- Hà Nội
- Đà Nẵng
- Huế
- TP Hồ Chí Minh
- Đồng Nai
Tôi nhận được câu hỏi từ rất nhiều độc giả về nỗi đau, chấn thương tâm lý và đấu tranh nội tâm. Đa số chúng là những biến thể khác nhau của ba vấn đề: “Chấn thương là gì?”, “Có khi nào một người phải chịu quá nhiều đau thương?” và “Có tình huống nào nỗi đau không mang lại lợi ích gì mà chỉ gây tổn thương?”.
Đây đều là những câu hỏi hay, mà tôi sẽ trả lời trong bài này bằng cách đào sâu vào nỗi đau, chấn thương và phục hồi tâm lý.
Bạn không thể ăn một bát cháo quá nóng, bởi bạn sẽ bị bỏng mồm. Nhưng bạn cũng khó mà nuốt được một bát cháo lạnh tanh, bởi khi đó nó chẳng còn gì ngon lành. Một bát cháo ngon sẽ ở nhiệt độ vừa phải, không quá nóng cũng không quá lạnh.
Nỗi đau cũng tương tự như vậy. Quá nhiều đau thương sẽ dẫn đến chấn thương và bất lực. Nhưng quá ít nỗi đau cũng dẫn tới tính vụ lợi và ích kỷ. Nhưng khi chịu đau ở mức độ vừa phải, bạn sẽ cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống. Từ đó, bạn xây dựng ý thức tự chủ và giá trị cá nhân – nền móng của một tinh thần khỏe mạnh và hạnh phúc.
Vậy làm sao để xác định ngưỡng chịu đau của bản thân? Nói cách khác, bạn cần “đau” bao nhiêu là vừa đủ?
Các nghiên cứu nhìn chung đồng tình rằng, khi gặp thử thách mà bạn tin mình có thể vượt qua, chúng sẽ tiếp thêm cho bạn động lực, dẫn đến cảm giác về ý nghĩa và thành tựu. Nhưng với những khó khăn khiến bạn bất lực, bạn sẽ mất tinh thần. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn sẽ gặp chấn thương tâm lý.
Để hiểu được giá trị của đấu tranh nội tâm, bạn có thể so sánh nó với việc tập thể dục như sau:
Nếu bạn ít vận động hoặc tập các động tác căng cơ, bạn sẽ yếu và dễ bị chấn thương. Sức mạnh thể chất của bạn cũng không cao, trong khi đây là cái giữ cho bạn an toàn và khỏe mạnh.
Tương tự như vậy, nếu không bao giờ thử thách bản thân về tinh thần hay cảm xúc, bạn cũng sẽ trở nên mong manh. Bạn sẽ hay buồn bực và dễ bị kích động bởi thế giới xung quanh. Tâm lý bạn cũng không đủ vững vàng để giữ cho bạn an toàn và khỏe mạnh.
Nhưng ở thái cực ngược lại, việc tập thể dục quá nhiều hay quá sức (chẳng hạn nâng tạ quá nặng) cũng không tốt, bởi nó cũng làm bạn bị chấn thương. Nếu nghiêm trọng, chấn thương sẽ khiến bạn gặp di chứng lâu dài và không thể cử động bộ phận đó bình thường như trước.
Tương tự, khi gặp trở ngại vượt quá khả năng xử lý, bạn dễ bị chấn thương tâm lý. Nó gây ra nỗi đau kéo dài, làm suy yếu tinh thần bạn ở một (hoặc nhiều) lĩnh vực trong cuộc sống.
Vì vậy để tăng cường sức mạnh thể chất, bạn phải tập luyện từ từ. Khởi đầu với những bài tập dễ, rồi nâng dần cấp độ lên từng chút một. Trong quá trình này, cơ thể bạn sẽ thích nghi để trở nên dẻo dai, linh hoạt và bền bỉ hơn. Như vậy bạn không chỉ “mở khóa” được thêm nhiều khả năng của chính mình, mà còn bảo vệ bản thân và người khác tốt hơn.
Cũng như vậy, để rèn sức bền cho tâm lý, bạn cần đối mặt với những trải nghiệm vừa mang tính thử thách, song không đi quá xa khỏi ngưỡng chịu đựng và xử lý của bạn. Dần dần, tâm lý bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và phục hồi tốt hơn. Bạn sẽ cảm thấy chủ động hơn trong cuộc sống, vững vàng và kiên cường trước mọi viên gạch mà đời “ném” vào bạn.
Trong suốt lịch sử phát triển, con người đã sai lầm khi luôn làm khổ lẫn nhau. Có lẽ bởi họ đã phải chịu đựng quá nhiều thứ, từ chiến tranh, nạn đói đến chế độ nô lệ và những vị hôn quân tàn bạo. Một thời gian dài, chúng được coi là bình thường trong cuộc sống. Chúng vắt kiệt khả năng cảm thông, khiến con người ta khắt khe với con cái, tàn nhẫn với người khác.
Khoảng một thế kỷ trước, những điều này đã thay đổi nhờ sự xuất hiện của Sigmund Freud và ngành tâm lý/phân tâm học. Giờ đây người ta có thể tranh luận ngược lại rằng, theo một cách nào đó, con người đang quá mềm yếu. Tôi cho rằng điều này xảy ra do chúng ta hay nhầm lẫn giữa cảm thông (sympathy) và lòng trắc ẩn (compassion).