- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Làm thế nào những điều nhỏ bé tạo nên sự khác biệt lớn lao?
Tất cả chúng ta đều thấm – ngấm những ảnh hưởng chưa từng có từ đại dịch Covid-19 tới thế giới loài người trên toàn cầu. Sự bùng phát và lây lan một cách chóng mặt theo cấp số nhân của Virus thông qua những người bị nhiễm virus khi tiếp xúc với cộng đồng trở thành mối quan tâm, nỗi lo lắng, chủ đề trao đổi của tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, không phân biệt giàu nghèo, quốc tịch…
Đó là câu chuyện của bệnh tật. Còn có loại “đại dịch” nào khác bùng phát và lây lan nhanh như một ngọn lửa hoang trước một cơn gió trong mùa khô hạn?
Chắc chúng ta, những ai ở thế hệ 7X, 8X, 9X vẫn còn nhớ làn sóng “nào nhảy cùng ZINZIN” vào những năm 2005-2008, mặc dù công cụ viral qua kênh Social / digital marketing lúc đó còn quá xa lạ tại Việt Nam: Nhà nhà xem ZINZIN, người người hát ZINZIN. Vào những năm đó, ZINZIN trở thành “hiện tượng” của xã hội, khi tiếng chuông điện thoại reo lên là thấy “nào nhảy cùng ZINZIN”, bất kỳ nhà nào có trẻ con cũng phải tìm cho bằng được đĩa hình hay đơn thuần chỉ là nhạc để làm “mồi” cho các bữa ăn của con mình…
Và chúng ta, những người làm Marketing, chắc cũng chưa quên sự thành công của Biti’s từ hiệu ứng của chiến dịch “đi để trở về” vào khoảng cuối 2016 và đầu năm 2017; hay không thể quên cơn lốc màu xanh mang dấu ấn thương hiệu với chiến dịch “đến Điện máy Xanh” đã thành công như thế nào trong năm 2017…
Đó là sự thông minh khi các thương hiệu này đã tìm đúng ĐIỂM BÙNG PHÁT để tạo nên “đại dịch”, để con “Virus” thương hiệu lây lan chóng mặt trong cộng đồng, từ đó tạo nên dấu ấn thương hiệu.
Tôi tin rằng, ai làm Marketing cũng muốn có cơ hội tìm ra “Điểm bùng phát” cho các chiến dịch thương hiệu của mình. ĐIỂM BÙNG PHÁT – (THE TIPPING POINT) – cuốn sách bestseller của New York Times, tác giả Malcolm Gladwell có thể giúp các bạn tìm được gợi ý để tìm ra những hướng đi cho mình. Cuốn sách đã lí giải được nguyên nhân sâu xa của những “đại dịch”, những sự kiện bùng nổ suốt chiều dài lịch sử. Đó không chỉ là những “Đại dịch” với khái niệm bệnh tật thông thường, đó còn là những “hiện tượng” thương hiệu hay các vấn đề của xã hội. ĐIỂM BÙNG PHÁT của những đại dịch đó được giải thích là một khoảnh khắc kỳ ảo, khi một ý tưởng, một xu thế, hay một hành vi xã hội vượt qua một ngưỡng nhất định – những điểm bùng phát – và lan ra như một ngọn lửa hoang.
Cuốn sách tập trung nói về 3 nhân tố cốt lõi khiến bất cứ đại dịch nào bùng phát:
NHÂN TỐ THỨ NHẤT: QUY LUẬT THIỂU SỐ
Bạn là ai trong 3 gương mặt của nhóm thiểu số?
Trong phần này, Malcolm Gladwell cho rằng một đại dịch bùng phát là do sự quyết định của nhóm thiểu số người. Ba gương mặt trong nhóm thiểu số đó là (1) người kết nối, (2) nhà thông thái và (3) người bán hàng. Đây chính là những người có tầm ảnh hưởng có khả năng tạo ra một làn sóng thông tin, tác động đến suy nghĩ, hành vi của đa số những người còn lại.
Có thể thấy, trong chu trình “ủ bệnh”, rồi khiến cho một thứ xuất hiện điểm bùng phát, vai trò của nhóm thiểu số này vô cùng quan trọng: nhà thông thái sẽ cung cấp thông tin, người kết nối sẽ phát tán thông tin, người bán hàng sẽ thuyết phục những người nghe thông tin ấy.
NHÂN TỐ THỨ HAI: YẾU TỐ KẾT DÍNH
Dưới góc nhìn marketing, khi chúng ta coi “đại dịch” là một sản phẩm, một ý tưởng thành công thì yếu tố kết dính chính là điều kiện cần thiết để châm lên ngọn lửa tại điểm bùng phát. Nhân tố kết dính chính là những chi tiết nhỏ trong bản thân một đại dịch. Những chi tiết này sẽ giúp đại dịch tự lan truyền mà không cần sự tác động của những yếu tố bên ngoài.
Triết lý này có thể áp dụng vào kinh doanh: Sản phẩm, dịch vụ của bạn tốt sẽ gây ấn tượng với người mua hàng và khiến họ tin vào sản phẩm đó.
NHÂN TỐ THỨ 3: SỨC MẠNH CỦA HOÀN CẢNH
Hoàn cảnh luôn là yếu tố cần thiết để bùng phát đại dịch. Một ngọn lửa cháy đượm ngoài sẽ càng bùng lên mạnh mẽ khi có sự cộng tác của thời tiết khô và một cơn gió lớn.
“Sức mạnh của hoàn cảnh cho thấy chúng ta không chỉ dễ bị ảnh hưởng bởi nhưng thay đổi trong hoàn cảnh. Thực tế, những thay đổi đó tác động tinh tế lên chúng ta. Và thường, những thay đổi thuộc về hoàn cảnh có khả năng kích phát đại dịch rất khác so với những hoài nghi ban đầu của chúng ta về nó.” (trích lược)
Việc thấu hiểu hoàn cảnh và các tác nhân có khả năng ảnh hưởng đến “đại dịch” để tận dụng để “châm ngòi” và thúc đẩy sự lây lan hoặc ngăn chặn và dập tắt. Điều đó có ý nghĩa và tính ứng dụng trong mọi lĩnh vực: Kinh tế – chính trị – xã hội.
Cùng với việc chia sẻ những thí nghiệm khoa học và tâm lý mà tác giả đã thực hiện trong suốt nhiều năm, các nhân tố này phần nào sẽ giúp chúng ta biết cách tạo ra hay tìm ra điểm bùng phát để từ đó tạo nên một đại dịch hay ngăn chặn một đại dịch, như Malcolm Gladwell đã viết: “Yếu tố ẩn sau một đại dịch bùng phát thành công chắc chắn phải là niềm tin sắt đá rằng mọi thứ đều có thể thay đổi”.
“ĐIỂM BÙNG PHÁT” sẽ là cuốn sách hay cho các bạn Marketers và các nhà quản trị trong điều hành doanh nghiệp và hơn thế, cho các nhà hoạt động xã hội, nhà giáo dục và cha mẹ… trong việc dẫn dắt điều hướng, nuôi dưỡng những làn sóng tư duy và lối sống tích cực, cũng như dập tắt “đại dịch” tư tưởng, quan điểm, lối sống sai lệch vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
P/s: Thỉnh thoảng nằm lười ở nhà đọc sách cũng thú vị phết các bạn ạ. Thêm một gói bim bim bên cạnh nhâm nhi càng tuyệt…
Và một ngày đẹp trời… tăng vài cân lúc nào mà không biết 😅😅😅
Người review: Lê Thị Minh Thảo – P.TGĐ Tập đoàn