Thay đổi là cần thiết
Dù có khó khăn ban đầu khi tiếp cận cách gọi tên các nguyên tố, chất hóa học theo tiếng Anh, nhưng các thầy cô đều khẳng định đổi mới này là cần thiết. Phân tích những lợi ích của thay đổi, cô Trần Thị Vân Trang, Trường phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội) cho rằng, việc gọi tên theo đúng thuật ngữ quốc tế bảo đảm tính nhất quán và thuận lợi. Theo đó, sẽ không còn tranh cãi về cách viết tên gọi (danh pháp) các nguyên tố và chất hoá học về lâu dài.
Ngoài ra, khi sử dụng tên gọi nguyên tố, chất hoá học bằng tiếng Anh sẽ đồng bộ hoá được tên gọi mà học sinh được học trong nhà trường với tên hóa chất được ghi trên bao bì, chai, lọ của các nhà sản xuất hóa chất trong, ngoài nước. Đồng thời, không gây nhầm lẫn cho học sinh khi đọc thông tin về thành phần của các loại thuốc, biệt dược do nhà sản xuất công bố.
Cô Trang cũng nhấn mạnh: Giáo dục Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt khoa học tự nhiên có tính hội nhập sâu rộng và để hội nhập được phải thích ứng toàn cầu. Hiện nay, học sinh có xu hướng tham gia nhiều cuộc thi khoa học khu vực, quốc tế, cũng như tham gia học tập, nghiên cứu ở các nước phát triển.
Do đó cách gọi tên các nguyên tố, chất và thuật ngữ hóa học bằng tiếng Anh sẽ tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận nhanh chóng với kiến thức khoa học của nhân loại. Sử dụng tên các nguyên tố hoá học cũng như thuật ngữ hoá học bằng tiếng Anh giúp học sinh thuận lợi trong tra cứu thông tin trên Internet, đồng thời tạo động lực cho học sinh trau dồi tiếng Anh học thuật trong học tập và nghiên cứu khoa học.
Trước câu hỏi thầy cô có gặp nhiều khó khăn với thay đổi này, cô Trang cho biết: Giáo viên nhà trường đều trẻ, được đào tạo định hướng hội nhập nên không gặp nhiều trở ngại. Thầy cô đã quen dần việc gọi tên các nguyên tố theo danh pháp quốc tế. Học sinh khối 6, 7 tiếp cận luôn danh pháp hóa học trong môn Khoa học tự nhiên nên quá trình học không gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong năm nay nhà trường còn khối 11 đang học sách giáo khoa hiện hành nên thầy cô sẽ có một chút khó khăn nếu tham gia dạy học song song 2 chương trình. Với học sinh khối 10, do đã quen với cách gọi cũ nên còn chút bỡ ngỡ.
Theo cô Nguyễn Thị Thiếp, Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp), việc đổi cách gọi các nguyên tố Hóa học theo đúng thuật ngữ quốc tế là cần thiết. Học sinh được tiếp cận với thuật ngữ quốc tế sẽ thuận lợi hơn trong quá trình học tập, nghiên cứu, giao lưu học tập với các quốc gia trên thế giới, hoặc tham khảo tài liệu quốc tế. Dù vậy, hiện tại học sinh khối 10 có gặp khó khăn khi sử dụng thuật ngữ quốc tế vì ở THCS đã quen với các gọi cũ. Giáo viên trong quá trình dạy học vì cùng lúc phải dạy hai chương trình nên nhiều lúc cũng nhọc nhằn trong cách gọi tên thuật ngữ mới và thuật ngữ cũ…
Cô Phạm Thị Thanh Hà, tổ trưởng chuyên môn tổ Hoá học Trường Chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cũng khẳng định thay đổi là cần thiết, thuận lợi cho việc hội nhập, sử dụng các tài liệu quốc tế. Thầy cô trong tổ Hóa học của nhà trường không băn khoăn do đa phần ít nhiều có sử dụng, đọc, tìm kiếm tài liệu bằng tiếng Anh nên dịch phần danh pháp không quá khó.
Nhiều giải pháp
Để việc tiếp cận thuật ngữ mới nhẹ nhàng và không gây khó khăn cho học sinh trong quá trình học tập, cô Nguyễn Thị Thiếp cho rằng: Trong quá trình dạy học giáo viên nên kết hợp cả hai thuật ngữ để học sinh tiếp cận từ từ; lồng ghép cả hai loại thuật ngữ trong kiểm tra, đánh giá; không nên ép học sinh chỉ được sử dụng thuật ngữ quốc tế.
Thầy cô cũng nên thường xuyên tổ chức các trò chơi, hoặc buổi ngoại khóa chủ đề thuật ngữ Hóa học để học sinh tiếp cận dần dần. Khi học sinh đã quen với thuật ngữ quốc tế, giáo viên sẽ giảm dần thuật ngữ cũ trong quá trình giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Việc trao đổi, chia sẻ trong nhóm chuyên môn thường xuyên là cần thiết để có những cách truyền đạt nội dung này đến học sinh nhanh, hiệu quả.
Chia sẻ giải pháp từ thực tế giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, cô Phạm Thị Thanh Hà cho biết: Giáo viên cần cung cấp cho học sinh danh pháp các chất, cách gọi tên hợp chất, phiên âm, ứng dụng có phát âm quốc tế để học sinh tự học và làm quen dần. Về phía giáo viên, tăng cường tự học, phát âm tiếng Anh cho chuẩn.
Trên lớp, cả cô và trò có thể hỗ trợ nhau để đọc tên theo danh pháp quốc tế. Nếu học sinh đọc sai, giáo viên nhắc nhở nhẹ nhàng; không kiểm tra, đánh giá học sinh theo danh pháp mới ngay. Thầy cô cũng có thể tạo trò chơi cho học sinh về danh pháp, mỗi tiết dành khoảng 5 phút, học sinh sẽ hứng thú và thích học danh pháp mới.
Khẳng định đổi mới là cần thiết để hội nhập và thuận tiện trong tra cứu, tham khảo tài liệu nước ngoài, kinh nghiệm để thầy trò nhanh thích ứng được cô Nguyễn Thị Diễm Phúc, Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) chia sẻ là: Giáo viên gửi học sinh tài liệu tổng hợp thuật ngữ quốc tế liên quan (có phiên âm), bảng tuần hoàn thuật ngữ quốc tế. Cho học sinh làm các bảng phụ về tên nguyên tố, hợp chất thường gặp để các em nhớ lâu hơn.
Cô Trần Thị Vân Giang gợi ý, giai đoạn đầu, giáo viên chú thích thêm cho học sinh, hướng dẫn, nhắc lại nhiều lần trong quá trình dạy và cho trò đọc lại các danh pháp theo quy chuẩn quốc tế, sửa cách đọc đúng cho học sinh. Trong khi đó, cách làm của cô Nguyễn Thị Thuỷ, Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh) là photo bảng tên cũ và mới cho học sinh đối chiếu, thường xuyên nhắc các em mang bảng tên đi để tra. Nhiều lần như vậy, học sinh sẽ nhớ. Cùng với đó, tổ chức trò chơi liên quan đến gọi tên, như làm các lá bài, một mặt là nguyên tố, mặt kia yêu cầu học sinh điền tên và ngược lại.
Với cô Nguyễn Thị Thơm, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên), để giúp học sinh làm quen, giải pháp được sử dụng là phát phiếu học tập hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài ở nhà, trong đó có gọi tên nguyên tố theo thuật ngữ quốc tế (giáo viên yêu cầu học sinh tra Google dịch để đọc, viết trước ở nhà). Với giáo viên, trước mỗi tiết dạy cũng đọc và viết thành thạo trước những thuật ngữ mới; trong quá trình dạy có chú thích theo cách gọi cũ để học sinh thích nghi dần.
(Theo Giaoducthoidai)