- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Tốt nghiệp Đại học năm 2011, thầy Hà Công Thái được giữ lại trường làm cán bộ Đoàn chuyên trách tại Văn phòng Đoàn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó, thầy theo học và hoàn thành chương trình Cao học, nhận bằng Thạc sĩ Ngữ Văn của trường năm 2017.
Sau khi ra trường, công việc của thầy giáo 8X không đơn thuần là “gõ đầu trẻ”, ươm mầm tình yêu văn học, bồi dưỡng tâm hồn và lối sống tích cực cho các thế hệ học sinh mà còn truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, sẻ chia vì cộng đồng.
Thầy Công Thái từng có thời gian công tác tại trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), đảm nhiệm vị trí Tổng Phụ trách tại một trường THCS ở quận Thanh Xuân.
Dù làm việc ở vị trí nào, dưới mái trường nào, thầy Tổng phụ trách cũng luôn được đồng nghiệp và học sinh rất quý mến bởi sự gần gũi, sát sao trong từng giờ học, bữa ăn, giấc ngủ của học trò. Đồng thời, thầy cũng năng động với nhiều vai trò như giảng dạy trên lớp, ca hát, dẫn chương trình trong các sự kiện của trường.
Từ năm 2013, bên cạnh các hoạt động Đoàn – Đội tại nơi công tác, thầy Thái còn dành nhiều tâm huyết với các hoạt động thiện nguyện nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo và đặc biệt là các em học sinh vùng cao gặp nhiều thiếu thốn.
Hà Giang để lại cho Hà Công Thái nhiều kỷ niệm và cảm xúc nhất. Mảnh đất xa xôi không mấy được thiên nhiên ưu đãi, đất đai cằn cỗi, đa số chỉ trồng được ngô, người dân nhiều khi phải ăn mèn mén thay cơm, thiếu nước sinh hoạt, trẻ con cả tháng không được tắm.
Cũng chính vì sự cảm thông này mà thầy Thái gắn bó hơn với những học trò nơi vùng núi cao, vùng sâu vùng xa của Tổ quốc. Với thầy, mỗi chuyến đi là một hành trình, mỗi chuyến đi là một dấu mốc, không phải chỉ “cho đi” mà còn “nhận về rất nhiều”. Đó là những ánh mắt vui sướng, là nụ cười giòn giã, đáng yêu của những em học trò miền sơn cước, là tình cảm dung dị và chân thành của người dân.
Trong một chuyến đi đến làng Lao, Văn Chấn (Yên Bái), thầy Thái và cả đoàn phải đi bộ một ngày đường băng rừng mới vào được đến làng. Vậy nhưng, mọi vất vả, mỏi mệt trong thầy Thái và các thành viên đều tan biến hết khi nhìn thấy sự hiếu khách và thân tình của người dân tại đây.
Có vô số những kỷ niệm về mỗi chuyến đi mà thầy giáo Ngữ văn luôn “khắc cốt ghi tâm” nhưng có lẽ điều ấn tượng nhất là tình cảm mà các em học sinh, đồng bào gửi tặng: đó là lần vượt núi băng rừng hàng chục cây số đến làng Lao (Yên Bái), vượt những đoạn đường đất trơn trượt vào các điểm trường ở Điện Biên; những lần xuôi dòng nước lũ đến với bà con bị ảnh hưởng bởi lũ quét ở Lai Châu, Sơn La, rồi gánh quà vượt núi ở Hà Giang để tặng học sinh hay hoá thân thành ông già Noel tặng quà cho các con học sinh ở Dền Thàng – Tả Van – Sa Pa…
Nhắc đến Hà Công Thái, nhiều cán bộ, giáo viên tại địa phương nơi thầy đã đặt chân tới làm thiện nguyện đều bày tỏ sự cảm phục, quý mến chàng trai có nước da ngăm ngăm và nụ cười rạng rỡ, gánh trên vai những kiện hàng thiện nguyện.
Với sự nhiệt huyết trong công tác thiện nguyện, thầy giáo trẻ đã đạt được nhiều thành tích như danh hiệu Gương Người tốt – Việc tốt quận Thanh Xuân (Hà Nội) hay bằng khen của Thị đoàn Sa Pa, vinh dự nhận Bằng khen của Thành đoàn Hà Nội với những đóng góp và cống hiến không ngừng của mình.
Bên cạnh đó, thầy giáo còn đạt giải Ba cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Chia sẻ về cảm nhận khi gia nhập Tổ Xã hội tại Phenikaa School, thầy Thái bày tỏ sự hạnh phúc khi được gia nhập đội ngũ cán bộ, giáo viên của Nhà trường. Về định hướng công việc, thầy Thái mong muốn được gắn bó lâu dài ở nơi đây, được truyền cho học sinh niềm đam mê, yêu thích môn Ngữ Văn. Bên cạnh đó, với sự nỗ lực và nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy cũng mong muốn hỗ trợ, xây dựng và đưa các hoạt động phong trào của Nhà trường, đặc biệt là các hoạt động thiện nguyện.