- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Để đề án có tính khả thi cao, cần chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường một cách thiết thực, phù hợp với lứa tuổi.
Định hướng bản thân
Xuất phát từ việc mất nhiều thời gian trong tìm kiếm đồ đạc của mình, em Đinh Quân, học sinh Trường THCS Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có ý tưởng tạo ra một ứng dụng tìm kiếm. Cậu học trò yêu thích công nghệ đã mày mò chế tạo những con chip gắn vào các vật dụng và nhanh chóng “truy tìm” được đồ vật.
Sản phẩm tuy mới ở mức đơn giản nhưng Quân đã có ý tưởng tìm đối tác để nâng cấp và phát triển ứng dụng rộng rãi hơn. Quân chia sẻ: “Em rất thích nghe các câu chuyện liên quan đến chủ đề khởi nghiệp. Những thông tin đó giúp em hiểu thế nào là khởi nghiệp, cách lập kế hoạch và biết mình cần học gì để phát triển ý tưởng đó trong tương lai”.
Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Nam Từ Liêm, Hà Nội) học tập trải nghiệm nghề nghiệp.
Tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang ngày càng thu hút đông đảo cơ sở giáo dục, các em học sinh tham gia. Những sản phẩm, ý tưởng, dự án dù nhỏ nhưng có tính ứng dụng không chỉ tạo động lực thúc đẩy tinh thần học tập, rèn luyện của học sinh mà còn giúp các em chuẩn bị tâm thế cho những bậc học cao hơn. Đáng chú ý, trong số 80 dự án tại vòng chung kết Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ V năm 2023, có tới 30 dự án của khối học sinh.
Kết quả này là sự nỗ lực của nhiều trường trong việc trang bị kiến thức, hỗ trợ để khởi nghiệp, hướng nghiệp cho học sinh từ sớm. Hệ thống Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chủ động định hướng nghề nghiệp cho học sinh thông qua việc dạy học tích hợp, lồng ghép giới thiệu các ngành nghề trong xã hội vào những môn học. Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa cho biết: “Ở bậc phổ thông, việc đưa những chương trình, bồi dưỡng kiến thức giúp học sinh sớm tiếp xúc với thông tin, tri thức cần có của một người khởi nghiệp. Từ năm học 2023-2024, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa đưa môn học Hướng nghiệp và Khởi nghiệp là môn học chính thức trong chương trình giảng dạy”.
Khắc phục bất cập, đổi mới giáo dục hướng nghiệp
Ở lứa tuổi học sinh phổ thông, dù các dự án mới chỉ dừng ở ý tưởng hoặc dự án nhỏ nhưng để các em tiếp tục theo đuổi ước mơ, đưa ý tưởng dự án đó thành hiện thực thì rất cần sự đồng hành của nhà trường, doanh nghiệp và phụ huynh.
Ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh-sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Khởi nghiệp đối với nhiều học sinh phổ thông còn mới nên trong quá trình triển khai các hoạt động này, một trong những nội dung chính là truyền cảm hứng, truyền thông cho học sinh biết thế nào là khởi nghiệp. Qua đó, nhà trường cũng biết các em mong muốn điều gì. Khi học sinh có ý tưởng, dự án khởi nghiệp, nhà trường sẽ đồng hành, hỗ trợ để các em phát triển. Bộ Giáo dục và Đào tạo thường tổ chức các cuộc thi. Ở vòng thi toàn quốc sẽ có các doanh nghiệp tham gia đánh giá dự án có khả thi không để đầu tư vốn phát triển”.
Hiện hoạt động khởi nghiệp của các nhà trường đã nằm trong chương trình giáo dục hướng nghiệp. Những ý tưởng sáng tạo của học sinh cũng có nhiều sân chơi để cọ xát như cuộc thi khoa học kỹ thuật; hoạt động giáo dục STEM trong trường học. Anh Trần Tuấn Anh có hai con đang học ở Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa cho biết: “Ở lứa tuổi chưa phải lo nghĩ, việc lồng ghép các hoạt động giáo dục khởi nghiệp trong trường học giúp con có kiến thức cơ bản về một số ngành nghề, từ đó định hình nghề nghiệp cho mình trong tương lai. Khi phụ huynh hiểu được con mình mạnh-yếu ở đâu sẽ giúp con có kế hoạch học tập cụ thể, không bị áp lực”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hướng nghiệp cho học sinh trong trường phổ thông thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế như chưa thực hiện hết chức năng của giáo dục hướng nghiệp; chưa tạo ra sự khác biệt về chất cả trên bình diện thái độ nghề nghiệp lẫn hiểu biết nghề nghiệp, đặc biệt chưa phát triển được năng lực lựa chọn nghề nghiệp phù hợp của từng học sinh dựa trên sự hiểu biết rõ về năng lực của bản thân và hiểu biết những yêu cầu cốt yếu của nghề mà người học định chọn.
Để nâng cao công tác hướng nghiệp cho học sinh, theo các chuyên gia giáo dục, cần nâng cao nhận thức của xã hội và học sinh về giáo dục hướng nghiệp; định hướng, phân luồng học sinh bằng việc đổi mới và tăng cường công tác thông tin, truyền thông. Cùng với đó là những đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường một cách thiết thực, phù hợp với lứa tuổi; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp…
Những hoạt động này không chỉ gói gọn trong phạm vi nhà trường mà cần có sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, tài liệu và đánh giá kết quả giáo dục hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo Ngô Thị Minh, để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia một cách toàn diện cần rất nhiều yếu tố, trong đó, ngành giáo dục đảm nhiệm hai yếu tố quan trọng là: Tài năng và hình thành văn hóa khởi nghiệp. Ngành giáo dục sẽ thực hiện thật tốt việc trang bị kiến thức, kỹ năng, phát triển năng lực cho học sinh từ phổ thông để các em có được nền tảng căn bản cho khởi nghiệp và tiếp tục phát huy ở những cấp học cao hơn.
Theo báo Quân đội nhân dân