Liên hệ:
024 33 685 980
truyenthong@phenikaa.com
Like
Thời tiết
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
  • Huế
  • TP Hồ Chí Minh
  • Đồng Nai
Friday, 29/03/24

Những cung đường vàng nắng

Ở tuổi 26, không phải nhà, không phải tiền tiết kiệm, càng không phải hàng hiệu hay xế sang, tài sản mà tôi tích lũy được nhiều nhất chính là hàng nghìn kilomet trên những cung đường của dải đất hình chữ S quê hương. Với tôi, mỗi chuyến đi là một lần được trải nghiệm cuộc sống nơi những vùng đất mới, có thêm những người bạn mới cùng đam mê và thêm một lần được thấy đất nước tôi đẹp biết nhường nào!

Hà Nội đang bước vào những ngày cuối cùng của mùa đông. Người người hối hả, rộn rã như cố gắng hoàn thành nốt những công việc còn dở dang trong năm, để đón chào một năm mới đến. Thế là sắp tới Tết. Những cơn gió mùa ùa về làm tôi xao xuyến nhớ lại một kỷ niệm mà năm ngoái cũng dịp này, tôi có cơ hội được trải nghiệm: Đón Tết cùng đồng bào dân tộc H’Mông ở Hà Giang.

Tết sớm ở miền Tây Bắc

Người ta bảo nhau “muốn ăn Tết sớm thì lên Tây Bắc” và chẳng chần chừ, tôi cùng mấy anh bạn lại xách ba lô lên và… đi. Đất nước ta có 54 dân tộc anh em và các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc đều có tục lệ đón xuân đặc trưng riêng của dân tộc mình. Ở Hà Giang, có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, như: Tày, Nùng, Dao, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô, Phù Lá, La Chí,… Trong đó, người Mông chiếm nhiều hơn cả. Nhưng dù là dân tộc nào thì nghi thức đón năm mới đều gửi gắm những ước muốn một năm hạnh phúc, nhiều may mắn và bình an.

Xuân về Hà Giang cũng là lúc hoa đào, hoa mận nở trắng rừng. Chúng tôi đi vào dịp cuối tháng 11 âm lịch, thời điểm trước Tết Nguyên Đán 1 tháng. Điều khiến tôi nhớ đến xuân Hà Giang nhiều nhất là núi, đá và hoa. Ngắm đắt trời chuyển mình vào xuân, tôi chợt thấy tự hào biết bao khi mình là một thành viên của PHENIKAA – Tập đoàn sản xuất đá nhân tạo thương hiệu VICOSTONE lớn thứ 4 trên thế giới. Nguồn cảm hứng để PHENIKAA sáng tạo nên những sản phẩm độc đáo, tạo tiếng vang trên thị trường cũng chính từ thiên nhiên. Biết đâu một ngày nào đó, núi non trùng trùng hùng vĩ nơi địa đầu Tổ quốc này lại trở thành nguồn cảm hứng cho dòng sản phẩm mới của VICOSTONE. Nghĩ vậy, tôi vội vàng ghi lại bức tranh trước mắt bằng chiếc máy phim của mình, hi vọng có thể níu giữ được một phần nào đó vẻ đẹp nơi đây.

Hà Giang là vùng đất của đá và hoa. Đến Hà Giang nhất định phải đến Đồng Văn, nơi được mệnh danh là “Công viên địa chất toàn cầu”. Ở đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc ngoạn mục của những “vườn đá”, “rừng đá” tai mèo giữa những dãy núi trùng điệp; những cánh đồng tam giác mạch điểm xuyết hoa đào, hoa lê đương độ nở rộ, ngập tràn cao nguyên đá. Cũng đừng quên ghé thăm làng dệt vải lanh Lùng Tám của dân tộc Mông Trắng để ngắm hai hàng đào rừng khoe sắc mỗi dịp xuân về và những ngôi nhà cổ của người Mông trong sắc hồng đào đẹp đến siêu lòng tại Phố Cáo. Đặc biệt, nếu là người yêu thích lịch sử và tìm hiểu những giá trị truyền thống, bạn đừng quên đến thăm Dinh thự nhà họ Vương – dòng họ giàu có và uy quyền nhất một thời, tọa lạc trên mảnh đất gần 3.000m2, để khám phá những giai thoại huyền bí về “Vua Mèo” và cuộc sống của người dân Hà Giang trước đây.

Tiếp nối hành trình của mình, chúng tôi đến thăm cột cờ Hà Giang – “nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của Tổ quốc”, để ngắm nhìn trọn vẹn sự hùng vĩ của đất nước mình trong tiết trời xuân. Những tia nắng chiếu xuyên qua lá cờ rộng 54m2 như đại diện cho 54 dân tộc anh em, đang bay phấp phới trên biên giới Việt – Trung. Trong lòng chợt dâng lên cảm xúc tự hào, nghẹn ngào khó tả, vì xuân nay chúng ta được sống trong hạnh phúc, tự do.

