- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, GS. Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa đã có nhiều trao đổi tích cực, mang tính đổi mới cùng báo điện tử Quân đội Nhân dân với chủ đề: “Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? ”. Cụ thể, làm thế nào để có một thế hệ trẻ vừa có năng lực, vừa có trách nhiệm xã hội cùng gánh vác công việc chung của đất nước là điều trăn trở của phần lớn các cơ quan trong khu vực công. Từ kinh nghiệm thực tế quản lý, thu hút và trọng dụng người tài ở trường mình, GS, TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng các mục tiêu cụ thể, chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống là chìa khóa mang lại thành công cho trường.
GS, TS Phạm Thành Huy – Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa
“Tôn trọng-Sáng tạo-Phản biện” là triết lý giáo dục được Trường Đại học Phenikaa theo đuổi. Mọi ý tưởng, sáng kiến đều được đón nhận, được phản biện với tinh thần tích cực và tôn trọng lẫn nhau để cùng chinh phục đỉnh cao tri thức.
Người tài muốn làm ở nơi có thể phát huy, cống hiến tài năng
Phóng viên (PV): Được biết ông đã từ chối công việc ở một công ty danh tiếng toàn cầu để về nước làm việc. Vì sao ông lại quyết định như vậy?
GS, TS Phạm Thành Huy: Đó là câu chuyện của hơn 20 năm trước, tôi bảo vệ và nhận học vị tiến sĩ của Đại học Amsterdam, Hà Lan cuối năm 2001. Thời điểm đó tôi được một công ty công nghệ của Mỹ tại Hà Lan tuyển dụng với mức lương khoảng 44.000 đô la Mỹ/năm. Sau khi cân nhắc, tôi đã từ chối công việc này để trở về nước công tác, chỉ 9 ngày sau khi bảo vệ. Khi đó, một tờ báo của Hà Lan có đến phỏng vấn, tìm hiểu lý do tôi từ chối cơ hội ở lại Hà Lan để về nước.
Tôi còn nhớ tôi đã trả lời đùa rằng: “Bố tôi có dặn nếu học xong mà không về xây dựng đất nước thì việc học của tôi sẽ không có ý nghĩa gì”. Tôi không ngờ bài phỏng vấn và câu trả lời vui đó của tôi đã được đăng trên tờ báo đó ngay ngày hôm sau. Thực tế, tôi là một trong số ít các bạn cùng nhóm trở về nước sau khi nhận bằng tiến sĩ để trở thành một trong những cựu sinh viên của Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS) trở về tiếp nối việc phát triển hoạt động đào tạo, nghiên cứu theo bước chân của các thầy cô.
PV: Theo ông, nhân viên khi đi làm điều họ cần nhất là gì?
GS, TS Phạm Thành Huy: Trong môi trường như Phenikaa đang hướng tới các giảng viên được đào tạo bài bản ở các trường quốc tế, nhất là tại các nước phát triển. Điều đầu tiên họ quan tâm chính là mục tiêu, tầm nhìn và triết lý phát triển của đơn vị. Họ sẽ muốn về nơi mà họ có khả năng cống hiến và phát huy được những kinh nghiệm, tài năng của mình. Do đó, đây sẽ là yếu tố số một. Tiếp theo là những chính sách ưu đãi, tiền lương, thưởng khuyến khích các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, đào tạo, đổi mới sáng tạo.
Điều khuyến khích họ làm việc tốt chính là môi trường làm việc cởi mở, được hỗ trợ, phản biện như triết lý giáo dục chúng tôi đang thực hiện “Tôn trọng-Sáng tạo-Phản biện”. Để giảng dạy, nghiên cứu tốt thì các cơ sở phải được đầu tư có hệ thống bởi nếu chỉ có tâm huyết, năng lực mà không có điều kiện làm việc thì sẽ hạn chế khả năng mà các cán bộ được đào tạo trình độ cao phát huy được.
Trong môi trường như Phenikaa đang hướng tới các giảng viên được đào tạo bài bản ở các trường quốc tế, nhất là tại các nước phát triển.
Bên cạnh việc đón những người là nhân tài về làm việc, chúng ta phải tạo điều kiện môi trường, chính sách để đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao đang có được đào tạo bài bản, phát huy được kiến thức, năng lực để trở thành nhân tài. Điều đó quan trọng hơn. Chính sách với những người có năng lực, trình độ cao khác với những người đã thực sự trở thành nhân tài. Cùng với đó, niềm tự hào, niềm tin mà đơn vị đó mang lại cho người lao động khi họ được là một phần đóng góp ở đó cũng là điều người lao động hướng tới.
PV: Người lãnh đạo giỏi có phải là yếu tố thu hút nhân tài bởi những lãnh đạo tài năng để có thể giúp họ học hỏi, phát triển và thăng tiến?
GS, TS Phạm Thành Huy: Người lãnh đạo khi có kinh nghiệm, tầm nhìn xa, hiểu được những khó khăn, thuận lợi mà các nhân sự giỏi có thể gặp phải khi làm việc ở môi trường mới để có những chính sách phù hợp. Đó là những chính sách thời điểm mà người lao động tiếp cận công việc mới, hỗ trợ cần thiết khi người lao động không may gặp khó khăn. Vai trò của họ chính là mục tiêu phát triển, tầm nhìn, sứ mạng, định hướng của đơn vị và sự đầu tư dài hạn, cam kết phát triển bền vững.
Bên cạnh việc đón những người là nhân tài về làm việc, chúng ta phải tạo điều kiện môi trường, chính sách để đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao đang có được đào tạo bài bản, phát huy được kiến thức, năng lực để trở thành nhân tài.
Các chính sách linh hoạt thường xuyên cập nhật
PV: Phenikaa là một trường đại học còn khá non trẻ ở Việt Nam nhưng đã có bước tiến rất nhanh sau chưa đầy 5 năm. Năm 2023, trường là một trong 9 cơ sở giáo dục Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng thế giới THE Impact Ranking. Đội ngũ cán bộ chất lượng cao của trường đóng vai trò như thế nào trong kết quả này?
GS, TS Phạm Thành Huy: Được đầu tư một cách mạnh mẽ từ Tập đoàn Phenikaa, ngay từ thời điểm những năm 2018-2019, với sự chỉ đạo trực tiếp của PGS, TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn, Chủ tịch Hội đồng trường, nhà trường đã xây dựng kế hoạch chiến lược giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2035 trong đó các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế, trong đó có tham chiếu đến 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Vì vậy, mọi hoạt động và định hướng phát triển của nhà trường đều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, trong đó đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà khoa học đóng vai trò trung tâm, nòng cốt cho sự phát triển.
Người tài có thể có những yêu cầu rất đặc biệt, chúng ta phải hiểu và chia sẻ để họ có đủ điều kiện phát huy.
Cùng với việc xây dựng một loạt các chính sách để thu hút đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao, chính sách hỗ trợ các hoạt động xây dựng, phát triển nhóm nghiên cứu, khuyến khích nghiên cứu khoa học và đầu tư xây dựng khuôn viên đại học với hệ thống các phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu hiện đại, các cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe của sinh viên và thầy cô… đã tạo ra một môi trường học tập, nghiên cứu với đầy sức sống, giúp nhà trường từng bước phát triển và phát triển bền vững.
PV: Tiêu chí nào được trường đưa ra để lựa chọn và thu hút những cán bộ giỏi, thưa ông?
GS, TS Phạm Thành Huy: Việc phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi được gắn với định hướng và mục tiêu phát triển các lĩnh vực, ngành đào tạo, cũng như các định hướng và mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng đã lựa chọn của nhà trường. Từ đó các tiêu chí tuyển dụng được xây dựng bao gồm năng lực (căn cứ vào kết quả học tập, quá trình đào tạo, bằng cấp, cơ quan công tác trước đó, học hàm, học vị), kinh nghiệm và thành tích đã đạt được trong hoạt động giảng dạy, thành tích nghiên cứu (số lượng và chất lượng các công trình khoa học (bao gồm bài báo, sáng chế, các công trình ứng dụng, chuyển giao công nghệ do thầy cô là tác giả chính; các công trình khoa học công bố trên các tạp chí hàng đầu; kinh nghiệm xây dựng, quản lý nhóm nghiên cứu; kinh nghiệm và khả năng xin tài trợ nghiên cứu…). Ngoài ra các yếu tố khác như kinh nghiệm quản lý chuyên môn, mạng lưới hợp tác, khả năng hoạt động độc lập, mức độ yêu nghề và gắn bó với sự nghiệp giáo dục, đào tạo… sẽ là những tiêu chí đánh giá, ưu tiên tuyển dụng.
PV: Trường đã làm gì để giữ chân và phát huy được năng lực của những cán bộ, giảng viên có chất lượng?
GS, TS Phạm Thành Huy: Trước hết, sứ mạng, tầm nhìn, triết lý giáo dục và mục tiêu phát triển của trường chính là kim chỉ nam cho mọi mặt hoạt động của nhà trường. Đó cũng là mục tiêu, định hướng phát triển cho từng giảng viên, nhà khoa học. Nhà trường đã đầu tư hết sức bài bản, hệ thống để tạo nên một môi trường học tập, giảng dạy, nghiên cứu hiện đại. Ở đó các thầy cô, các nhà khoa học có điều kiện tốt và phù hợp nhất để làm việc.
