Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Saturday, 20/04/24

ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TỪ GÓC NHÌN CỦA NHỮNG NGƯỜI TRẺ TẠI VICOSTONE

 

Nguyễn Văn Lâm – Ban Kiểm Toán, Phenikaa

Băng qua những tháng năm lịch sử, các thế hệ người Vicostone đi trước, bằng bản lĩnh, kinh nghiệm, sự đúc rút sâu sắc qua từng lần sai – sửa, đã xây dựng và hoàn thiện quy trình làm việc, đồng thời tạo ra các công thức phối liệu cốt lõi để phát triển sản phẩm, chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất. Ngày nay, nhiệm vụ của thế hệ kế cận chính là làm sao vừa thổi vào những cái “khuôn” hoàn mĩ đó sự nhạy bén thích ứng nhanh của người làm nghề trẻ, vừa ghi dấu ấn bằng những cải tiến độc đáo mang màu sắc cá nhân của riêng mình.  

Trong khuôn khổ bài viết, chúng ta hãy cùng lắng nghe góc nhìn “đổi mới sáng tạo” khi đặt dưới lăng kính của những nhân sự trẻ – những người mang trong mình sứ mệnh tiếp bước cha anh, gìn giữ và phát huy bản lĩnh tinh thần Vicostone mười, hai mươi năm và nhiều năm kế tiếp. 

“Chỉ có sáng tạo, liên tục cải tiến mới tạo ra phương pháp làm việc hiệu quả” 

Đỗ Văn Nguyên, chàng kĩ sư của Phân xưởng Nghiền sàng đã có 5 năm gắn bó với Vicostone mỉm cười đầy tự hào khi nghe tôi nhắc đến câu chuyện “làm mới” và “sáng tạo”. Giống như chiếc “công tắc” chạm – bật, khuôn mặt chàng kĩ sư trẻ sáng bừng khi được nói về điều mình vô cùng yêu thích.

Anh chia sẻ, giống như bao kĩ sư trẻ ở lứa tuổi tràn đầy khát khao và cống hiến, anh cũng mong tìm được một công việc có sự đổi mới và hạn chế vòng lặp. Trong giai đoạn đứng giữa ngã ba đường với rất nhiều sự lựa chọn ấy, cơ hội được làm việc tại Phân xưởng Nghiền sàng Vicostone cùng nhiệm vụ chính là kiểm soát hoạt động thiết bị, đảm bảo nguyên vật liệu, chi phí, chất lượng sản phẩm đã thỏa mãn được nhu cầu “sáng tạo cái mới, phát huy cái cũ” của anh.

“Mình cho rằng tinh thần chủ động, linh hoạt trong công việc là bước đệm đầu tiên để dẫn đến tư duy sáng tạo đổi mới” – Chàng kĩ sư trẻ khẳng định 

Anh Nguyên tâm sự, thời điểm mới vào, để bắt kịp và làm quen nhanh nhất với công việc, anh luôn tuân thủ các quy trình quy định, biến quy trình thành thói quen và quy tắc làm việc của bản thân. Ví dụ anh luôn chủ động kiểm tra hệ thống máy móc trong xưởng hàng ngày, tự mình giám sát quy trình để đảm bảo các thiết bị vận hành ổn định. Đến nay, khi số lượng dây chuyền nghiền sàng tăng lên 2 dây chuyền, 7 máy tách quang, 1 máy trộn và dự kiến sắp tới thêm 1 dây chuyền nghiền bột, anh vẫn tự tin đảm bảo dây chuyền hoạt động tốt, năng suất nhà máy tăng lên hơn 3,000 tấn/ tháng. 

Để hoàn thành tốt các công việc chuyên môn được giao, chàng kĩ sư trẻ luôn tìm tòi nghiên cứu, đề xuất nhiều sáng kiến cải tiến kĩ thuật mới, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. 

“Nếu giữ mãi một lối mòn cũ trong cách làm việc, mình nghĩ rất khó để nâng cao năng suất một cách triệt để. Bởi vậy, bản thân mình luôn muốn đưa thêm nhiều ý kiến sáng tạo vào trong công việc” – Kĩ sư Nguyên bộc bạch.

Bám sát vào tinh thần “không ngại sáng tạo, không ngại thay đổi”, trong giai đoạn 2017-2022, anh đã có 20 sáng kiến được Công ty công nhận, giúp làm lợi hơn 500 triệu đồng. Trong đó điển hình nhất phải kể đến ý tưởng “Tăng công suất, lưu lượng hút bụi của hệ thống hút bụi dây chuyền 1” năm 2020. Ý tưởng này tạo ra nhiều kết quả tích cực như: tăng lưu lượng hút 2,5 lần lên 15,000m3/h, nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết bị mà vẫn đảm bảo công suất của động cơ; tận dụng hệ thống hút bụi đã cải tạo làm hệ thống hút rác tại vị trí dòng chảy của NVL; bổ sung thêm đường hút vào buồng thu rác của máy tách quang SK7 (0.1/0.4mm).  

Hành trình sáng tạo đi tìm cái mới, chinh phục những mục tiêu cao hơn của chàng kĩ sư trẻ Đỗ Văn Nguyên chính là câu chuyện truyền cảm hứng cho những thành viên Vicostone để viết tiếp ước mơ Vicostone bằng tình yêu và trách nhiệm của mỗi người. 

“Sáng tạo là cần thiết nhưng phải làm đúng, làm chuẩn ngay từ đầu”

Gặp gỡ người được mệnh danh là “Cỗ máy Kaizen” của Nhà máy 2 – Anh Lê Trường Trinh, điều khiến tôi không thể quên về anh chính là sự nghiêm túc và tập trung đáng kinh ngạc khi làm việc. Dưới cái nóng 40 độ mướt mải và số gạch đầu dòng cần làm kín đặc một tờ A4, anh Trinh vẫn tranh thủ thời gian chia sẻ với tôi những kinh nghiệm, bài học và “kim chỉ nam” của anh để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao phó. 

Trao đổi với tôi về câu chuyện đổi mới sáng tạo, anh khẳng định: “Cải tiến sáng tạo là vô cùng cần thiết, thế nhưng điều quan trọng hơn cả là phải thuần thục ngay từ những điều cơ bản nhất, phải làm đúng từ bước đầu tiên”

Bằng chứng cho câu nói được anh đưa ra từ chính công việc với dây chuyền rung ép anh và đồng nghiệp đang thực hiện hàng ngày. Anh thẳng thắn: “Dây chuyền rung ép đòi hỏi nhiều thao tác đặc thù phức tạp nên người thực hiện phải tỉ mỉ và tiến hành chuẩn xác từ công đoạn đầu. “Sai một li đi một dặm”, lỗi sai dù nhỏ nhất cũng dẫn tới hệ quả mà cả bộ máy phải chịu đó là suy giảm chất lượng sản phẩm”. 

Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của việc “làm đúng”, anh Lê Trường Trinh luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất những điều căn bản, tỉ mỉ và hạn chế tối đa lỗi sai trong mọi công đoạn, đặc biệt là công đoạn đầu. Anh cho rằng, đây chính là chìa khóa vạn năng giúp anh giải quyết vấn đề, rút gọn thời gian, công sức làm việc và đảm bảo được chất lượng sản phẩm. 

Từ câu chuyện “hãy làm đúng và tỉ mỉ ngay từ đầu”, anh Trinh tiếp tục chia sẻ về câu chuyện đổi mới sáng tạo. Dưới góc nhìn của anh, đổi mới sáng tạo không phải là điều quá “đao to búa lớn” mà xuất phát ngay từ nhu cầu muốn thay đổi, muốn hoàn thiện của mỗi cá nhân. Với bản thân anh, trong quá trình học và hành, khi thấy những điểm mù, các yếu tố có thể thay đổi, anh sẵn sàng đưa ra những ý kiến cải tiến để giúp cho công việc trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn. 

Chính vì vậy, mỗi vị trí anh làm, từ khu vực trộn màu cho đến khu vực rải liệu, “Cỗ máy Kaizen của nhà máy 2” đều có những dấu ấn cá nhân và sáng tạo cải tiến cho riêng mình. Năm 2021, anh được vinh danh “Người có ý tưởng Kaizen nhiều nhất năm 2021” đồng thời ghi tên mình trở thành người lao động tiêu biểu của năm. 

Bên cạnh sự cố gắng của bản thân, anh Trinh cũng cho rằng sự sáng tạo không thể đến từ một cá nhân mà cần có sự giúp đỡ, đồng lòng từ tập thể, từ những nền tảng vững chắc được tạo dựng từ những tiền bối đi trước, anh vui vẻ: “Các anh chị lãnh đạo trong Công ty luôn tạo điều kiện tốt nhất để công nhân có thể phát huy hết khả năng sáng tạo, biết tự chịu trách nhiệm về các đề tài sáng kiến của mình. Nói thật là, nếu không có những ý tưởng nền tảng “đinh” từ các anh chị, những người đi trước, chúng mình chắc chắn sẽ liên tục sai – sửa, rồi phải lặp lại quy trình đó nhiều lần.”

———

Thừa hưởng trí tuệ, bản lĩnh cũng như tinh thần dám nghĩ dám làm của thế hệ đàn anh đi trước, không chỉ anh Nguyên, anh Trinh mà những tấm gương trẻ tuổi của Vicostone đều đang không ngừng cố gắng nâng cao năng lực chuyên môn, chủ động đề xuất các giải pháp đổi mới sáng tạo để khắc phục trở ngại, thách thức với mục tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. 

Tôi tin rằng, những người trẻ với trái tim khát khao cống hiến và tư duy được thắp sáng bởi ngọn đuốc sáng tạo ấy sẽ in tên mình vào dòng chảy lịch sử Vicostone theo cách của riêng họ. Và rồi cũng chính họ sẽ trở thành những mảnh ghép quan trọng, góp phần đưa thương hiệu Vicostone bay cao bay xa và đạt được nhiều thành công vang dội hơn nữa trong tương lai. 

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

‘Trách nhiệm độc hại’ là gì? Cách để ngưng ôm việc vì cả nể
“Ổn không em để chị giao người khác?” “Dạ em làm được! Chị yên tâm.” Và đó cũng là lần…
Giáo dục mà bắt buộc thì mục đích là gì?
Chúng ta cùng đến với một clip có chủ đề rất được nhiều người quan tâm này của Spiderum nhé!
[REVIEW SÁCH] VƯƠN LÊN HOẶC BỊ ĐÁNH BẠI- LÝ THƯỢNG LONG- CUỐN SÁCH CỦA NHỮNG NGƯỜI TRẺ MUỐN VƯƠN LÊN
“Vươn lên hoặc bị đánh bại” là một cuốn sách hay giành cho giới trẻ của tác giả trẻ Lý…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa