Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Friday, 11/10/24

Hội thảo Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Nhằm hỗ trợ cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên Khối ngành sức khỏe cập nhật thông tin chính sách của Nhà nước về phát triển ngành Dược Việt Nam, ngày 27/06/2024, Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Cục Hóa chất – Bộ Công Thương; Cục Quản lý Dược và Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền – Bộ Y tế tổ chức Hội thảo “Chương trình phát triển công nghiệp hoá dược thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo “Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra tại Trường Đại học Phenikaa

Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ngành, địa phương, Viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa dược.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phùng Mạnh Ngọc – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, ngày ngày 9/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg “Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045“. Tại Quyết định nêu trên, Thủ tướng đã phê duyệt Danh mục các Chương trình, Dự án ưu tiên thực hiện, trong đó, một Dự án (Dự án Luật Dược sửa đổi) và hai Chương trình (Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược do Bộ Công Thương chủ trì và Chương trình tổng thể phát triển, phát huy tiềm năng dược liệu do Bộ Y tế chủ trì).

Để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược (thời hạn trình ban hành năm 2024), Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3366/QĐ/BCT ngày 28/12/2023 về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược. Dự thảo 1 của Chương trình đã được họp lấy ý kiến của Ban soạn thảo và Tổ biên tập.

Ông Phùng Mạnh Ngọc – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Hội thảo 

Với mục tiêu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược, Cục Hóa chất Bộ Công Thương phối hợp với Cục Y Dược cổ truyền và Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế tổ chức buổi hội thảo với mong muốn phát triển chuỗi sản phẩm dược từ nguyên liệu là các cây dược liệu đến phần chiết xuất tạo ra các hoạt chất và cuối cùng là sản xuất dược phẩm. Ngoài các sản phẩm dược từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên, cơ quan quản lý cũng mong muốn thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ để phát triển các sản phẩm dược từ tổng hợp hóa dược. 

“Sự kết hợp của 3 đơn vị thuộc hai Bộ nói lên mối quan tâm của Chính phủ về phát triển công nghiệp dược nói chung và công nghiệp hóa dược nói riêng”, ông Phùng Mạnh Ngọc nhấn mạnh.

Ông Hoàng Quốc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương

Theo ông Hoàng Quốc Lâm – Phó Cục trưởng Cục hóa chất, ngành công nghiệp dược Việt Nam trong những năm vừa qua đã có bước tăng trưởng khá tốt về sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp dược ở trong nước đã đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó một số đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc Japan-GMP.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp dược trong nước đều sản xuất các loại thuốc thông thường, phổ biến trên thị trường như một số loại kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, v.v. trong khi các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị có yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại chưa sản xuất được.

Cục Hóa chất đánh giá, ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam nhìn chung chưa phát triển. Trong cả nước hiện nay chỉ có khoảng 8 doanh nghiệp hóa dược, trong đó có 3 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Sản phẩm của các doanh nghiệp này tương đối đơn giản bao gồm terpin hydrat, một số khoáng chất bổ sung như hydroxit magie, canxi cacbonat, canxi phosphate, gelatin.

Các doanh nghiệp hóa dược trong nước có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ và thiết bị khá lạc hậu nên giá thành sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh thấp. Các sản phẩm chiết xuất từ cây dược liệu như tinh dầu, cao dược liệu chất lượng chưa cao và chủ yếu được sử dụng trong nước để sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc xuất khẩu.

Ông Hoàng Quốc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) có phần trình bày về nội dung phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 

Do công nghiệp hóa dược chưa phát triển và sản phẩm của ngành chưa cạnh tranh được với sản phẩm của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ nên phần lớn nguyên liệu sử dụng để bào chế thuốc và sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe khác đều phải nhập khẩu.

Những điểm yếu, hạn chế của ngành công nghiệp hóa dược nước ta do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động của một số yếu tố, bao gồm: Hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu thô còn thấp; chưa tận dụng được các điểm mạnh về kinh tế – xã hội của đất nước; cơ chế chính sách hiện hành còn một số bất cập nên chưa thu hút được các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư; mặt trái của các Hiệp định FTA.

“Trong bối cảnh như vậy, cần thiết phải nhận diện được thuận lợi và khó khăn, thách thức để xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm phát triển ngành công nghiệp hóa dược trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Hoàng Quốc Lâm nhấn mạnh.

Do đó, Dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp hóa được xác định phát triển công nghiệp hóa dược gắn liền với quy hoạch phát triển nguồn dược liệu, phát triển công nghiệp dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, nâng cao năng lực tự chủ về nguyên liệu thuốc, góp phần bảo đảm an ninh thuốc. Phát triển công nghiệp hóa dược trở thành ngành công nghiệp công nghệ cao trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của nguồn dược liệu Việt Nam, phát huy lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư bằng các giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường hợp tác công tư nhằm phát triển sản xuất trong nước đồng thời bảo đảm tuân thủ các hiệp định, thỏa thuận thương mại mà Việt Nam là thành viên hoặc đã tham gia ký kết.

Tập trung phát triển sản xuất nguyên liệu hóa dược dùng để bào chế một số loại sản phẩm thiết yếu như thuốc chuyên khoa, đặc trị; thuốc generic gần hết hạn bản quyền, thuốc phát minh; thuốc thảo dược; vitamin…

Phát huy vai trò của khoa học công nghệ, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học và nhà quản lý.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên trong khối khoa học sức khỏe

Chương trình hướng đến mục tiêu ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa dược là ngành kinh tế có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác;

Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đáp ứng nhu cầu về dược chất và các sản phẩm hỗ trợ bào chế thuốc cho ngành công nghiệp dược cấp độ 4 theo phân loại của WHO (sản xuất được nguyên liệu làm thuốc và thuốc phát minh) và đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và thể chất khác.

Từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hóa dược sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước, tiến tới xuất khẩu một số sản phẩm như cao chiết và tinh dầu giàu hoạt chất, dược chất. Xây dựng và Phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam về nguyên liệu hóa dược.

Kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả chất lượng nguyên liệu hóa dược.

Đến năm 2030, phấn đấu đáp ứng 20% nhu cầu nguyên liệu nguyên liệu hóa dược (dược chất, tá dược, chất chiết dược liệu giàu hoạt chất) cho sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.

Xây dựng 3 khu công nghiệp tập trung về dược – sinh học, dược phẩm và y – dược ở trong nước. Xây dựng 1 Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hóa dược;

Triển khai xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc giá về nguyên liệu hóa dược.

TS. Tạ Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược chia sẻ tại Hội thảo về nội dung Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 

Đến năm 2045, đáp ứng 30% nhu cầu nguyên liệu hóa dược cho sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.

Tiềm lực về cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật của một số Trung tâm, cơ sở nghiên cứu của ngành hóa dược Việt Nam phát triển ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới, phục vụ hiệu quả cho việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hợp tác quốc tế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ vào sản xuất trong lĩnh vực này.

Công nghiệp hóa dược của Việt Nam trở thành ngành công nghiệp công nghệ cao, có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị ngành dược phẩm toàn cầu.

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về nguyên liệu hóa dược.

Để đạt được các mục tiêu này, Dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đề ra 7 nhóm giải pháp tập trung vào: Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh; Quy hoạch; Tài chính và hỗ trợ đầu tư; Khoa học – công nghệ; Hợp tác quốc tế; Đào tạo nguồn nhân lực; Xúc tiến thương mại, thông tin và truyền thông.

GS. TS. BS Lưu Ngọc Hoạt – Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ về định hướng phát triển của Tập đoàn Phenikaa đối với ngành hóa dược tại Hội thảo 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về hiện trạng ngành hóa dược Việt Nam cũng như định hướng phát triển dược liệu và các vùng trồng dược liệu Việt Nam; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành hóa dược của nước ta; định hướng đầu tư phát triển của một số doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực này;… Qua đó, nhiều đề xuất, ý kiến góp ý đã được đưa ra để góp phần hoàn thiện Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược, sớm trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN PHENIKAA ĐƯỢC BIỂU DƯƠNG LÀ ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN, NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT THỦ ĐÔ NĂM 2024
Hòa chung không khí chào mừng kỉ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), sáng ngày…
CHUNG KẾT GIẢI TENNIS PHENIKAA CUP
Với tinh thần khỏe để cống hiến, tạo ra nhiều giá trị hơn cho Tập đoàn và xã hội, Giải…
[REVIEW SÁCH] CÓ LÀM MỚI CÓ SAI – NOBORU KOYAMA
Bất cứ ai khi bắt đầu một công việc mới, hay chuyển nhà đến một nơi mới,.. bắt đầu một…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa