Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Thursday, 19/09/24

Khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài

Quan niệm “thi gì học nấy” lâu nay đã định hình phương pháp dạy và học để thi lấy điểm trong các nhà trường phổ thông. Từ năm học 2022-2023, việc dạy học, kiểm tra và đánh giá học sinh đã có nhiều thay đổi, khiến môn học trở nên hấp dẫn, nhẹ nhàng hơn, từ đó khắc phục tình trạng chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Để không còn cảnh “thầy đọc – trò chép”

Để nâng cao năng lực sáng tạo của học sinh cũng như khắc phục tình trạng dạy và học theo văn mẫu, việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở phổ thông đã có nhiều thay đổi từ năm học này. Bên cạnh ngữ liệu sử dụng trong các đề thi có thể nằm ngoài chương trình thì thông tin về cơ cấu điểm thi tăng ở phần đọc hiểu, giảm ở làm văn, đặc biệt đề thi có kết hợp tự luận cùng trắc nghiệm khách quan với những lớp học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thúc đẩy nhiều thay đổi ở cả học sinh và giáo viên.

Mở đầu một tiết Ngữ văn của Lớp 10A1 Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội), học sinh được giao nhiệm vụ trình bày những hiểu biết của mình, của nhóm về nội dung liên quan đến bài học. Các em tự đưa ra quan điểm, nhận xét, đánh giá, góp ý cho nhau dưới sự dẫn dắt của giáo viên. Tiếp tục đi sâu vào nội dung bài học, giáo viên chỉ gợi ý, nhận xét, dẫn dắt, giao nhiệm vụ thay vì phân tích, bình giảng và áp đặt suy nghĩ cho học sinh. Các em buộc phải sử dụng các kỹ năng đọc-viết-nói-nghe để thực hiện yêu cầu. Không còn cảnh “thầy đọc-trò chép” như trước.

Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa trong giờ học tập trải nghiệm.

Em Lê Minh Sơn, học sinh Lớp 10A1 Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa chia sẻ: “Tiết Ngữ văn khá vui, các hoạt động cô giao khiến học sinh được chủ động. Ngoài hiểu và ghi nhớ bài học dễ hơn, em còn rèn luyện được cả kỹ năng thuyết trình”. Chương trình mới, sách mới cùng với cách dạy và học mới thì kiểm tra, đánh giá cũng không thể chỉ theo phương thức cũ. Cô Đinh Thị Thủy, giáo viên Ngữ văn Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa cho hay: “Các tiết học mang tới cho tôi động lực để cảm thấy mình được thay đổi. Ngoài những bài kiểm tra như trước, học sinh có thể được đánh giá thông qua các dự án học tập hoặc qua quá trình học tập để thấy sự tiến bộ. Đề kiểm tra có cả trắc nghiệm, tư liệu ngoài sách giáo khoa. Từ đó, học sinh sẽ tự ý thức được rằng mình cần có sự sáng tạo trong quá trình học”.

Không chỉ Ngữ văn, môn Lịch sử cũng đang được nhiều trường chủ động trong cách dạy và học. Theo cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) thì đây là năm học đầu tiên cô sử dụng phương pháp “team building” (làm việc nhóm) cho học sinh. Cả lớp được chia thành các đội làm dự án và thuyết trình về ý tưởng của mình ngay trên lớp. Cô Huyền Thảo cho rằng: “Quan điểm của tôi là không giao bài tập về nhà. Các em hoàn thành bài học của mình ngay trên lớp, lĩnh hội nhiều kiến thức và thêm yêu môn học. Tại lớp, tôi cũng sẽ quan sát được sự tham gia của từng thành viên khi các em làm bài tập nhóm, qua đó giúp đánh giá chính xác năng lực của từng em và tạo áp lực để học sinh thích ứng, tự tin trong mọi hoàn cảnh”.

 Thay đổi về lượng và chất

Mới mẻ, tích cực là nhận định của nhiều giáo viên nếu việc kiểm tra, đánh giá có thể linh hoạt tùy vào điều kiện các nhà trường và trên cơ sở yêu cầu cần đạt được của môn học. Tuy nhiên, việc từ năm 2023, đề thi môn Ngữ văn sẽ không sử dụng văn bản trong sách giáo khoa thì cần có yêu cầu và chuẩn mực như thế nào vẫn còn là điều băn khoăn của giáo viên khi triển khai chương trình mới.

Thầy Phạm Hữu Cường, Hệ thống Giáo dục Học mãi cho biết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khuyến khích việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa; xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Nhưng có được sử dụng văn bản nước ngoài không hay chỉ Việt Nam, ngữ liệu thuộc phần trung đại hay chỉ hiện đại? Giáo viên cần có định hướng rõ ràng hơn để sử dụng ngữ liệu làm dạng đề chuẩn mực hơn”.

Khẳng định sự cần thiết và yêu cầu phải đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, môn Lịch sử, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Vấn đề đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá đã được Bộ GD-ĐT đặt ra nhiều năm nay. Sở dĩ việc đổi mới ở môn Ngữ văn, Lịch sử cần ráo riết và làm dứt khoát trước cho đến khi có hiệu quả bởi những môn học này tham gia kiến tạo con người, xây dựng văn hóa con người một cách trực tiếp và trực diện.

Đi vào những vướng mắc cụ thể hiện nay trong dạy học môn Ngữ văn và Lịch sử, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Tính thực và tính chủ thể của giáo viên và học sinh trong tiếp cận môn học là điều quan trọng. Đối với môn Lịch sử, cần tôn trọng sự thật khách quan. Đối với môn Ngữ văn, cần tôn trọng cảm xúc, tình cảm thực. Phải để học sinh được tiếp cận với tư liệu và hiện vật, đối tượng khách quan và thầy giáo, cô giáo đóng vai trò như người chỉ đường. Qua đó, các em tự khám phá lịch sử, tự thấy cái hay của lịch sử; được tham gia vào quá trình sáng tạo, được thể hiện cảm xúc, thái độ thực của bản thân. Đổi mới phải bắt đầu từ chính giáo viên, sau đó thuyết phục xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảm tải các tiêu chí đánh giá xếp loại viên chức và chuẩn nghề nghiệp, thay vào đó tập trung cho chuyên môn để nâng cao chất lượng”.

Việc đổi mới dạy học và hình thức thi môn Ngữ văn, Lịch sử ở bậc phổ thông kỳ vọng mang lại một luồng gió mới. Dù biết rằng sẽ khó khăn hơn cho đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, nhưng đó là việc không thể không làm để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn những thế hệ “học theo văn mẫu”.

(Theo Quân đội Nhân dân) 

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

GIÁO DỤC VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG: NHỮNG ĐỨA TRẺ PHẢI ‘ĐƯỢC HỌC’ HƠN LÀ ‘ĐƯỢC DẠY’
Tác phẩm kinh điển “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống” của triết gia Jiddu Krishnamurti là một cuốn sách…
TỰ HÀO VĂN HÓA PHENIKAA: THẦY TRÒ PHENIKAA SCHOOL CHUNG TAY QUYÊN GÓP ỦNG HỘ ĐỒNG BÀO LŨ LỤT SAU CƠN BÃO SỐ 3
Trước tình hình lũ lụt diễn ra nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa