Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Monday, 25/11/24

Curse of knowledge – Làm sao để không biến kiến thức trở thành “lời nguyền” giao tiếp

Thời đại học, mỗi lần học một chủ đề mới, bạn luôn thấy khó hiểu dù người đứng lớp là chuyên gia có tiếng trong ngành. Khi đi làm, bạn lại gặp tình huống “oái oăm” khi không nắm bắt được ý tưởng sếp giao. Hiện tượng này khá phổ biến trong cuộc sống, khi khoảng cách kiến thức giữa hai người quá lớn, song người nói/người viết không nhận ra điều này.

Trong tâm lý học, hiện tượng này gọi là curse of knowledge (tạm dịch: Lời nguyền kiến thức). Về lâu dài, thiên kiến này khiến nội dung cần truyền tải không đến được với người nghe, vô tình tạo nên khoảng cách trong giao tiếp.

Curse of knowledge là gì?

Đây là thiên kiến xảy ra khi ta vô thức cho rằng, người khác sở hữu kiến thức tương tự bản thân về một chủ đề nào đó. Khi trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực, bạn vô tình quên mất tâm thế của một người chưa biết gì về nó, dẫn đến việc chia sẻ không hiệu quả. Nói cách khác, bạn hiểu rõ vấn đề, nhưng chưa chắc đã “dạy” được cho người khác.

Một ví dụ điển hình là việc học đàn. Người học guitar 6 tháng có thể giải thích các kỹ thuật cho người mới học, trong khi người học 10 năm lại không thể làm được.

Nguồn gốc của curse of knowledge

Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu năm 1989, trong một nghiên cứu của 3 nhà kinh tế học Colin Camerer, George Loewenstein & Martin Werber. Họ nhận ra thiên kiến này trong các phiên giao dịch, khi những người liên quan có mức độ hiểu biết khác nhau về cùng một vấn đề.

Đến năm 1990, một nghiên cứu sinh tâm lý tại Đại học Stanford tên Elizabeth Newton đã thực hiện một thí nghiệm kinh điển để kiểm chứng thiên kiến này. Cô chia người tham gia thành 2 nhóm để chơi trò đoán bài hát theo nhịp điệu.

Theo đó, một nhóm được nghe một số bài hát phổ biến, rồi gõ nhịp điệu của chúng xuống bàn gỗ. Nhóm còn lại phải đoán xem đó là bài gì. Nhóm gõ cũng được yêu cầu dự đoán xem nhóm nghe sẽ đoán trúng bao nhiêu trong tổng số 120 bài hát.

Kết quả là nhóm gõ đoán tỉ lệ thành công 50%, trong khi thực tế nhóm nghe chỉ đoán đúng 2.5%. Nguyên nhân vì khi nghe bài hát, nhóm gõ nhanh chóng nắm bắt giai điệu và cho rằng nhóm còn lại cũng có cảm nhận tương tự. Trên thực tế, những gì nhóm nghe cảm nhận được chỉ là một loạt nhịp gõ tay khó hiểu trên bàn gỗ.

Cơ chế hoạt động của curse of knowledge

Curse of knowledge là “tác dụng phụ” của second nature (bản năng thứ hai). Đây là hiện tượng khi não bạn “mã hóa” những hành vi, thói quen hay kỹ năng mà bạn thực hiện trong thời gian dài thành cơ chế tự động. Quá trình này gắn liền với sự thích ứng (habituation), một cơ chế thần kinh miêu tả sự suy giảm phản ứng trước các kích thích lặp đi lặp lại.

Não bộ phản ứng mãnh liệt với những điều mới lạ, nhưng sẽ nhanh chóng quen thuộc khi nó lặp lại đủ nhiều. Do đó khi thành thạo một kỹ năng hoặc kiến thức, bạn quên đi cảm giác ban đầu khi mới học, đồng thời khó đặt mình vào tâm thế của người chưa biết gì.

Curse of knowledge gây ra ảnh hưởng gì?

Thiên kiến này gây ra khoảng cách lớn trong giao tiếp. Dưới tác động của nó, người nói thường cho rằng đối phương đã có kiến thức nền để hiểu được vấn đề. Vì vậy họ thiên về sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành, gây khó hiểu cho người nghe.

30mar2023intext1jpg
Curse of knowledge gây ra khoảng cách lớn trong giao tiếp.

Về phía người tiếp nhận thông tin, không phải lúc nào họ cũng lên tiếng. Theo Decision Lab, điều này xảy ra vì cảm giác ngại hoặc niềm tin sẵn có với người nói (chẳng hạn là chuyên gia nổi tiếng). Một nguyên nhân khác là não họ cần thêm thời gian để xử lý lượng thông tin “khó hiểu” mà nó vừa nhận được.

Ở một thái cực khác, hiệu ứng Dunning-Kruger có thể xảy ra khi người nghe cho rằng mình hiểu ý người nói, trong khi thực tế họ hiểu sai. Hiện tượng này khá phổ biến khi những người liên quan đến từ các ngành nghề khác nhau, do đó có trải nghiệm khác nhau về cùng một vấn đề.

Làm sao để vượt qua curse of knowledge?

Sử dụng từ ngữ cụ thể, dễ hiểu

Điểm chung của những người dính “lời nguyền” kiến thức là sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành và khái niệm trừu tượng khi giao tiếp. Điều này xảy ra bởi càng hiểu rõ vấn đề, họ càng có xu hướng khái quát hóa nó.

Một bí quyết bạn có thể áp dụng là viết lại vấn đề bằng ngôn ngữ “tiểu học” trước khi nói với người khác. Với những khái niệm nặng tính chuyên môn, nên đi kèm một ví dụ để người nghe/đọc dễ hình dung hơn.

Luôn đặt câu hỏi khi cần thiết

Trong những bối cảnh dễ xảy ra curse of knowledge là văn phòng và lớp học, người nghe thường ở thế bị động hơn. Đôi khi ta ngại đặt câu hỏi với đối phương dù chưa rõ vấn đề, song điều này lại khiến ta gặp khó khăn nhiều hơn.

Việc đặt câu hỏi là bí quyết đơn giản, nhưng quan trọng để đạt hiệu quả cao trong giao tiếp. Vì vậy, đừng ngại hỏi trực tiếp thầy cô giáo, sếp hoặc mọi người xung quanh để đảm bảo bạn không lỡ mất thông tin nào.

30mar2023intext2jpg
Đừng ngại đặt câu hỏi nếu bạn chưa hiểu cặn kẽ vấn đề.

Đặt mình vào tâm thế người nghe

Nếu là người cung cấp thông tin, bạn có thể thường xuyên “check-in” với người nghe/đọc bằng cách hỏi xác nhận xem họ đã nắm được ý tưởng bạn muốn truyền tải chưa. Bên cạnh đó, việc lắng nghe góp ý từ người khác, đặc biệt khi giảng dạy là một phương pháp hiệu quả để điều chỉnh tốc độ và cách truyền đạt thông tin của mình.

Đôi khi bạn có thể “đảo ngược” curse of knowledge bằng cách nhờ người nghe lặp lại chính thông tin bạn vừa nói theo cách mà họ hiểu. Khi nghe nó ở phiên bản ngôn ngữ sơ đẳng, bạn sẽ nhận ra ngay các lỗ hổng đang tồn tại. Bạn cũng hiểu hơn về lối tư duy của người nghe, từ đó điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp nhất với họ.

Theo Ngọc Hà | Vietcetera

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

[REVIEW SÁCH]GÓC KHUẤT CỦA YÊU THƯƠNG – CHOI KWANGHUYN
Trên đời này, điều khiến chúng ta hạnh phúc nhất chính là tình yêu, nhưng cũng chính tình yêu mới…
Trường Đại học Phenikaa tri ân người dẫn lối
Hòa trong không khí trang nghiêm của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trường Đại học Phenikaa đã long trọng…
Bùng nổ sắc màu nghệ thuật tại Hội diễn văn nghệ Trường Đại học Phenikaa
Hội diễn văn nghệ Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Kỷ…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa