Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Tuesday, 10/09/24

Làm gì khi không biết phải làm gì với cuộc đời?

Trong thời điểm kinh tế khó khăn, làn sóng sa thải vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Lướt mạng xã hội hay các diễn đàn một lúc, không khó để bạn bắt gặp những bài đăng chia sẻ về tình trạng mất phương hướng, sống vô định trong thời gian thất nghiệp.

Ở thái cực ngược lại, bạn bận đến kín lịch, và lúc nào cũng có cảm giác một ngày của mình bị người khác điều khiển. Bạn sống trong “chế độ tự lái”, làm việc theo kiểu lập trình tự động mà không hề để tâm.

Nếu gặp phải một trong hai tình trạng trên, bạn có thể đang trải qua giai đoạn “floating through life” (trôi nổi giữa cuộc đời). Dẫu biết rằng “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, nhưng không phải tình hình lúc nào cũng như ta mong muốn hoặc nằm trong vòng kiểm soát của chính mình.

Dấu hiệu cho thấy bạn đang “lạc trôi” giữa dòng đời?

“Floating through life” là tình trạng xảy ra khi bạn sống không có mục đích hay kế hoạch cụ thể. Bạn không biết phải làm gì, nên bạn để cuộc đời đẩy mình từ việc này sang việc khác.

Theo chia sẻ của Jenna Thibault, chuyên viên cao cấp về thuế và quản lý con người tại EnPro Industries, chúng ta có thể “lạc trôi” theo những cách khác nhau. Một số biểu hiện phổ biến của tình trạng này bao gồm:

Không có mục tiêu phấn đấu cụ thể

Đây là biểu hiện dễ thấy nhất nếu bạn đang thất nghiệp. Bạn không tìm thấy mục đích hay ý nghĩa trong các hoạt động hàng ngày, và uể oải khi thức dậy mỗi sáng bởi không biết mình sẽ làm gì cho hết ngày.

Nếu vẫn đang đi làm, bạn “vận hành” như một cỗ máy. Bạn không xác định được đường hướng mong muốn phát triển, cũng như không tích cực xây dựng các mối quan hệ trong công việc. Bạn không muốn mãi dậm chân tại chỗ, nhưng lại không biết làm cách nào để thoát ra, và cũng chưa sẵn sàng bước khỏi vùng an toàn để thử những điều mới.

08apr2024240403floating1jpg
“Lạc trôi” là khi bạn không biết mình muốn làm gì với cuộc đời.

Làm bất kỳ điều gì người khác bảo bạn “nên làm”

Cũng có không ít người tích cực tham gia nhiều hoạt động khác nhau trong thời gian thất nghiệp. Điều này là tốt, nhưng quan trọng hơn là bạn học được gì từ chúng. Theo các chia sẻ trên diễn đàn Patient UK, không ít người tham gia chỉ vì nghe người khác khuyên bảo, hoặc vì muốn tránh khỏi cảm giác lãng phí thời gian.

Tình trạng tương tự xảy ra cả với một số người đi làm. To-do list của họ lúc nào cũng đầy kín công việc người khác giao, và họ cứ như vậy tiến hành dù thích hay không. Dần dần họ trở nên khá thụ động, luôn cần người khác “cầm tay chỉ việc” trước những nhiệm vụ mới.

Không có sở thích, đam mê khác ngoài công việc

Đây là vấn đề nhức nhối với cả người đi làm lẫn người thất nghiệp. Không ít người quá tham công tiếc việc, hoặc quá mệt mỏi để phát triển bất cứ sở thích nào khác ngoài giờ làm. Điều này dẫn đến chế độ “tự lái” và lối sống vô định về lâu dài. Và nếu chẳng may mất việc, họ dễ rơi vào khủng hoảng hiện sinh.

Nguyên nhân nào khiến bạn “lạc trôi”?

Thất nghiệp: Với một số người, công việc không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn là một phần danh tính. Nó cho họ cảm giác thuộc về, cảm giác được đóng góp và có ích với cuộc đời, nhất là khi họ dành ít nhất 8 tiếng/ngày cho nó.

Do đó khi mất việc, họ cũng mất đi một phần bản dạng của mình. Cảm giác hoang mang, mất phương hướng vì vậy cũng khó mà tránh khỏi, khi họ không biết phấn đấu cho mục tiêu gì khác ngoài công việc từng có.

Bị quá tải: Trái với thất nghiệp, một số người lại có quá nhiều việc phải làm dẫn đến kiệt sức. Họ lúc nào cũng bị deadline nhấn chìm, không còn thời gian riêng để nghỉ ngơi và phát triển các đam mê khác. Điều này khiến họ chỉ sống theo “dòng đời xô đẩy”, trôi đến đâu hay đến đó mà không thể làm chủ cuộc sống.

Các biến cố: Chia tay, ly hôn hay mất người thân đều có thể khiến bạn tạm thời lạc lõng. Tương tự như thất nghiệp, việc mất đi một cá nhân từng gắn bó sâu đậm với mình sẽ khiến bạn có cảm giác như mất đi một phần bản dạng. Chẳng hạn khi chia tay, bạn không biết làm gì khi không còn “nửa kia” đồng hành.

Khủng hoảng một phần tư cuộc đời (quarterlife crisis): Đây là tình trạng nhiều người gặp phải, đặc biệt khi mới ra trường, chưa có hướng phát triển ổn định. Theo cố vấn nghề nghiệp Josh Spector, vì chưa có nhiều kinh nghiệm sống, việc bạn mất phương hướng khi đứng giữa nhiều ngã rẽ khác nhau của cuộc đời là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Liệu có phải cứ “lạc trôi” là bất ổn?

“Lạc trôi” vốn là cảm giác không mấy thoải mái, thậm chí có thể dẫn tới khủng hoảng. Bởi bản chất của cảm giác khó chịu này là nỗi sợ với điều mình chưa biết, với những gì có thể xảy ra tiếp theo trong đời. Dù vậy, có những thời điểm mà bạn nên để nó xảy ra, thay vì gồng mình lên tìm cách sống có mục đích hơn.

Đó là khi bạn thất nghiệp, lạc trôi giúp não bộ nghỉ ngơi sau thời gian dài chỉ tập trung vào công việc và quá trình tìm việc. Bạn phải đi lạc rồi mới tìm thấy hướng đi đúng, nên đừng quá lo lắng với việc mất phương hướng, thử và sai cho đến khi tìm ra công việc phù hợp.

Đó là khi bạn chia tay hay mất đi người thân. Bạn sẽ cần thời gian để tách mình ra khỏi phiên bản cũ vốn gắn liền với người ấy, trước khi tái khởi động với các mục tiêu mới.

Đó là khi bạn ở quãng tuổi đầu 20 chông chênh, vừa bước khỏi chiếc kén an toàn nơi giảng đường mà chưa biết phải làm gì với cuộc đời. Điều này là hoàn toàn bình thường, bạn cứ bình tĩnh mà sống tiếp, đừng so sánh cuộc đời mình với ai cả.

Tuy nhiên nếu rơi vào trường hợp lạc trôi do quá tải, bạn cân nhắc tạm dừng hoặc giảm thiểu khối lượng công việc. Như vậy bạn sẽ có thời gian đánh giá lại tình hình, lựa chọn những mục tiêu quan trọng nhất để tập trung ở thời điểm đó. Bạn cũng cần học cách nói “không” với các đầu việc bạn thấy không đủ thời gian hay khả năng thực hiện.

08apr2024240403floating2jpg
Nếu “lạc trôi” do quá tải, bạn cần xác định xem mục tiêu nào cần ưu tiên trước.

Đây là bước đầu giúp bạn lấy lại quyền kiểm soát với cuộc đời mình, từ đó mới chủ động vạch ra được hướng đi tiếp theo để không còn “lạc trôi” nữa. Trong quá trình này, bạn nên chia sẻ với người thân, bạn bè hay một người cố vấn (mentor) phù hợp để được giúp đỡ, cũng như có thêm nhiều “insight” để hiểu hơn về chính mình.

Nguồn: Vietcetera

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

Sinh viên Khoa Du lịch có thêm cơ hội thực tập và làm việc tại chuỗi khách sạn, nhà hàng 5 sao
Với mục tiêu kết hợp cân bằng giữa lý thuyết và thực tiễn, để từ đó định hướng rõ nghề…
ĐIỀU LỆ GIẢI QUẦN VỢT (TENNIS) KỶ NIỆM 14 NĂM THÀNH LẬP TẬP ĐOÀN PHENIKAA
Điều 1. Mục đích và ý nghĩa 🎯 Chào mừng 14 năm thành lập Tập đoàn Phenikaa 🎯 Kết hợp…
ĐIỀU LỆ GIẢI BÓNG ĐÁ NỮ KỶ NIỆM 14 NĂM THÀNH LẬP TẬP ĐOÀN PHENIKAA
TÊN GIẢI: GIẢI BÓNG ĐÁ NỮ KỶ NIỆM 14 NĂM THÀNH LẬP TẬP ĐOÀN PHENIKAA MỤC ĐÍCH 🎯 Nhằm tạo…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa