Bạn thấy bản thân hơi đãng trí? Mình cũng thế, và thực ra… tất cả chúng ta đều đãng trí. Điều này không chỉ là hiện tượng cá biệt mà đã được nghiên cứu một cách nghiêm túc từ thế kỷ 19.
Nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus đã dành thời gian tự thử nghiệm khả năng ghi nhớ của mình bằng cách sử dụng danh sách các âm tiết vô nghĩa. Sau đó, ông kiểm tra mức độ nhớ lại của bản thân ở những khoảng thời gian khác nhau. Kết quả là một phát hiện mang tính đột phá: Đường cong quên lãng.
Khái niệm này mang đến 5 kết luận quan trọng:
- Mọi thông tin sẽ bị lãng quên dần theo thời gian.
- Sự quên lãng diễn ra mạnh mẽ nhất ngay sau khi bạn ngừng tiếp nhận thông tin.
- Thông tin càng có ý nghĩa với bạn, bạn sẽ nhớ càng lâu.
- Cách trình bày kiến thức ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ.
- Cảm xúc của bạn trong lúc tiếp nhận thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến trí nhớ.
Nếu nhìn “đường cong quên lãng” này bằng con mắt nghệ thuật, thì đây có lẽ là một bức tranh ảm đạm về sự học. Tuy nhiên bạn không cần phải cam chịu trước giới hạn tự nhiên này. Bằng việc áp dụng một số kỹ thuật đơn giản, bạn vẫn có thể “bẻ cong” đường cong quên lãng theo hướng có lợi hơn cho mình.
Sắp xếp kiến thức vào “thư viện cá nhân”
Phương pháp Memory Palace (Cung điện ký ức) – một kỹ thuật ghi nhớ lâu đời được các diễn giả và nhà hùng biện Hy Lạp cổ đại sử dụng có thể là nguồn cảm hứng để bạn xây dựng nên “Thư viện cá nhân” của riêng mình.
Phương pháp này hoạt động bằng cách liên kết thông tin cần nhớ với các không gian hoặc địa điểm quen thuộc để thiết lập một hệ thống lưu trữ tri thức lâu dài trong tâm trí. Đây là cách tận dụng kết luận thứ 3 của Ebbinghaus để nhớ lâu hơn và nhớ kỹ hơn, bạn sẽ nắm được trong đầu mình hay nói cách khác là trong thư viện cá nhân của mình đang có gì, và khi cần thì tìm ở đâu.
Với phương pháp này, bạn hãy hồi tưởng về một địa điểm quen thuộc, như ngôi nhà của mình. Mỗi phòng hoặc góc trong nhà sẽ là một hạng mục lưu trữ riêng trong thư viện gắn liền với một chủ đề kiến thức.
Chẳng hạn, phòng bếp trong nhà sẽ là khu vực lưu trữ kiến thức về dinh dưỡng, sức khỏe. Nếu bạn đang tìm hiểu về chế độ ăn eat clean để cải thiện sức khỏe của mình. Hãy tưởng tượng bạn bước vào căn bếp của mình, mở một cuốn sách về eat clean đặt trên bàn, vừa đọc nhẩm lại thông tin, vừa áp dụng nấu luôn một bữa ăn cho mình.
Như vậy, kiến thức sẽ đi vào trong bộ nhớ của não bộ dễ dàng hơn. Và mỗi lúc muốn “triệu hồi” lại kiến thức về dinh dưỡng, bạn chỉ cần bắt đầu dạo bước vào trong thư viện cá nhân của tâm trí, tìm đến căn bếp và lấy ra những gì mình cần.
Hoặc trực diện hơn, bạn có thể sắp xếp thư viện cá nhân theo bất kỳ cấu trúc nào “có ý nghĩa” với mình, như Thân – Tâm – Trí, Để làm – Để học – Để sống, hoặc theo lĩnh vực Khoa học, Lịch sử,…
5 Mẹo nhớ nhanh khi không kịp ghi chú
Tuy nhiên trong cuộc sống, không phải lúc nào bạn cũng có thời gian để ghi chú hoặc hệ thống hóa ngay lập tức kiến thức, cho nó một đề mục phù hợp và sắp xếp vào đúng nơi đúng chỗ trong thư viện. Những thông tin quan trọng đôi khi xuất hiện bất ngờ: khi đang lái xe, nghe sách nói, hay tham dự hội thảo. Trong những tình huống này, hãy áp dụng 5 mẹo sau để ghi nhớ nhanh:
1. Nhớ theo từ khóa
Khi nghe một câu nói hay, hãy xác định những từ khóa quan trọng.
Ví dụ, trong câu “Đạo đức là để răn đe bản thân, không phải để phán xét người khác”, các từ khóa sẽ là: đạo đức, răn đe, bản thân, phán xét. Mình sẽ lặp đi lặp lại các từ này trong đầu và tạo một câu ngắn gọn từ chúng để ghi nhớ dễ dàng hơn.
2. Hình ảnh hóa thông tin
Tưởng tượng một hình ảnh minh họa sinh động cũng là một cách hay ho để ghi nhớ. Chẳng hạn vẫn là câu ví dụ trước, nhưng với phương pháp này trong đầu mình sẽ hình dung tới một thiên thần cầm bút hướng về bản thân và một ác quỷ cầm giáo chỉ vào người khác. Quá trình tạo ra hình ảnh như vậy, không chỉ khiến bạn nhớ lâu hơn mà còn thông qua đó kích thích sự sáng tạo trong lúc ghi nhớ.
3. Nhớ theo ngữ cảnh
Hãy liên kết thông tin với hoàn cảnh tiếp nhận nó. Nếu bạn nghe câu nói trên khi đang bị làm phiền bởi tiếng còi xe, cảm giác khó chịu đó có thể trở thành “cầu nối” giúp bạn nhớ lại bài học: thay vì phán xét người khác, hãy tự nhắc nhở bản thân trước.
4. Gắn kết với điều hài hước
Bạn có thể liên tưởng đến một hình ảnh hoặc ý tưởng vui nhộn để kiến thức dễ chui lọt vào đầu mình hơn. Ví dụ, hình dung siêu nhân đang “phán xét” những người ăn mặc thiếu tinh tế ở nơi công cộng, trong khi chính anh ta đang mặc quần lót bên ngoài. Từ bài học gốc “đạo đức là để răn đe bản thân, không phải để phán xét người khác”, bây giờ biến thành một phiên bản vui nhộn và dễ thấm hơn nhiều.
5. Liên kết với trải nghiệm cá nhân
Hãy thử lục tìm trong quá khứ một sự kiện để làm ngay ví dụ minh họa cho thông tin cần nhớ. Giống như mình từng mắc vào một “tiêu chuẩn kép”, người đi trễ thì hay trách móc, nhưng đến khi mình đi trễ thì lại mong được mọi người thông cảm. Mình dùng chính sai lầm này như một bài học để nhắc nhở bản thân về tầm quan trọng của việc “răn đe bản thân trước khi phán xét người khác.”
Kết
Từ kinh nghiệm của mình, khi cố gắng áp dụng các mẹo trên, không chỉ tình trạng “não cá vàng” được hạn chế mà còn tạo nên nhiều khoảnh khắc thú vị trong hành trình thu thập tri thức. Vậy nên, thay vì sợ hãi đường cong quên lãng, hãy nhìn nhận nó như một công cụ để hiểu bản thân và xây dựng những kỹ thuật ghi nhớ hiệu quả hơn cho chính mình.