KHÁI NIỆM CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG
Trong một thập kỷ qua, công nghệ đã thay đổi nhu cầu và hành vi của toàn xã hội, dẫn đến sản phẩm và dịch vụ cũng thay đổi theo. Xu hướng phát triển thị trường cũng đã thay đổi bởi công nghệ, phương pháp kinh doanh truyền thống đã nhường chỗ cho phương pháp kinh doanh mới. IoT, Big data, Block chain – những khái niệm ngày càng quen thuộc trong thời đại này. Chuyển đổi số làm đảo ngược mọi chiến lược kinh doanh truyền thống. Sự ra đời ngày càng nhiều các doanh nghiệp công nghệ không chỉ là mối đe dọa đối với các doanh nghiệp truyền thống mà thực sự trở thành một cuộc chiến sống còn. Ngày nay, khái niệm “Cá lớn nuốt cá bé” đã dần chuyển dịch sang khái niệm “Cá nhanh nuốt cá chậm”.
Vậy chuyển đổi số là gì? Hiểu một cách đơn giản nhất, chuyển đổi số là việc tích hợp các công nghệ số vào toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp làm thay đổi cách thức vận hành của doanh nghiệp, tạo ra giá trị mới cho nội bộ doanh nghiệp và cho khách hàng.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên chuyển đổi số, vì vậy xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp là tất yếu và không thể đảo ngược. Các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt cơ hội và thích nghi với môi trường kinh doanh mới sẽ đón nhận nhiều cơ hội thành công hơn. Cuộc cạnh tranh trong thế giới kinh doanh không còn là cạnh tranh theo ngành, theo lĩnh vực, mà thế giới đã mở rộng không giới hạn và cuộc cạnh tranh đã trở nên bất đối xứng. Cuộc cạnh tranh giữa các hãng gọi xe công nghệ Uber, Grab với loại hình taxi truyền thống đã đi đến hồi kết cho chúng ta một bài học rõ ràng về xu thế tất yếu này. Một doanh nghiệp đi lên từ công nghệ và tài sản chỉ có công nghệ đã cạnh tranh trực tiếp với cả một ngành kinh doanh với bề dày lịch sử và khối tài sản khổng lồ. Ngày nay đến 95% các cuộc gọi xe đã không còn như trước, các số điện thoại taxi dễ nhớ trước đây giờ không cần phải nhớ để gọi, những chiếc xe có mào giờ đây cũng không còn được vẫy gọi trên đường như trước. Công nghệ đã thắng. Các doanh nghiệp truyền thống với văn hóa ngại thay đổi, chậm thích nghi, tự giữ mình trong vòng an toàn quá lâu đã tự đưa mình vào vòng nguy hiểm và sớm tự loại ra khỏi cuộc đua.
Về mặt xã hội, theo số liệu thống kê của Microsoft, chuyển đổi số đóng góp 25% trong việc nâng cao GDP của khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2019, dự báo đến năm 2021, con số này là 60%. Chuyển đổi số cũng đóng góp 15% trong việc nâng cao năng suất lao động năm 2017, đến hết năm 2020 sẽ là 21%. Năm 2019 được xem là năm chuyển đổi số của Việt Nam để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số, trong đó cốt lõi của quá trình chuyển đổi này là xây dựng và phát triển các doanh nghiệp số mà nền tảng là thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, nền tảng số (digital platform).
NGUYÊN NHÂN SỰ THẤT BẠI TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Đại học Harvard thống kê rằng: hơn 70% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại, trong số 1.300 tỷ USD mỗi năm dành cho chuyển đổi số có đến 900 tỷ USD là lãng phí. Nguyên nhân do đâu?
Nhận thức sai giữa chuyển đổi số và số hóa
Số hóa tài liệu, quy trình chỉ là điều kiện cần của quá trình chuyển đổi số. Để hoàn thành chuyển đổi số cần có thêm các bước liên quan đến kết nối số, thu thập dữ liệu số, phân tích dữ liệu số, áp dụng AI trong việc phân tích đánh giá để giúp doanh nghiệp có những quyết định kịp thời. Kết quả của một quá trình chuyển đổi số là một doanh nghiệp số trong đó mọi lĩnh vực được kết nối đồng bộ cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp.
Văn hóa ngại thay đổi
Cản trở lớn nhất của một chương trình chuyển đổi số chính là văn hóa ngại thay đổi. Đây cũng chính là nguyên nhân lớn nhất của các dự án chuyển đổi số thất bại. Các doanh nghiệp có bề dày lịch sử, có chỗ đứng tưởng như không thể thay thế trên thị trường, các doanh nghiệp quy mô lớn đến mức như không thể sụp đổ… lại chính là những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất trong việc thích nghi với xu hướng chuyển đổi số.
Muốn chuyển đổi số thành công trước tiên phải chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp từ văn hóa truyền thống sang cái gọi là “Văn hóa số”. Chuyển đổi số giống như một cây cầu buộc phải bước qua để có thể đến được bờ bên kia của sự chuyển đổi, từ môi trường kinh doanh truyền thống sang môi trường kinh doanh số.
Ý chí của Lãnh đạo
Chuyển đổi số thực sự là một cuộc cách mạng, không chỉ với một doanh nghiệp mà với cả xã hội. Một cuộc cách mạng thành công cần có một hình ảnh rõ nét của người Lãnh đạo trong việc truyền tải ý chí và hành động mạnh mẽ, là người không chỉ quyết định sự chuyển dịch văn hóa của doanh nghiệp mà còn là sự quyết tâm theo đuổi – thậm chí là đánh đổi – bằng những biện pháp quyết liệt, dám chấp nhận thử thách, dám đầu tư vào sự không chắc chắn. Chuyển đổi số là một cuộc chuyển đổi toàn diện từ nhiều phía, vấn đề từ bên trong doanh nghiệp đến tác động từ bên ngoài, hành động từ cấp dưới đến ý chí của các cấp Lãnh đạo, từ chiến lược kinh doanh đến quy trình sản xuất. Luồng dữ liệu số sẽ trở thành mạch máu xuyên suốt trong mọi lĩnh vực của doanh nghiệp.
Không xuất phát từ chiến lược kinh doanh
Chuyển đổi số không thể xuất phát từ ý thích nhất thời hay chỉ đơn giản là đam mê công nghệ. Với mức đầu tư không nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn muốn xây dựng một hệ thống chuyên nghiệp, giá trị đầu tư phải tương xứng với hiệu quả thu được. Yêu cầu đối với một dự án chuyển đổi số phải bắt đầu từ chiến lược kinh doanh, kết quả của quá trình chuyển đổi số phải đáp ứng nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp, đó là khách hàng hưởng lợi gì, quy trình kinh doanh được lợi gì, sản xuất được lợi gì… và cuối cùng là tương lai của doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải thực sự giúp doanh nghiệp thích nghi nhanh với môi trường kinh doanh số, phải mang lại giá trị cho khách hàng, cho đối tác và phục vụ chính công tác quản trị nội bộ. Kết quả của sự chuyển đổi số trong dài hạn phải thể hiện bằng giá trị cụ thể trên các yếu tố chiến lược của doanh nghiệp: doanh thu, lợi nhuận, tối ưu nguồn lực, gia tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường, tăng mức độ hài lòng của khách hàng…
Chi phí đầu tư
Cách đây vài năm, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chi phí đầu tư cho chuyển đổi số là một thách thức lớn. Để chuyển đổi số, doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin (server, hạ tầng mạng, phần mềm, nhân sự IT…), phải thuê tư vấn đào tạo và triển khai. Thật may mắn, những năm gần đây, sự ra đời của điện toán đám mây (Cloud) đã giúp cho chi phí triển khai giảm đi rất nhiều lần. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có thể tiếp cận với chuyển đổi số dễ dàng. Thay vì phải đầu tư rất nhiều về cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp chỉ bỏ ra chi phí rất nhỏ để thuê dịch vụ điện toán đám mây, một đường truyền Internet và một mức phí thường niên không đáng kể cho việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, với một doanh nghiệp lớn, câu chuyện chuyển đổi số có nhiều điểm khác biệt. Với quy mô rộng lớn hơn, nhiều lĩnh vực kinh doanh, lượng dữ liệu lớn, yêu cầu tính ổn định cao, đảm bảo tính bảo mật và an toàn dữ liệu, các doanh nghiệp lớn buộc phải lựa chọn hình thức đầu tư tốn kém hơn cho những yêu cầu khắt khe. Mức đầu tư cơ sở hạ tầng và các dịch vụ liên quan một cách đồng bộ và chuyên nghiệp sẽ là thách thức lớn cho các cấp Lãnh đạo.
Bảo mật – an toàn thông tin và các rủi ro
Môi trường số là một môi trường vô hình, nơi tất cả mọi người đều có thể tham gia. Các hacker có thể tiếp cận với doanh nghiệp từ một góc phòng xa xôi, các phần mềm luôn tồn tại các lỗ hổng bảo mật… trong khi hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp. Doanh nghiệp tham gia vào công cuộc chuyển đổi số sẽ luôn xác định phải đối mặt với những rủi ro vô hình, những cuộc nghẽn mạng bất ngờ, hay những thông tin rò rỉ không kịp kiểm soát.
Công cuộc chuyển đổi số không phải việc có thể giải quyết trong “một sớm một chiều”, nhưng không thể chậm trễ và kéo dài, bởi tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ sẽ nhấn chìm những đối tượng chậm chân. Một bản hoạch định các bước cho quá trình chuyển đổi là thực sự cần thiết, giúp cho doanh nghiệp xác định rõ mình đang ở đâu, cần bắt đầu từ đâu và phải làm gì…. Một sự khởi đầu đúng sẽ giúp cho doanh nghiệp chuyển đổi số thành công với chi phí tối ưu.
Lộ trình bắt đầu của chuyển đổi số có thể tóm lược trong 5 bước cơ bản sau đây:
1. Xem xét lại chiến lược của doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số, cần nhìn nhận rõ doanh nghiệp có thể đạt được gì khi kết hợp tầm nhìn chiến lược với sức mạnh công nghệ.
2. Đánh giá mức độ sẵn sàng cho sự chuyển đổi trong doanh nghiệp: văn hóa, con người, dữ liệu.
3. Rà soát quy trình, đánh giá mục tiêu chuyển đổi số cho từng quy trình.
4. Lựa chọn giải pháp, câu hỏi đặt ra là: nên xây dựng một hệ thống ERP chuyên nghiệp hay chọn các giải pháp riêng lẻ cho các vấn đề cốt yếu.
5. Nỗ lực duy trì và phát triển văn hóa số trong mọi cấp của doanh nghiệp, chuyển hướng từ “Know it all” sang “Learn it all” như con đường Microsoft đã và đang thành công.
HIỆU QUẢ CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ
Công cuộc chuyển đổi số đã và đang mang lại cho xã hội loài người những bước chuyển biến mạnh mẽ và tích cực. Môi trường kinh doanh đã và đang chứng kiến hàng ngày những cuộc lật đổ và thay thế ngoạn mục giữa những người khổng lồ và những chàng David bé nhỏ. Chiến lược kinh doanh đang ngày càng ngắn lại và linh hoạt hơn để thích ứng nhanh với nền kinh tế số, nơi công nghệ số trở thành nền tảng của thành công. Bây giờ là thời điểm chuyển đổi số thúc đẩy doanh nghiệp phải lựa chọn: Hành động hay là Chết. Những giá trị thực tiễn chuyển đổi số mang lại rất rõ rệt
Gắn kết khách hàng: Khách hàng sẽ gắn kết với doanh nghiệp tốt hơn trên nền tảng số về trải nghiệm khách hàng, thể hiện trong các nền tảng mạng xã hội Facebook, Twitter, Youtube, live stream… hay các nền tảng kinh doanh trực tuyến khác.
Hợp tác phát triển: Sự hợp tác trên nền tảng số sẽ phát triển đa dạng và ở quy mô toàn cầu với sự tham gia của mọi tầng lớp từ người dùng cá nhân đến các công ty kinh doanh trực tuyến. Các nền tảng ứng dụng như App store của Apple, Play store trên nền tảng Android là những ví dụ sinh động cho điều này.
Tối ưu hoạt động: Nền tảng kỹ thuật số giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, nhân lực, thời gian. Các thống kê cho thấy, việc áp dụng nền tảng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giảm trung bình 35% nguồn lực so với trước đó.
Chuyển đổi sản phẩm và dịch vụ: Trong môi trường kinh doanh số, nền tảng số sẽ quyết định đến phương pháp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cũng như cung cấp dịch vụ đến tay người tiêu dùng, do đó bản thân sản phẩm và dịch vụ cũng thay đổi theo cách tiếp cận của khách hàng.
Tối ưu hiệu suất nguồn nhân lực: Chuyển đổi số giúp giải phóng 70% sức lao động cho những công việc truyền thống và những quy trình giấy tờ nặng nề phức tạp. Lãnh đạo cũng không phải ký hàng núi giấy tờ, nhân viên có thể hoàn thành công việc của mình ở bất kỳ đâu, được giao quyền nhiều hơn trên hệ thống, không còn chịu áp lực từ những tập hồ sơ và những báo cáo chất ngất. Các dữ liệu đã được hệ thống tổng hợp, xử lý và phân tích tự động.
LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI TẬP ĐOÀN PHENIKAA
Phenikaa đã và đang trên hành trình phát triển mới với ba trụ cột trong hệ sinh thái: Doanh nghiệp – Nghiên cứu khoa học – Giáo dục đào tạo, mà kết nối công nghệ là định hướng chiến lược cốt lõi. Mối quan hệ tương hỗ này sẽ tạo nên những đột phá về hệ thống và sản phẩm, được tích hợp từ những thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến. Kết quả cuối cùng là mang đến cho khách hàng những sản phẩm công nghệ có chất lượng và tính năng thông minh vượt trội, trị giá gia tăng cao và thân thiện với môi trường.
Cuộc cách mạng Công nghệ 4.0 tạo ra những tác động rất lớn tới thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng và mô hình quản trị vận hành của doanh nghiệp. Phenikaa xác định nghiên cứu và phát triển công nghệ đóng vai trò quyết định trong chiến lược sản xuất kinh doanh và mô hình quản trị của doanh nghiệp.
Dự kiến trong vòng 5 năm tới, Phenikaa sẽ tăng dần tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao, đạt mức 50% tổng doanh thu toàn Tập đoàn và trong vòng 5 năm tiếp theo, tỷ trọng này sẽ tăng lên mức 70%.
Định hướng của Phenikaa đối với lĩnh vực Công nghệ thông tin – Cơ điện tử – Tự động hóa sẽ theo hướng chuyển đổi số toàn diện, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp thông minh (ERP), tối ưu nguồn lực một cách bền vững, làm giàu cơ sở dữ liệu (big data) phục vụ công tác điều hành và ra quyết định. Phenikaa xác định đẩy mạnh công tác nghiên cứu và triển khai công nghệ sản xuất thông minh nhằm tối ưu hiệu quả cho lĩnh vực Sản xuất kinh doanh cốt lõi, tạo sự khác biệt và sáng tạo về công nghệ nhằm đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng, hàm lượng trí tuệ trong từng sản phẩm.
GIAI ĐOẠN 2020-2021
Hoàn thiện nền tảng kỹ thuật số trong các nhà máy sản xuất công nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn PhenikaaTrong hơn một thập niên hình thành và phát triển, Phenikaa luôn định hướng lấy công nghệ cao làm nền tảng phát triển và định vị đẳng cấp của mình trên thị trường. Các công nghệ và thiết bị không ngừng được nâng cấp để khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực. Nhiều nhà máy đã được xây dựng và mở rộng thể hiện năng lực lớn mạnh của Phenikaa, là tiền đề cho việc mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác.
Nguồn nhân lực đa dạng trình độ cao và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại đảm bảo môi trường để tiếp nhận và sáng tạo công nghệ mới. Từ hệ thống dây chuyền sản xuất điều khiển tự động hóa SCADA với giao diện HMI và trung tâm điều khiển trong các dây chuyền sản xuất đá nhân tạo, nhà máy mới – Nhà máy Điện tử thông minh Phenikaa sẽ chuyển đổi mạnh mẽ hơn với giải pháp quản trị sản xuất hoàn thiện Smart Factory mà huyết mạch là sự kết nối dữ liệu đồng bộ từ hệ thống ERP xuống hệ thống quản lý thu thập dữ liệu MES và kết nối sâu xuống từng trạm vận hành thuộc hệ thống SCADA. Với sự kết nối này, mọi dữ liệu được quản trị thời gian thực (real time) và cho phép truy xuất ở mọi thời điểm, giúp cho người quản lý nắm bắt thông tin chính xác để đưa ra quyết định kịp thời. Các nhà máy sản xuất công nghiệp cũng sẽ tiếp tục nâng cấp hạ tầng Công nghệ thông tin để bắt đầu quá trình chuyển đổi lên Smart Factory.
Trường Đại học Phenikaa ra đời, các Viện nghiên cứu được thành lập, sáp nhập (M&A) các công ty công nghệ là những bước đi mạnh mẽ của Tập đoàn Phenikaa để chuẩn bị cho một tầm nhìn dài hạn, thể hiện rõ nét sự dịch chuyển chiến lược kinh doanh từ mô hình Sản xuất công nghiệp sang mô hình kinh doanh Công nghệ – Công nghiệp mà trong đó các lĩnh vực Công nghệ được định hướng trở thành lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn trong tương lai gần. Các giải pháp cả về hạ tầng phần cứng và phần mềm sẽ nhanh chóng được triển khai trong khối giáo dục để sớm hiện thực hóa tầm nhìn về một Innovation Hub, một môi trường giáo dục thực sự thông minh.
Từ ERP đến Smart Factory – Hành trình chuyển đổi số toàn diện
Sau 5 năm triển khai áp dụng hệ thống quản trị các nguồn lực ERP (Enterprise Resourse Planning), Tập đoàn Phenikaa đã thực sự khởi động hành trình chuyển đổi số. Sự khởi đầu với một hệ thống quản trị trên nền tảng số chuyên nghiệp và hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư bài bản đã tạo nền tảng vững chắc cho sự chuyển đổi số trong dài hạn. Các mô-đun ERP quản trị nguồn lực theo tiêu chuẩn quốc tế không ngừng được mở rộng và áp dụng cho hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn. Các mô-đun quản trị hệ thống sẽ tiếp tục được phát triển như Warehouse Management, Data warehouse, báo cáo quản trị thông minh…
Hệ thống Smart Factory kết nối thông suốt từ các tầng quản lý trong nhà máy giúp tối ưu hóa quá trình Lập kế hoạch sản xuất, cải thiện các yếu tố chất lượng, chi phí và vận chuyển giao nhận. Nhà máy Điện tử thông minh Phenikaa đã triển khai áp dụng hệ thống MES – PanaCIM, phần mềm quản lý sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực SMT, nhiều năm liền là sản phẩm được vinh danh Top 1 tại các triển lãm công nghệ, được đánh giá bởi các tổ chức hàng đầu thế giới như APEX, NPI Award. Để đảm bảo sự ổn định chất lượng sản phẩm đầu ra, giảm thiểu các lỗi chất lượng hoặc sự cố phát sinh, Phenikaa ứng dụng giải pháp hệ thống Machine to Machine (M2M) bao gồm tính năng điều khiển nâng cao APC (Advanced Process Control) và tự động sửa lỗi Auto recovery trên các máy gắn linh kiện điện tử (Mounter).
Smart Energy là một hệ thống các giải pháp công nghệ thuộc Smart Factory, tập trung chủ yếu vào chức năng quản lý – vận hành đồng bộ toàn hệ thống năng lượng của nhà máy. Hệ thống này kết hợp các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông công nghiệp, hợp nhất cơ sở hạ tầng kỹ thuật năng lượng cùng công nghệ thông tin, giúp quá trình vận hành tối ưu năng lượng của các dây chuyền thiết bị, khu vực sản xuất. Phần mềm quản lý năng lượng cho phép người quản lý vận hành thiết lập các chế độ tối ưu dựa trên các báo cáo phân tích năng lượng thông minh, đồng thời bảo trì kỹ thuật xây dựng và tự động theo dõi kế hoạch bảo trì, qua đó tăng tuổi thọ, giảm thời gian dừng của thiết bị. Smart Energy giúp Nhà máy Điện tử thông minh Phenikaa tối ưu hóa mọi nguồn năng lượng, thiết lập chế độ vận hành mang lại hiệu suất cao nhất, giảm thiểu tiêu hao năng lượng, từ đó giảm chi phí sản xuất, mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng và góp phần bảo vệ môi trường.
Giải pháp Xe tự hành công nghiệp (AGV) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả chu trình sản xuất nhờ vào tính cơ động, dễ dàng nâng cấp, mở rộng, giải quyết được những vấn đề nan giải trong việc lưu chuyển vật tư hàng hóa trong các nhà máy công nghiệp. Giải pháp xe tự hành của Phenikaa sẽ được thực hiện thí điểm đầu tiên tại Nhà máy Điện tử thông minh Phenikaa, phục vụ lưu chuyển các vật tư hàng hóa giữa các dây chuyền sản xuất và giữa dây chuyền với kho lưu trữ.
Dựa trên giải pháp tiên tiến của hãng Siemens – Luôn dẫn đầu trong các giải pháp về hệ thống điều khiển – tự động hóa trên thế giới, Trung tâm Cơ điện tử – Tự động hóa của Tập đoàn đã tích hợp và phát triển hoàn thiện giải pháp xe tự hành theo phương thức điều hướng tự nhiên, một phương thức tiên tiến nhất hiện nay cho các loại xe tự hành trong nhà máy công nghiệp. Trong tương lai, Phenikaa sẽ phát triển tính năng và tích hợp thêm các thiết bị công nghệ để xe tự hành công nghiệp ngày càng đảm nhận được nhiều công việc với độ khó và phức tạp cao hơn.
GIAI ĐOẠN 2022-2024
Để trở thành một Tập đoàn Công nghệ và Công nghiệp hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn Phenikaa tập trung đầu tư các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và sản xuất (manufacturing) trong lĩnh vực công nghệ cao, xây dựng nên một hệ sinh thái sản phẩm thông minh bao gồm nền tảng quản trị các thiết bị IoT, hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng tiến hóa theo thời gian trong việc xử lý âm thanh hình ảnh và phân tích dữ liệu lớn (Phenikaa AIoT Platform) và các sản phẩm công nghệ cao như Xe tự hành, Smart Lighting, Smart Home, Smart School, Smart University, Smart Factory, Smart Energy, Smart Security…Tích hợp Internet vạn vật (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hệ thống quản trị và trong từng sản phẩm là xu hướng tất yếu trên thế giới nhờ khả năng giải quyết các nhu cầu về quản lý, giám sát, phân tích và xử lý dữ liệu thông minh trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Nền tảng “Phenikaa AIoT Platform” tạo nên hệ sinh thái công nghệ Phenikaa, là môi trường để các sản phẩm thiết bị Smart Lighting, Smart Home và nhiều hệ thống khác mang thương hiệu Phenikaa kết nối và hoạt động. Nền tảng này cũng sẽ cho phép các đối tác bên ngoài cùng hợp tác, tham gia kết nối, sử dụng tài nguyên, đồng thời cập nhật, lưu trữ dữ liệu và phân tích dữ liệu lớn (Big data), mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng và cho các nhà phát triển ứng dụng trong tương lai gần.
Trong giai đoạn đầu, các sản phẩm công nghệ của Tập đoàn sẽ tạo ra giá trị và thương hiệu cho hai lĩnh vực sản xuất công nghiệp – công nghệ và giáo dục. Để tạo lập lợi thế cạnh tranh và nhanh chóng xác lập vị thế trở thành công ty công nghệ hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, Phenikaa xác định hai đòn bẩy hết sức quan trọng:
Thứ nhất: khai thác lợi thế thị trường toàn cầu đã thiết lập trong lĩnh vực đá nhân tạo cao cấp gốc thạch anh với việc nhanh chóng phát triển các sản phẩm công nghệ xoay quanh đời sống tiêu dùng như AIoT platform, smart lighting, smart home, assistant robot, v.v…
Thứ hai: xây dựng trường Đại học Phenikaa trở thành một trung tâm công nghệ (Innovation Hub) với năng lực phát triển một hệ sinh thái các đối tác và cộng đồng công nghệ. Trở thành một Trung tâm Công nghệ cao của Việt Nam, trường Đại học Phenikaa sẽ là nơi tạo điều kiện để diễn ra đồng thời các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm của trung tâm nghiên cứu công nghệ lõi, các hoạt động phát triển và thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao và hoạt động giảng dạy đào tạo của Trường. Hàng loạt sản phẩm công nghệ như Giáo dục thông minh, Thư viện thông minh, Ánh sáng thông minh, Văn phòng thông minh, Tòa nhà thông minh, Quản trị năng lượng thông minh, Xe tự hành… sẽ được triển khai trong khuôn viên của Trường trong giai đoạn 2020 – 2022 nhằm tạo lập môi trường khuyến khích các sáng tạo công nghệ, cung cấp một không gian sáng tạo không giới hạn cho cán bộ nhân viên của Tập đoàn và sinh viên của Trường.
GIAI ĐOẠN 2024-2025
Phenikaa – Digital Enterprise
Trong một thập kỷ tới, Phenikaa hướng tới trở thành một doanh nghiệp số toàn diện mà ở đó văn hóa số hình thành một cách tự nhiên thông qua những quy trình hoạt động được số hóa, trải nghiệm nội bộ trên nền tảng số, khách hàng tiếp cận với các sản phẩm công nghệ trên nền tảng số, chiến lược kinh doanh được chuyển hướng để dẫn đầu xu thế trong nền kinh tế số. Sự chuyển hướng đó không chỉ là một sự thay đổi, đó thực sự là một cuộc cách mạng.