Bên cạnh đó, các chính sách về lương, khen thưởng, chính sách khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo đối với cả thầy và trò, chính sách ưu tiên tuyển dụng và đào tạo nâng cao trình độ… sẽ là những thành tố, điều kiện cần thiết để giữ chân và để các thầy cô phát huy được hết năng lực của mình. Điểm quan trọng, đó là các chính sách phải linh hoạt, thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển và đảm bảo sức cạnh tranh của nhà trường.
Nếu không có môi trường, chính sách phát huy, thế mạnh của người tài sẽ dần mất
PV: Có ý kiến cho rằng, người tài bản thân họ đã là một lợi thế, nếu có thêm cơ chế ưu đãi sẽ không công bằng. Hãy để họ tự khẳng định mình. Ông nghĩ sao về điều này?
GS, TS Phạm Thành Huy: Người tài có thể có những yêu cầu rất đặc biệt, chúng ta phải hiểu và chia sẻ để họ có đủ điều kiện phát huy. Tôi cho rằng việc tạo ra và xây dựng được môi trường làm việc chuyên nghiệp, thuận lợi, kèm theo những chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích và cơ chế hoạt động đồng bộ, linh hoạt và thường xuyên được điều chỉnh sẽ tạo điều kiện tốt và phù hợp nhất cho các giảng viên, các nhà khoa học nói riêng và cho đội nguồn nhân lực chất lượng cao (nhân tài) nói chung. Đây sẽ là chìa khóa để chúng ta thu hút và tạo cơ hội để mỗi người có thể phát huy hết khả năng, năng lực, trí tuệ của mình cho sự phát triển của mỗi đơn vị và cho đất nước.
Bản thân những giảng viên giỏi, những nhà khoa học, nhà quản lý tài năng cũng luôn cần những bệ đỡ, những chính sách hỗ trợ, khuyến khích, môi trường làm việc phù hợp; có động lực để phát huy hết tài năng, để cống hiến.
Bản thân những giảng viên giỏi, những nhà khoa học, nhà quản lý tài năng cũng luôn cần những bệ đỡ, những chính sách hỗ trợ, khuyến khích, môi trường làm việc phù hợp.
PV: Việc thu hút và đặt người tài vào ngay vị trí cao có phải là cách làm tốt?
GS, TS Phạm Thành Huy: Với người tài, căn cứ vào từng tình huống và nhu cầu của chính đơn vị đó muốn tìm người thế nào, vào vị trí nào. Ví dụ đơn vị đó cần một người rất tài để xử lý những tình huống mà lâu nay vướng mắc thì họ phải quyết. Trong trường hợp đó, vị trí cao cho nhân sự mới tuyển về không vấn đề gì. Khi mình biết tuyển dụng họ về làm gì thì tiêu chí mình đưa ra để tuyển sẽ chọn được những người chỉ có họ mới có khả năng làm được, những người khác không thể cạnh tranh. Điều đó cũng luôn có rủi ro bởi có thể người này rất tài năng ở môi trường họ đang làm việc nhưng khi sang môi trường mới, khả năng sẽ thấp đi. Khi đó hệ thống chính sách và sự hỗ trợ đóng vai trò quan trọng để họ thành công.
PV: Người tài ở trong và ngoài nước có thể cống hiến cho đất nước theo những cách nào, thưa ông?
GS, TS Phạm Thành Huy: Người tài dù ở đâu cũng có thể cống hiến cho đất nước, quan trọng họ làm gì để cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Những nhân tài của Việt Nam ở nước ngoài họ có những cống hiến cho thế giới, cho nước sở tại và họ có những đóng góp trở lại xây dựng đất nước. Chẳng hạn, có nhiều giáo sư người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ, tài trợ trong công tác đào tạo cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ người Việt Nam như đưa hàng trăm sinh viên Việt Nam ra nước ngoài làm tiến sĩ, trao học bổng. Điều đó quá tốt cho đất nước. Còn những nhà khoa học tài năng trở về sẽ giúp xây dựng những nội lực trong nước.
Nên mở cơ chế cho cả hai cùng cống hiến, nhân tài đóng góp từ xa và thu hút nhân tài để trở về. Những nhân tài thực sự thì rõ nét rồi, nhưng nên mở rộng ra đội ngũ nhân lực trình độ cao được đào tạo bài bản, thu hút về tạo ra môi trường, chính sách để họ phát huy, thực sự trở thành nhân tài, nếu không thế mạnh của họ sẽ dần mất đi theo thời gian. Đó là điều chúng ta nên quan tâm.
Người tài dù ở đâu cũng có thể cống hiến cho đất nước, quan trọng họ làm gì để cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.