Hà Giang với những kẻ ưa xê dịch như tôi là một vùng đất khéo mê hoặc với những con đường mềm mại vắt qua lưng chừng núi. Thế nhưng, chính nó với hàng loạt khúc cua tay áo, omega, hình sin có một không hai lại như muốn thử lòng dũng cảm của bất cứ du khách nào. Càng đi, xe càng thưa thớt dần nhưng ý tưởng về bữa cơm đón Tết ấm áp bên bếp củi hồng cùng đồng bào dân tộc thúc giục chúng tôi không chùn bước.

Chúng tôi sống cùng đồng bào Mông tại Mà Lé – Homestay. Dù đã đi qua nhiều vùng miền Tổ quốc, sống cùng với đồng bào dân tộc khác nhau nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy vui, háo hức đến vậy. Chị chủ nhà sống cùng chúng tôi nói tiếng Kinh rất tốt. Trò chuyện với chị, tôi được biết người Mông đã chuẩn bị Tết trước đó cả tháng trời. Ngoài việc vỗ béo lợn gà, dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, các anh trai trong bản năng đi kiếm củi để dùng trong những ngày Tết. Các chị thì chuẩn bị cho cả nhà những bộ váy áo, vòng tay, vòng cổ rực rỡ sắc màu, đẹp nhất, lộng lẫy nhất để diện trong ngày Tết. Chị chủ nhà cũng hồ hởi khoe với tôi bộ váy dân tộc mà chị chuẩn bị cả năm nay cho Tết này. Ngoài thịt lợn, thịt gà, Tết của người dân bản không thể thiếu được chính là rượu ngô. Rượu ngô được trưng cất từ một loại ngô của địa phương, men dùng để nấu được làm từ các loại lá cây do người già lấy từ rừng về. Đối với dân tộc H’Mông, rượu không chỉ để dùng trong nhà, biếu họ hàng mà còn là một thức quà cho du khách tới đây. Tôi may mắn được thưởng thức loại rượu ngô truyền thống này. Nhấp một ngụm rượu thơm lừng cay cay, tê tê đầu lưỡi, nhâm nhi cùng món bánh dày gạo nương giã tay, thấy ấm nóng và khoan khoái đến bất ngờ.

Nhắc đến xuân vùng cao, người ta nghĩ ngay tới chợ Tết. Nhắc đến phố cổ, người ta nghĩ tới Hội An hay 36 phố phường Hà Nội, còn tôi lại dành sự ưu ái cho Đồng Văn bởi chỉ có Đồng Văn mới có phiên chợ đặc biệt đến vậy. Người dân ở khắp nơi đổ về chợ từ sáng sớm để trao đổi mua bán, có những người đi bộ hàng chục kilomet cũng chỉ để bán mớ rau, con gà, để lo cho gia đình cái Tết ấm áp hơn. Chợ Đồng Văn bán nhiều thứ song chủ yếu là nông sản của người dân nơi đây trồng được. Ấy vậy mà níu chân biết bao du khách qua nơi này.

Nguyễn Văn Lâm – Ban Tiêu chuẩn PHENIKAA

Người ta bảo nhau rằng, qua đường con đường hạnh phúc, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc! Quả đúng là như vậy. Hạnh phúc của tôi không chỉ là khi chinh phục thành công những cung đường có một không hai của Việt Nam, mà còn là được thấy những em bé dân tộc đứng vẫy tay như những người bạn chờ đón chúng tôi trên mỗi nẻo đường và đặc biệt là khi được trải nghiệm không khí đón mùa xuân trên vùng đất cao nguyên đá này.

Tạm biệt Hà Giang, tôi trở về Hà Nội, nhưng vẫn cứ lưu luyến sắc vàng trên những cung đường. Nắng vàng xuyên qua những đám mây, treo vắt vẻo trên sườn đồi đã len cả vào trong tâm trí tôi. Cung đường mà tôi đi qua là sự trải nghiệm của nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là niềm vui vì được đón xuân cùng người dân tộc Mông, là sự sợ hãi khi vượt qua những kilomet đường đèo và cảm xúc vỡ òa khi được chứng kiến cảnh đẹp hùng vĩ ngay trước mắt.

Nếu có thể, hãy đến Hà Giang những ngày đầu xuân này, bạn sẽ cảm nhận được đất nước mình đẹp biết bao nhiêu…

Nguyễn Văn Lâm – Ban Tiêu chuẩn PHENIKAA

Facebook Comments Box

Có thể bạn quan tâm

[REVIEW SÁCH] TIẾT KIỆM KHÔNG KHÓ, THEO ĐÓ MÀ GIÀU – KANTANA
Trong thời đại lên ngôi của các sàn thương mại điện tử, việc mua hàng hóa chưa bao giờ dễ…
Ngọt ngào quá Vũ Cát Tường ơi
“Từng là duy nhất mối tình bình yên đối với anhTừng là những nắm tay mềm thật ấm đối với…
Cách vượt qua áp lực học tập và điểm số
Áp lực học tập và điểm số là điều mà bất kì học sinh, sinh viên nào cũng gặp phải,…

Đơn vị thành viên Tập đoàn Phenikaa