Trang chủ » Nhịp sống » ‘Đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, cơ bản là chưa đủ’
‘Đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, cơ bản là chưa đủ’
25/04/2024
Để đáp ứng 10.000 kỹ sư ngành vi mạch lành nghề mỗi năm, theo GS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, đào tạo nhân lực cần triển khai theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Tại Việt Nam, chủ đề vi mạch bán dẫn nóng lên sau tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Mỹ cuối năm 2023 và Việt Nam xác định công nghiệp bán dẫn là một trong chín sản phẩm quốc gia. Chính phủ, các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp đã chủ động xây dựng lộ trình hành động cụ thể để giải bài toán về nguồn cung nhân sự chất lượng cao với kỳ vọng đưa Việt Nam nổi bật trên bản đồ chuỗi cung ứng vi mạch toàn cầu.
Tiềm năng phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA), doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đạt 526,8 tỷ USD năm 2023 và dự kiến tăng 13,1% vào năm 2024 lên gần 600 tỷ USD và 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Sở hữu lợi thế về nguồn nhân lực trẻ dồi dào; sự ủng hộ và hỗ trợ của Chính phủ; vị trí địa lí thuận lợi trong khu vực và quan hệ hợp tác toàn diện, rộng mở với nhiều nền kinh tế lớn… Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành một mắt xích triển vọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Doanh thu và tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của lĩnh vực vi mạch bán dẫn toàn cầu từ 1996-2023. Nguồn: WSTS
Thị trường rộng mở, ngày càng nhiều tập đoàn vi mạch bán dẫn lớn đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam theo làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất về châu Á, như Intel, Synopsys, Samsung, Amkor, Qualcomm, Marvell… tạo nên “cơn khát” nhân sự trong ngành công nghiệp bán dẫn nước ta. Các chuyên gia kinh tế nhận định mỗi năm cần khoảng 5.000 – 10.000 kỹ sư lành nghề để đáp ứng nhu cầu sản xuất vi mạch mới, trong khi nguồn nhân lực hiện tại mới chỉ đáp ứng 20%. Nắm bắt cơ hội và yêu cầu của thị trường, Chính phủ đã xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2045, với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển xứng tầm với lợi thế sẵn có, đầu tư đào tạo nhân lực bán dẫn là hướng đi chiến lược, là chìa khóa để tận dụng tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tỷ USD này ở Việt Nam. “Tuy nhiên, với những đặc thù yêu cầu cao về tính chính xác và chất lượng sản phẩm, năng suất và trình độ lao động… của ngành, đào tạo nhân lực không thể chỉ dừng lại ở chương trình cơ bản, mà cần nhiều nỗ lực triển khai theo cả chiều rộng và chiều sâu”,GS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa nhận định.
Mở rộng đào tạo vi mạch bán dẫn từ đại học – phát triển nhân lực theo chiều rộng
Hiện nay số lượng kỹ sư tại Việt Nam tham gia vào các khâu liên quan tới thiết kế, sản xuất, đóng gói chip khoảng 5.000 người. Vì vậy, để đáp ứng kỳ vọng phát triển ngành và mục tiêu có khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trong hơn 5 năm cần sự hợp lực của nhiều bên, trong đó các cơ sở giáo dục đại học phải là nòng cốt để xây dựng nền tảng, tăng nhanh số lượng nhân sự trong lĩnh vực này. Đây cũng là trọng tâm, ưu tiên của giáo dục đại học năm 2024 và những năm tiếp theo, theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn với VnExpress về đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.
Cung cấp những kiến thức tổng quan và chuyên ngành về lĩnh vực bán dẫn, môi trường đại học sẽ trang bị kiến thức cơ bản cho sinh viên, học viên, giúp các em có bức tranh tổng quát về ngành, hình dung công việc trong tương lai, xây dựng nền tảng để phát triển kỹ năng, nắm bắt công việc nhanh chóng trong môi trường làm việc thực tế. Tính đến đầu tháng tư, trong gần 100 trường đại học cả nước công bố thông tin tuyển sinh, có hơn 10 trường dự kiến mở mới ngành Thiết kế vi mạch – Công nghệ bán dẫn hoặc tương đương, bao gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Quốc gia TP HCM…
Trong 14 ngành mở mới, Trường Đại học Phenikaa đã công bố thông tin tuyển sinh ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn với mục tiêu cung cấp cho thị trường lao động những kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. GS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm về thiết kế vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước, hợp tác với đội ngũ chuyên gia quốc tế, chuyên gia người Việt tại nước ngoài để hỗ trợ công tác giảng dạy, hướng dẫn thực hành.
“Với mục tiêu đào tạo sinh viên có năng lực tốt và khả năng thích ứng nhanh với môi trường doanh nghiệp, chương trình đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn tại trường sẽ tích hợp các học phần có bản quyền được xây dựng bởi các doanh nghiệp thiết kế vi mạch uy tín”, vị phó hiệu trưởng nói.
Dự kiến năm 2024, cả nước có thể tuyển sinh đào tạo hơn 1.000 sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, chủ yếu là thiết kế vi mạch và 7.000 sinh viên lĩnh vực liên quan.
Chú trọng đào tạo nâng cao – phát triển nhân lực theo chiều sâu (upskill)
Để tạo môi trường thực hành, phát triển kỹ năng chuyên sâu cho sinh viên, bên cạnh đội ngũ giảng dạy, các cơ sở giáo dục cần trang bị máy móc thiết bị, công cụ phần mềm, phòng thí nghiệm đạt chuẩn, tiên tiến để mô phỏng công việc thực tế hiệu quả với ngân sách đầu tư tương đối lớn. Vì vậy, để hiện thực hóa mục tiêu mở rộng quy mô và chất lượng trong 5 năm tới của ngành vi mạch bán dẫn, sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp trong phát triển các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng (upskill ), đào tạo theo chiều sâu về vi mạch, bên cạnh các chương trình dài hạn, cần được chú trọng, quyết định mức độ lành nghề và khả năng chuyển đổi nhân lực bán dẫn từ các ngành gần.
Học sinh Phenikaa được đào tạo thông qua thực hành, trải nghiệm từ bậc phổ thông. Ảnh: Phenikaa
Chia sẻ thêm về định hướng hợp tác đào tạo của Trường Đại học Phenikaa, PGS. TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, là một trường đại học theo mô hình trải nghiệm và đổi mới sáng tạo, bên cạnh kiến thức nền tảng và rèn luyện tư duy, Phenikaa còn chú trọng xây dựng lộ trình thực tập, thực hành trong môi trường thực tế, mô phỏng thực tế thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp để sinh viên có thể tham gia vào giải quyết các bài toán thực tế ngay khi rời ghế nhà trường.
“Với sự hỗ trợ và đầu tư của Tập đoàn Phenikaa, chúng tôi thành lập Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn, và hợp tác với các đối tác, tập đoàn lớn trong lĩnh vực bán dẫn để nhân lực được đào tạo (từ ba tháng tới 12 tháng) sẽ đạt trình độ cao và chuyên môn sâu, đáp ứng yêu cầu làm việc ngay của người sử dụng lao động”, PGS. TS Nguyễn Phú Khánh cho hay.
Mục tiêu của Phenikaa là tham gia giải bài toán thiếu nhân lực bán dẫn trong nước đồng thời tới chuẩn mực quốc tế để các học viên sẵn sàng tham gia thị trường toàn cầu. Để đạt mục tiêu, Phenikaa đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm chuyên nghiệp, hiện đại như hệ thống ảo hóa tiên tiến hàng đầu thế giới HAPS, Zebu, GPU… Đơn vị cũng chú trọng tới con người – yếu tố mang tính quyết định của lĩnh vực này, với đội ngũ giảng viên thực chiến là các chuyên gia, kỹ sư hàng đầu Việt Nam và thế giới và mạng lưới kết nối chặt chẽ với với các đối tác, công ty lớn trong và ngoài nước.
TÊN GIẢI: GIẢI BÓNG ĐÁ NỮ KỶ NIỆM 14 NĂM THÀNH LẬP TẬP ĐOÀN PHENIKAA MỤC ĐÍCH 🎯 Nhằm tạo…
Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa
Thông tin liên hệ
Phòng Truyền thông nội bộ và Sự kiện - Ban Truyền thông - Tập đoàn Phenikaa Tầng 27 - Tòa nhà A9 - Trường Đại học Phenikaa Yên Nghĩa - Hà Đông - Hà Nội