cũng cần khoảng hở giữa các thanh củi để duy trì đủ oxy.

Đôi khi, việc “cháy nhỏ” hơn, hoặc giữ một chút khoảng cách sẽ giúp bạn quan sát và hỗ trợ những thanh củi khác bắt đầu bén lửa tốt hơn.

alt
Bạn không cần phải “cháy” cùng một kiểu với đồng đội, và cũng không cần có chung một động lực cam kết giống với họ.

2. Khi lửa nhiệt huyết của bạn cháy yếu hơn đồng đội

Ngược lại, nếu bạn cảm thấy mình là thanh củi ướt hoặc đã cháy kiệt giữa một nhóm đầy nhiệt huyết, điều này dễ khiến bạn lạc lõng hoặc áp lực.

Tìm hiểu rõ hơn về vai trò của mình

Hãy chủ động hỏi leader để hiểu vai trò của bạn ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu chung. Việc hiểu rõ bức tranh toàn cảnh có thể giúp bạn tìm thấy ý nghĩa và điều chỉnh lại năng lượng.

Tìm kiếm động lực nội tại

Nếu dự án vẫn không thực sự hấp dẫn với bạn, hãy tự hỏi: “Công việc này giúp mình phát triển kỹ năng nào hoặc đạt được mục tiêu cá nhân nào?”

Ví dụ, bạn có thể không đam mê tổ chức sự kiện, nhưng nếu sự kiện này là cơ hội để mở rộng mối quan hệ hoặc rèn kỹ năng quản lý, nó vẫn đáng để bạn đầu tư.

Kết nối với đồng đội

Đừng cố gắng giả vờ “cháy”, nhưng cũng đừng đứng ngoài cuộc. Thành thật chia sẻ với đồng đội hoặc leader rằng bạn chưa cảm thấy hứng thú với dự án lắm, nhưng vẫn sẽ đảm bảo hoàn thành trách nhiệm của mình, và mong muốn hiểu rõ hơn dự án về dài. Câu nói này vừa thể hiện thiện chí, vừa mở ra cơ hội để bạn bắt nhịp.

Kết

Năng lượng của đội nhóm giống như một đống lửa lớn — để cháy lâu và bền vững, cần sự phối hợp giữa nhiều thanh củi và than hồng. Đừng kỳ vọng tất cả mọi người đều bùng cháy cùng một lúc, mà hãy học cách điều chỉnh ngọn lửa của chính mình, đồng thời tìm cách giúp những thanh củi xung quanh “bắt lửa” theo cách của họ.

Mục tiêu cuối cùng không phải là ai cháy to nhất, mà là cả nhóm cùng giữ được ngọn lửa bền bỉ. Và sau tất cả, dù là củi hay than, nếu không được tiếp sức và được đặt trong môi trường phù hợp, cũng sẽ đến lúc lụi tàn.

Nguồn: https://vietcetera.com/onboardy/lam-gi-khi-lech-pha-nang-luong-voi-dong-doi

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

Infineon và Phenikaa hợp tác trong lĩnh vực thiết kế và đổi mới vi mạch tại Việt Nam
Trong nỗ lực góp phần chung tay xây dựng Việt Nam thành một trung tâm đổi mới về nghiên cứu…
[REVIEW SÁCH] LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT – FUMIO SASAKI – TỐI GIẢN ĐỂ HẠNH PHÚC HƠN
Cuộc sống xã hội bon chen và vội vã khiến chúng ta rơi vào vòng xoáy và căng thẳng cho…
Vì sao gen Z Việt ngày càng chi mạnh tay cho các trải nghiệm?
1. Chuyện gì đang xảy ra? Mới đây ngân hàng UOB và công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG)…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa